Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Với 3 kịch bản trúng, trung lập và trật cho 5 phiên mỗi tuần, nếu chơi kiểu ném đồng xu cho mỗi phiên thì xác xuất để vào ô TRÚNG cũng không nhỏ lắm, dứt khoát cao hơn... chơi đề! Nhưng nếu bỏ qua trò xấp ngửa thì đúng là tuần qua quá khó để phân tích, chứ đừng nói là dự báo. Vì vậy, có thể thông cảm khi đã có nhiều hơn các CTCK đứng vai trung lập, FPTS xuất sắc nhất cũng chỉ trúng 3 phiên.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Kết thúc tuần giao dịch từ 17/2 đến 21/2, cả 2 sàn cùng song hành khi có cùng 4 phiên tăng và 1 phiên giảm điểm. Theo đó, HOSE đã tăng tổng cộng 15,82 điểm, tương ứng tăng 2,77% và đứng tại 586,48 điểm. Còn sàn HNX tăng tổng cộng 2,95 điểm, tương ứng tăng 3,62% và đứng ở mức 83,12 điểm.

Một tuần giao dịch nhiều biến động và xúc cảm. Nhưng trái với tuần trước, không nhiều nhà đầu tư được hưởng niểm vui trọn vẹn ở 2 phiên cuối tuần.

Ở phiên đầu tuần 24/2, những tưởng áp lực cung lớn cùng với việc giá xăng “nhảy disco” sẽ làm sẽ làm thị trường xấu đi như mọi khi, nhưng nhờ các thông tin hỗ trợ như CPI tháng 2, hay các thông tin (dù chưa chính thức) về gói tín dụng 100.000 tỷ dành cho bất động sản và sẽ có kết luận việc nới room ngoại vào cuối tháng 2 này được bung ra “đúng lúc” đã khiến kết quả hoàn toàn đảo ngược khi các chỉ số đều tăng mạnh, thanh khoản vẫn ở mức khá cao hơn 2.600 tỷ đồng.

Trước phiên đầu tuần, dù tỏ ra thận trọng nhưng trước dòng tiền vào thị trường vẫn đang mạnh có thể phá mọi phân tích, hầu hết các “Gia Cát Dự” của chúng ta đều bất ngờ cùng đồng thanh bài “trung lập”.  Ngoài các “ca sĩ” chính như MBS, FPTS, BVS, SHH còn có “nhóm bè” VDSC, IVS, MBKE. Ngay cả như MSBS, VCSC hay BSC cũng đã tạm bỏ “xì-tai” mọi khi để gia nhập “dàn hợp xướng” trên.

Sang phiên 25/2, thị trường chịu sức ép lớn trước nguồn cung “khủng” 5.500 tỷ đồng giá trị cổ phiếu của phiên kỷ lục 20/2, cùng với việc xăng tăng khiến nhà đầu tư khá thận trọng trong đầu phiên sáng. Tuy nhiên, sự hưng phấn đã được lấy lại ngay sau đó và duy trì đến cuối ngày và các chỉ số cùng đạt đỉnh mới. Đây cũng là phiên HOSE tăng điểm mạnh nhất trong tuần.

Cũng giống như phiên đầu tuần, các CTCK, trước sự nhiễu loạn của thông tin và khó dự đoán khả năng hấp thụ lượng cổ phiếu T+3 về tài khoản đa số đã chọn dự báo trung dung. Dễ hiểu vì sao những chuyên gia phân tích vốn có tính thận trọng cao của MBS, FPT, BVSC, SHS, hay IVS, MBKE, VDSC, SSI tiếp tục giữ quan điểm thận trọng và nhận định ở phía trung lập. Trong khi đó, MSBS và VCSC đã quay trở lại với những nhận định khá đúng với kết quả của phiên khi cùng cho rằng các chỉ số đều tăng. Tất nhiên, việc tăng mạnh của VN-Index vẫn nằm ngoài dự đoán của 2 công ty này.

Tới phiên 26/2, lại một phiên giao dịch giàu cảm xúc! Tiếp đà hưng phấn từ phiên trước, cả 2 chỉ số đều tăng mạnh, trong đó HOSE được kéo một mạch vượt qua mốc 590 điểm. Nhưng cũng kể từ thời gian này, “nhiệt” của thị trường cũng bắt đầu yếu dần và thực sự bị nhấn chìm chỉ trong vòng hơn nửa tiếng đồng hồ cuối phiên sáng khi làn sóng cắt lỗ ào ạt dâng.

Tình hình đầu phiên chiều cũng vẫn khá u ám, nhưng rồi thông tin giảm lãi suất huy động và đặc biệt là về gói bất động sản “khủng” 100.000 tỷ đồng sẽ có sau 1 tháng nữa lại được bung ra đúng lúc đã kéo thị trường bay cao.

Các nhà đầu tư nhanh chân chốt lời phiên sáng chưa kịp vui đã lại bấm bụng tiếc hùi hụi, trong khi số còn lại khi còn chưa kịp hết hoang mang thì lại thở phào nhẹ nhõm. Thị trường là như vậy, “trâu chậm chưa chắc đã uống nước đục”!!!

Về phần các CTCK, phiên này cũng là phiên đột phá bất ngờ của các công ty khi phần lớn đều dự đoán khá sát về diễn biến và kết quả của phiên. MSBS, FPTS, MBKE, VDSC, IVS đều cho rằng thị trường tăng điểm đầu phiên, rồi xuất điều chỉnh mạnh nhưng kết phiên vẫn tăng điểm và cùng khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên chốt lời thời điểm này. Trong khi đó MBS, SHS, BVSC, SSI vẫn kiên trì với những nhận định trung tính.

Đến phiên 27/2, tiếp tục là một phiên khó dự báo khi kịch bản cũ dường như có chủ đích từ đâu đó gây nên: giữ trụ, xả hàng. Phiên sáng, các mã lớn như ITA, OGC, VNM, PVX, SHB… được đẩy mạnh kéo chỉ số lên cao, tạo tâm lý hưng phấn khiến nhiều nhà đầu tư đua nhau xuống tiền.

Phiên chiều, bổn cũ soạn lại, lực bán ầm ầm đổ xuống khiến nhiều nhà đầu tư treo lệnh mua từ sáng không kịp trở tay, các chỉ số cắm đầu lao dốc. Một cú “úp sọt” ngoạn mục!. Với diễn biến này, việc IVS, MSBS, MBKE, SHS dự đoán trật là khó tránh khỏi. Trong khi dự đoán trúng kết quả như FPTS, BVSC, VDSC cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ, vì diễn biến thị trường kịch tính hơn nhiều, giảm điểm như có ai đó khiến thị trường giảm chứ không phải là diễn biến bình thường. Có lẽ cứ như MBS và SSI đứng ở giữa “tọa sơn quan hổ đấu” hóa lại hay !?.

Sau phiên “úp sọt” trước đó, thị trường phiên sáng 28/2 rơi vào trạng thái điều chỉnh và suy yếu khá rõ ràng, giao dịch thận trọng quá đà và rất ít các biến động phục hồi nổi bật. Phiên cuối tuần có lẽ không dành cho những người yếu tim. Chỉ số lên xuống như sóng, điểm cao nhất và thấp nhất cách nhau 10 điểm trên đồ thị VN Index.

Sau hơn 40 phút giao dịch buổi chiều, những tưởng mọi biến động trong tuần đã qua khi các mã lớn được “tiêm dopping” kéo VN Index một mạch vượt qua 591 điểm. Nhưng tất cả chỉ là ào, sự bất ngờ còn hơn cả phiên trước đó khi lệnh xả chọn thời khắc ATC. Cú “úp sọt lần 2” này một lần nữa suýt thành công ở “phút 89”, nếu không có một số mã đứng ngoài xu thế giúp thị trường giữ được màu xanh.

Điều đáng ghi nhận ở những phiên có diễn biến khó lường như vậy là FPTS và BVSC tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh khi có những nhận định và khuyến nghị khá chuẩn xác. MBKE tuy đi “ngược chiều” ở phiên này, nhưng sự cảnh báo cẩn trọng của MBKE là không thừa. Trong khi đó, MBS, SSI, SHS tiếp tục với những quan điểm trung lập, còn có đồng minh là VDSC, IVS, BSC.

Tổng kết, vị trí số 1 trong các "Gia Cát Dự" tuần giao dịch vừa qua đã có sự đổi ngôi. FPTS vuơn lên dẫn đầu với 3 lần dự đoán trúng tại các phiên 26/2, 27/2 và 28/2. Tiếp theo đó là BVSC và MSBS với cùng là 2 lần trúng. Ở chiều ngược lại, MBKE cũng là công ty “đi trật” nhiều nhất với 2 phiên 27/2 và 28/2. MSBS, SHS và IVS cùng có 1 phiên trật.

Tuần này, dù có cố nhưng SHS cũng không thể “qua mặt” MBS để chiếm lấy vị trí “trọng tài chính”. MBS kiên trì với quan điểm trung lập ở cả 5 phiên giao dịch, còn SHS là 4 phiên.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/24/2

HOSE(+6,01/1,05%/576,58)

HNX(+1,49/1,85%/81,66)

SHS, FPTS, MBS, MSBS, VDSC, BSC, BVSC, MBKE, VCSC, IVS

T3/25/2

HOSE(+9,62/1,67%/586,2)

HNX(+0,59/0,72%/82,25)

MSBS, VCSC

FPT, IVS, MBS, SHS, BVSC, MBKE, VDSC, SSI

T4/26/2

HOSE(+3,61/0,61%/589,81)

HNX(+0,54/0,66%/82,79)

MSBS, FPTS, MBKE, VDSC, IVS

MBS, SHS, BVSC, SSI

T5/27/2

HOSE(-5,02/0,85%/584,79)

HNX(-0,16/0,2%/82,63)

BVSC, VDSC, FPTS

MBS, SSI

IVS, MSBS, MBKE, SHS

T6/28/2

HOSE(+1,60/0,29%/586,48)

HNX(+0,49/0,59%/83,12)

FPTS, BVSC

MBS, IVS, BSC, SSI, VDSC, SHS

MBKE