Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch cuối tháng 11 khá buồn tẻ. Bên cạnh dòng tiền tham gia yếu, các chỉ số cũng biến động lình xình trong biên độ hẹp qua từng phiên giao dịch. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 26/11: Mặc dù dòng tiền chủ yếu đứng ngoài, nhưng trụ đỡ VNM và bộ 3 "nhà Vingroup" đã trở thành điểm tựa, tiếp sức cho thị trường đảo chiều hồi phục thành công trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,06 điểm (+0,33%) lên 921,03 điểm, HNX-Index giảm 0,29 điểm (-0,28%) xuống 103,98 điểm, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,45%) lên 52,11 điểm.

Về phần các Dự, mặc dù nhận định đúng về xu hướng tăng của thị trường nhưng BVSC lại đặt kỳ vọng lớn khi cho rằng VN-Index sẽ hướng tới vùng kháng cự 930-940 điểm.

Tương tự, SHS cùng nhận định đúng với dự báo VN-Index có thể sẽ tiếp tục giao dịch khó chịu với diễn biến giằng co với thanh khoản thấp trong biên độ 900-930 điểm.

Trái lại, TVSI nhận định thiếu chuẩn xác khi dự báo khả năng chỉ số sẽ tiếp tục giảm và không loại trừ có thể giảm về vùng hỗ trợ 880-890 điểm. Tương tự, PHS cũng dự báo thị trường có thể chỉ đang test lại các ngưỡng hỗ trợ thấp trước khi tiếp tục đi lên các mốc cao hơn..

* Sang phiên giao dịch ngày 27/11: Hưng phấn với đà tăng mạnh của TTCK Mỹ cũng như thị trường trong khu vực, VN-Index mở cửa bật tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng này không duy trì được lâu khi nhà đầu tư tỏ ra hết sức thận trọng khi giao dịch.

Lực cung bất ngờ gia tăng ngay khi thị trường bước vào phiên chiều khiến VN-Index lao thẳng và may mắn thoát khỏi phiên giảm điểm trong ít phút cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của một vài mã lớn như VIC, VHM, VNM.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,09 điểm (+0,23%) lên 923,12 điểm, HNX-Index giảm 0,79 điểm (-0,76%) xuống 103,19 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,6%) lên 52,14 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định khá đúng khi dự báo xu hướng tăng điểm nhẹ với diễn biến giằng co, phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

Trong khi đó, TVSI đặt kỳ vọng cao khi cho rằng thị trường có thể hình thành một xu hướng tăng mạnh do thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Mặt khác, SHS thận trọng khi đưa ra dự báo trong phiên 27/11, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang trong biên độ 900-930 điểm với nền tảng thanh khoản thấp.

* Trong phiên giao dịch 28/11: Nhà đầu tư trong nửa phiên sáng vẫn trong tâm trạng thận trọng và chờ đợi những đòn bẩy để có thể đưa ra những quyết định mới, tuy nhiên những điều đó chưa tới, trong khi các cổ phiếu lớn đã dường như hết lực, khiến các chỉ số chính chỉ biến động không đáng kể.

Tưởng chừng thị trường sẽ tiếp diễn không khí buồn tẻ trong phiên giao dịch chiều trong bối cảnh dòng tiền chủ yếu lựa chọn cách đứng ngoài quan sát, thì bất ngờ đã xảy ra. Dù dòng tiền không cải thiện, thậm chí thanh khoản còn sụt giảm so với phiên hôm qua, nhưng VN-Index bất ngờ tăng vọt leo thẳng đứng lần lượt vượt qua ngưỡng 925 và 930 điểm khi chốt phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng 7,08 điểm (+0,77%), lên 930,2 điểm, HNX-Index tăng 0,91 điểm (+0,88%), lên 104,1 điểm, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,04%), lên 52,16 điểm.

Về phần các Dự, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường sẽ tiếp tục biến động giằng co đi ngang. Điển hình theo SHS tiếp tục dự báo phiên giao dịch 28/11, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang trong biên độ 900-930 điểm với thanh khoản thấp.

Trong khi đó, PHS nhận định khá đúng về xu hướng thị trường khi dự báo vẫn còn cơ hội gia tăng lên các mốc điểm cao hơn mặc dù diễn biến giằng co vẫn sẽ chi phối chính.

* Đến phiên giao dịch 29/11: Ảnh hưởng từ sự tích cực của TTCK Mỹ, chứng khoán Việt Nam bật tăng mạnh ngay khi mở cửa, lên gần mốc 940 điểm. Tuy nhiên, sự hưng phấn này không duy trì được lâu và VN-Index dần hạ nhiệt về cuối phiên khi dòng tiền vào thị trường tỏ ra yếu ớt.

Diễn biến tiếp tục xấu đi trong phiên chiều khi VN-Index nhận được tín hiệu kém tích cực từ TTCK châu Á, cộng thêm xu hướng suy yếu hơn của dòng tiền khiến đà hồi phục nhanh chóng bị dập tắt.

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,41 điểm (-0,37%) về 926,79 điểm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,007%) lên 104,17 điểm, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,26%) lên 52,29 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định thiếu chuẩn xác khi dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm. Cũng có cùng quan điểm nhận định thị trường tăng là BSC.

Trong khi đó, dù đưa ra dự báo VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm trong phiên 29/11, nhưng SHS khá thận trọng đưa ra giả thiết nếu thanh khoản không được cảu thiện thì rủi ro xu hướng vẫn còn khá lớn.

Mặt khác, TVSI nhận định có phần đúng khi cho tằng biến động giằng có xung quanh vùng giá hiện tại tiếp tục được đánh giá cao là xu hướng chính trong ngắn hạn.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/11: Mặc dù thanh khoản thị trường đã dần nhích lên nhưng diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn khiến các chỉ số biến động khá giằng co và VN-Index thiếu may mắn khi kết phiên dưới mốc tham chiếu trong khi 2 chỉ số còn lại đều khởi sắc.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,25 điểm (-0,03%) xuống 926,54 điểm, HNX-Index tăng 0,65 điểm (+0,63%)lên 104,82 điểm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,13%) lên 52,36 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định đúng về xu hướng điều chỉnh của thị trường dù khá tiêu cực khi cho rằng VN-Index về vùng 918-923 điểm. Tương tự, TVSI cho rằng khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 880-890 điểm cần được lưu ý.

Trong khi đó, SHS nhận định khá đúng khi dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể sẽ lại tiếp tục giằng co trong khoảng giá 900-930 điểm.