Nhìn lại quá trình tăng vốn của 10 mã có vốn điều lệ lớn nhất thị trường

Nhìn lại quá trình tăng vốn của 10 mã có vốn điều lệ lớn nhất thị trường

(ĐTCK) Dù có quy mô vốn điều lệ, cũng như vốn hóa lớn nhất thị trường, nhưng các doanh nghiệp niêm yết như VNM, HPG, STB, CTG, VCB... cũng có tốc độ tăng vốn chóng mặt kể từ khi lên sàn.

Ngành chứng khoán Việt Nam vừa kỷ niệm 20 năm thành lập. Thị trường chứng khoán cũng bước qua tuổi 16. Từ 2 cổ phiếu niêm yết lúc đầu, đến nay, thị trường đã có tới gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở.

Dù còn non trẻ, nhưng thị trường chứng khoán đã chứng tỏ được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp từ lúc lên sàn đến nay đã có tốc độ tăng vốn lên tới hàng chục lần.

Cùng với số lượng doanh nghiệp lên sàn ngày một tăng, quy mô của các doanh nghiệp lên sàn cũng ngày một lớn với việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ cả chục ngàn tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về số vốn điều lệ với 6 mã niêm yết trên sàn HOSE gồm VCB, BID, CTG, MBB, EIB, STB đều lọt vào Top 10 cổ phiếu có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Trong đó, STB có tốc độ tăng vốn lớn nhất đạt 802,54%, từ mức vốn điều lệ ngày đầu chào sàn là 2.089 tỷ đồng, lên mức vốn hiện nay là 18.852 tỷ đồng.

Được biết, STB là một trong những thành viên thị trường chứng khoán lâu đời nhất trong nhóm ngân hàng. Từ ngày chào sàn vào tháng 6/2006 đến nay, STB đã trải qua 7 đợt tăng vốn.

Cụ thể, năm 2007, STB đã tăng vốn từ 2.089 tỷ đồng lên 4.449 tỷ đồng, năm 2008 tăng vốn lên 5.116 tỷ đồng, năm 2009 tăng vốn lên 6.700 tỷ đồng, năm 2010 tăng vốn lên 9.179 tỷ đồng, năm 2011 tăng vốn lên 10.740 tỷ đồng, năm 2013 tăng vốn lên 12.425 tỷ đồng và đợt tăng vốn cuối cùng diễn ra vào cuối năm 2015.

Năm 2009, thị trường đã chào đón 3 tên tuổi của ngành ngân hàng là CTG, VCB và EIB.

Trong đó, tốc độ tăng vốn của CTG đạt hơn 230% so với thời điểm chào sàn. Cụ thể, từ mức 11.253 tỷ đồng ngày chào sàn, năm 2010, CTG tăng vốn lên 15.172 tỷ đồng, đến năm 2011 tăng vốn lên 20.230 tỷ đồng, năm 2012 tăng vốn lên 26.218 tỷ đồng, sang năm 2013 tăng vốn lên 37.230 tỷ đồng và đây cũng là số vốn điều lệ hiện nay.

Tên công ty

Ngày niêm yết

VĐL ban đầu

VĐL hiện tại

Tốc độ tăng vốn (%)

CTG

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam

9/7/2009

11.253

37.234

230,88

VCB

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam

12/6/2009

12.101

35.978

197,31

BID

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

16/01/2014

28.112

34.187

21,61

VIC

Tập đoàn VINGROUP - CTCP

7/9/2007

800

26.377

3.197,13

GAS

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP

27/04/2012

18.950

19.140

1

STB

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín

2/6/2006

2.089

18.852

802,54

MBB

Ngân hàng TMCP Quân Đội

18/10/2011

7.300

16.312

123,45

VNM

CTCP Sữa Việt Nam

28/12/2005

1.590

14.514

812,83

EIB

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam

20/10/2009

8.800

12.355

40,4

HPG

CTCP Tập đoàn Hòa Phát

31/10/2007

1.320

8.429

538,56

VCB đã thực hiện 6 đợt tăng vốn kể từ ngày chào sàn từ mức vốn điều lên 12.101 tỷ đồng lên mức 35.978 tỷ đồng, với mức tăng trưởng về vốn đạt hơn 197%.

Bên cạnh đó, quá trình tăng vốn của EIB gắn liền với những thời kỳ phát triển của ngân hàng, để đáp ứng nhu cầu huy động vốn. Cụ thể, với số vốn điều lệ ngày đầu niêm yết là 8.800 tỷ đồng trong năm 2009, sang năm 2010, EIB đã tăng vốn lên 10.560 tỷ đồng và đến năm 2011 tăng lên 12.355 tỷ đồng. 

Còn BID - ngân hàng niêm yết muộn nhất trong 6 mã trên HOSE là ngân hàng có tốc độ tăng vốn chậm nhất. BID chính thức chào sàn HOSE từ đầu năm 2014 với số vốn điều lệ 28.112 tỷ đồng. Trong năm 2015, BID đã tăng vốn điều lệ lên 34.187 tỷ đồng, đây cũng là số vốn điều lệ duy nhất của BID từ lúc lên sàn cho tới nay. 

Hiện BID đứng thứ 3 trên thị trường về số vốn điều lệ, với tốc độ tăng vốn chưa tới 22% (so với thời điểm niêm yết).

Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng vốn, “ông lớn” ngành bất động sản - VIC có mức tăng trưởng vượt trội đạt hơn 3.197%. Cụ thể, từ mức 800 tỷ đồng ngày đầu niêm yết, VIC đã trải qua tới 40 đợt tăng vốn, đưa mức vốn điều lệ hiện nay của Tập đoàn lên mức 26.377 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2011, VIC đã thực hiện 10 đợt điều chỉnh vốn, đồng thời thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh.

HPG cũng có mức tăng vốn lớn với 538%, từ 1.320 tỷ đồng lúc chào sàn, lên mức 8.429 tỷ đồng hiện nay.
Tin bài liên quan