Lãi suất ổn định, tỷ giá giảm
Về tổng thế, NHNN cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cơ quan này đã điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện để ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ ổn định tỷ giá và việc phát hành trái phiếu chính phủ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Mặc dù có áp lực tăng, nhưng theo NHNN, với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của mình, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng nhanh.
Đặc biệt, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng khoảng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm, đã được một số TCTD điều chỉnh giảm và mặt bằng lãi suất về cơ bản tiếp tục diễn biến ổn định.
Đối với lãi suất cho vay, theo NHNN, mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ trong những tháng đầu năm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD vẫn tương đối ổn định. Từ cuối tháng 4/2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.
Tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm và tương đối ổn định trên mặt bằng mới quanh tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN (22.300 VND/USD), thấp hơn khoảng 0,8% so với cuối năm 2015 và thấp xa so với tỷ giá trần.
"Thanh khoản thị trường tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống TCTD mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế, nhờ đó, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Ngày 24/6, mặc dù thị trường tài chính thế giới biến động mạnh do sự kiện Brexit, nhưng tỷ giá USD/VND chỉ tăng nhẹ do tác động tâm lý", một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết.
4 giải pháp trọng tâm
Trong những tháng cuối năm, NHNN cho biết, sẽ bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27/01/2015, Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát. Trong đó, cơ quan này sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay;
Thứ hai, kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD đảm bảo an toàn, hiệu quả; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Thứ ba, tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hằng ngày phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, theo dõi sát diễn biến thị trường, vốn khả dụng của các TCTD, kế hoạch phát hành, giải ngân TPCP để chủ động, kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ.