Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Trong tuần qua, số lượng các dự báo trúng đã được cải thiện do "bão tố" của tuần trước đó đã qua. Nhưng dù vậy, chỉ duy nhất MSBS dự đoán trúng cả 5 phiên và vẫn khá nhiều công ty giữ quan điểm thận trọng. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại diễn biến tuần, qua nhận định của các công ty chứng khoán.

Trước áp lực T+3 của 2 phiên bắt đáy 13 và 14/5 về đến tài khoản, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng 19/5 khá thận trọng. Diễn biến chậm chạp, độ rộng thu hẹp dần khi áp lực của lượng hàng giá thấp tiếp tục tăng lên, kéo thị trường giảm điểm, thanh khoản thấp. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn khi không có thêm thông tin gì mới gây ảnh hưởng. 

Lực cung giá thấp tuy tăng nhưng không mạnh, trong khi lực cầu cũng yếu khiến thị trường luôn trong thế giằng co. Các cổ phiếu lớn phân hóa mạnh bởi sự thiếu đồng thuận. Vì vậy, cũng giống như những phiên giao dịch trước, khi thị trường có xu hướng giảm mạnh, lực cầu bắt đáy lại bắt đầu gia tăng, giúp thị trường bật tăng trở lại.

Đà tăng tiếp tục được củng cố vững chắc trong suốt cả buổi giao dịch chiều cho đến khi đóng cửa nhờ sự bùng nổ của nhiều nhóm cổ phiếu, và nhờ việc khối ngoại tiếp tục ào ạt bơm tiền vào thị trường kéo các mã bluechips tăng mạnh.

Về phía các “Dự”, phiên hồi phục này đã giúp MSBS ghi điểm ở phiên đầu tuần. MSBS đã có nhận định tốt cho phiên này: “Tuần tới sẽ là tuần điều chỉnh tạo đáy kép lệch quanh ngưỡng 542 điểm (+/-3 điểm) với kịch bản phiên thứ Hai sẽ tăng điểm với dòng tiền giải ngân bắt đáy từ khối nội và nhất là volume mua vào tăng vọt đến từ khối ngoại”.

Ở phía ngược lại, MBKE bị mất điểm khi cho rằng: “Thị trường đang hình thành các phiên tăng giảm đang xen, dù vậy mức giảm vẫn trội hơn và điều này khiến xu hướng hiện tại vẫn là giảm”.

Trong khi đó, vẫn là cách tiếp cận quen thuộc, các “Dự” khác như BSC, MBS, SHS, IVS, FPTS, VDSC, VCSC, KIS, SSI và BVSC tiếp tục chọn phương án nhận định trung lập ở phiên giao dịch đầu tuần mới. Những nhận định đều không mới khi chỉ xoay quanh những tác động đến từ Biển Đông.

Đến phiên 20/5, buổi giao dịch sáng đã diễn ra trong tâm thế thận trọng khi đây cũng là ngày xét xử lại vụ “bầu Kiên” sau thời gian tạm ngừng để điều tra thêm. 

Trong lần xử trước đó, ngày 16/4, thị trường đã giảm mạnh 11,8 điểm (-2,01%). Vì vậy, trong phiên giao dịch sáng 20/5, cũng không lạ khi thị trường cũng đã đồng loạt giảm điểm ngay từ khi mở cửa. Thị trường tiếp tục rung lắc mạnh và có thời điểm giảm xuống dưới mốc 530 điểm, nhưng cuối cùng cũng đã bật trở lại với dòng tiền chảy mạnh cuối phiên. 

Nhìn chung, thị trường buổi giao dịch sáng không có phản ứng quá xấu, nhưng cũng diễn ra trong trạng thái thăm dò. Ngoài ra, đà mua vào của nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ chững lại.

Ở phiên giao dịch chiều, đà tăng của các chỉ số tiếp tục được duy trì và dần nới rộng khi số mã tăng giá dần nhiều thêm. Diễn biến của thị trường cũng không có gì quá nổi bật, ngoại trừ một số mã có tính đầu cơ cao. Nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ nhóm bất động sản và khoáng sản, thị trường đã vượt qua thách thức trong phiên chiều khi VN-Index test thành công ngưỡng cản 535 điểm.

Việc nhà đầu tư tư tập trung nhiều vào các mã đầu cơ một mặt khiến nhóm này bùng nổ, mặt khác khiến giá trị giao dịch toàn thị trường thấp hơn hẳn so với chiều hôm trước. 

Điểm đáng chú ý nhất trong phiên 20/5 đó là tín hiệu về “bữa tiệc” mua vào của khối ngoại dường như đã đến hồi kết khi khối này giảm quy mô mạnh về cả số lượng lẫn giá trị giao dịch. Nguyên nhân không đến từ việc tăng bán mà là giảm mua rất lớn.

Đối với các “Dự”, MSBS đã có phiên thứ 2 dự đoán trúng, với nhận định khá chuẩn xác: “Ngày 20/5, phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên sẽ diễn ra có thể sẽ tác động xấu tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Chúng tôi nghiêng về kịch bản thị trường trong phiên giao dịch 20/5 sẽ diễn biến theo xu hướng giằng co và nhiều khả năng kết thúc bằng việc tăng điểm nhẹ quanh mốc 535 điểm”.

Ngoài ra, IVS cũng có đánh giá khá chính xác về cổ phiếu trong phiên này: “Vẫn còn rất nhiều cổ phiếu đang có mức giá hấp dẫn, tuy nhiên nhà đầu tư nội vẫn hướng đến nhóm cổ phiếu thị giá thấp nhiều hơn. Đây cũng là phiên đột biến của nhóm cổ phiếu này khi khá nhiều cổ phiếu tăng hết biên độ. Cả hai chỉ số tiếp tục một phiên phục hồi nhẹ và chúng tôi cho rằng thị trường đang có những bước đi tích cực hướng tới mốc 550 điểm".

"Phiên giao dịch ngày mai (20/05) có thể phiên tòa xét xử bầu Kiên sẽ tác động đến TTCK nhưng không nhiều. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng nhẹ nhờ vào một vài cổ phiếu đầu cơ trong khi nhóm bluechips giữ giá và đi ngang trong biên độ hẹp”, báo cáo viết.

Cùng với MSBS và IVS, FPTS, SSI, SHS cũng đều có nhận định đúng về kết quả phiên 20/5, qua đó cùng ghi điểm đầu tiên trong tuần.

Đã không có “Dự” nào có nhận định sai trong phiên này. Còn lại những VCSC, BVSC, MBKE, MBS, KIS, BSC và VDSC vẫn trung thành với cách nhận định chung chung về thị trường nên cùng đứng ở phía trung lập.

Trong buổi giao dịch sáng 21/5, nhà đầu tư nhập cuộc khá mạnh dạn, dòng tiền đầu cơ vẫn tìm đến các mã quen thuộc giúp thị trường sôi động ngay từ đầu phiên đà tăng nhẹ tiếp tục được duy trì. Lúc này, VN-Index liên tục thử thách mốc 538 điểm nhưng thất bại thất bại, khiến chỉ số lao mạnh về mốc 530 điểm. 

Mốc này được xác định là ngưỡng hỗ trợ mạnh bởi đã nhiều lần bị test lại trong 2 phiên vừa qua. Bởi vậy, khi rơi về gần ngưỡng 530 điểm, VN-Index đã bật mạnh trở lại và giữ được sắc xanh cho đến cuối phiên sáng. HNX cũng có diễn biên tương tự, nhưng hồi phục sớm hơn nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của nhóm HNX30.

Bước sang buổi giao dịch chiều, kịch bản cũ của 2 phiên giao dịch trước đó lại được lặp lại khi lực mua dồn dập được tung vào, kéo hàng chục mã tăng trần, nhiều mã cổ phiếu lớn đảo chiều ngoạn mục, trong khi các mã có tính chất đầu cơ cao như FLC, HQC, VNG, VNH, PVX, SHN… trở lại với diễn biến của thời kỳ “đỉnh cao” quý I/2014. Vì vậy, đà tăng vững chắc của các chỉ số được duy trì cho đến khi đóng cửa phiên giao dịch. 

Với sức mua tốt, thanh khoản thị trường phiên này cũng đã tăng khá mạnh trở lại, đạt hơn 2.160 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên HOSE, khối ngoại chỉ còn mua ròng 63.790 đơn vị, trong khi xét về giá trị, khối này bán ròng 27,39 tỷ đồng và là phiên bán ròng đầu tiên sau 20 phiên mua ròng liên tiếp. Trên HNX, khối ngoại vẫn giữ xu thế mua ròng khá với hơn 1,29 triệu đơn vị, giá trị 22,09 tỷ đồng.

Phiên tăng điểm thứ 3 trong tuần này đã làm buồn những MBS, MBKE, VCSC. Cả 3 “Dự” này đều mất điểm khi cùng cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh giảm. Trong khi MBKE trật vì “giữ quan điểm như cũ”, thì VCSC mất điểm khi đánh giá:  “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 21/5 và kiểm định lại vùng giá hỗ trợ của đường SMA200, tức là mức 526.73 của chỉ số VN-Index và 70.14 của chỉ số HNX-Index”. Tương tự, MBS nhận định: “Ngắn hạn trong phiên tới, khả năng thị trường vẫn có thể đảo xuống trong phiên hoặc điều chỉnh trở lại khi các đợt cung hàng kiểm nghiệm lại sức cầu trong vùng kháng cự mạnh sát vùng điểm 550 +/-”.

Ở phía ngược lại, MSBS đã có phiên thứ 3 liên tiếp trong tuần dự đoán trúng kết quả của phiên. Cũng đã khá lâu MSBS mới lại có “phong độ” tốt như vậy: “Dựa vào diễn biến giao dịch ngày 20/5, chúng tôi nhận định, thị trường ngày 21/5 vẫn sẽ là một phiên tăng điểm. Thị trường sẽ tăng ngay đầu phiên với sự hưng phấn cao của nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index sẽ có thời điểm vượt mốc 540 điểm, tăng cao nhất lên 542 điểm, tuy nhiên sau đó sẽ điều chỉnh giảm về mốc 540 điểm do áp lực chốt lời”, MSBS nhận định. 

Cùng với đó, FPTS, SHS và IVS cũng đưa ra nhận định khá chuẩn xác và cùng có phiên ghi điểm thứ 2 liên tục.

Còn lại những BSC, BVSC, KIS và VDSC vẫn không có gì mới trong cách nhận định khi tiếp tục xoay quanh việc những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến thị trường. 

 Dự báo đúng xu hướng thị trường nhiều khi có cả yếu tố "ăn may"

Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp tính cả phiên cuối tuần trước, nhà đầu tư đã khá thận trọng phiên giao dịch 22/5 vì lo ngại áp lực bán sẽ tăng lên và rủi ro ngắn hạn xuất hiện. 

Vì vậy, trong đợt khớp lệnh mở cửa, thị trường đã giao dịch chậm và lình xình, sắc đỏ chiếm thế chủ đạo. Sang đợt khớp lệnh liên tục, dòng tiền đầu cơ bơm mạnh vào thị trường khiến nhiều mã tăng điểm, giúp VN-Index dần lấy lại được sắc xanh và tăng khá tích cực. VN-Index đã bật tăng hơn 3 điểm và tiến gần hơn mốc kháng cự mạnh 550 điểm. Nhưng khi tiến sát đến ngưỡng này, lực bán đã tăng lên, đẩy chỉ số bật ngược trở lại và lao luôn xuống dưới tham chiếu. 

Trong thời gian còn lại của buổi giao dịch sáng, VN-Index còn có thêm 2 lần thử sức chinh phục ngưỡng này nhưng đều thất bại. Ngưỡng 550 điểm được đánh giá là ngưỡng cản rất mạnh của thị trường. Chính việc test không thành không ngưỡng cản mạnh khiến thị trường liên tục đổi màu. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ tốt của dòng tiền nên VN-Index vẫn giữ được màu xanh khi hết phiên sáng.

Ngay khi bước vào đầu phiên giao dịch chiều, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ tăng nóng những phiên vừa qua bị chốt lời mạnh. Hàng trăm mã bị kéo giảm mạnh, thậm chí nhiều mã bị kéo giảm sàn. Tuy nhiên, bên mua cũng không hề lép về khi tiếp tục dốc tiền vào thị trường, giúp VN-Index nhanh chóng hồi xanh. 

Kịch bản kéo xả của 2 bên mua bán tiếp tục diễn ra, nhưng trước áp lực xả hàng khá lớn nên VN-Index quay đầu giảm điểm và đà giảm này được duy trì đến khi đóng cửa. So với HOSE, mức độ giảm giá ở HNX mạnh hơn do các cổ phiếu trụ đều yếu. Với việc thực hiện nhiều cú kéo xả, những nhà đầu tư đã mua gom trong tuần trước đã có phiên chốt lời thành công. 

Thanh khoản thị trường theo đó cũng tích cực hơn, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn vượt 2.600 tỷ đồng. Khối ngoại cũng đã quay lại gom tích cực trong phiên và vẫn tập trung vào các mã ở rổ VN30, nhưng chỉ vài cổ phiếu được đẩy giá ở, còn lại đều là gom với giá thấp.

Về phần các “Dự”, MSBS tiếp tục thể hiện phong độ ổn định khi đưa ra nhận định khá thuyết phục: “Thị trường ngày 22/5 sẽ tăng điểm ngay đầu phiên với tâm lý tốt của nhà đầu tư, có khả năng chỉ số VN-Index tăng chạm mốc 545-550 sau đó sẽ quay đầu giảm về 542-543 điểm do lực bán chốt lời mạnh khi nhiều cổ phiếu đã tăng khá trong đợt hồi phục. Chúng tôi nghiêng về khả năng phiên 22/5 sẽ là phiên giảm điểm đầu tiên trong tuần với mức giảm nhẹ”.

Tương tự, VCSC dựa trên những chỉ báo của mình cũng đã đưa ra nhận định khá chuẩn xác: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể điều chỉnh trong hai phiên giao dịch cuối tuần và vùng hỗ trợ gần nhất là 530 của chỉ số VN-Index và 72.0 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng ngắn hạn của chúng tôi nâng mức xu hướng từ GIẢM lên TRUNG TÍNH cho thấy thị trường đã có điểm xác nhận nhịp sóng tăng mới”.

Ở chiều ngược lại, cả IVS, SHS và VDSC đã cùng bị mất điểm trong phiên này khi cùng có quan điểm đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục được duy trì. “Mức độ hồi phục của nhiều cổ phiếu đã khá tốt và việc cả hai chỉ số đang tiếp cận tới ngưỡng nhạy cảm là vùng 550-555 điểm của VN-Index, và vùng 79-80 điểm của HNX-Index có thể sẽ có một nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, ở phiên ngày 22/5, chúng tôi cho rằng điều này chưa diễn ra, và nhịp tăng vẫn được duy trì”, IVS nhận định.

Đối với nhóm còn lại gồm FPTS, BVSC, MBS, KIS, MBKE, BSC thì phương án trung lập vẫn là lựa chọn tiên quyết trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các “Dự” đã không còn “nhờ” vào vấn đề Biển Đông để đưa ra nhận định cho phiên này, mà tập trung cảnh báo về áp lực chốt lời và khuyến nghị mua bán cổ phiếu sau thời gian tăng nóng.

Đà tăng 4 phiên liên tục của thị trường đã bị chặn lại sau nhịp điều chỉnh ngày hôm qua 22/5. Nhưng điểm tích cực là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn rất nhiều cho dù áp lực bán ra khá mạnh, thị trường theo đó cân bằng hơn và thanh khoản tiếp tục được cải thiện. 

Với những tích cực đó, thị trường bước sang phiên cuối tuần 23/5 đã hồi phục trở lại và mở cửa trong sắc xanh nhẹ, tuy nhiên giao dịch khá thận trọng. 

Trong phiên 22/5, các cổ phiếu bluechip được sử dụng để níu giữ thị trường, trong khi thực hiện chốt lời mạnh ở các mã tăng nóng vừa qua. Và kịch bản này đã được sử dụng lại trong suốt phiên giao dịch 23/5. 

Cũng như phiên trước, cả 2 chỉ số phiên này cũng đã rung lắc khá nhiều, nhưng VN-Index đóng cửa trong mức giảm nhẹ, còn HNX-Index đã hồi về sát mốc tham chiếu 74,58 điểm. Ngoài ra, giao dịch phiên này diễn ra thận trọng hơn khá nhiều so với phiên trước, lực bán không lớn và lực cầu cũng không mạnh, thậm chí còn yếu hơn nhiều ở trong buổi giao dịch chiều, vì thế mà thanh khoản đã sụt giảm đáng kể. Khối ngoại phiên này cũng giảm mạnh giao dịch.

Với các “Dự”, MSBS tiếp tục chứng tỏ “phong độ” cao của mình khi tiếp tục ghi điểm trong phiên cuối tuần này với nhận định khá sát: “Sau đợt hồi phục vừa qua, thị trường phiên 22/5 đã xuất hiện lực bán chốt lời mạnh của nhà đầu tư nhỏ trong khi giao dịch của khối ngoại vẫn tiếp tục trạng thái mua ròng. Với diễn biến thị trường này, chúng tôi nhận định thị trường ngày 23/5 có khả năng tiếp tục giảm. Chỉ số VN-Index có thể giảm ngay đầu phiên xuống mốc 535 điểm sau đó sẽ hồi phục lại về sát mốc 540 điểm”.

BSC cũng có điểm trong phiên này khi cho rằng: “Hai sàn đã có sự điều chỉnh trong phiên 22/5 khi VN-Index tiếp cận kháng cự 550 điểm. Về mặt kỹ thuật đây là ngưỡng kháng cự khá mạnh khi tập trung các đường Fibo và khoảng “gap” giá. Chúng tôi cho rằng thị trường có thể giảm nhẹ trong phiên tới rồi tích lũy quanh vùng giá 535 – 550 điểm”.

Trong khi đó, với diễn biến của phiên 22/5, phần đông các “Dự” gồm FPTS, IVS, BVSC, KIS, SHS, MBKE, VDSC, MBS, VCSC đều có cái nhìn khá thận trọng cho phiên 23/5. Vì vậy, trong hầu hết nhận định của các Dự này đều dừng ở mức “xu hướng” và khuyến nghị nhà đầu tư “nên giữ thận trọng”.

Tổng kết tuần giao dịch từ 19/5 đến 23/5, thị trường đã một tuần giao dịch tương đối khả quan và áp lực hai phiên điều chỉnh cuối tuần cũng chưa tạo nên mối lo lắng đáng kể nào. Với 3 phiên tăng và 2 phiên điều chỉnh nhẹ, các chỉ số đã có sự phục đáng kể. Tổng cộng, HOSE tăng 13,9 điểm (+2,25%) lên 541,49 điểm, còn HNX tăng 2,27 điểm (+3,14%) lên 74,58 điểm.

Về phía các “Dự”, MSBS đã xuất sắc khi có 5 phiên dự đoán trúng trong tuần giao dịch này. Đây là kỷ lục mới của MSBS. Cần nói thêm rằng, MSBS cũng là chuyên gia lập kỷ lục bởi hiện tại cũng chưa có “Dự” nào phá được kỷ lục 4 phiên dự đoán trật liên tiếp của tuần từ 17/3 đến 21/3.

Ngoài ra, FPTS, IVS và SHS cùng có 2 phiên trúng liên tiếp ngày 20 và 21/5. Còn SSI, VCSC và BSC đều trúng 1 phiên.

Ở phía ngược lại, MBKE dự đoán trật 2 phiên 19 và 21/5, trong khi MBS, VCSC,IVS, SHS, VDSC cùng bị dự đoán trật 1 phiên.

“Còi vàng” tuần này được chia cho BVSC và KIS với cùng 5 phiên nhận định trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/19/5

HOSE(+3,55/0,67%/533,04)

HNX(+0,33/0,46%/72,64)

MSBS

BSC, MBS, SHS, IVS, FPTS, VDSC, VCSC, KIS, SSI, BVSC

MBKE

T3/20/5

HOSE(+4,48/0,84%/537,52)

HNX(+1,09/1,5%/73,73)

MSBS, FPTS, SHS, SSI, IVS

VCSC, BVSC, MBKE, MBS, KIS, BSC, VDSC

T4/21/5

HOSE(+6,36/1,18%/543,88)

HNX(+1,84/2,49%/75,57)

SHS, FPTS, MSBS, IVS

BSC, BVSC, KIS, VDSC, SSI

MBS, MBKE, VCSC

T5/22/5

HOSE(-2,15/0,4%/541,73)

HNX(-0,99/1,31%/74,57)

MSBS, VCSC

FPTS, BVSC, MBS, KIS, MBKE, BSC, SSI

IVS, SHS, VDSC

T6/23/5

HOSE(-0,24/0,04%/541,49)

HNX(+0/0%/74,58)

MSBS, BSC

FPTS, IVS, BVSC, KIS, SHS, MBKE, VDSC, MBS, VCSC

Tin bài liên quan