Nhìn lại những thông điệp của Thống đốc trong giải trình

(ĐTCK) Phiên giải trình chiều hôm nay (29/9) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quá khó với Thống đốc. Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của ngành ngân hàng có thể khẳng định sẽ về đích đúng hạn. Nhưng lẩn khuất đâu đó vẫn còn có những băn khoăn khi Thống đốc khẳng định cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt chỉ tiêu 12 - 14% và nợ xấu sẽ ở mức 3%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Thông tin từ trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho thấy Thống đốc tự tin ngành ngân hàng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Cũng theo Thống đốc, dù nợ xấu vài tháng gần đây có tăng lên song không có gì đáng ngại, tiến trình xử lý nợ xấu vẫn đang được thực hiện có hiệu quả.

Sẽ hoàn thành 12 – 14% tăng trưởng tín dụng

Cụ thể, về tình hình tăng trưởng tín dụng, trước ý kiến đại biểu băn khoăn khả năng hoàn thành chỉ tiêu 12 - 14%/năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng cơ bản sẽ đạt được.

Hiện tín dụng 8 tháng đầu năm tăng trưởng 6%, đến nay chưa hết tháng 9 là vào khoảng 7%. Như vậy trong quý IV, tăng trưởng tín dụng cần đạt 5,5 – 6%. Năm 2012, 2013, tăng trưởng tín dụng của quý IV đều đạt trên 6% cho nên khả năng quý IV năm nay đạt được 5,5 - 6% là không khó.

Thống đốc nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng đang đảm bảo theo đúng kế hoạch từ đầu năm. Trước đây có tình trạng lập kế hoạch nhưng sau đó có thể đạt, không đạt hoặc vượt kế hoạch. Nhưng time vừa qua, chúng ta lập kế hoạch và thực hiện gần như đúng. Do đó, Thống đốc tin rằng tăng trưởng tín dụng năm nay đã được lập kế hoạch sát sao trong tương quan với GDP và sẽ đạt kế hoạch.

Ngành ngân hàng cũng đã nâng cao hiệu quả hoạt động, dần từng bước áp dụng chuẩn quản trị quốc tế. Trong 3 năm vừa qua 1% GDP cần 2% tăng trưởng tín dụng, so với trước đây ở mức 1% GDP cần 4 – 5% tín dụng thì hiệu quả sử dụng vốn đã được nâng cao rất nhiều.

Với nhiều chuyên gia ngân hàng thì vấn đề nằm ở chỗ, để đảm bảo chỉ tiêu trên thì lượng vốn sẽ được các ngân hàng đưa ra là rất lớn, gần bằng cả 9 tháng đầu năm. Tình trạng này năm ngoái đã từng xảy ra và hệ lụy đã được nhắc tới nhiều.

Cuối năm, ép nợ xấu dưới 4%

Về xử lý nợ xấu, có 4 giải pháp như xử lý bằng trích lập dự phòng, bên vay trả nợ, Chính phủ đứng ra xử lý qua VAMC và cuối cùng là giải pháp về cơ chế chính sách để kinh tế ấm lên tạo cơ hội xử lý nợ xấu.

Thống đốc khẳng định tình trạng che dấu nợ xấu, ít trích lập dự phòng để chia cổ tức cao đã giảm đi nhiều bởi các ngân hàng bị thanh tra, giám sát chặt chẽ. Lợi nhuận nếu đúng đắn, minh bạch mới được chấp nhận. Chính vì vậy, mỗi năm các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng khoảng 70 nghìn tỷ đồng. để xử lý nợ xấu.

Các ngân hàng cũng không chia cổ tức mà dành lợi nhuận này để dự phòng vốn điều lệ. Về con số tuyệt đối, cả hệ thống xử lý được 249 nghìn tỷ đồng trong đó có 86 nghìn tỷ đồng xử lý qua VAMC còn lại là trích lập dự phòng.

Năm nay, hết tháng 7, các ngân hàng đã trích lập 78 nghìn tỷ đồng để cuối năm tiếp tục xử lý. Về tài sản, theo đánh giá tài sản bảo đảm có giá trị gấp hai lần giá trị nợ. Đây là biểu hiện tích cực.

Về xử lý qua VAMC, đến 24/9, VAMC đã mua 57 nghìn tỷ đồng trong khi kế hoạch là 70 nghìn tỷ đồng cộng thêm số trích lập dự phòng là 78 nghìn tỷ đồng. Như vậy, đến cuối năm có thể xử lý khá căn cơ.

Theo báo cáo của Thống đốc trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối 2013 là 3,6%).

Trước lo ngại của các đại biểu về xu hướng gia tăng này, Thống đốc cho biết thường các ngân hàng chủ yếu xử lý nợ vào cuối năm khi tổng kết hoạt động cả năm. Do đó, nợ xấu sẽ giảm mạnh vào 31/12 hàng năm khi trích lập và xử lý.

Còn lý do nữa là tháng 6/2014, NHNN áp dụng Quyết định 02, Thông tư 09 để nâng tầm hoạt động  phân loại nợ, chặt chẽ hơn, phù hợp hơn. Đó cũng là một nguyên nhân làm nợ xấu gia tăng.

Về tỷ nợ xấu, Thống đốc cũng giải thích sự chênh lệch giữa tỷ lệ các TCTD báo cáo (4,11%) và tỷ lệ theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước (xấp xỉ 8%) cao hơn 3,9 cuối 2013.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã tính luôn cả nợ đã được cơ cấu lại. Trong số hơn 300 nghìn tỷ đồng có 157 nghìn tỷ đồng đã được cơ cấu lại, không còn là nợ xấu để hỗ trợ cho DN. Tính cả số này thì tỷ lệ nợ xấu lên tới gần 8%.

Thống đốc khẳng định cuối năm, nợ xấu của hệ thống sẽ được đưa về trên 3% và tính theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước chỉ còn 6%.

Tỷ giá ổn định tới bao giờ? 

Một số ý kiến khác như tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, Thống đốc cho biết hiện thị trường không “tiêu hóa” được trần 21.246 đồng/USD, giá giao dịch thấp hơn trần này. Hỗ trợ xuất khẩu cũng còn phải nhìn vào thực tế thị trường.

Trên thực tế thị trường, với sự dư thừa của cán cân ngoại hối vãng lai, vấn đề của ngành ngân hàng là tỷ giá giảm chứ không phải tăng! Theo một số nhà quan sát, đây là cơ hội để NHNN tăng cường mua vào để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, và là cơ hội để hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế, nếu NHNN biết tận dụng tốt.
Câu hỏi Agribank

Về tái cấu trúc ngân hàng, hiện chỉ còn Agribank là ngân hàng Nhà nước chưa được cổ phần hóa. Đây là ngân hàng có nhiều yếu kém, hậu quả để lại nặng nề. Hiện, Đề án tái cấu trúc ngân hàng này với 8 đề án nhỏ như là các cấu phần đã được Chính phủ phê duyệt và đang triển khai thực hiện.

Trước đây, Agribank cho vay nhiều ngành nghề dẫn đến nợ xấu. Theo hướng tái cơ cấu, Agribank sẽ tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tỷ trọng cho vay nông nghiệp hiện xấp xỉ 75%,  trong 2 năm tới tỷ trọng này phải tăng lên 80% trở lên. Dù có nhiều vấn đề, Agribank vẫn được đánh giá là chỗ dựa của bà con nông dân và các cấp chính quyền địa phương do đó phải khẩn trương tái cấu trúc, lành mạnh hóa.

Kết thúc phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá trả lời của Thống đốc đã làm rõ nhiều vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên chất vấn Thống đốc và ngành ngân hàng cần triển khai ngay một số việc như tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt,  chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng dư nợ nhưng phải đảm bảo chất lượng. Điều hành thị trường ngoại hối đảm bảo giá trị VND một cách hợp lý.

Triển khai tích cực tái cấu trúc, hướng dẫn đầy đủ kịp thời, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo hoạt động lành mạnh của hệ thống, đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu.

Giám sát việc tái cơ cấu, không để tình trạng ngân hàng cạnh tranh trái pháp luật, thôn tính lẫn nhau.

Rà soát đánh giá nợ xấu, phân loại nợ theo nhiều tiêu chí loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tài sản đảm bảo, loại hình cho vay, nợ xấu bất động sản, nợ xấu xây dựng cơ bản… Đánh giá tài sản bảo đảm, nguồn gốc pháp lý, giá trị thị trường làm cơ sở xử lý nợ xấu.

Hoàn thiện cơ chế cho VAMC, bán nợ cho các chủ thể có tiềm lực tài chính, chứng khoán hóa nợ… Tăng cường thanh tra, kiểm tar, thẩm định công cụ mua bán nợ hiệu quả.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả…

Tin bài liên quan