NHNN cho biết, thực tiễn công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, hoạt động thanh tra giám sát và kết quả xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, hình sự liên quan lĩnh vực ngân hàng, NHNN và một số cơ quan chức năng đã tổng kết, chỉ ra một số vi phạm đã làm ảnh hưởng đến niềm tin công chúng.
Đây là những vi phạm đã diễn ra trong thời gian vừa qua, tập trung vào một số nội dung như: vi phạm quy định về cấp tín dụng, cơ cấu nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng; vi phạm về huy động vốn và gửi tiền; vi phạm về quản trị điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; vi phạm quy định về tỷ lệ, giới hạn an toàn; vi phạm quy định về hạch toán kế toán, quản lý tài chính...
Để thực hiện tốt các mục tiêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 13/9/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT-TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”, ngày 12/10, Thống đốc NHNN đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công an, đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan chức năng cùng gần 2.000 đại biểu là cán bộ chủ chốt của các đơn vị Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các TCTD giám đốc chi nhánh cấp 1 trong toàn quốc.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích tình hình vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng và kết quả điều tra các vụ án kinh tế, hình sự liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Cùng với việc chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; hội nghị cũng đã đưa ra các giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trong thời gian qua; các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến từ đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng, các đơn vị trong hệ thống ngân hàng cũng đã đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của ngành Ngân hàng trong công tác phòng ngừa, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống.
Trong đó, đại diện Bộ Công an đã trao đổi, cung cấp thông tin cảnh báo và đưa ra nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ với NHNN nhằm ngăn ngừa, hạn chế và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng, tại Hội nghị, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cụ thể, ngành ngân hàng phải khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành của TCTD; cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bao gồm việc xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành chính sách và các vấn đề tài chính, hoạt động, quản trị của các TCTD; kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo…
Cùng với đó, ngành Ngân hàng sẽ đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật trong ngành Ngân hàng và đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, nhân viên Ngân hàng…
Đối với các TCTD, NHNN cũng chỉ đạo người lãnh đạo đứng đầu tổ chức phải quan tâm, nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tại đơn vị; chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống kiểm tra, rà soát toàn bộ các hoạt động nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, quy định của pháp luật liên quan…
Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu vốn; ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối trong các TCTD; Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm toán nhà nước; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật…