Dự kiến, trong tháng 9/2011, NHNH sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định mới quản lý thị trường vàng thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP. Theo đó, về cơ bản, Dự thảo Nghị định đáp ứng được các mục tiêu của Nghị quyết 11, cụ thể:
- Về sản xuất vàng miếng: NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Về nguyên tắc, đây là hoạt động hạn chế kinh doanh và cần được quản lý chặt chẽ. Do đó, tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, NHNN sẽ tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng nhưng sẽ rất hạn chế.
- Về lưu thông vàng miếng: NHNN chỉ cho phép một số doanh nghiệp và TCTD có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng được thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc quản lý hoạt động mua bán này.
- Về xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu: NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.
- Về sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ: NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Riêng hoạt động gia công nhỏ lẻ của cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mà được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Về mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ một số điều kiện theo quy định tại Nghị định nhưng không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
- Xây dựng cơ chế phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành chủ yếu về việc quản lý chất lượng và kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng.
Ngân hàng nhà nước đã tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Đây là các yếu tố đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước can thiệp hiệu quả trên thị trường vàng, chống hoạt động đầu cơ lũng đoạn giá vàng, đảm bảo được các mục tiêu của Nghị quyết 11/NĐ-CP.