Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT HNX

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT HNX

Nhìn lại quá khứ để tự tin vào tương lai

(ĐTCK) Không thể phủ nhận những khó khăn mà nền kinh tế và TTCK đã và đang phải trải qua, nhưng cũng không nên bi quan với các kết quả mà chúng ta đã làm được.

“Khi bắt tay xây dựng thị trường giao dịch chứng khoán tại Hà Nội, chúng ta gặp vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí phòng máy chủ còn bị dột, nguy cơ chập điện bất cứ lúc nào. Nhưng bằng quyết tâm và sự hợp sức, chúng ta vẫn làm được. Nay TTCK Việt Nam, trong đó có HNX, đã phát triển sang một giai đoạn khác, chúng ta đã một vị thế trong thị trường tài chính, có định hướng hoạt động rõ ràng, hệ thống công nghệ tốt, từng bước hội nhập với các TTCK khu vực, nên tôi rất tin vào tương lai tươi sáng của TTCK Việt Nam”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội chia sẻ với ĐTCK.

Ông đặt niềm tin vào tương lai thị trường, nhưng thực tế nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và TTCK luôn là tấm gương phản ánh rõ nét nhất khó khăn này, thưa ông?

Không thể phủ nhận những khó khăn mà nền kinh tế và TTCK đã và đang phải trải qua, nhưng cũng không nên bi quan với các kết quả mà chúng ta đã làm được. Bằng nhiều giải pháp, Chính phủ đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế và tôi tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ dần đi vào ổn định, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

Bước tranh kinh tế Việt Nam được phản ánh khá rõ nét qua TTCK thời gian qua. Chỉ số chứng khoán và thanh khoản đã có sự hồi phục khá so với đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia nhiều hơn. Trên thị trường trái phiếu, có thể thấy lợi suất đã giảm về mức năm 2007. Mấy tháng trước, đường cong lãi suất gần như thẳng tắp, thì nay, chúng ta đã có biểu lãi suất cong đều, đẹp hơn rất nhiều, cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu tích cực đi lên.

 

Liên quan đến trái phiếu, thị trường trái phiếu chuyên biệt tại HNX sau 4 năm vận hành đã khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho Ngân sách Nhà nước, giúp Ngân sách huy động hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm với lãi suất thấp dần. Tuy nhiên, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường này dường như còn rất đơn điệu, thưa ông?

Hiện nay, nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường trái phiếu vẫn là các ngân hàng thương mại. Số lượng trái phiếu do các quỹ và CTCK nắm giữ còn ít. Thị trường trái phiếu Việt Nam thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức truyền thống mà thế giới có, đó là các quỹ hưu trí và hệ thống các nhà đầu tư lớn. Đây là những điểm yếu cần tiếp tục khắc phục, để hoàn thiện thị trường TPCP thực sự trở thành công cụ huy động vốn hiệu quả của Chính phủ và cung cấp chỉ báo thị trường quan trọng để Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ nói chung.

Còn nhiều việc phải làm, nhưng theo tôi, trong thời gian tới, cần phải tập trung hoàn thiện hệ thống nhà đầu tư, hệ thống sản phẩm và nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường. Để đạt được những mục tiêu đó, đòi hỏi nỗ lực của nhiều bộ, ngành và tất nhiên của cả HNX. Tại HNX, chúng tôi đang tập trung phát triển các sản phẩm và công cụ đầu tư mới. Sau khi xây dựng đường cong lãi suất, tới đây, HNX sẽ có hệ thống chỉ báo đầu tư trái phiếu cùng chỉ số trái phiếu Bond-index, dự kiến ra đời cuối năm 2013. Về sản phẩm, năm 2012, chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đưa tín phiếu kho bạc lên sàn. Hiện nay, HNX đang nghiên cứu triển khai một số sản phẩm mới như tiền phát hành (when issued) giao dịch mua bán lại tiền tệ chéo (cross currency repo) dự kiến triển khai năm 2014, hợp đồng tương lai trái phiếu (future), dự kiến vào năm 2015.

 

Nếu như thị trường trái phiếu là một điểm sáng nổi bật tại HNX thì thị trường cổ phiếu dường như chịu sức ép thanh lọc rất mạnh, khi HNX có nhiều DN yếu, phải rời sàn. Ông nghĩ gì về hiện tượng này và HNX sẽ làm gì để có thị trường cổ phiếu phát triển?

HNX khi ra đời được định vị tiêu chuẩn niêm yết thấp hơn, nhằm tạo điều kiện cho nhiều DN hơn lên sàn. Trải qua một giai đoạn khó khăn kéo dài của nền kinh tế, việc có một số DN không còn đủ tiêu chuẩn ở lại sàn là dễ hiểu. Việc thanh lọc DN không còn đủ điều kiện niêm yết  là quá trình tất yếu, đồng thời đang đặt ra cho HNX một yêu cầu mới: chúng tôi phải tìm và hỗ trợ các DN tốt vào niêm yết. HNX cần làm nhiều hơn nữa để mang lại những giá trị cụ thể cho các DN lên sàn.

 

Ở tuổi lên 5 của Sở GDCK Hà Nội (24/6/2009-24/6/2013), HNX sẽ mang đến thị trường những sản phẩm, công cụ đầu tư mới nào, thưa ông?

Hiện tại, HNX đang chuẩn bị điều kiện cho giao dịch sản phẩm Quỹ ETF, xây dựng bộ chỉ số mới cho thị trường cổ phiếu và một số sản phẩm trên thị trường trái phiếu như đã nêu ở trên, dự kiến sẽ triển khai năm 2014. HNX cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cuối năm 2015 có thị trường phái sinh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao sự công khai, minh bạch và tính hiệu quả của các thị trường HNX đang quản lý. Trong đó, hệ thống giao dịch mới tại HNX dự kiến sẽ áp dụng trong tháng 7/2013 là một bước đột phát về công nghệ, giúp tốc độ xử lý lệnh nhanh hơn rất nhiều. Hệ thống công bố thông tin doanh nghiệp (CIMS) cũng đã và sẽ được nâng cấp, dự kiến năm 2014, 100% công ty đăng ký giao dịch/công ty niêm yết/công ty chứng khoán thành viên trên HNX sẽ thực hiện công bố thông tin qua CIMS, đảm bảo thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến nhà đầu tư và thị trường.

Trong điều hành của Sở, chúng tôi đã và sẽ hoàn thiện quy chế, quy trình quản lý công việc theo hướng công khai, minh bạch hơn, đồng thời, thực hiện tốt các tiêu chuẩn đạo đức đã được ban hành. Bên cạnh đó, HNX đang hợp tác với Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro cho các hoạt động của Sở, dự kiến sẽ áp dụng từ 2014. Chúng tôi coi việc quản trị điều hành và quản trị rủi ro nội bộ tốt cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển và phục vụ thị trường tốt hơn.

 

Là Sở ra đời sau, nhưng HNX ghi dấu ấn đậm nét trên nhiều thị trường quốc tế bằng những nỗ lực hợp tác với nhiều tổ chức, nhiều thị trường quan trọng. Xin ông cho biết hiệu quả thực của những hợp tác này là gì?

Ngay từ khi ra đời, chúng tôi đã quan điểm rằng, hợp tác quốc tế là một mảng việc rất quan trọng, giúp HNX rút ngắn khoảng cách với các sở đi trước và tận dụng kinh nghiệm của đối tác để phát triển. Hiện nay, HNX đã tham gia  làm thành viên của nhiều tổ chức có uy tín trong ngành chứng khoán, như Liên đoàn các sở GDCK thế giới (WFE), Liên đoàn các sở GDCK châu Á - Thái Bình Dương (AOSEF)...

Về hợp tác song phương, HNX đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với nhiều sở GDCK, tập trung phát triển quan hệ với các sở GDCK lớn, uy tín trên thế giới như Sở GDCK New York, Sở GDCK London, các sở GDCK trong khu vực châu Á như Sở GDCK Tokyo, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và các sở GDCK trong khối ASEAN. Ngoài ra, HNX còn mở rộng quan hệ với các tổ chức khác như với tổ chức GIZ của Đức hay tổ chức USTDA của Mỹ.

Nhìn lại quá khứ để tự tin vào tương lai ảnh 1

HNX đang chuẩn bị điều kiện cho giao dịch sản phẩm quỹ ETF, xây dựng bộ chỉ số mới cho thị trường cổ phiếu trong năm 2014

Trong hợp tác quốc tế, HNX thực sự chú trọng đến thực tế. Do vậy, mỗi MOU được ký đều đi kèm đó là chương trình đào tạo thiết thực, hoặc chương trình tư vấn, trao đổi thông tin cụ thể. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều về phát triển và làm chủ hệ thống công nghệ, về mô hình phát triển hiện đại của các thị trường, về cách quản trị nội bộ, quản trị công ty, về cách xây dựng một thị trường phái sinh hiệu quả… Thực tế, thành công của HNX hôm nay có sự đóng góp lớn của bạn bè quốc tế. Chọn và hợp tác với các đối tác tốt là con đường hiệu quả mà HNX đã và sẽ triển khai.

 

Với những nỗ lực liên tục, sau 4 năm hoạt động theo mô hình của một Sở GDCK, HNX đã định hình là một sở GDCK hiện đại, ghi dấu ấn trong lòng công chúng và bạn bè quốc tế. Nhưng theo chủ trương của Chính phủ, 2 Sở GDCK tại Việt Nam sẽ hợp nhất trong tương lai gần. Nếu điều này diễn ra, HNX sẽ ở đâu, thưa ông?

Tôi đã từng bày tỏ quan điểm điều quan trọng là tương lai Sở GDCK Việt Nam sẽ như thế nào. Với chủ trương của Chính phủ là phát triển TTCK Việt Nam để tạo động lực phát triển kinh tế, TTCK này phải được tổ chức lại một cách tốt nhất để làm tốt chức năng là kênh huy động vốn. Nếu từ trước đến nay, nguồn vốn cho phát triển  kinh tế dựa quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, thì nhiệm vụ đặt ra cho TTCK là phải cân bằng hơn dòng chảy của vốn đầu tư.

Muốn làm được điều này, theo tôi, Sở GDCK Việt Nam trong 10 năm tới cần tập trung phát triển cho được cả 3 cấu phần: một thị trường cổ phiếu tốt, thanh khoản phục vụ DN huy động vốn và bảo vệ quyền lợi của đông đảo nhà đầu tư; một thị trường trái phiếu tốt, giúp Chính phủ và các DN huy động vốn một cách bền vững với giá hợp lý; một thị trường phái sinh hiện đại và hữu dụng. Trên 3 trụ cột ấy, việc tổ chức lại 2 sở thành 1 sở là phương án tốt nhất để tập trung trí tuệ xây dựng một TTCK Việt Nam hiệu quả hơn. Những thành quả mà 2 sở đã và đang làm sẽ góp chung vào Sở GDCK trong tương lai. Các nước quanh ta như Indonesia , Thái Lan , Malaysia cũng đã thành công trong việc hợp nhất các sở GDCK sau hàng chục năm phát triển theo mô hình nhiều sở. Việt Nam cũng sẽ làm được khi chúng ta có niềm tin và có định hướng rõ ràng cho sở GDCK tương lai. Cá nhân tôi tin vào sự thành công ấy và tin rằng, 5 năm nữa, cấu trúc và vị thế của TTCK Việt Nam sẽ khác, 10 năm nữa sẽ khác rất nhiều so với hiện nay.