1. Phiên đầu tuần (5/5) sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, sự thận trọng vẫn bao trùm khiến diễn biến phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 tiếp tục rất ảm đạm. Hơn nữa, tâm lý “Sell in May and go away” (Bán tháng 5 và đi chơi) gần như là thông lệ, vẫn cứ ám ảnh khiến nhà đầu tư luôn tranh thủ để “thoát hàng”. Sắc xanh trên cột chỉ số vì thế mà nhanh chóng tan biến, trong khi thiếu các trụ đỡ từ các bluechips. Việc hàng trăm mã giảm điểm, kéo cả hai sàn giảm sâu khi kết thúc phiên buổi sáng, thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất thấp bởi sự e ngại của cả bên mua và bán.
Bước vào buổi chiều, khi mà trụ đỡ hiếm hoi còn lại như GAS mất đi, đà giảm của thị trường liên tục được nới rộng, đặc biệt trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa. Bên bán đã mất kiên nhẫn tháo chạy, kéo các chỉ số giảm sâu hơn. Lúc này, tài khoản margin của nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng nguy hiểm và áp lực giải chấp (margin call) cũng tăng lên, khiến đà lao dốc của thị trường càng mạnh về cuối phiên.
Có hàng trăm mã giảm điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5. HOSE có đến 210 mã giảm giá, HNX cũng có 180 mã giảm, với số số mã chạm sàn lên tới con số 85. Tuy nhiên, thanh khoản phiên chiều cũng đã được cải thiện đôi chút. Tính chung cả phiên, dù vẫn ở mức thấp nhưng so với một số phiên cuối tháng 4 thì thanh khoản đã có khá hơn.
Về phần các “Dự”, FPTS cho rằng “VN-Index có thể sẽ thực hiện kiểm tra lại khu vực đáy ngắn hạn 560 điểm ở những phiên giao dịch tiếp theo sau kỳ nghỉ lễ”, đồng thời đánh giá “Dòng tiền có vẻ như vẫn tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường”. Nhận định này khá khớp với diễn biến của thị trường trong phiên, nên giúp FPTS có điểm đầu tiên trong tuần. Việc ghi điểm kiểu này này không thường xuyên xảy ra đối với FPTS bởi thường thì FPTS vẫn chỉ đưa ra ý kiến trung lập ở phiên đầu tuần. FPTS cũng là “Dự” duy nhất ghi điểm trong phiên 5/5.
Ở chiều ngược lại, cả MSBS, VCSC và MBS cùng có chung nhận định thị trường sẽ khó giảm sâu hay chỉ tích lũy đi ngang. Với kết quả giảm sâu của thị trường, đương nhiên cả 3 “Dự” này đều đã bị mất điểm.
Trong khi đó, những BVSC, KIS, MBKE, SHS, VDSC, BSC chỉ đưa ra ý kiến chung chung về thị trường, thậm chí IVS (vì lý do nào đó) còn không có nhận định cho phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5.
2. Sang phiên giao dịch ngày 6/5, trong khi các công ty chứng khoán có cái nhìn bi quan về thị trường và vẫn có những lo ngại về margin call, nhưng với các thông tin kinh tế vĩ mô tích cực được công bố như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 và kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2014 đều tăng trưởng tốt, nhiều nhà đầu tư đã chót bắt đáy trước đó hi vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại hoặc chí ít cũng hãm lại đà rơi ở phiên sáng này.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường đã không như kỳ vọng khi tiếp tục lao dốc với áp lực bán rất lớn, trong khi dòng tiền thì tỏ ra dửng dưng và vẫn đứng ngoài. Lúc này, nhận thấy thị trường không có động lực để hồi phục, bên nắm giữ cổ phiếu đã lại chen nhau thoát thân , kéo 2 chỉ số lao dốc và phá hết các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Lực bán giá thấp tiếp tục được tung vào trong buổi giao dịch chiều. Đà bán tháo bằng mọi giá của nhà đầu tư khiến 2 chỉ số tiếp tục cắm đầu lao dốc và xuyên thủng mốc hỗ trợ mạnh là 550 điểm với VN-Index và 75 điểm với HNX-Index. Đúng lúc này thì lực cầu bắt đáy bất ngờ được tung vào khá tốt giúp thị trường bật trở lại. Nhưng dòng tiền này chỉ giúp thị trường hãm bớt đà giảm và vớt vát chút tâm lý đang xuống thấp của nhà đầu tư, chứ không đủ để giúp thị trường có phiên đảo chiều ngoạn mục. Để các chỉ số đảo chiều chuyển sắc xanh khi đã mất hơn 3% như phiên này thì thị trường cần dòng tiền lớn như trong tháng 3. Việc lực bắt đáy được đẩy vào cuối phiên giúp thanh khoản phiên 6/5 đã tăng nhẹ so với phiên trước đó, tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt 1.627,1 tỷ đồng và trên HNX là 755,25 tỷ đồng.
Đối với các “Dự”, hầu hết đều có đánh giá bị quan về thị trường phiên 6/5. Và kết quả giảm sâu ở phiên này phần nào chứng minh những đánh giá này là không sai. Tuy nhiên, chỉ FPTS, MSBS, IVS, BSC và VCSC là có những nhận định khá chi tiết và chính xác thị trường.
FPTS tiếp tục nhấn mạnh “dòng tiền đứng ngoài thị trường vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc trở lại và xu thế bán ra có thể sẽ còn tiếp diễn do áp lực “margin call” xuất hiện sau những phiên sụt giảm mạnh đột ngột” đồng thời khuyến nghị “rủi ro đối với các danh mục ngắn hạn là rất lớn, do đó việc bắt đáy sẽ không được khuyến nghị và nhà đầu tư cần ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao để dự phòng khả năng các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tiếp tục bị phá vỡ”.
MSBS còn chỉ rõ “Phiên ngày mai 6/5, thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm cùng với việc giảm test đầu phiên về ngưỡng hỗ trợ yếu cho đến hiện tại là ngưỡng 555 – 560 điểm, chỉ số VN-Index sẽ giảm mạnh vào đầu phiên và cuối phiên sẽ chỉ giảm điểm ít hơn khi lực bắt đáy yếu ớt được đưa vào”.
Còn IVS đã lập tức ghi điểm trở lại sau 1 phiên bất ngờ “mất tích” .
Trong khi đó, những KIS, BVSC, MBS, SHS, MBKE chỉ dừng lại ở việc cảnh báo rủi ro của thị trường hay đưa ra đánh giá trong trung và dài hạn. Ngoài ra, giống như IVS, VDSC cũng “bỗng dưng biến mất” trong phiên này khi không thấy đưa ra nhận định.
3. Dấu hiệu bắt đáy xuất hiện ở cuối phiên trước khiến thị trường bước vào phiên giao dịch 7/5 khá tích cực khi lượng cung giá thấp được tiết giảm. Tuy nhiên một tín hiệu xấu đã diễn ra: dòng tiền chỉ chịu bắt đáy giá thấp chứ dứt khoát không mua đuổi.
Điều này khiến thanh khoản thị trường sụt khá mạnh, giao dịch khá "buồn ngủ" trong buổi sáng với biên độ giao động hẹp, diễn biến này cũng tiếp tục ở phiên chiều. Và không khó hiểu khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, chỉ một đợt ra lệnh nhỏ của bên nắm giữ cổ phiếu đã khiến nhiều mã bị hãm đà tăng thậm chí quay đầu giảm điểm. Cả 2 chỉ số đều xuống sức, VN-Index để tuột mốc 560 điểm, trong khi HNX-Index may mắn giữ được sắc xanh nhạt.
Thị trường ngày 7/5 khép lại với phiên phục hồi kỹ thuật, nhưng đà hồi phục không chắc chắn khi mà nhà đầu tư không dám xuống tiền, thanh khoản lại tụt khá thảm, chỉ nhỉnh hơn 50% so với giao dịch của phiên trước đó.
Về phía các Dự, cả MSBS, SHS, BSC cùng xuất sắc ghi điểm khi cùng có chung nhận định rằng thị trường sẽ có phiên tăng kỹ thuật sau những ngày giảm sâu trước đó, hơn nữa nhịp tăng này sẽ không kéo dài bởi yếu tố tâm lý và thanh khoản.
Trong khi đó, FPT đã quay trở lại với sự thận trọng vốn có, sau 2 phiên ghi điểm liên tục. Phiên này, FPTS đưa ra nhận định “nước đôi”, một mặt cho rằng “các phiên giao dịch cuối tuần có thể sẽ diễn ra với giao dịch ở trạng thái cân bằng hơn”, còn mặt khác lại đánh giá “Tuy nhiên, với hiện diện của nhiều yếu tố mới gây bất ổn cũng như tâm lý nhà đầu tư đang khá yếu thì kịch bản thị trường đi xuống với các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tiếp tục bị phá vỡ sẽ vẫn cần được đặc biệt lưu ý”.
Không nhận định nước đôi, nhưng BVSC, IVS, MBKE, MBS, KIS cũng không có phương án nhận định nào khá hơn ngoài phương án trung lập. Trong khi VDSC có phiên thứ 2 không có nhận định nào về thị trường.
4. Thị trường ngày 7/5 tẻ nhạt, nhưng đến cuối giờ chiều khi thị trường đã đóng cửa, các diễn đàn đã sôi sục báo hiệu sớm cho một phiên giao dịch khó lường kế tiếp.
Thông tin về tình hình Biển Đông được phát đi từ chiều ngày 7/5 đã gây ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực lên thị trường trong phiên giao dịch ngày 8/5. Tâm lý đầu tư trở nên hoảng loạn và bi quan cực độ, dẫn đến việc phần lớn nhà đầu tư chỉ có biết bán và bán. Áp lực bán tháo khiến hàng trăm mã giảm sàn, đẩy thị trường xuống thẳng vực ngay từ lúc mở cửa.
Chỉ sau hơn 30 phút giao dịch, VN-Index đã mất hơn 6% và rơi xuống 529,4 điểm. Việc cho rằng thị trường đã có phản ứng thái quá về vấn đề Biển Đông, dẫn đến một đợt bắt đáy và đẩy giá phục hồi. Chỉ ít phút sau đó, VN-Index đã lấy lại 2,5% giá trị và được kéo về 542,83 điểm. Nhưng những nỗ lực bắt đáy và đẩy giá lên đã không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư, vì vậy các đợt bán tháo diễn ra không ngừng và kéo dài cho hết phiên giao dịch sáng. Tuy nhiên, nhờ đó mà thanh khoản đã tăng cao đột biến với tổng giao dịch thị trường đạt hơn 2.716 tỷ đồng.
Phiên sáng “kinh hoàng” tạm khép lại với 344 mã giảm sàn và VN-Index mất 33,01 điểm (-5,9%) xuống còn 526,96 điểm.
Trước diễn biến tiêu cực trong buổi sáng thì ngay đầu giờ chiều, UBCK đã đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, thận trọng, tránh tâm lý hoang mang. Bên cạnh đó, các nhà quản lý và các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đang phản ứng quá đà với thông tin căng thẳng trên biển Đông. Nhưng bất chấp nỗ lực bình ổn tâm lý từ phía các nhà quản lý và chuyên gia, áp lực bán tháo vẫn không suy giảm.
Lúc này, tâm lý của nhà đầu tư không dễ có thể "an ủi" dù UBCKNN đã làm đúng và đủ vai trò của mình. Lực bán được cộng thêm áp lực giải chấp do một loạt cổ phiếu mua bằng margin đến ngưỡng force - bán bắt buộc, khiến thị trường gần như đi ngang sát mức sàn trong suốt phiên giao dịch chiều. Trong khi đó, lực cầu bắt đáy chỉ giúp thanh khoản thị trường được cải thiện hơn và lên mức cao nhất hơn 1 tháng qua, chứ không giúp cải thiện được tâm lý thị trường.
Kết thúc phiên “thứ Năm đen tối” 8/5, VN-Index giảm tới 32,88 điểm - mức giảm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, Hiện tượng "múa bên trăng" xuất hiện từ đầu và được kéo dài cho đến hết phiên.
Theo thống kê của Bloomberg, đây là phiên giảm mạnh nhất từ... 2001, hay có thể nói từ lúc thị trường thành lập!
Quay trở lại với các “Dự”, với phiên giảm gần như kịch biên độ này thì có lẽ mọi nhận định đúng sai sẽ không còn ý nghĩa nữa. Sự xuất hiện mức giảm sâu nhất từ trước tới nay của thị trường chứng khoán nằm ngoài tất cả mọi dự đoán cũng như tính toán của các thành viên thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên đánh giá đôi chút về cách nhận định của các Dự.
Trong tất cả các nhận định, chỉ có MBS và BSC là có cảnh báo về sự ảnh hưởng của tình hình Biển Đông vói thị trường. MBS có đánh giá khá chi tiết “Một trong những lo ngại của nhà đầu tư là các tin tức liên quan đến căng thẳng tại khu vực Biển Đông. Nếu không có giải pháp hợp lý cho tình hình trước mắt, việc này sẽ có tác động rất nghiêm trọng đối với thị trường chung. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề này nằm ngoài khả năng kiểm soát cũng như dự phóng của thị trường vì không còn liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, nhà đầu từ cần theo dõi sát và sẵn sàng hành động khi tình hình thay đổi, nhưng không cần thiết quá tập trung cho vấn đề này, vì nó thậm chí còn nằm ngoài khả năng phân tích của các chuyên gia kinh tế”.
Ngoài ra, BSC cũng có đánh giá khá sát “thông tin về tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp và có thể ảnh hưởng không tốt tới tâm lý nhà đầu tư nói chung. Ngoài ra về mặt kỹ thuật, các chỉ số đang có những chuyển động rất giống giai đoạn 16/4 – 17/4 trước đó, hàm ý kịch bản tiếp tục giảm điểm có thể lặp lại”.
Ở chiều ngược lại, BVSC mất điểm khi cho rằng thị trường sẽ giằng co đi ngang, MSBS thậm chí còn nhận định thị trường sẽ tăng nhẹ.
Nhóm còn lại gồm FPTS, IVS, KIS, SHS, MBKE tất nhiên tiếp tục trung thành với phương án trung lập. Riêng với VDSC, đây là phiên thứ 3 trong tuần không có nhận định nào về thị trường.
6. Sau “phiên 8/5 đen tối”, thị trường bước vào phiên cuối tuần 9/5 với tâm lý thận trọng bao trùm, nhiều mã nóng dư bán trắng sàn hôm 8/5 vẫn tiếp tục bị ép giảm ngay từ đầu phiên, khiến thị trường nhuốm đỏ. Tưởng chừng áp lực giải chấp sẽ tiếp tục nhấn chìm thị trường, nhất là hoạt động thoát hàng phiên 8/5 không thể thực hiện khi bên mua trống không. Tuy nhiên, sau khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, thị trường chứng khoán bất ngờ đảo chiều tăng điểm với lực mua rất tốt, đặc biệt ở các mã lớn, rồi lan tỏa ra cả thị trường, kéo các chỉ số bật trở lại và tăng mạnh. VN-Index đã tăng tới hơn 8 điểm khi buổi giao dịch sáng khép lại.
Đến buổi chiều, tâm lý hồ hởi đã chính thức trở lại, thị trường như được tiếp thêm động lực để bay cao hơn. Dòng tiền chảy vào thị trường ở phiên chiều vẫn khá mạnh, trong khi áp lực giải chấp đã không còn mạnh như dự kiến. Dường như nỗi ám ảnh của phiên 8/5 đã không còn khi mà các lệnh mua giá cao liên tục đẩy vào, khiến bên bán thậm chí phải kìm lại. Giao dịch diễn ra sôi động ở các cổ phiếu bluechips mà còn lan sang cả các mã khác, góp phần đẩy các chỉ số tăng mạnh.
Xu thế này tiếp tục được diễn ra trong buổi chiều khi số cổ phiếu tăng giá đã áp đảo số giảm. HOSE có 162 mã tăng và 84 mã giảm, còn HNX có 182 mã tăng, 54 mã giảm. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index tăng 15,37 điểm, tức tăng 2,92%, còn HNX-Index cũng lấy lại 2,54 điểm tương ứng tăng 3,54%. Như vậy, sau phiên đua nhau tháo chạy với dư bán sàn hàng triệu đơn vị ngày 8/5, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhanh chóng quay ngoắt 180 độ, tăng mạnh trở lại trong phiên cuối cùng của tuần. Tuy nhiên, giống như phiên thứ Tư 7/5, thanh khoản thị trường trong phiên hồi phục đã giảm mạnh so với phiên mất điểm trước đó.
Về phần các “Dự”, một lần nữa thị trường chứng khoán Việt Nam chứng minh sự kịch tính đến ngỡ ngàng và cho thấy không có gì là không thể... sai!.
Sau một phiên giảm gần kịch biên độ thì ngay lập tức đã bật tăng rất mạnh trở lại, diễn biến tâm lý từ bi quan, hoảng loạn cực độ quay phắt sang hồ hởi, hưng phấn. Bởi vậy, không có gì là ngạc nhiên khi MSBS và BVSC lại một lần nữa bị mất điểm khi cả 2 “Dự” này đều cho rằng thị trường sẽ lại có một phiên giảm. Đồng thời có thể thông cảm việc một loạt các “Dự” khác như FPTS, IVS, BSC, MBS, SHS, VCSC, KIS, MBKE lại chọn phương án trung lập. Trong khi VDSC có phiên thứ 4 “quên” nhận định thị trường.
Tổng kết tuần giao dịch từ 5/5 đến 9/5, mặc dù thị trường đã có sự phục hồi mạnh ở phiên cuối tuần trong sự hồ hởi trở lại của nhà đầu tư, nhưng tựu chung lại, đây là tuần giao dịch có thể nói là u ám đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Với chỉ 2 phiên tăng và có tới 3 phiên giảm sâu, HOSE mất tổng cộng 36,02 điểm, tương ứng giảm 6,53%, còn HNX mất tới 5,69 điểm, tương ứng giảm 7,07%.
Đối với các “Dự”, trong tuần giao dịch khó lường vừa qua, BSC bất ngờ trở thành “Dự” xuất sắc nhất với 3 phiên trúng liên tiếp từ 6/5 đến 8/5. Xếp sau là FPTS và MSBS với cùng 2 phiên trúng.
MSBS cũng là “Dự” trật nhiều nhất với 3 phiên 5/5, 8/5 và 9/5. Đứng sau MSBS là BVSC với 2 phiên nhận định sai liên tiếp 8/5 và 9/5.
Với lần hiếm hoi sai 2 phiên liên tiếp, BVSC đã phải nhường “còi vàng” cho KIS và MBKE với cả 5 phiên đứng trung lập. IVS và SHS cùng nhận “còi bạc” với 4 phiên trung lập. “Còi đồng” do FPTS, BVSC và MBS cùng nắm giữ.
Đáng chú ý, trong tuần giao dịch này, trừ phiên giao dịch đầu tuần, VDCS đã “quên” không đưa ra nhận định thị trường trong 4 phiên còn lại.
TRÚNG |
TRUNG LẬP |
TRẬT |
|
T2/5/5 HOSE(-13,15/2,28%/564,85) HNX(-2,52/3,16%/77,36) |
FPTS |
BVSC, KIS, MBKE, SHS, VDSC, BSC, IVS |
MSBS, VCSC, MBS |
T3/6/5 HOSE(-10,22/1,81%/554,63) HNX(-0,82/1,06%/ 76,55) |
FPTS, MSBS, IVS, BSC, VCSC |
KIS, BVSC, MBS, SHS, MBKE |
|
T4/7/5 HOSE(+4,86/0,88%/559,97) HNX(+0,01/0,01%/76,56) |
MSBS, SHS, BSC |
FPTS, BVSC, IVS, MBKE, MBS, KIS |
|
T5/8/5 HOSE(-32,88/6,24%/ 527,09) HNX(-4,9/6,4%/71,66) |
BSC, MBS |
FPTS, IVS, KIS, SHS, MBKE |
MSBS, BVSC |
T6/9/5 HOSE(+15,37/2,92%/542,46) HNX(+2,54/3,54%/74,19) |
FPTS, IVS, BSC, MBS, SHS, VCSC, KIS, MBKE |
MSBS, BVSC |