Kỳ vọng chính sách mới
Hai dự thảo chính sách được thị trường mong chờ là giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho tới hết năm 2023 và cho phép ngân hàng thương mại giãn nợ tối đa 1 năm với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh.
Thuế được giảm sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. Còn nợ được giãn sẽ giúp giảm áp lực nợ vay đối với các doanh nghiệp, từ đó làm tăng nhu cầu tín dụng, tạo động lực khơi thông dòng tiền, kích cầu nền kinh tế.
DSC kỳ vọng, cả 2 dự thảo chính sách trên sẽ được thông qua trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
VN-Index có thể điều chỉnh lành mạnh
Chỉ số VN-Index vừa có tuần điều chỉnh thứ ba liên tiếp, đi ngược sự vận động tích cực của thị trường chứng khoán thế giới, xuống 1.042,9 điểm, giảm 0,95% so với cuối tuần trước đó. Dưới góc nhìn thận trọng giữa bên mua và bên bán trong mùa công bố kết quả kinh doanh dự báo kém khả quan trong quý I/2023, thị trường hình thành mẫu nến búa ngược, biến động giao dịch nhỏ cùng với thanh khoản sụt giảm.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Độ rộng thị trường ghi nhận đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình như nông nghiệp, thủy sản, than... Tuy nhiên, dòng tiền có phần thờ ơ với nhóm ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30, kéo theo áp lực điều chỉnh cho chỉ số chung.
Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại không thay đổi góc nhìn bán ròng, âm 320 tỷ đồng trong tuần qua. Trên biểu đồ ngắn hạn, cách đóng cửa điều chỉnh mạnh về cuối phiên của chỉ số tiếp tục gây áp lực cho những phiên giao dịch đầu tuần này.
Trong trường hợp điều chỉnh, chỉ số có thể sớm tiệm cận vùng hỗ trợ đường xu hướng 1.020 - 1.040 điểm. Biên độ điều chỉnh trong tuần qua đã thu hẹp đáng kể so với tuần trước đó và phản ánh lực bán không còn quyết liệt, DSC dự báo, VN-Index sẽ xuất hiện nhịp “rũ bỏ” (wash-out), qua đó thu hút dòng tiền trở về nhóm cổ phiếu lớn, dẫn dắt thị trường thoát khỏi đà giảm ngắn hạn hiện tại.
Chiến lược hành động mà DSC khuyến nghị là chờ đợi phiên điều chỉnh đáng kể để dòng tiền lớn bắt đáy được kích hoạt. Đây sẽ là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư bắt đầu giải ngân với những cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng trong những quý tới.
Ngành đường đón vị ngọt từ thế giới
Giá đường thế giới ghi nhận đà tăng liên tiếp trong 1 tháng qua, với mức tăng gần 20%, lên 25 cent Mỹ mỗi pound. Đây là mức giá cao nhất trong 11 năm, nhưng giá đường vẫn có khả năng tăng thêm, do nguồn cung bị thắt chặt bởi thời tiết khắc nghiệt và những lo ngại trong yếu tố sản xuất.
Đáng chú ý, Ấn Độ là quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới (sau Brazil), nhưng mới đây, Hiệp hội Thương mại đường Ấn Độ đã cắt giảm ước tính sản lượng gần 3% cho niên vụ từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023 do mưa trái mùa ở Maharashtra, nơi chiếm hơn 1/3 sản lượng đường cả nước. Rủi ro về pha thời tiết Elnino cũng sẽ tác động lên nguồn cung tại châu Á trong trung và dài hạn.
Một yếu tố khác củng cố giá đường là quyết định cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng/ngày của OPEC+, nên dự kiến Brazil sẽ sử dụng 56,4% lượng mía trong niên độ 2022 - 2023 để sản xuất ethanol, tạo ra nhiên liệu sinh học thay vì đường thực phẩm. Trong khi đó, diện tích trồng mía tại nước này dự kiến giảm 1,3%, do nông dân chuyển sang trồng ngô, đậu tương.
Yếu tố thời tiết tiếp tục ảnh hưởng khi hiện tượng La Nina dự báo sẽ xuất hiện năm thứ 3 liên tiếp tại miền Trung Nam Brazil, dẫn đến khó khăn trong sản xuất đường do hạn hán khắc nghiệt và sương giá. Brazil sẽ cần có thời gian để khôi phục cây trồng về mức bình thường trong niên vụ tới.
Giá đường trong nước có xu hướng tăng theo giá đường thế giới, các doanh nghiệp ngành đường trên sàn đều hưởng lợi, có thể kể đến LSS, SBT, QNS, SLS. Đa số các mã cổ phiếu đường tăng giá từ 15 - 30% nên có thể sẽ xuất hiện động thái chốt lời ngắn hạn. DSC khuyến nghị, nhà đầu tư tham gia giải ngân trở lại khi cổ phiếu ngành đường có nhịp điều chỉnh.