Nguyễn Phong Vũ, một nhân viên môi giới bất động sản tại TP.HCM đã mở đầu câu chuyện bằng lý lẽ đó khi trao đổi về thị trường địa ốc trong thời gian tới.
Vũ (quê ở Bình Thuận) vào TP.HCM học tập và chính thức chuyển sang kinh doanh bất động sản đã được gần chục năm. Với kinh nghiệm nhiều năm và khả năng nói chuyện duyên dáng, Vũ luôn được vinh danh là “Best sale” của công ty vào mỗi dịp tổng kết cuối năm.
Nhưng năm nay hoàn toàn trái ngược, theo lời kể của Vũ, cả năm qua anh sống chủ yếu bằng tiền gửi tiết kiệm từ trước đó. Việc kinh doanh gặp khó khăn và gần như không bán được sản phẩm nào thành công.
“Có trường hợp khách đồng ý mua rồi đột ngột hủy ý định, thậm chí có người đã đặt cọc rồi còn đòi lại tiền cọc. Chưa kể, có không ít khách hàng đang thanh toán theo tiến độ thì đề nghị thanh lý vì ngân hàng không giải ngân nữa”, Vũ kể.
Thực ra, đây chẳng phải là câu chuyện của riêng Vũ, mà là tình hình chung của cả thị trường. Với môi giới đã vậy, nhưng với các chủ đầu tư, các doanh nghiệp lớn còn khủng khiếp hơn nhiều. Có không ít doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm lương và cắt thưởng nhân viên dịp cuối năm…
Thế nhưng, khi được hỏi về tương lai của thị trường bất động sản trong thời gian tới thế nào, Vũ không ngần ngại mà cho rằng, bất động sản vẫn sẽ luôn là ngành “hot”.
Bởi theo quan điểm của Vũ, ai trong chúng ta cũng muốn an cư, hay ít nhất có một nơi nào đó là của riêng ta và gia đình ta. Chẳng ai lại muốn lưu lạc, long đong mãi và cũng chả ai lại muốn ở trọ mãi.
Người nghèo thì cố làm cho khá, khá lại cố dành dụm ít tiền để mua một căn hộ, hay một căn nhà, một mảnh đất. Nơi che mưa che nắng cho mình và người thân. Người giàu thì muốn đầu tư, muốn sở hữu thật nhiều đất đai.
Nếu có gia đình thì cũng muốn mua thêm vài căn nhà, ít mảnh đất cho con cái sau này. Trường hợp chưa có gia đình thì cũng không muốn phải ngập ngừng khi bạn gái bạn hỏi: “Chúng ta lấy nhau về rồi ở đâu?”.
“Nói như vậy để thấy nhu cầu về bất động sản sẽ không hề giảm. Người chưa có mua để có, người có mua để có thêm và nhà kinh doanh lại mua để sinh lợi nhuận”, Vũ nói và ví von rằng, nhu cầu bất động sản, nhà cửa đất đai cũng như những cơn sóng biển. Do đó, những cơn sóng trên mặt có lúc to lúc nhỏ khác nhau, nhưng những con sóng ngầm thì lúc nào cũng có.
Nhu cầu về bất động sản luôn có, chỉ cần tháo đúng điểm nghẽn, thanh khoản thị trường sẽ tăng trở lại. |
Quả thực, nhu cầu sở hữu bất động sản thì vẫn luôn hiện hữu, nhưng thị trường đang rất khó khăn. Sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, trong khi thừa nhà ở cao cấp. Mặt khác, giá nhà tăng liên tục, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Để gỡ khó cho thị trường, thời gian qua, Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt và kịp thời. Điều này tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản. Cụ thể, bên cạnh việc yêu cầu sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành, chào bán trái phiếu riêng lẻ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác gỡ khó cho thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng, các Tổ phó và thành viên là lãnh đạo nhiều bộ, ngành khác. Ngoài ra, Thủ tướng còn ban hành 3 công điện liên tiếp vào giữa tháng 12/2022 với các chỉ đạo quyết liệt, sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp trong việc rà soát khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Nguồn vốn cho thị trường bất động sản sẽ được cung ứng đầy đủ theo mục tiêu, linh hoạt và nhịp nhàng hơn. Đặc biệt, yêu cầu về việc giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật sẽ được đặt lên hàng đầu.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tâm lý của doanh nghiệp và thị trường đang dần được phục hồi và vững tâm hơn để vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
“Động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, cam kết của ngân hàng về hạ lãi suất… sẽ góp phần ‘phá băng’ thị trường địa ốc, khơi thông thanh khoản, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Đồng thời, hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn trong thời gian tới”, ông Phi, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM chia sẻ.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng, thị trường bất động sản cần phải điều chỉnh, đó là trò chơi đầu cơ đừng say mê quá. Đầu cơ không xấu, nhưng nếu quá đà thì sẽ tác động tiêu cực đến thị trường địa ốc. Một nền kinh tế cần phải chuyển đổi từ đầu cơ sang đầu tư. Đồng thời, thị trường cũng phải tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà. Khi đó, bất động sản mới có tương lai, có độ vững chắc dài hạn tốt hơn.
Với nhân viên tuyến đầu như Vũ, anh tin rằng, sau cơn mưa trời lại sáng. Với các động thái hỗ trợ tích cực từ Chính phủ sẽ đem lại niềm tin cho thị trường.
“Có niềm tin, cuộc sống sôi động sẽ sớm trở lại”, Vũ khẳng định và nói vui rằng, năm con mèo này chắc anh sẽ “vất vả” sau một năm “rất an nhàn”.