Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK)  Thị trường đã có tuần giao dịch đầy cảm xúc với nhiều kỷ lục được phá. Thị trường trong tuần qua khá khó đoán, ngay cả MSBS luôn xuất sắc trong các tuần trước đã giảm phong độ khi dự báo trật tới 4 phiên trong tuần qua. Trong khi đó, danh hiệu "cây còi vàng" và "cờ vàng" xứng đáng được trao cho FPTS và SSI khi cả 2 từ chối khuyến nghị xu hướng. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại diễn biến thị trường tuần qua.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Kết thúc tuần giao dịch từ 17/3 đến 21/3, cả 2 chỉ số tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 9 trong bối cảnh áp lực xả gia tăng mạnh hơn so với tuần trước đó. Tuy nhiên, sàn HNX cho thấy đà tăng ấn tượng khi có cả 5 phiên tăng, trong khi sàn HOSE chỉ có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm. 

Tổng cộng, HNX tăng 5,92 điểm, tương ứng tăng 6,86%, qua đó xác lập đỉnh mới 90,36 điểm. Còn HOSE chỉ tăng 4,92 điểm, tương ứng tăng 0,94% và đứng tại 601,26 điểm.

Sau cú “vồ hụt” ở phiên cuối tuần trước, VN-Index đã chinh phục thành công mốc 600 điểm ngay tại phiên đầu tuần 17/3, nhưng công cuộc chinh phục này không phải là không có trắc trở.

Đầu phiên sáng, nhờ “hiệu ứng ETFs”, VN-Index đã leo một mạch qua ngưỡng 603 điểm. Nhưng cũng từ thời điểm này, áp lực bán tăng mạnh, nhất là ở các mã cơ cấu của quỹ VNM, khiến phần lớn số mã trên sàn giảm điểm, VN-Index bị ép sát gần về tham chiếu.

Tuy nhiên, nhờ có dòng tiền bắt đáy lớn đã trực chờ sẵn cả từ 2 phía nội-ngoại nên áp lực bán được cân bằng, VN-Index tạm thời giữ được mốc 600 điểm.

Sang phiên chiều, VN-Index lại một lần nữa bị thử thách trước áp lực chốt lời và rung lắc khá mạnh. Đúng lúc này, thông tin giảm một loạt lãi suất chủ chốt chính thức được Ngân hàng Nhà nước công bố và ngay lập tức có tác động tích cực. VN-Index bật tăng trở lại và chính thức vượt qua mốc cản tâm lý 600 điểm khi đóng cửa ở mức 600,36 điểm. Đây là mốc cao nhất mà VN-Index đạt được kể từ tháng 11/2009.

Trong khi HOSE phải khá “vất vả” để tăng điểm thì HNX hầu như không vấp phải cản trở nào. Ảnh hưởng từ giao dịch bán trước không mạnh, HNX bùng nổ cả về thanh khoản lẫn điểm số, số mã tăng là 205 mã, áp đảo so với 48 mã giảm điểm. HNX-Index tăng một lèo và xác lập đỉnh mới tại 86,31 điểm.

Đối với các CTCK, đa phần đều cho rằng thị trường vẫn đang trong trạng thái tích cực cho dù sẽ có rung lắc quanh ngưỡng 600 điểm. Nhưng để đưa ra những nhận định cụ thể hơn trong phiên thì những CTCK như BVSC, MBKE, SHS, MBS, SSI, BSC, KIS, FPTS vẫn còn khá dè dặt. Thận trọng và đưa ra đánh giá chung ở phiên đầu tuần vẫn là lựa chọn tiên quyết của các nhóm này.

Tuy nhiên, MSBS và VDSC thì lại có đánh giá riêng. MSBS cho rằng, chỉ số đang test lại ngưỡng cản tâm lý 600 điểm và cần có thêm sự tích lũy để có thể vượt qua ngưỡng cản này một cách chắc chắn và việc điều chỉnh ở một 2 phiên đầu tuần là điều hợp lý.

Còn VDSC thì bi quan hơn khi cho rằng, động lực ngắn hạn không còn nhiều và một đợt điều chỉnh mạnh sẽ sớm xảy ra. Kết quả là thị trường đã hoàn toàn ngược lại với những nhận định trên.

Thêm một lần MSBS dự đoán trật ở phiên đầu tuần. Tuy nhiên, MSBS cũng đã chứng tỏ rằng mình rất nhanh chóng lấy lại phong độ ở các phiên tiếp theo đó.

Sang phiên 18/3, thị trường đã có một phiên giao dịch hết sức sôi động và bất ngờ. Cũng như những phiên gần đây, khi tin tốt đã bung ra hết, áp lực chốt lời dồn dập được đổ vào thị trường. Tuy nhiên, dòng tiền lớn cũng vẫn luôn trực chờ để “đón” số hàng này.

Kỷ lục thanh khoản ở phiên sáng 20/2 đã chính thức bị phá trong phiên sáng 18/3 với gần 2.147 tỷ đồng. Trong phiên chiều, cho dù thanh khoản tiếp tục bứt phá mạnh, tuy nhiên chừng đó là chưa đủ để vượt qua được “ngọn núi 5.500 tỷ” của phiên 20/2. Phiên 18/3 khép lại với thanh khoản đạt gần 5.300 tỷ đồng.

Phiên này, chỉ số VN-Index cũng chính thức “nghỉ ngơi” sau thời gian khá dài leo dốc và vượt qua nhiều ngưỡng cản quan trọng, đà tăng của sàn HOSE đã dừng lại ở con số 9.

Những “công thần” giúp VN-Index có được quãng tăng điểm ấn tượng trong thời gian qua như VNM, VIC, GAS, VCB... thì phiên này lại trở thành những “tội đồ” khiến chỉ số quay đầu giảm điểm.

Trong khi đó, mọi việc lại diễn ra khá suôn sẻ trên sàn HNX. Lực đua mua giá cao đã “hốt” trọn lực chốt lời, màu xanh phủ kín sàn với số mã tăng giá áp đảo, gấp đôi số mã giảm giá. HNX nhẹ nhàng xác lập đỉnh mới 87,6 điểm. Diễn viên chính trên sàn HNX phiên này chính là KLS. Việc các “tay to” liên tục chơi trò kéo co đối với mã này khiến những nhà đầu tư nhỏ bị xoay như chong chóng.

Kết phiên, KLS được giữ lại tại mốc tham chiếu với 15,79 triệu đơn vị được sang tay. Tuy nhiên, giữ vị trí số 1 về thanh khoản toàn thị trường trong phiên lại là PVX khi giao dịch tới 18,75 triệu đơn vị.

Với việc giảm điểm khá bất ngờ của  HOSE thì BVSC đã ghi tên mình trong danh sách trúng, sau một thời gian khá dài “im tiếng”. Lần gần đây nhất BVSC góp mặt trong danh sách này là 2 phiên 27 và 28/2. Đây cũng là những phiên thị trường có nhiều diễn biến và kết quả khá bất ngờ. Bản lĩnh của BVSC một lần nữa được thể hiện đúng lúc, ở những thời điểm khó lường nhất.

Trong khi đó, vẫn bảo lưu quan điểm VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên 18/3, những CTCK như MSBS, VDSC, IVS tất nhiên là đã bị trật trong phiên này. Với MSBS và VDSC, lần đầu tiên cả 2 công ty này dự đoán trật trong 2 phiên liên tiếp.

Còn lại những cái tên khác như FPTS, KIS, SHS, SSI, MBS, MBKE vẫn ung dung ở thế trung lập.

Sau khi tạm “nghỉ mệt” ở phiên trước, VN-Index bước vào phiên 19/3 với khí thế mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng. Mặc kệ những lệnh bán chốt lời cứ ào ào đổ vào thị trường, dòng tiền lớn ngàn tỷ vẫn luôn trực chờ và sẵn sàng thổi bay mọi lệnh bán. Mốc 600 điểm nhanh chóng được lấy lại rồi nới rộng dần.

Phiên này, “liều thuốc” Thông tư 02 liên quan đến nợ xấu đã “ngấm” rất nhanh chóng lên các cổ phiếu ngân hàng trên HOSE, khiến các mã như MBB, CTG, VCB, EIB, STB và BID đồng loạt tăng điểm, thanh khoản vượt trội. Đây cũng là phiên hiếm hoi các mã ngân hàng cùng “hè” nhau trỗi dậy như thế này. Nhưng về khả năng hút tiền thì nhóm này lại thua khá xa so với một số mã ở nhóm ngành khác ITA (khớp 18,6 triệu đơn vị), FLC (9,6 triệu đơn vị), OGC (5,4 triệu đơn vị)…

Tuy nhiên, mã SHB mới chính là “ngôi sao” trong phiên 19/3. Ở phiên trước đó, các “tay to” đã chơi kéo co với KLS, thì phiên này, có một “thế lực” nào đó đã biết trước và chuẩn bị lượng tiền khủng lên tới 336 tỷ đồng (chiếm gần 24% tổng giá trị giao dịch của HNX) để vét gần như sạch lượng cung. Mã này đã lập kỷ lục mới về khối lượng khớp lệnh của một cổ phiếu trong ngày khi khớp được tới 31,4 triệu đơn vị.

Bên cạnh những thông tin tích cực thì việc giá xăng bất ngờ tăng thêm gần 180 đồng, lên 24.690 đồng/lít kể từ 12h trưa ngày 19/3. Tuy nhiên, thông tin này cũng không gây ảnh hưởng gì cho thị trường.

Về phần các “Dự”, phiên này đến lượt SHS, KIS và MBKE quyết định tách nhóm và ngay lập tức có được kết quả khả quan. Với sự gia nhập của các “lính mới”, lần đầu tiên số lượng các “Dự” bên trúng với IVS, VDSC, KIS, SHS, MBKE đã áp đảo bên trung lập gồm MBS, BSC, SSI, FPTS. Trong đó, nổi bật là IVS.

Ngoài nhận định VN-Index sẽ quay lại chinh phục mốc 600 điểm, một trong những tác nhân xấu gây tình trạng “chập chờn” của chỉ số là mã VNM cũng đã được IVS chỉ rõ.

“Áp lực bán có thể xuất hiện sớm từ đâu phiên, nếu như áp lực này không đủ mạnh thì lực cầu sẽ lại được đẩy mạnh trở lại và chinh phục mốc 600 điểm lần nữa. Dòng chứng khoán và midcap sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường, trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là VNM tiếp tục là tác nhân xấu cho chỉ số”, IVS nhận định.

Ở chiều ngược lại, BVSC và MSBS lại cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh và chưa thể đủ sức quay lại chinh phục mốc 600 điểm. Dĩ nhiên, dự đoán này đã trật hoàn toàn so với kết quả thực tế. Riêng với MSBS, đây là phiên thứ 3 liên tiếp dự đoán trật, qua đó chính thức lập một kỷ lục mới. Có điều kỷ lục này của MSBS chắc chẳng có “Dự” nào muốn phá!

Sang phiên 20/3, một đợt điều chỉnh rộng thực sự đã diễn ra trên cả 2 sàn sau quãng thời gian tăng điểm khá ấn tượng vừa qua. Điều này thể hiện hoạt động tái cân bằng của các quỹ ETFs đang đến hồi cao trào khi chỉ còn phiên này và phiên 21/3 để hoàn thành.

Áp lực bán tăng cao khi khối ngoại tiếp tục xả ròng lớn ngay cả với những mã không thuộc diện cơ cấu, nhưng vẫn tập trung phần nhiều tại nhóm VN30.

Ở phía ngược lại, một số mã thuộc diện phải mua cũng đã có những giao dịch lớn.

Dần về cuối phiên, lực bán càng trở nên mạnh mẽ, tuy nhiên lực cầu bắt đáy theo đó cũng tăng mạnh, nhất là ở các mã đã giảm mạnh mà không bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu của các quỹ ETFs.

Trước sức ép mạnh mẽ, VN-Index đã giảm sát về mức 600 điểm. Không chịu tác động của quỹ, nhưng việc VNM, VIC, MSN hay GAS cũng đều giảm khá mạnh, góp thêm đà giảm cho VN-Index.

Trong khi đó, do thiếu các trụ đỡ như trên HOSE, nên HNX không phải chịu áp lực bán nặng nề vào cuối phiên. Hơn nữa, nhờ SHB được đỡ giá, PVX lấy lại sự hấp dẫn nên nhà đầu tư tự tin hơn và mạnh dạn xuống tiền ở các mã khác, giúp HNX duy trì được sắc xanh nhẹ. Thanh khoản trên cả 2 sàn phiên này tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 5.200 tỷ đồng.

Hai sàn lại có một phiên kết thúc trong hoàn cảnh trái chiều và điều này đã thực sự làm buồn cho những CTCK như MSBS, SHS, MBKE, BSC. Nhưng buồn nhất có lẽ là MSBS, khi “Dự” này đã tự phá kỷ kục của chính mình với phiên thứ 4 liên tiếp trong tuần dự đoán trật.

Hy vọng MSBS có được điểm danh dự ở phiên cuối tuần cho dù điều đó là không hề dễ dàng.

Đối với FPTS, BVSC, KIS, MBS  thì quyết định trung lập thêm một lần nữa trở thành “cứu cánh” của nhóm này. Ngoài ra, sau những lần dự đoán có chính kiến, VDSC, IVS phiên này bất ngờ lấp lửng với ý kiến trung lập.

Đến phiên cuối tuần 21/3, phiên giao dịch cuối cùng để các quỹ ETFs “hạ màn” danh mục mua bán, và các ETFs đã không phụ lòng mong đợi của thị trường. Mọi động thái đều diễn ra hết sức bình thường trong phần lớn thời gian của phiên, kịch tích chỉ được đẩy lên mức cao độ tại đợt khớp lệnh ATC.

Lúc này, nhiều lệnh mua bán khủng như “mưa bom” dồn dập đổ vào “oanh tạc” thị trường. Giao dịch diễn ra trên diện rộng, ngay cả với các mã không nằm trong danh mục cần cơ cấu như PVT, MSN… Các chỉ số chịu sự giằng co mạnh nên sức tăng bị thu hẹp đáng kể, nhưng độ rộng thị trường thể hiện trạng thái giao dịch tích cực.

Kết phiên, VN-Index giữ thành công mốc 600 điểm, trong khi HNX xác lập đỉnh mới trên 90 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt tổng cộng 437,735 triệu đơn vị, giá trị trên 6.800 tỷ đồng, phá sâu kỷ lục của phiên 20/2. Thị trường giao dịch kịch tích, kết thúc êm đẹp và lập kỷ lục mới.

Các Dự của chúng ta cũng khép lại tuần nhận định, dự đoán trong sự bất ngờ. Đầu tiên là việc MBS lần đầu ghi điểm khi bất ngờ bỏ nhóm trung lập. MBKE, KIS và SHS tiếp tục tách nhóm thành công khi có phiên ghi điểm thứ 2 liên tiếp, trong khi MSBS rốt cuộc thì cũng có điểm danh dự sau 4 phiên liền dự đoán trật.

Bên cạnh đó, việc MBS quyết định tách nhóm nên “còi vàng” của tuần chính thức thuộc về FPTS và SSI.

Tổng kết tuần, ngôi vị số 1 trong các "Dự" đã được chia đều cho MBKE, KIS và SHS khi cùng có 2 phiên dự đoán trúng ngày 20 và 21/3. MBS, BVSC, IVS, MSBS cùng có 1 phiên trúng.

Ở chiều ngược lại, IVS và MSBS đã bất ngờ đánh rơi phong độ trong tuần này. Nhưng IVS đỡ hơn nhiều với chỉ 1 phiên trật (ngày 18/3), trong khi MSBS dự trật tới 4 phiên (từ ngày 17 đến 20/3). Với kết quả này, MSBS đã tạo kỷ lục cho riêng mình, bởi lẻ sẽ chẳng có “Dự” nào muốn phá kỷ lục này cả!

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/17/3

HOSE(+3,53/0,59%/600,36)

HNX(+1,87/2,22%/86,31)

BVSC, MBKE, SHS, MBS, SSI, BSC, KIS, FPTS

MSBS, VDSC

T3/18/3

HOSE(-0,51/0,08%/599,85)

HNX(+1,29/1,5%/87,6)

BVSC

FPTS, KIS, SHS, SSI, MBS, MBKE

MSBS, VDSC, IVS

T4/19/3

HOSE(+5,74/0,96%/605,59)

HNX(+2,08/2,38%/89,68)

IVS, VDSC, KIS, SHS, MBKE

MBS, BSC, SSI, FPTS

BVSC, MSBS

T5/20/3

HOSE(-5,33/0,88%/600,26)

HNX(+0,02/0,03%/89,7)

FPTS, BVSC, KIS, MBS, VDSC, IVS

MSBS, SHS, MBKE, BSC

T6/14/3

HOSE(+1,49/0,35%/601,75)

HNX(+0,66/0,73%/90,36)

MSBS, SHS, MBS, MBKE, KIS

FPTS, IVS, BVSC,

VDSC

Tin bài liên quan