Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Tuần qua, diễn biến chung của thị trường chứng khoán Việt Nam khá bất ngờ. Dễ hiểu khi có tới 6 công ty chứng khoán giữ quan điểm thận trọng khi duy trì nhận định trung lập, chỉ có MSBS và IVS tỏ ra khá xuất sắc với với 4 phiên dự báo trúng, thậm chí là cả diễn biến chi tiết trong phiên. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định các CTCK, cũng là một cách nhìn lại diễn biến thị trường tuần qua.

Kết thúc tuần giao dịch từ 3/3 – 7/3 và cũng là tuần đầu tiên của tháng 3, chỉ số cả 2 sàn tiếp tục cùng song hành khi cùng giảm 2 phiên đầu tuần và hồi phục ở 3 phiên tiếp theo. Tuy nhiên, việc phục hồi như vậy là chưa đủ để giúp thị trường tránh khỏi một tuần giảm điểm.

Trên sàn HOSE, cho dù rất cố gắng nhưng sau phiên “lao xuống vực” ở đầu tuần, nên VN-Index vẫn mất tổng cộng 6,73 điểm (-1,16%) và đứng tại mức 579,75 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,15%) và dừng ở 82,16 điểm.

Tuần qua, TTCK quốc tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi điểm nóng Ukraine, qua đó ít nhiều ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Nhưng chính những yếu tố này đã góp thêm phần kịch tích cho thị trường. Khối ngoại là nhân tố đầu tiên cho thấy sự nhạy cảm với những thông tin về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới.

Cùng với động thái đảo danh mục của các quỹ ETFs, khối ngoại đã bán ròng cả 5 phiên trong tuần, với tổng giá trị bán ròng lên đến gần 482 tỷ đồng. Đây cũng là tuần bán ròng đầu tiên kể từ tháng 2/2014 của khối này.

Điển hình là phiên 3/3, khi dư âm về đợt tháo chạy trong đợt ATC ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước còn chưa lắng xuống, thì “tin dữ” liên tiếp ùa về. Tâm lý hoảng loạn lan rộng, lệnh bán giá thấp chất như núi khiến thị trường rực lửa.

Kết quả, phiên 3/3 đã có cú “giảm sốc”, toàn bộ số điểm tích lũy được cả tháng trước đó bỗng “bốc hơi” gần hết. Với diễn biến này của thị trường, việc phân tích đã là khó khăn,chứ chưa bàn đến việc dự báo. Do đó, các công ty MBS, FPTS, KIS, SSI, VDSC, SHS, MBKE, BVSC chọn cách trung lập cũng không có gì lạ. Qua đó càng có lý do để thông cảm cho việc “đi ngược chiều” của MSBS hay IVS.

Sang phiên 4/3, lệnh bán tiếp tục dồn dập được đổ vào thị trường ở đầu phiên, bảng điện ngập tràn sắc đỏ. Tuy nhiên, các “tay to” không còn chùn tay như phiên trước mà đã dốc tiền để mua vào. Việc lực cầu bắt đáy lớn luôn sẵn sang trực chờ khiến bên bán không còn dám xả hàng. Điều này phần nào giúp thị trường không còn giảm sâu.

Về phần các CTCK, sau phiên giảm mạnh đầu tuần, đa phần đều cho rằng thị trường chưa thể tăng điểm trở lại. Nhưng đối với FPT, BVSC, MBKE, SHS, VDSC, SSI, MBS, KIS có lẽ sự thận trọng luôn được đặt lên trên hết, nên trung lập vẫn là phương án nhận định tối ưu.

Trong khi đó, MSBS và IVS tiếp tục nhận định rằng sẽ vẫn là một phiên điều chỉnh giảm của thị trường, qua đó đã ghi cho mình điểm đầu tiên.

Đến phiên 5/3, các sàn chứng khoán quốc tế đã xanh trở lại sau khi “điểm nóng” Ukraine hạ nhiệt, cùng với đó là việc lực bán giá thấp đã có dấu hiệu cạn kiệt sau 3 phiên xả miệt mài đã giúp TTCK Việt Nam vụt tăng trở lại. Nhà đầu tư đã xuống tiền ở những phiên giảm đầu tuần bắt đầu tận hưởng chiến lợi phẩm, trong khi một bộ phận lại bấm bụng tiếc rẻ.

Với diễn biến mới này, MSBS và IVS cho thấy sự xuất sắc khi dự báo thị trường sẽ đảo chiều thành công. Có chung nhận định với MSBS và IVS còn có VDSC.

Ở chiều ngược lại, BSC và MBKE lại khá bi quan khi cho rằng thị trường tiếp tục suy giảm. Trong khi đó MBS, SHS, BVSC, SSI, FPTS, KIS vẫn vui vẻ “cầm còi”.

Trên đà phục hồi, thị trường tiếp tục có được sắc xanh nhẹ trong phiên 6/5. Tuy nhiên, sự thận trọng quá mức, khiến thị trường không còn sôi động như những phiên trước. Nhưng với diễn biến này của thị trường thì một lần nữa chứng tỏ sự xuất sắc của IVS và MSBS.

Điều đáng ghi nhận ở đây là những nhận định của 2 công ty này đã sát hơn với diễn biến và kết quả của phiên giao dịch. “Nhà đầu tư vẫn rất thận trọng kể cả khi trong buổi sáng 5/3 có thời điểm thị trường giảm mạnh và giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn. Lực cầu bắt đáy đã xuất hiện nhưng chưa thực sự thuyết phục để thị trường xác lập trở lại xu thế tăng điểm. Do đó, trong phiên 6/3, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ chỉ tăng điểm nhẹ, thanh khoản chưa có đột biến”, MSBS nhận định.

BSC và VDSC thì ngược lại khi vẫn bảo lưu quan điểm thị trường đang kém tích cực và sẽ vẫn điều chỉnh giảm. Còn MBS, FPTS, BVSC, KIS, SHS, MBKE, SSI thì vẫn “đường ta ta cứ đi”.

Tại phiên cuối tuần, thị trường đón nhận thông tin giá xăng tạm thời “nghỉ giải lao” chưa tăng, nhưng cũng chỉ thực sự sôi động ở phiên sáng, trong khi lực cung canh mạnh xuất hiện trở lại ở phiên chiều khiến thị trường chỉ còn tăng nhẹ.

Tiếp tục thể hiện  “phong độ” ấn tượng, IVS và MSBS lại một lần nữa ghi điểm ở phiên cuối tuần này. Đây cũng là phiên thứ 4 liên tiếp 2 công ty này đưa ra dự báo trúng. Tuy nhiên, MSBS vẫn cho thấy sự xuất sắc hơn, nhận định và dự báo chính xác như biết trước kịch bản.

“Trong phiên 7/3, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tăng điểm đầu phiên chạm ngưỡng 580 điểm, sau đó đà hưng phấn giảm dần và điều chỉnh xuất hiện khiến VN-Index chỉ tăng điểm nhẹ khi kết thúc phiên, chưa vượt mốc 580 điểm”, công ty này nhận định.

Trong khi MSBS và IVS lập kỷ lục, thì FPTS, BVSC, SHS, SSI, KIS, MBS, VDSC vẫn biểu diễn "bài ca" trung lập.

Tổng kết, IVS và MSBS đã xuất sắc với cùng 4 phiên dự báo trúng liên tiếp từ 3/3 đến 7/3. Tuy nhiên, MSBS xứng đáng là vị trí số 1 trong các "Gia Cát Dự" tuần giao dịch vừa qua khi có nhận định và dự báo chính xác hơn IVS. Tiếp theo VDSC và MBKE có cùng 1 lần trúng. Ở chiều ngược lại, BSC là công ty “đi trật” nhiều nhất với 2 phiên 5/3 và 6/3. Còn MSBS, MBKE, VDSC và IVS cùng có 1 phiên trật.

Thêm một kỷ lục nữa ở phiên này là có tới 6 công ty FPTS, BVSC, SHS, SSI, KIS, MBS cùng tranh một “chiếc còi vàng”. Nhưng ai sẽ là chủ nhân chiếc còi này đây??!!

Tin bài liên quan