Cơ hội giảm lãi suất
Thông tin từ NHNN cho biết, trong quý I/2015, thanh khoản thị trường liên ngân hàng tiếp tục đảm bảo, lãi suất được giữ ở mức thấp và về cơ bản theo hướng ổn định. NHNN đã chủ động cung tiền ở mức hợp lý với mức tăng tổng phương tiện thanh toán đến hết tháng 3/2015 là 2,2% so với cuối năm 2014 và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. NHNN cũng chủ động trên các kênh OMO và tín phiếu, theo đó, lũy kế từ đầu năm, NHNN đã bơm khoảng 160.000 tỷ đồng qua OMO để hỗ trợ thanh khoản vào những thời điểm cần thiết.
Ngoài ra, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu 4,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn 6,5%/năm và 5,5%/năm đối với trần huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng). Qua đó, tạo tâm lý ổn định cho thị trường. Đặc biệt, việc giữ lãi suất OMO ở mức 5%/năm đối với VND giúp lãi suất này tiếp tục là ngưỡng chặn trên vững chắc.
Báo cáo đánh giá chính sách tiền tệ quý I và dự báo quý II/2015 của BIDV nhận định, trên cơ sở thanh khoản thị trường liên ngân hàng được đảm bảo, lãi suất tiếp tục theo chiều hướng giảm và ổn định.
So sánh giữa 2 thời điểm cuối năm 2014 và tháng 3/2015 có thể thấy, cả lãi suất huy động và cho vay của các TCTD tiếp tục theo xu hướng giảm. Trước hết đối với lãi suất huy động VND, nhìn chung đã giảm 0,05 - 0,9 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn trong tháng 3; kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được nhiều ngân hàng áp dưới mức trần 5,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng bình quân ở mức 6,2 - 6,5%/năm, tương ứng giảm 0,075 điểm phần trăm và 0,19% điểm phần trăm so với cuối tháng 2.
Chẳng hạn, lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại SCB kể từ ngày 13/4/2015 giảm đến 0,3% ở nhiều kỳ hạn khác nhau so với thời điểm trước đó. Tại VPBank, biểu lãi suất huy động vốn bằng VND dành cho khách hàng cá nhân áp dụng cuối tháng 3 cũng giảm cao nhất đến 0,2% ở các kỳ hạn khác nhau so với trước…
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay VND trung bình trên toàn hệ thống tuy hầu như không đổi, nhưng lãi suất trung, dài hạn tại khối NHTM có gốc quốc doanh đã giảm 0,5 điểm phần trăm so với tháng 1/2015. Nếu so với cùng kỳ năm 2014, lãi suất cho vay tháng 3 đã giảm 1,5 điểm phần trăm (đối với lãi suất ngắn hạn) và 1 điểm phần trăm (đối với lãi suất trung và dài hạn).
Thông tin từ NHNN cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường ở mức 7 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Mức giảm là 50 điểm phần trăm
Báo cáo về tình hình kinh tế quý I/2015 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm, trong năm 2015, lãi suất cần được xem xét trong dư địa cho phép của lạm phát.
Đồng quan điểm này, khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản Báo cáo Kinh tế vĩ mô -Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 4/2015: Đoạn đường dài vẫn còn phía trước nhận định, lạm phát đứng ở mức 0,9% trong tháng 3 so cùng kỳ năm trước dù Chính phủ đã tăng giá điện lên thêm 7,5%. Ngay cả khi áp lực giá cả được kỳ vọng sẽ tăng trong nửa cuối năm 2015, chúng tôi kỳ vọng chỉ số CPI sẽ nằm trong mục tiêu dưới 5%. Lãi suất trên thị trường mở OMO hiện đang ở mức 5%/năm và vẫn còn cơ hội cho NHNN giảm các mức lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Các mức lãi suất thực đang ở mức cao trong lịch sử và chúng tôi dự đoán lãi suất trên thị trường mở OMO giảm thêm 0,5%, xuống còn 4,5%/năm.
Khối nghiên cứu của BIDV cho rằng, trên cơ sở dự báo lạm phát cả năm thấp do ảnh hưởng của việc giá dầu tiếp tục xu hướng giảm trên thị trường thế giới, NHNN có thể giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn 50 điểm cơ bản trong quý II từ mức trần 5,5%/năm hiện tại. Theo đó, các NHTM sẽ có dư địa để hạ lãi suất cho vay trong quý II/2015, với mức giảm kỳ vọng là 0,5 - 1 điểm phần trăm.
“Với điều kiện lạm phát thấp, NHNN xem xét giảm trần lãi suất huy động thêm 0,5 - 1% nhằm tạo hiệu ứng về nới lỏng tiền tệ, đồng thời điều hành tín dụng theo hướng mở rộng đi đôi với chất lượng, hiệu quả và tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như nông nghiệp, bất động sản…”, BIDV đề xuất.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, những yếu tố đột biến từ trung tuần tháng 3 vừa qua như giá điện, xăng dầu tăng, đặc biệt là sức ép từ tỷ giá tăng sẽ khiến các ngân hàng cân nhắc việc giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn có xu hướng giảm so với trước nhưng nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng.
“Gửi tiền tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn với lãi suất thực dương trong bối cảnh lạm phát hiện nay thấp. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất huy động VND và ngoại tệ vẫn đảm bảo mức hấp dẫn. Đặc biệt, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… chưa thực sự khởi sắc. Do vậy, dự báo NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất 0,5% trong quý II/2015”, vị Tổng giám đốc trên nói.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) nhận định, cầu tín dụng và cầu của nền kinh tế còn yếu trong năm 2014. Giải pháp hạ mặt bằng lãi suất tạo một số tác động tích cực và tới đầu năm 2015, nhu cầu trong nước đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, dư địa của chính sách tiền tệ còn rất ít trong việc kích cầu. Chúng ta cần các giải pháp căn cơ hơn như cải cách các doanh nghiệp quốc doanh, cải cách hành chính và cuối cùng là cải cách đầu tư công.