* Phiên giao dịch đầu tuần 28/11: Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh tay bán ra, đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc với hàng trăm mã giảm giá.
Chỉ số Vn-Index có thời điểm rơi xuống sát mốc 661 điểm trước áp lực bán gia tăng và lan rộng của khối ngoại, tuy nhiên, lực cầu đỡ giá ROS cuối phiên đã giúp thị trường giảm bớt đui phần nào mất mát.
Đóng cửa, VN-Index giảm 10,58 điểm (-1,57%), xuống 665,29 điểm; HNX-Index cũng nới rộng đà giảm khi mất 0,77 điểm (-0,95%), xuống 80,22 điểm.
Trong khi đó, PHS nhận định áp lực giảm điểm vẫn duy trì và khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát. Tương tự, VCSC cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ có xu hướng giảm điểm, với sự phân hóa mạnh và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là khá khó khăn.
* Sang phiên giao dịch ngày 29/11: VNM đã có phiên phục hồi tốt sau 4 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, trong top 10 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ duy nhất VNM có sắc xanh, nên không thể giúp VN-Index tránh khỏi phiên giảm mạnh tiếp theo và chỉ số này chính thức mất mốc 660 điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 7,03 điểm (-1,06%) xuống mức 658,26 điểm, HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,13%) xuống 80 điểm.
Trong khi đó, BVSC, PHS, BSC, MBS nhận định khá đúng khi cho rằng áp lực giảm sẽ tiếp diễn và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm trả lại các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn vùng 660 điểm trong ngắn hạn.
Thậm chí, BVSC còn đưa ra quan điểm tiêu cực khi cho rằng VN-Index đang nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn, với vùng hỗ trợ kế tiếp tại 640 điểm.
* Trong phiên giao dịch 30/11: Dù nhiều mã bluechip phục hồi trở lại trong phiên sáng nay, nhưng lực cầu dè dặt khiến VN-Index chưa thể gượng dậy sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần.
Bước sang giao dịch chiều, khối ngoại bắt đầu giao dịch tích cực tại nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là tại VNM và HPG, 2 mã bị “vùi dập” liên tục trong nửa tháng qua. Động thái bất ngờ này đã giúp tâm lý thị trường như trút được gánh nặng. Hoạt động giao dịch càng về cuối càng trở nên hào hứng giúp thị trường tăng vọt cùng thanh khoản cải thiện.
Đóng cửa, VN-Index tăng 6,81 điểm (+1,03%) lên 665,07 điểm, HNX-Index tăng 0,34 điểm (+0,43%) lên 80,35 điểm.
MSI và SHS có nhận định đúng với xu hướng thị trường khi cho rằng VN-Index có khả năng hồi phục trở lại trong phiên 30/11 dù các quan điểm này còn khá thận trọng với kỳ vọng thị trường chỉ tăng nhẹ.
Trong khi đó, nhiều công ty chứng khoán khác như PHS, FPTS, BSC, MBS có nhận định trái ngược với quan điểm thị trường đang đi vào xu hướng giảm điểm. theo MBS, áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn là rủi ro đối với thị trường, khả năng 2 chỉ số có thể kiểm nghiệm các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn 650-660 điểm với VN-Index và 79-80 điểm với HNX-Index trong phiên 30/11.
* Đến phiên giao dịch 1/12: Thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12 khá tích cực. Sự thăng hoa của các cổ phiếu họ P nhờ thông tin tích cực của giá dầu thô đã tiếp sức giúp thị trường có nhịp tăng mạnh ngay đầu phiên. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng trong phiên chiều cùng lực hãm VNM và ROS, đã hãm đà tăng của thị trường, khiến VN-Index chưa thể chinh phục thành công ngưỡng 670 điểm.
Đóng cửa, VN-Index tăng 1,47 điểm (+0,22%) lên mốc 666,54 điểm, HNX-Index tăng 0,92 điểm (+1,14%) lên mức 81,55 điểm.
Trong khi đó, MSI kỳ vọng khá cao khi nhận định đà phục hồi có thể khiến VN-Index quay trở lại vùng kháng cự mạnh 680 điểm.
Trái lại, BSC lại nhận định thị trường hiện vẫn vận động trong vùng rủi ro và khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế thực hiện mua theo xu hướng thị trường khi chỉ số thị trường chưa tạo được một nền giá tích lũy ổn định.
* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/12: Sau nhịp tăng đầu phiên, thị trường nhanh chóng quay đầu giảm điểm trước áp lực bán tại các mã lớn.
Sang phiên giao dịch chiều, nhiều mã có vốn hóa bật tăng để làm “bệ đỡ” cho VN-Index, tuy nhiên, lực kéo chưa đủ mạnh trong khi “ông lớn” VNM vẫn giảm điểm khiến nỗ lực kéo thị trường hồi phục bất thành, chỉ số này đã ngậm ngùi trở lại với sắc đỏ.
Đóng cửa, VN-Index giảm 1,4 điểm (-0,21%) về 665,14 điểm, HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,46%) về 81,17 điểm.
Trái lại, SHS nhận định thị trường có thể vẫn tăng điểm nhẹ trong phiên 2/12 để thử thách lại ngưỡng kháng cự 668 điểm.
Tương tự, BVSC cũng có nhận định sai khi cho rằng động lực tăng điểm đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của thị trường chung trong các phiên sắp tới.