“Vào - ra” phải khéo
Lịch sử thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư rơi vào thế khó ứng xử với tài khoản, giữ hay xả khi VN-Index ở ngưỡng 1.200 điểm, vì chỉ số có các đợt trồi sụt trước và sau ngưỡng này như năm 2018, 2021, 2022. Năm 2023, thị trường đi ngang trong vùng 1.000 - 1.100 điểm và từ đầu tháng 6 đến nay dần dần tiến lên, cuối tuần qua đạt hơn 1.232 điểm.
Gần đây, VN-Index biến động khá mạnh, bởi một bên chốt lời, một bên canh mua. Điểm tích cực là lực cầu trong các phiên giảm giá vẫn cao, giúp giao dịch diễn ra sôi động và không ít cổ phiếu bật tăng trở lại ngay trong phiên.
Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ngắn hạn, số lượng nhà đầu tư giá trị chiếm tỷ trọng thấp. Để “vào - ra” hợp lý trong các giai đoạn thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư ngắn hạn cần nắm bắt được diễn biến chính sách vĩ mô để biết ngành nào hưởng lợi, ngành nào không, đồng thời hiểu về các chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường chứng khoán nhằm nhận diện thời điểm hưởng lợi của các ngành.
“Nhà đầu tư có thể tham khảo các chu kỳ trước, nhìn vào lịch sử thị trường để đưa ra các giải pháp đầu tư phù hợp. Trường hợp có sự lệch pha trong phán đoán thì cần có giải pháp phân bổ tài khoản hợp lý, hạn chế dùng đòn bẩy ký quỹ (margin), chia tài khoản ra nhiều phần khác nhau và tối thiểu phân bổ vào 5 mã cổ phiếu, thuộc ít nhất 3 ngành, để một ngành bị “lệch sóng” thì còn có các ngành khác hỗ trợ tăng trưởng”, ông Phục nói.
Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng, giai đoạn hiện tại đang ủng hộ cho việc lướt sóng. Nhà đầu tư nên mua - bán theo diễn biến thị trường, nhưng cần có tầm nhìn dài hạn cả về thị trường chung và nội tại doanh nghiệp để lựa chọn doanh nghiệp không có nhiều rủi ro về kinh doanh hay pháp lý, qua đó hạn chế nguy cơ thua lỗ nếu giá có các nhịp giảm trong ngắn hạn.
“Đừng để tiền rơi”
Ông Đỗ Nam Khoa, nhà môi giới chứng khoán tại Công ty Chứng khoán DSC nêu quan điểm, việc “vào - ra” trong các thời điểm “nhạy cảm” như hiện nay là rất quan trọng. Nhà đầu tư nên tránh tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội dẫn tới mua đuổi.
“Năm nay, nhịp sóng vừa rồi là tốt nhất, cơ hội cho nhà đầu tư không còn nhiều ở những tháng cuối năm. Cá nhân tôi chủ yếu đang chờ thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh và định hình rõ xu hướng rồi mới có hành động cụ thể”, ông Khoa chia sẻ.
Ông Khoa đánh giá, VN-Index đã tăng khá mạnh so với đầu năm và có những cổ phiếu ghi nhận mức tăng cao hơn nhiều chỉ số chung, những cổ phiếu đó mà “nhập hàng” vào giai đoạn này sẽ rất chông chênh. Nhà đầu tư chỉ nên tham gia với tỷ trọng nhỏ và xác định phải “đánh nhanh, rút gọn”.
Điều quan trọng nhất với các nhà đầu tư ngắn hạn là phải quan sát thị trường liên tục, nhìn cả ngắn hạn và dài hạn để “vào - ra” linh hoạt. Đặc biệt, tránh trường hợp thấy thị trường sôi động nên bị cuốn theo. Điển hình nhất là chốt lời xong, nhưng giá tiếp tục tăng nên mua lại ở mức giá cao hơn, khi giá điều chỉnh sâu, nhà đầu tư sẽ bị “về mo”, tức lỗ hết khoản lãi trước đó.
“Quan trọng là kiên trì, tuân thủ kỷ luật. Chốt lời rồi thì phải giữ được lợi nhuận, đó là điều quan trọng nhất”, ông Khoa nhấn mạnh.
Với mặt bằng định giá cổ phiếu không còn rẻ, DSC khuyến nghị, nhà đầu tư cần giao dịch cẩn trọng hơn, với 4 tiêu chí: đa dạng hoá danh mục nhằm tránh rủi ro tập trung; chỉ mua các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt; không mua đuổi; duy trì một lượng tiền mặt nhất định (khoảng 20%) để sẵn sàng mua khi thị trường điều chỉnh.
Nhận định về diễn biến VN-Index trong tháng 8/2023, Công ty Chứng khoán An Bình cho rằng, thị trường sau khi rung lắc và dòng tiền xoay chuyển giữa các dòng cổ phiếu thì chỉ số có thể tiến tới mốc 1.250 - 1.255 điểm, sau đó là 1.276 - 1.284 điểm. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 1.195 - 1.265 điểm trong tháng 8/2023.