Kết quả được ghi nhận tại Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Báo cáo cho biết, từ năm 2012 đến nay, các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.641,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Trong đó, TCTD tự xử lý ở mức cao 1.223 nghìn tỷ đồng (chiếm 74,5% trong tổng nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) 418,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5% trong tổng nợ xấu được xử lý. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 75,0 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 5,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đến cuối tháng 5/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,65% (trong trường hợp không bao gồm 3 ngân hàng mua lại bắt buộc, NHTMCP Đông Á và NHTMCP Sài Gòn, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD là 2,02%. Trong trường hợp không bao gồm 5 ngân hàng nêu trên và NHTMCP Quốc dân, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD là 1,92%), cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD là 5,46% (trong trường hợp không bao gồm 03 ngân hàng mua lại bắt buộc, NHTMCP Đông Á và NHTMCP Sài Gòn, tỷ lệ này là 3,04%. Trong trường hợp không bao gồm 5 ngân hàng nêu trên và NHTMCP Quốc dân, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD là 2,86%) so với tổng dư nợ theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ bán VAMC chưa xử lý và lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái tăng so với mức 4,21% vào cuối năm 2022.
Theo NHNN, việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới gặp khó khăn, vướng mắc do chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD có thể tiếp tục chịu áp lực từ các yếu tố như:
Diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của các TCTD.
Doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp; Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản; Thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế;
“Ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của TCTD kéo dài, kém hiệu quả”, Báo cáo cho biết.
Đáng chú ý, nguồn lực hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế. Cụ thể, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại TCTD phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.
Xung quanh vấn đề này, đặt ra giải pháp trong thời gian tới, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng kèm theo Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 02/8/2022, góp phần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các TCTD, trong đó lưu ý chất lượng tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp”, Báo cáo nhấn mạnh.