* Phiên giao dịch đầu tuần 22/4: Mặc dù thị trường đã khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần trước ngày 19/4 sau 4 phiên liên tiếp điều chỉnh, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh khiến giới đầu tư không mấy tin tưởng vào xu thế tăng đã trở lại. Chính vì vậy, VN-Index nhanh chóng trở về dưới mốc tham chiếu khi mở cửa phiên 22/4, thậm chí VN-Index có thời điểm rơi xuống dưới mốc 960 điểm.
Tuy nhiên, cặp đôi lớn nhà Vin gồm VHM và VIC đóng vai trò lực đỡ chính giúp VN-Index lấy lại mốc 965 điểm bất chấp sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử cùng sự níu chân của "ông lớn" VNM.
Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,35 điểm (-0,04%) xuống 965,86 điểm, HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,23%) xuống 105,63 điểm, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,72%) xuống 55,65 điểm.
Trong khi đó, BVSC nhận định khá đúng khi cho rằng xu hướng thị trường vẫn được xác định với mức giảm ngắn hạn.
Mặt khác, MBS cho rằng phiên hồi phục mang tính kỹ thuật cuối tuần trước (19/4) chưa thể kết luận xu hướng giảm của thị trường đã kết thúc hay chưa, kịch bản chủ đạo vẫn là quan sát khi có dòng tiền lớn lên tiếng.
* Sang phiên giao dịch ngày 23/4: Trong phiên sáng, ngoại trự sự đột biến của VHG do áp lực chốt lời diễn ra mạnh, diễn biến chung của thị trường diễn ra khá ảm đạm khi nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát. Do đó, VN-Index chỉ diễn biến lình xình sát mốc tham chiếu với thanh khoản sụt giảm mạnh.
Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu bất ngờ gia tăng tại một vài mã bluechip, nhất là VIC và GAS, cùng VRE, kéo VN-Index đảo chiều tăng thẳng đứng lên mốc 970 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền không quá mạnh, nên VN-Index quay đầu hạ nhiệt khi chạm ngưỡng kháng cự này.
Đóng cửa, VN-Index tăng 2,14 điểm (+0,22%) lên 968 điểm, HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,62%) lên 106,29 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,06%) lên 55,68 điểm.
Tương tự, TVSI cũng cho rằng, nhịp hồi phục sẽ trở lại trong những phiên tới với sự nâng đỡ của nhóm vốn hóa lớn.
Trong khi đó, MBS đã vẽ bức tranh khá tối khi cho rằng ở một số nhóm cổ phiếu, mức đáy trong 3 đến 4 tuần đã bị xuyên thủng trong đó có các nhóm vốn hóa lớn như: Thực phẩm, ngân hàng… nếu các nhóm này tiếp tục giảm thêm thì sẽ là gánh nặng khá lớn cho các chỉ số vì đây là mã có trọng số cao trong chỉ số VN-Index.
* Trong phiên giao dịch 24/4: Hưởng ứng phiên lập đỉnh lịch sử của phố Wall trong phiên tối trước, cũng như dư âm của phiên đảo chiều chiều qua (23/4), thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng, lên trên ngưỡng 976 điểm với sắc xanh bao trùm bảng điện tử.
Đà tăng của thị trường được giữ vững trên ngưỡng 976 điểm trong phiên chiều nhờ lực cung không quá mạnh, nhưng sự thận trọng của bên nắm giữ tiền mặt khiến diễn biến thị trường diễn ra khá ảm đạm.
Đóng cửa, VN-Index tăng 8,92 điểm (+0,92%) lên 976,92 điểm, HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,8%) lên 107,14 điểm, UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,67%) lên 56,06 điểm.
Bên cạnh đó, TVS nhận định đúng khi dự báo, VN-Index sẽ duy trì diễn biến hồi phục với sự nâng đỡ của nhóm vốn hóa lớn, mặc dù vậy, nếu không có sự ủng hộ của yếu tố thanh khoản, chỉ số khó có thể tiến xa.
Trái lại, BVSC nhận định sai khi cho rằng xu hướng của thị trường vẫn giảm ngắn hạn. Đồng thời, khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường hoặc chỉ nắm giữ tỷ trọng ở mức trung bình thấp 20-30% cổ phiếu.
* Đến phiên giao dịch 25/4: Dòng tiền tiếp tục dè dặt trong phiên giao dịch hôm nay, nhưng lực cung giá thấp không còn được tiết giảm như phiên hôm qua khiến thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Đáng chú ý, các cổ phiếu tăng nóng thời gian qua như VHG, PPI bị bán mạnh và lây lan sang cả các mã khác như TTF, HVG.
Đóng cửa, VN-Index giảm 2,79 điểm (-0,29%) xuống 974,13 điểm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,19%) xuống 106,93 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%) lên 56,08 điểm.
Tương tự, TVS và BVSC cũng có nhận định trái ngược với xu hướng khi dự báo diễn biến thị trường hồi phục, thậm chí TVS cho rằng, vùng giá 1.000-1.010 điểm sẽ là mục tiêu gần nhất mà chỉ số hướng tới.
Trong khi đó, MBS đưa ra 2 phương án, đó là nếu VN-Index vượt qua được ngưỡng 980 điểm thì cửa tăng sáng hơn; đồng thời thận trọng cho rằng, nếu thị trường điều chỉnh cũng không quá đáng ngại, đó sẽ là cơ hội reset lại đáy ngắn hạn và tạo cơ hội cho dòng tiền đến sau.
* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/4: Phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày cũng chịu tác động khá mạnh khi dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của bluechip, đặc biệt sự hỗ trợ khá tích cực của nhà Vin, đã giúp VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại mức cao nhất ngày, tiếp sát mốc 980 điểm.
Đóng cửa, VN-Index tăng 5,51 điểm (+0,57%) lên 979,64 điểm, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,49%) lên 107,46 điểm, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,26%) lên 56,23 điểm.
Trong khi đó, TVSI cho rằng, rủi ro giảm điểm trở lại cần được lưu ý, tuy nhiên không quá lo ngại ở thời điểm hiện tại. Trong ngắn hạn, chúng tôi duy trì đánh giá đi ngang vẫn sẽ là xu hướng chính của thị trường.
Còn BVSC nhận định xu hướng của thị trường hiện tại vẫn được xác định với mức giảm ngắn hạn nên các phiên tăng của chỉ số ở thời điểm hiện tại vẫn được xem là nhịp hồi mang tính kỹ thuật.