Tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế
Theo số liệu của NHNN, tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021. Con số này thấp hơn định hướng tăng trưởng tín dụng 15,5 - 16% mới được điều chỉnh vào đầu tháng 12.
Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc Tú cho biết, trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.
Trong đó, việc điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Tín dụng được hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.
Năm 2023, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng tăng 13,7%, huy động vốn tăng 10%. Trên 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận năm nay tiếp tục tăng trưởng dương, theo kết quả khảo sát của NHNN vừa được công bố.
Cụ thể, theo đánh giá của các tổ chức tín dụng (TCTD), nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý IV/2022 và năm 2022 tiếp tục cải thiện nhưng chưa đạt được mức kì vọng, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện rõ nét nhất, đặc biệt là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.
Đồng thời, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý I/2023, nhưng tốc độ tăng chậm lại trong năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Các TCTD nhận định thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022 tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, mặc dù có thu hẹp so với quý trước. Thanh khoản năm 2022 – theo các TCTD – không được như kỳ vọng.
Về huy động vốn, các TCTD kỳ vọng huy động vốn quý I/2023 sẽ tăng bình quân 2,9% và trong năm 2023 sẽ tăng 10%, mức tăng này khiêm tốn hơn kỳ điều tra trước đó.
Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Chỉ đạo các TCTD cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất, hỗ trợ khách hàng
Phó Thống Đào Minh Tú nhận định, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh.
Khẳng định điều hành lãi suất và tỷ giá là một trong những nội dung trọng tâm của điều hành CSTT, Phó Thống đốc cho rằng chính sách của các nước lớn, đặc biệt là của Mỹ trong vấn đề tăng lãi suất và thực hiện CSTT thắt chặt đến mức độ nào hoặc nới lỏng bớt đi bao nhiêu… đều được NHNN nghiên cứu và đánh giá.
Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cũng theo Thống đốc Tú, việc điều hành lãi suất và tỷ giá của NHNN trong năm 2023 này trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.
"Nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn", Phó thống đốc nói.
Trong điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc Tú cho biết, NHNN sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ.
Đồng thời, đảm bảo nguồn lực mà Chính phủ, các doanh nghiệp đang vay ở nước ngoài, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp khi tỷ giá có những biến động, hạn chế tâm lý kỳ vọng của thị trường.
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023 mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhận định: Chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Mặt bằng lạm phát, lãi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn vẫn sẽ tiếp tục duy trì trên toàn cầu. Do đó, áp lực lạm phát nhập khẩu và tỷ giá là rất lớn trong năm 2023. Vì vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét rất cẩn trọng, nhưng không có nghĩa cứng nhắc.
Tuy nhiên, theo ông Quang, NHNN luôn có thông điệp rõ ràng với thị trường, luôn hỗ trợ cung ứng vốn đẩy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát và luôn lấy kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tín dụng.
Ngoài ra, nhìn vào cấu trúc kinh tế Việt Nam, rất nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo tổng dư nợ trên GDP đã lên rất cao, cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. Với tốc độ GDP tăng khoảng 6-7% hàng năm mà chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12% sẽ gây áp lực rất lớn tới an toàn hệ thống tài chính.
Giới phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ tăng trưởng tín dụng tăng thấp so với định hướng mới là vì năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau thời kỳ đại dịch vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cao hơn cũng làm giảm nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, ngân hàng siết chặt các quy định kiểm soát rủi ro khiến việc tiếp cận tín dụng không dễ dàng, đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.