Nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp

Nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp

(ĐTCK) Trước thực trạng số DN thành lập mới xấp xỉ số DN ngừng hoạt động, giải thể năm 2012 và quý I/2013, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ cho rằng, khó khăn của DN ngày càng chồng chất.

Từ góc nhìn vĩ mô…

Dẫn số liệu quý I/2013, số DN thành lập mới so với số ngừng hoạt động, giải thể xấp xỉ bằng nhau (15.700 và 15.300) và năm 2012 cũng vậy (trên 54.291 DN giải thể, phá sản so với 69.874 DN thành lập mới), ông Thụ nhìn thẳng vào sự thật khi cho rằng: “Khó khăn của khối DN như chồng chất hơn. Dù có chiều hướng phục hồi, nhưng khả năng thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới, đặc biệt là chính sách của Việt Nam đối với việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của DN”.

Theo ông Bùi Đức Thụ, khó khăn lớn nhất của DN là vốn và thị trường, chứ không phải là thuế suất. Để tháo gỡ khó khăn này, việc đầu tiên là phải giải quyết vấn đề tín dụng, tiếp theo đồng bộ các giải pháp trong Nghị quyết 02/NQ-CP. “Nếu còn dùng dằng, DN phá sản hàng loạt, không những không đạt được mục tiêu tăng trưởng hợp lý mà giải quyết vấn đề xã hội còn nặng hơn rất nhiều”, ông Thụ nói.

Cũng nói về khó khăn của DN, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm nhận định, tình trạng DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động chưa có dấu hiệu giảm. Quan trọng hơn là cách thức, phương án vực dậy DN chưa có điểm sáng. Lòng tin của DN đối với kinh tế thị trường, điều hành, quản lý xã hội giảm sút. Tình trạng chán nản, buông xuôi, thúc thủ đã xuất hiện trong cộng đồng DN khi một bộ phận không thấy lối ra, quá bế tắc.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ tháng 4 tiếp tục nhắc lại nội dung, khẩn trương trình Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể hóa Nghị quyết 02/NQ-CP. “Nếu bây giờ mới khẩn trương trình thì chắc là trình được phải vào cuối quý II, ban hành và triển khai chính sách phải sang quý III và như vậy thì phải đến quý IV, chính sách trong Nghị quyết 02/NQ-CP mới đi vào cuộc sống”, ông Kiêm nói và nhận định: “DN đang cần được tháo gỡ từng ngày, đang cần giải quyết từng ngày khó khăn hiện hữu thì tiến trình làm văn bản như trên khiến nhiều người thất vọng”.

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Thế Tuy, Phó bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn: “Nhiều DN nói chính sách hiện nay chỉ để bảo vệ hệ thống ngân hàng, bảo vệ cơ quan nhà nước chứ không phải bảo vệ DN. Bằng chứng là có chi nhánh ngân hàng ở Lạng Sơn phải chuyển 1.000 tỷ đồng về Trung ương, vì huy động được mà không cho vay được. Hệ quả là, DN thiếu vốn còn ngân hàng, như báo cáo của lãnh đạo nhiều ngân hàng trên địa bàn chúng tôi, lương tháng 4 còn bị chậm, làm gì có lãi mà trả lương”.

 

… đến câu chuyện thực tế

TTCK là tấm gương phản ánh sức khỏe của DN, của nền kinh tế và tại Việt Nam , điều này cũng không ngoại lệ. Trong tổng số hơn 700 DN niêm yết (DN đại chúng, kinh doanh có lãi, sẵn sàng minh bạch và có tham vọng phát triển), hiện có gần 70% cổ phiếu ở dưới mệnh giá. Tuy VN-Index tăng điểm (gần 20%) so với đầu năm, nhưng bức tranh thị trường ngày càng lệch lạc khi dòng vốn chọn chảy vào nhóm DN lớn (Top 30 DN trên 2 sàn), để lại một khoảng trống về đầu tư vào hơn 90% số cổ phiếu niêm yết còn lại.

Nhìn trên TTCK, ngoài những DN vững vàng nhờ vị thế độc quyền hoặc dẫn đầu thị trường trong mảng kinh doanh chính như Vinamilk, Masan, FPT, PVDriling, KDC, DHG, DPM, GAS, SSI…, hầu hết DN còn lại đều phải vật lộn để vượt qua khó khăn chung của môi trường kinh doanh, trong đó 2 khó khăn lớn nhất là thị trường và vốn.

Thực tế ghi nhận, không ít DN niêm yết vì mở rộng đầu tư, vay vốn quá nhiều, áp lực lãi vay quá lớn khiến lỗ vốn, mất cả vốn chủ sở hữu. Những cái tên như Sông Đà Thăng Long, Tập đoàn Thái Hòa, Sudico… được dư luận nhắc đến như những điển hình của tình trạng mất phương hướng vì đầu tư quá đà và sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Trong mọi trường hợp, khó khăn của DN là hậu quả của nhiều yếu tố cộng lại. Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, trên toàn quốc, có đến 69% số DN ở tình trạng thua lỗ vào năm 2012.

Ai cũng nhận thấy nền kinh tế phải đối diện với nhiều khó khăn, không chỉ do sự suy giảm hiệu quả hoạt động của nhiều ngành, nhiều DN, mà còn vì những dao động trong tâm lý người dân. Nhưng làm cách nào để vượt qua những khó khăn này, đó là một câu hỏi thách thức.

Trong khi các chuyên gia bàn thảo, làm rõ nguyên nhân và gợi ý nhiều giải pháp chính sách thì từ TTCK, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI cho rằng, căn bệnh lớn nhất của nền kinh tế nói chung và DN nói riêng hiện nay là thiếu minh bạch. Trong mọi giải pháp thúc đẩy nền kinh tế, thúc đẩy khối DN hoạt động hiệu quả, giải pháp duy nhất quan trọng là minh bạch. Khi thực sự minh bạch, chắc chắn sẽ có những chủ thể, những DN phải đổ vỡ, nhưng từ đó, nền kinh tế mới có thể phục hồi và vươn lên.