NHNN đã có những cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau bằng lãi suất

NHNN đã có những cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau bằng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp hoạt động không thiếu vốn bởi được các ngân hàng cho vay đảm bảo vận hành tốt, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở những câu chuyện khác...

Vướng mắc chuỗi liên kết

Tại Hội nghị về “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức ngày 15/9/2023 tại TP. Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp chất lượng cao Trung An (Cần Thơ) nói: “Thời điểm hiện nay, Công ty hoạt động không thiếu vốn bởi được các ngân hàng cho vay đảm bảo hoạt động tốt. Nhưng gần 20 năm nay chưa lúc nào doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, thậm chí có lúc ngân hàng còn phải xếp hàng chào mời’.

Ông Bình còn cho biết thêm, một số doanh nghiệp ông quen biết hiện còn thừa vốn vì sản xuất khó khăn không biết vay vốn để làm gì.

Đồng quan điểm này, tại sự kiện, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN đã đề cập đến một doanh nghiệp thủy sản lớn là Tập đoàn Minh Phú, để minh chứng cho việc doanh nghiệp hiện khó trong tiêu thụ sản phẩm.

“Minh Phú là tập đoàn tôm lớn có hơn 20 cơ sở sản xuất kinh doanh, có những thời điểm rất phát triển, hoạt động tốt, nhưng hiện tại, hàng xuất sang nước bạn, mà bên đó không tiêu thụ được. Dù khách hàng không hủy hợp đồng, nhưng do không tiêu thụ được nên chưa nhận hàng, mà nhờ doanh nghiệp “bảo quản hộ”. Điều này cho thấy khó khăn vốn có từ những năm trước và vẫn đang diễn ra trong hiện tại”, Phó Thống đốc nói.

Mặc dù không thiếu vốn lưu động, nhưng ông Phạm Thái Bình cho biết, thiếu vốn để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

“Tôi mong muốn các ngân hàng tư duy về việc cho vay để phát triển theo chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo và thủy sản thì cả khu vực mới phát triển…”.

Cũng xung quanh vấn đề chuỗi giá trị, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho biết, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp gia tăng về vốn không ngừng trong khi thời hạn vay tối đa cho doanh nghiệp lúa gạo chỉ 6 tháng là quá ít. Với những doanh nghiệp tham gia vào gần như toàn bộ chuỗi sản xuất lúa gạo như Lộc Trời, nếu tính cả quy trình sản xuất giống và lúa gạo thương phẩm thì dòng vốn mất ít nhất 12 tháng trở lên.

“Cần có những chính sách nới rộng về hạn mức cho doanh nghiệp liên kết với nông dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp hỗ trợ nông dân trong liên kết bao tiêu”, ông Hạo Nhiên nói.

Còn theo ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau), mùa vụ chính tôm quảng canh vào tháng 3 – 6. Với doanh nghiệp mua tôm theo mùa vụ thì đây là thời điểm rất cần tiền thu mua, tiêu thụ sản phẩm của người nông dân, nhưng đôi khi lại vướng phải hạn mức của ngân hàng nên doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong khi đó, có thời điểm không cần nguồn vốn thì tiền lại rất dồi dào dẫn đến tình trạng giá tôm chính vụ không bán được cho doanh nghiệp nên người nông dân bán ra ngoài “rẻ như khoai lang”.

“NHNN cần có chính sách tháo gỡ, chỉ đạo các NHTM cần có sự linh hoạt hơn", ông Hiển kiến nghị.

Các ngân hàng nói gì?

Tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, 15 năm qua dư nợ lĩnh vực lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL tăng trung bình 22%/năm, cao hơn mức tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm của cụm ĐBSCL. Đến 31/8/2023 đạt 56.667 tỷ đồng, chiếm 40% tổng dư nợ cụm địa bàn. Cụ thể, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo tại ĐBSCL đạt 22.023 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Dư nợ lĩnh vực thuỷ sản đạt 34.645 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

Tổng giám đốc BIDV cũng cho biết, Ngân hàng đã tìm cách giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay bằng cách giảm lãi suất đầu vào, tiết giảm chi phí hoạt động và tìm các nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Theo đó, nhờ việc giảm lãi suất huy động vốn và tiết giảm chi phí hoạt động, BIDV đã 4 lần giảm lãi suất cho vay trong 8 tháng đầu năm 2023. Riêng trong tháng 8/2023, lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm 1% so với tháng trước.

“Tại địa bàn ĐBSCL, trong 8 tháng đầu năm 2023, BIDV đã giảm lãi suất hơn 22.000 khách hàng với tổng số tiền lãi đã giảm là 163 tỷ đồng, trong đó, đối với ngành lúa gạo và thuỷ sản là 50 tỷ đồng với mức giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm”, ông Lâm cho biết.

Đáng chú ý, ông Lâm cho biết, Ngân hàng đã chủ động xây dựng và triển khai các chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các Chính sách của Chính phủ, BIDV xây dựng các chính sách riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản như: Chính sách thu mua và tạm trữ thóc gạo; tín dụng chuỗi cung ứng lúa gạo, thuỷ sản…

“Đồng thời, đẩy mạnh tài trợ để hình thành các chuỗi liên kết giữa Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học – Nhà nông hiệu quả”, ông Lâm nói.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, đơn vị giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông” cho biết, dư nợ cho vay của ĐBSCL 8 tháng 2023 đạt 232.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ của Agribank, tăng 12.000 tỷ đồng (+5,5%) so với năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn quốc (toàn hệ thống Agribank tăng trưởng 2,4%). So với các khu vực khác, ĐBSCL hiện đang là khu vực có mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất của Agribank với doanh số cho vay 8 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 238.000 tỷ đồng, cao hơn 22.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, về lĩnh vực lúa gạo, tính đến cuối tháng 8/2023, tổng dư nợ đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2022 (tỷ lệ tăng trưởng 3%). Tại ĐBSCL, dư nợ cho vay lúa gạo đạt hơn 27.000 tỷ đồng với gần 33.000 khách hàng, là khu vực cho vay lúa gạo lớn nhất cả nước với tỷ trọng 48%, tăng 2.500 tỷ đồng (+9,7%) so với cuối năm 2022.

Về lĩnh vực thuỷ sản, đến 31/8/2023, tổng dư nợ của Agribank đạt 67.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng trưởng 4,4%). Tại ĐBSCL, dư nợ cho vay lĩnh vực thuỷ sản đạt hơn 32.000 tỷ đồng với gần 77.000 khách hàng, tăng 2.100 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,06% so với đầu năm. Là khu vực cho vay lĩnh vực thuỷ sản lớn nhất cả nước với tỷ trọng 48,3%.

“Đặc biệt, tháng 5/2023, Agribank đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ chủ trì, nhất là Chương trình phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, bà Bình chia sẻ.

Cần sự phối hợp

Tại Hội nghị, ông Ngô Minh Hiền kiến nghị: “Tiền là một vấn đề, còn lãnh đạo các tỉnh cũng cần xem xét cơ chế tìm kiếm đối tác, thị trường cho doanh nghiệp”.

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) phát biểu tại Hội nghị

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) phát biểu tại Hội nghị

Còn ông Nguyễn Tấn Viễn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long và Công ty Thức ăn chăn nuôi Putin cho rằng, để thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng, Nhà nước cần có chính sách tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trong đó, thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, các giải pháp về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, khi đó doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn ngân hàng.

“Doanh nghiệp không chỉ cần vốn vay, lãi suất thấp, mà còn đang cần cả lãnh đạo các tỉnh rốt ráo hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường khai thác mới”, Giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời nói.

Tổng giám đốc BIDV nói: "Để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp của các TCTD, rất cần sự vào cuộc của các Bộ, Ngành, địa phương cũng như nỗ lực của chính các doanh nghiệp".

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngoài chính sách chung, NHNN sẽ tập trung vốn, không để thiếu vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề thu mua, chế biến, tạm trữ lúa gạo đặc biệt là xuất khẩu. Kể cả bằng tiền đồng cũng như cơ chế cho vay bằng ngoại tệ đối với những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ. Các chính sách đưa ra làm sao để tranh thủ được các lợi ích tối đa, nhất là đối với lúa gạo xuất khẩu.

“NHNN đã có những cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau bằng lãi suất, giúp doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất thấp hơn. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu các ngân hàng không chỉ chủ động hạ lãi suất mà bắt buộc phải hạ lãi suất để cạnh tranh, giữ chân các khách hàng tốt”, Phó Thống đốc nói.

Bên cạnh đó, ông Tú cho biết, NHNN sẽ cùng chính quyền địa phương, Hiệp hội các doanh nghiệp, tập đoàn tìm hướng tháo gỡ khó khăn về lãi suất, thủ tục, sự linh hoạt của các NHTM đối với vấn đề cho vay, nhất là cho vay có tính chất thời vụ gắn với nông nghiệp nông thôn.

“Hội nghị hôm nay cùng với giải pháp của NHNN thì thời gian tới sẽ tạo điều kiện, cởi mở, mạnh mẽ hơn cho các NHTM, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp tăng trưởng tín dụng”, ông Tú nói.

Tin bài liên quan