Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 2/2, phiên giao dịch đầu tiên khi Thông tư 36 chính thức có hiệu lực, thị trường diễn ra rất ảm đạm cho dù có nhiều công ty lên tiếng về việc đảm bảo margin cho nhà đầu tư. VN-Index mở cửa 0,01% xuống 576,03 điểm, thanh khoản yếu với chỉ vài lệnh lẻ tẻ được đưa vào.
Dòng tiền tiếp tục vào nhỏ giọt, nhưng VN-Index đã có được sắc xanh nhờ vào nhóm cổ phiếu lớn như GAS, VCB, VIC, BVH, FPT… và hướng đến mốc 580 điểm. Nhưng khi còn chưa tăng vững, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm. Cộng với lực cầu yếu, số mã giảm điểm dần gia tăng, VN-Index theo đó tiếp tục lùi xuống, đóng lại phiên sáng với mức giảm 0,05% xuống 575,81 điểm.
Đối với HNX, sàn này cũng chìm trong sắc đỏ trong cả tiếng giao dịch sau khi mở cửa trong tình trạng trầm lắng. Sắc xanh của HNX-Index cũng chỉ thoáng qua rồi trở lại màu đỏ nhanh chóng, diễn biến này trùng với diễn biến VN-Index chưa kịp test lại mốc 580 điểm. Kết phiên sáng, HNX-Index cũng giảm 0,66% xuống 85 điểm. Trên HNX, cũng chỉ có 4 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị là KLF, SHB, SCR và FIT. Trong đó, KLF được khớp trên 2,57 triệu đơn vị.
Trong buổi giao dịch chiều, lực bán đã gia tăng mạnh, nhất là ở các mã có tính chất đầu cơ, sau đó lan rộng ra khắp bảng điện tử, khiến 2 sàn chìm trong sắc đỏ. Dù thị trường đã có những nỗ lực phục hồi, nhưng đợt xả hàng cuối phiên tiếp tục kéo cả 2 chỉ số quay đầu và giảm sâu hơn, VN-Index giảm 0,99% về 570,37 điểm, còn HNX-Index giảm1,33% về 84,42 điểm.
Hàng loạt mã khác đầu cơ như HQC, FLC, ITA, KBC, VHG, DLG… đều chìm trong sắc đỏ. OGC còn giảm về mức giá sàn và khớp được 4,84 triệu đơn vị, mức cao nhất trên sàn HOSE.
Trên HNX, sắc xanh cũng chỉ còn xuất hiện lác đác ở một vài mã bluechip như PVS, FIT. Chỉ có thêm 4 mã gia nhập là khớp được hơn 1 triệu đơn vị trong phiên chiều, nâng tổng số mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị trên HNX lên 8 mã. Trong đó, tất cả 3 mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX (trên 3 triệu đơn vị) là KLF, SCR và SHB đều đóng cửa với mức giá thấp nhất phiên.
Thanh khoản trên 2 sàn đều sụt giảm mạnh hơn 20% so với phiên cuối tuần trước, chỉ gần 2.000 tỷ đồng. Khối ngoại có phiên bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với gần 10,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 186 tỷ đồng trên 2 sàn.
Về phần các Dự, việc Thông tư 36 chính thức có hiệu lực khiến nhiều Dự cho rằng thị trường sẽ giao dịch trong diễn biến điều chỉnh, điển hình như MSBS và SHS.
“Chúng tôi duy trì quan điểm thị trường tiêu cực trong ngắn hạn khi dòng tiền mới chưa thực sự vào mạnh. Hơn nữa, thông tư 36 sắp được triển khai, nhiều công ty chứng khoán đã hạn chế Margin để cân đối nguồn. Điều này có thể gây ra tác động xấu trong ngắn hạn, cản trở đà tăng của thị trường. Trước mắt, VN-Index đang đối mặt với 2 mốc hỗ trợ quan trọng là 570 và 563 điểm, nhưng nhiều khả năng VN-Index sẽ điều chỉnh về mốc 563 trong 1,5-2 tuần tới. Như vậy, tuần sau nhiều khả năng sẽ là tuần giảm điểm, đà giảm sẽ bắt đầu ngay từ những phiên giao dịch đầu tuần và chững lại trong những phiên giao dịch cuối tuần”, MBSB nhận định.
Tương tự là nhận định của SHS: “Thị trường chứng khoán đang có sự khởi đầu năm mới không thực sự hiệu quả nếu so với cùng thời điểm trong 3 năm gần đây. Thông tư 36 xuất hiện vào cuối thời điểm năm ngoái, chính thức có hiệu lực thi hành vào đầu tháng 2 tới đây đã làm xáo trộn mạnh chu trình vận động của dòng tiền. Tâm lý phòng vệ được đẩy lên cao, áp lực bán cũng vì thế luôn xuất hiện thường trực khiến diễn biến thị trường chung luôn ở trạng thái biến động khó lường. Xét về yếu tố kỹ thuật, 2 chỉ số hiện tại đều đang cho dấu hiệu điều chỉnh mạnh khi phá vỡ các mốc hỗ trợ ngắn hạn và thanh khoản có xu hướng giảm. Điều này làm tăng khả năng tiếp tục điều chỉnh trong các phiên giao dịch đầu tuần tới. Sự thận trọng lúc này là điều cần thiết”.
Bên cạnh đó, MBS và IVS cũng đưa ra nhận định đáng chú về xu hướng thị trường của tuần giao dịch qua.
“Nhìn chung, ngắn hạn thị trường khả năng sẽ thận trọng và thanh khoản có thể giảm sụt trong một vài phiên tới với tâm lý chờ đợi thời điểm chính thức áp dụng thông tư 36 hoặc những thay đổi nếu có. Về cơ bản, thị trường đã chuyển sang giai đoạn sideway hẹp trong hai tuần gần đây với thanh khoản duy trì ở mức trung bình khá. Về mặt kỹ thuật, VN-Index chưa vượt được cản mạnh trong vùng kỹ thuật 580-583 và xu hướng ngắn hạn nghiêng về khả năng test các vùng hỗ trợ gần 565-570. Chúng tôi cho rằng thị trường cần thời gian để định hình xu hướng trước các biến động về thông tin”, MBS đánh giá.
Còn IVS nhận định rằng: “Dù gì thì thị trường tuần sau cũng sẽ chịu áp lực nhất định đặc biệt là những phiên đầu tuần. Khi nhóm Ngân hàng tiếp tục chịu áp lực bán chốt lời thì thị trường sẽ khó tìm được trụ đỡ cũng như nhóm dẫn dắt. Sự trở lại của nhóm Ngân hàng vào khoảng giữa tuần sẽ giúp thị trường bớt bi quan hơn. Nhìn chung, tuần đầu tiên tháng 2 sẽ ít có những diễn biến mạnh khi mà ngày lễ đang cận kề. Nhiều khả năng thị trường sẽ lại giảm thanh khoản xuống mức thấp và duy trì sự tích lũy tại vùng 570+/-10 điểm. Quan ngại lớn nhất tuần này chúng tôi nghiên về phía cổ phiếu đầu cơ hạng nặng như HAR, FLC, KLF,...NĐT cần thận trong trước diễn biến không thực sự tích cực mà nhóm này có thể tạo ra bởi NĐT thường sử dụng các sản phẩm 3 bên với CTCK thường là những cổ phiếu dạng này”.
Các Dự khác như MBKE, BVSC, VDSC, BSC, VCSC, SSI, KIS thì các nhận định chủ yếu mang tính trung lập.
Sang phiên giao dịch 3/2, việc giá dầu thô tăng mạnh trở lại khiến nhóm cổ phiếu dầu khí đã đồng loạt tăng giá trong phiên sáng 3/2, nhất là ở các mã lớn, giúp VN-Index tăng điểm ngay từ đầu phiên, trong khi dòng tiền chảy vào thị trường vẫn nhỏ giọt.
Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng đã khiến đà tăng mạnh của các mã dầu khí lớn dần hạ nhiệt. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ, vốn được sử dụng nhiều margin tiếp tục chịu áp lực bán ra, dù không còn lớn như phiên trước đó.
Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng chịu áp lực chốt lời khá mạnh sau khi NHNN công bố quốc hữu hóa Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần. VN-Index vì vậy không còn duy trì được sắc xanh lúc đầu phiên, mà quay đầu giảm điểm và đe dọa phá vỡ mốc 570 điểm.
Tương tự, với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, HNX-Index cũng có sắc xanh ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, nhưng trước áp lực bán lớn sau đó ở nhiều mã khác, HNX-Index cũng quay đầu giảm trở lại. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,29% xuống 568,72 điểm, HNX-Index cũng giảm 0,85% xuống 83,7 điểm.
Trên HOSE, tất cả các mã ngân hàng đều giảm điểm, trong đó giảm mạnh nhất là STB (-3,26%), CTG (-2,22%). Còn trên HNX, ACB giảm 2,38%, SHB đứng ở tham chiếu.
Trong buổi giao dịch chiều, việc Thông tư 36 có hiệu lực, cộng với tình hình sức khỏe của VNBC khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu sức ép lớn. Áp lực bán dần gia tăng và đến đợt ATC, lực bán tháo xuất hiện, đẩy hàng loạt đại đa số mã trong nhóm này đóng cửa với sắc xanh mắt mèo, qua đó kéo các chỉ số xuống mức thấp nhất ngày. Đóng cửa, VN-Index giảm tới 12,9 điểm (-2,26%) xuống 557,47 điểm, còn HNX-Index cũng mất tới 1,86 điểm (-2,21%) xuống 82,56 điểm.
Tất cả các mã ngân hàng niêm yết trên HOSE cùng giảm mạnh, trong đó có tới 4 mã giảm sàn là VCB, BID, CTG và EIB.
Tương tự trên HNX, cả ACB và SHB cũng đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong ngày khi ACB giảm 7,71% và SHB giảm 5,68%, trong khi NVB “thoát nạn” do không có giao dịch nào được thực hiện.
Áp lực bán tháo của nhóm ngân hàng lan tỏa ra các mã bluechip khác. GAS về mức tham chiếu. PVD chỉ còn duy trì mức tăng 2,63% so với mức 3,51% của phiên sáng. Nhóm cổ phiếu thị trường cũng hầu hết giảm điểm, trong đó DLG giảm sàn xuông10.500 đồng va khớp 4,17 triệu đơn vị.
Trên HNX, sức ép lớn từ thị trường khiến KLF quay về tham chiếu và khớp 7,7 triệu đơn vị, trong khi sắc đỏ bao trùm gần như toàn bộ các mã còn lại, ngoại trừ PVC vẫn duy trì mức tăng 1,71%. IVS bất ngờ tăng trần và khớp gần 1 triệu đơn vị.
Thanh khoản chung dù đã tăng nhẹ so với phiên trước, nhưng cũng chỉ đạt gần 2.100 tỷ đồng. Khối ngoại cũng đã giảm mạnh bán ròng xuống hơn 550.000 đơn vị, giá trị hơn 42 tỷ đồng trên 2 sàn.
Về phần các Dự, đúng như báo thị trường đã có phiên giảm khá mạnh đầu tuần, vì vậy nhiều Dự cho rằng thị trường phiên thứ Ba sẽ chưa thể nằm ngoài xu hướng điều chỉnh. Tuy nhiên, việc cả 2 chỉ số giảm sâu như phiên này đều nằm ngoài dự báo của đa phần các Dự. Theo đó những nhận định của IVS, BSC, VCSC là chưa thật đúng.
“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể hồi phục trong phiên giao dịch ngày mai 3/2. Theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật, lực cầu có thể gia tăng dần khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn và tâm lý nhà đầu tư dần rơi vào trạng thái bi quan thái quá”, VCSC đánh giá.
BSC thì cho rằng: “Ở góc độ kỹ thuật, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ không giảm quá vùng hỗ trợ 565 - 570 điểm. Một sự sụt giảm sâu dưới ngưỡng này sẽ khiến hoạt động bán trong ngắn hạn đẩy mạnh và đe dọa xu hướng thị trường. Kháng cự vẫn ở mức 580 điểm”.
Tương tự là IVS: “Thị trường được kỳ vọng sẽ dừng giảm khi đường MA300 hỗ trợ cũng như điểm đáy 565 điểm. Và với xu thế kiểu này thì không nên kỳ vọng dòng tiền sẽ gia tăng mà chỉ kỳ vọng nó sẽ dừng giảm trước vùng hỗ trợ này trước kỳ nghỉ lễ”.
Dù vậy, MSBS là “niềm an ủi” đối với các Dự khi đã đưa ra nhận định khá chính xác. “Thị trường có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp và đang tiến sát mốc hỗ trợ 570 điểm, tín hiệu PSAR liên tục phát đi tín hiệu tiêu cực, thanh khoản thấp do tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định.VN-Index đang có xu hướng điều chỉnh giảm về vùng hỗ trợ 560-565 điểm. Với diễn biến giảm điểm mạnh cũng như thanh khoản thấp trong phiên ngày 2/2, chúng tôi cho rằng ngày 3/2 thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm”.
Trong khi đó, những nhận định thận trọng và mang tính trung lập như “rủi ro có xu hướng tăng dần”, hay “các chỉ số sẽ có thêm vài phiên diễn biến khó khăn”... của SHS, SSI, KIS, BVSC, MBS, MBKE, VDSC là không thừa.
Tới phiên giao dịch 4/2, cũng như phiên trước, thông tin giá dầu tiếp tục phục hồi mạnh đã hỗ trợ tốt cho nhóm cổ phiếu dầu khí trên TTCK Việt. Đây chính là nhân tố chính giúp VN-Index mở cửa chỉ giảm nhẹ 0,1% xuống 556,93 điểm và đang nỗ lực giúp chỉ số này hồi phục, trong đó nỗ lực nhất vẫn là GAS và PVD.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu cũng không còn lao dốc mạnh như chiều qua, thậm chí còn đảo chiều tăng trở lại như MBB, EIB và STB.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đa phần lình xình quanh tham chiếu như FLC, VHG, ITA…, trong khi OGC cũng thoát mức sàn và chỉ còn giảm 200 đồng và khớp mạnh nhất sàn với 6,58 triệu đơn vị.
Sau gần 1 giờ giao dịch, VN-Index đã đảo chiều thành công, nhưng tâm lý thận trọng vẫn duy trì cùng áp lực bán tại nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức cao khiến chỉ số thiếu động lực để tăng bền vững. Kết phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,02% về 557,37 điểm.
Đối với HNX, sàn này cũng khởi đầu trong sắc đỏ. Tuy nhiên, với sự tăng tốt của một loạt mã dầu khí lớn như PVS, PVC, PGS, PVX nên HNX cũng nhanh chóng đảo chiều và giữ màu xanh cho đến hết phiên sáng. Ngoài ra, các cổ phiếu bluechip khác như SHB, BVS, KLS, SCR… đều tăng nhẹ, qua đó cùng hỗ trợ cho thị trường. SCR là mã đạt thanh khoản tốt nhất sàn với 3,31 triệu đơn vị được khớp.
Trong buổi giao dịch chiều, tín hiệu tích cực tiếp tục lan tỏa toàn thị trường. VN-Index lấy lại sắc xanh ngay từ đầu phiên. Các cổ phiếu có vốn hóa lớn cùng cổ phiếu dầu khí là điểm tựa chính giúp thị trường bật tăng mạnh như PVD tăng 2,56%, GAS tăng 2,61%, VNM tăng 1,98%, BVH tăng 4,35%, HCM tăng 2,3%...
Ở nhóm ngân hàng, STB, MBB và EIB tiếp tục nới rộng đà tăng, thì VCB, CTG và BID đã thu hẹp bớt đà giảm. BID thanh khoản tốt nhất nhóm với 4,56 triệu đơn vị, còn thấp nhất là VCB và STB với cùng 1,3 triệu đơn vị.
Đối với nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi FLC tăng mạnh 500 đồng và khớp 11,83 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản của sàn, thì OGC lại nằm sàn khi bị chốt lời mạnh, thanh khoản chỉ sau FLC với 10,81 triệu đơn vị được khớp và vẫn còn dư bán sàn. Còn HQC thì được thỏa thuận mạnh đạt 9,16 triệu đơn vị, trị giá 164,5 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì tốt đà tăng. PVC tăng 3,36%, PGS tăng 1,49%, PVS tăng 0,72%. Các lớn khác cũng tăng tích cực như BVS tăng 2,22%, SHB tăng 2,4%, ACB tăng 1,26%... qua đó tô đậm thêm sắc xanh của HNX-Index. Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm KLF (4,43 triệu đơn vị), SCR (4,36 triệu đơn vị), SHB (4,22 triệu đơn vị), PVC (1,56 triệu đơn vị), PVX (1,2 triệu đơn vị).
Đóng cửa, VN-Index tăng 0,71% lên 561,45 điểm, còn HNX-Index tăng 0,77% lên 83,2 điểm. Tuy nhiên, việc thanh khoản chung giảm trở lại mức khá thấp, chưa tới 2.000 tỷ đồng khiến phiên bật lại này chưa nói lên được nhiều điều. Khối ngoại phiên này tuy quay ra mua ròng 314.790 đơn vị, nhưng về giá trị vẫn là bán ròng 3,28 tỷ đồng.
Về phần các Dự, sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, đặc biệt là phiên 3/2, thì các nhận định thận trọng trong thời điểm hiện tại của BSC, MBS, SSI, SHS, BVSC, MBKE là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, việc thị trường bất ngờ hồi phục khá tích cực ở phiên này, một lần nữa cho thấy nét thú vị, cuốn hút của thị trường. Thị trường đã không “bi quan” như đánh giá của IVS, MSBS, VDSC, KIS hay VCSC.
“Nhìn chung thị trường đang ngày càng chán và khiến nhà đầu tư cảm thấy ngột ngạt và bi quan. Vì thế, nhiều nhà đầu tư giờ đang muốn bán ra và rút tiền nghỉ lễ nên cơ hội tăng là rất khó. Thị trường có thể sẽ chững lại tại mốc 550 điểm trước khi có diễn biến mới nhưng nghỉ lễ sớm là câu chuyện của nhà đầu tư”, IVS đánh giá.
KIS cũng cho rằng: “Nhà đầu tư lo ngại vụ Ngân hàng VNCB sẽ tạo hiệu ứng xấu lên toàn hệ thống ngân hàng. Ngoài những yếu tố đó, chúng tôi nhận thấy thị trường đang thiếu hụt dòng tiền do nhà đầu tư tăng cường nắm giữ tiền mặt trong bối cảnh kì nghỉ Tết Âm lịch đang đến gần. Mặc dù áp lực nguồn cung chưa thực sự lớn, nhưng cầu yếu khiến xu hướng điều chỉnh chưa dừng lại”.
Tương tự là VCSC: “Chúng tôi cho rằng xu hướng ngắn hạn của hai chỉ số đã có chiều hướng tiêu cực hơn và điều này sẽ còn tác động tiêu cực đến diễn biến ở phiên tiếp theo, mức hỗ trợ gần nhất là mức 555 của chỉ số VN-Index và 81.5 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn giảm mạnh về vùng quá bán và nhà đầu tư đang rơi vào trạng thái bi quan thái quá, cho nên hai chỉ số có thể xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật trong phiên. Ngoài ra, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi hạ mức xu hướng ngắn hạn từ tăng xuống giảm và xuất hiện điểm bán ngắn hạn do hai chỉ số đã vi phạm các mức cắt lỗ”.
Và VDC cũng không là ngoại lệ: “Thị trường giảm mạnh kèm theo áp lực bán gia tăng mạnh hơn, các chỉ báo kỹ thuật cũng biến động đi xuống cho thấy đà giảm chưa kết thúc. Với tình hình này nhà đầu nên thận trọng quan sát và giữ danh mục ở mức tỷ trọng hợp lý”.
Nhận định của MSBS thì trật hẳn: “Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến thị trường giảm điểm mạnh đẩy chỉ số VN-index đánh mất mốc hỗ trợ 560 điểm, Fibonacci 61,8% bị xuyên thủng. Chúng tôi tiếp tục duy trì cảnh báo trạng thái xấu của thị trường trong ngắn hạn và khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường để theo dõi, không tham gia bắt đáy trong thời gian này. Sau khi đánh mất mốc 560 điểm trong phiên ngày 3/2 với chỉ số giảm mạnh và thanh khoản thấp, ngày 4/2, thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm. VN-Index xu hướng sẽ tiến về 545-550 điểm trong thời gian 1-2 tuần tới”.
Tới phiên giao dịch 5/2, nhóm cổ phiếu dầu khí sau phiên tăng tích cực trước đó đã trở lại xu thế giảm điểm. Bên cạnh các cổ phiếu nhỏ vẫn giữ sắc đỏ như PXL, PXS, PXT…, các cổ phiếu chủ chốt như PVD, GAS cũng lần lượt đảo chiều giảm điểm. Thay vào đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại trở thành điểm tựa VN-Index, giúp chỉ số này có được sắc xanh ngay từ đầu phiên sáng. VCB tăng 3,63%, CTG tăng 2,47%, BID tăng 3,18%... Trong đó, CTG khớp hơn 2 triệu đơn vị còn BID khớp hơn 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã lớn như VNM, BVH, FPT … tăng điểm hay VIC, MSN, GAS về mốc tham chiếu, cũng góp phần kéo VN-Index tăng mạnh hơn.
Các mã đầu cơ cũng gây được chú ý, nhất là mã HAI. Dường như thông tin FLC mua 2 triệu cổ phiếu HAI đã gây sự hung phấn, từ mức giá đỏ có thời điểm leo thẳng lên mức trần, nhưng cuối phiên sáng đã hạ bớt nhiệt, tăng 6,2% và khớp lệnh 4,72 triệu đơn vị, cao nhất sàn HOSE. Kết phiên, VN-Index tăng khá mạnh 0,97% lên 566,91 điểm.
Trong khi đó, sau thời gian giằng co nhẹ ở đầu phiên sáng, HNX-Index cũng đã củng cố được sắc xanh. Bên cạnh các cổ phiếu bluechip tăng điểm như KLS, FIT, VND, SCR… nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã hỗ trợ tốt cho đà phục hồi của thị trường khi ACB tăng 1,24%, SHB tăng 1,18%. KLF vẫn là cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất đạt 3,4 triệu đơn vị.
Trong buổi giao dịch chiều, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì đà hồi phục giúp VN-Index giữ vững đà tăng điểm. Trong khi đó, trên sàn HNX, sự suy giảm của nhóm cổ phiếu dầu khí là nguyên nhân chính nhấn chìm HNX-Index xuống dưới mốc tham chiếu.
Nhóm ngân hàng vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường. VCB tăng 5,44%, CTG tăng 5,56%, BID tăng 4,46%, EIB tăng 2,34%... trong đó được khối ngoại gom mạnh là CTG với hơn 851.000 đơn vị, VCB cũng được mua ròng 588.700 đơn vị.
Tuy nhiên, nhân tố đột biến của phiên vẫn dành cho mã HAI. Cầu mạnh khiến mã này tăng tới 6,9% lên 15.500 đồng/CP và khớp 5,69 triệu đơn vị, gấp 4-5 lần so với những phiên gần đây và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị. Trong khi FLC sau phiên bay cao đã trở lại mặt đất, gần hết phiên mới về được tham chiếu và khớp 6,72 triệu đơn vị. OGC giảm về sát giá sàn 5.000 đồng và khớp 6,13 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau thời gian dài giữ giá, trong phiên chiều 5/2, áp lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu họ “P” đã cuốn đi mọi nỗ lực. Chỉ số HNX-Index điều chỉnh nhẹ trước sự suy giảm của nhóm cổ phiếu này. Cặp đôi FIT và KLF dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 5,5 triệu đơn vị, FIT tăng 5,65% và KLF tăng 0,98%.
Đóng cửa, VN-Index tăng 1,02% lên 567,17 điểm, thì HNX-Index lại giảm nhẹ 0,03%) xuống 83,17 điểm. Dường như dòng tiền muốn nghỉ Tết sớm nên thanh khoản chung ở phiên này tiếp tục rớt thảm, chỉ đạt hơn 1.650 tỷ đồng. Phiên này, khối ngoại đã mua ròng khá mạnh gần 2,3 triệu đơn vị, giá trị 42,93 tỷ đồng.
Về phía các Dự, thị trường tiếp tục hồi phục khá tốt trong phiên này. Theo đó, những nhận định của BVSC và BSC chưa hẳn hợp lý.
“Về xu hướng thị trường, sau phiên giảm mạnh và đánh mất các ngưỡng hỗ trợ ngày 3/2, xu thế tăng ngắn hạn của thị trường nhiều khả năng đã tạm thời chấm dứt. Ưu tiên của nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay là quản trị rủi ro bằng cách sớm cắt giảm tỷ lệ cổ phiếu về mức an toàn (dưới 50%). Các phiên thị trường hồi phục được xem là cơ hội tốt để nhà đầu tư bán giảm tỷ trọng”, BVSC nhận định.
BSC thì cho rằng: “Việc hồi phục kỹ thuật trong một phiên với khối lượng thấp chưa thể đảm bảo để coi đà giảm của thị trường đã kết thúc. Nhà đầu tư nên tiếp tục thận trọng để theo dõi thêm diễn biến thị trường trong các phiên tới. Nhà đầu tư nên cân nhắc hạn chế tham gia mua mới hoặc nếu có chỉ nên tập trung vào các mã cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh tích cực với tỷ lệ giải ngân thấp để thăm dò”.
Ngược lại với những ý kiến trên, SHS và MSBS đã đưa ra những đánh giá tích cực cho phiên 5/2.
“Phiên hồi phục 4/2 ngoài ý nghĩa về việc hai chỉ số được giữ thành công trên các mốc cản kỹ thuật còn giúp cho áp lực cắt lỗ giảm bớt khi tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn và áp lực giải chấp không còn đặt trong trạng thái căng thẳng, đặc biệt tại nhóm các cổ phiếu ngân hàng. Điều này giúp xu hướng thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện trong các phiên tới”, SHS đánh giá.
MSBS nhận định rằng: “Tiếp nối đà tăng điểm 4/2, ngày 5/2 chỉ số VN-Index có thể tăng mạnh vào đầu phiên sau đó áp lực bán ra sẽ lớn dần đẩy chỉ số giảm dần về cuối phiên, kết thúc phiên chỉ tăng nhẹ”.
Trong khi đó, những MBKE, VDSC, VCSC, KIS, IVS, SSI, MBS tiếp tục trung thành với những phương án nhận định trung lập.
Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 6/2, với đà tăng sẵn có của của nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng, VN-Index mở cửa trong sắc xanh, tăng 0,33% lên 569,03 điểm. Dù vậy, cũng như phiên trước, tâm lý ngại thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản thị trường tiếp tục èo uột.
Sau đó, nhóm ngân dần yếu đà khi áp lực bán gia tăng. MBB và CTG quay về tham chiếu, STB thậm chí còn giảm 1 bước giá. Chỉ còn VCB tăng 700 đồng và EIB tăng 300 đồng. Thanh khoản cao nhất trong nhóm này là CTG với hơn 1,2 triệu đơn vị được khớp.
Tuy nhiên, nhóm chứng khoán đã kịp thời thay thế nhóm ngân hàng để hỗ trợ cho chỉ số. Các mã SSI, HCM, AGR hay BSI đồng loạt tăng điểm, trong đó HCM tăng 700 đồng, SSI tăng 400 đồng, AGR và BSI thì tăng nhẹ hơn.
Dòng tiền hết sức hạn chế khiến các mã đầu cơ giao dịch chậm đi rất nhiều. Chỉ OGC và FLC là khớp nhỉnh hơn 2 triệu đơn vị, các mã khớp trên 1 triệu đơn vị cũng chỉ có DLC, HAI, ITA, CCL và VHG. Trong số này, chỉ OGC, HAI và ITA là tăng tối thiểu.
Sự ổn định của nhóm dầu khí giúp VN-Index hướng tới ngưỡng 575 điểm. Nhưng lực cầu tỏ ra quá yếu, trong khi áp lực bán ở mức giá cao vẫn hiện hữu, nên VN-Index bị đẩy lui dần về mốc 570 điểm và dao động nhẹ trên mốc này cho đến hết phiên sáng. Kết phiên sáng, VN-Index tăng 0,88% lên 572,16 điểm.
Đối với HNX, diễn biến cũng không khác gì mấy so với HOSE, điểm thì vẫn tăng và thanh khoản vẫn cứ nhỏ giọt. Dù vậy, sắc xanh của sàn này được duy trì vững khi các mã dầu khí lớn như PVS, PVC, PLC tăng điểm. PLC tăng 500 đồng, PVS và PLC cùng tăng 200 đồng. Bên cạnh đó, các mã lớn khác như LAS, KLF, ACB, BVS, DBC... có được sắc xanh nhẹ, qua đó cùng hỗ trợ chỉ số. Chỉ có 2 mã trên sàn này khớp trên 1 triệu đơn vị, đó là KFL với 4 triệu đơn vị, FIT với 1,45 triệu đơn vị và đều giữ mức tăng tối thiểu. Kết phiên, HNX-Index tăng 0,88% lên 83,9 điểm.
Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến trong nửa đầu phiên cũng không khác nhiều so với phiên sáng. Vẫn là sự cân bằng giữa 2 bên mua bán và giao dịch hết sức chậm, VN-Index theo đó tiếp tục lình xình quanh mốc 572 điểm. Thị trường chỉ diễn biến tích cực hơn về cuối phiên nhưng không nhiều, khi mà nhóm cổ phiếu ngân hàng hút tiền trở lại. Sự hồi phục đúng lúc của nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index có bật mạnh cuối phiên. Đồng loạt 6 mã ngân hàng cùng tăng điểm. VCB tăng mạnh nhất 1.100 đồng lên 36.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản tốt nhất là CTG với 3,17 triệu đơn vị được khớp và tăng 600 đồng, lên 17.700 đồng/CP. Tiếp đó là BID với 2,7 triệu đơn vị, tăng 1.000 đồng lên 17.400 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán và dầu khí vẫn giữ được phong độ, tuy nhiên không có mã nào khớp lệnh đạt 1 triệu đơn vị.
Việc dòng tiền chững lại khiến giao dịch ở nhóm cổ phiếu đầu cơ giảm hẳn. FLC cũng chỉ khớp được 5,45 triệu đơn vị và giảm 200 đồng xuống 10.400 đồng. Các mã khác như OGC, HAI, DLG, KBC, ITA tuy có được sắc xanh, nhưng thanh khoản cũng thấp hơn mọi khi, chỉ từ 1,6 triệu đến 2,7 triệu đơn vị. VHG đứng tham chiếu và khớp 1,7 triệu đơn vị.
Tương tự, diễn biến trên HNX vẫn hết sức ảm đạm. Hoạt động giao dịch dường như chỉ mang tính quy trì. Vì vậy mà thanh khoản hay điểm số trên sàn này đều sút giảm so với mức của phiên sáng. Quan sát diễn biến của chỉ số HNX-Index, biểu đồ giao dịch gần như đi ngang. Chỉ số giữ được sắc xanh nhờ nhóm HNX30 với 20 mã tăng điểm. Cả sàn chỉ có 5 mã giao dịch trên 1 triệu đơn vị, đó là PVS, SHB, SCR, FIT (hơn 3 triệu đơn vị) và KLF (5,7 triệu đơn vị).
Đóng cửa, VN-Index tăng 1,23% lên 574,13 điểm, còn HNX-Index chỉ tăng 0,84% lên 83,87 điểm. Các chỉ số đều được cải thiện về mặt điểm số, nhưng thanh khoản hết sức èo uột, thậm chí còn không bằng phiên sáng, tính chung cả 2 sàn chỉ nhỉnh hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi nhà đầu tư nội giao dịch hết sức thận trọng thì khối ngoại giao dịch sôi nổi khi mua ròng mạnh trên 4,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 97 tỷ đồng, tăng tương ứng 109% và 127% so với phiên trước.
Về phía các Dự, thị trường có thêm một phiên tăng tốt ở cuối tuần nhờ sự trở lại kịp thời của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Kết quả này cho thấy nhận đinh của VCSC là chưa đúng.
“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể quay lại đà giảm trong phiên cuối tuần 6/2. Đặc biệt, các chỉ báo trạng thái xu hướng của chỉ số HNX-Index đang tăng dần lên cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục được mở rộng về các mức thấp hơn cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế hưng phấn tại các nhịp hồi phục kỹ thuật. Ngoài ra, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và hạ mức kháng cự của hệ thống xuống mức 575.13 của chỉ số VN-Index và 85.76 của chỉ số HNX-Index”.
Đối với IVS và MSBS, cho dù 2 Dự này cùng cho rằng các chỉ số sẽ tăng, nhưng đánh giá về diễn biến thị trường thì chưa thực sự đúng.
“Nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì thêm một phiên tăng nhẹ nhưng áp lực bán sẽ ngày một lớn hơn. Cổ phiếu BID tạo ra một khoảng GAP từ mốc 16.7 lên 17.1 thì nếu như BID có tăng sẽ khó vượt nhanh qua được mốc này. Tại đây, BID sẽ có một thời gian tích lũy và có lẽ chuyển biến tiếp theo sẽ phải là sau Tết. Nhìn chung, thị trường sẽ tiếp tục với một phiên tăng nhẹ và giao dịch trong trạng thái nghỉ Tết sớm”, IVS nhận định.
MSBS cũng có đánh giá tương tự: “Thị trường tăng điểm, đây là cơ hội để giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu, hạn chế mua vào vì nhiều khả năng vẫn sẽ còn một nhịp giảm điểm nữa. Theo đó, ngày 6/2 thị trường có thể tăng điểm đầu phiên chạm mốc 570 điểm, sau đó rung lắc mạnh và cuối phiên chỉ tăng nhẹ”.
Đối với BVSC, MBKE, VDSC, SHS, MBS, KIS, BSC và SSI, dù thị trường tăng hay giảm thì vẫn không thay đổi “gu”, tiếp tục là những nhận định thận trọng, nặng tính trung lập.
Tổng kết tuần giao dịch từ 2/2 đến 6/2, thị trường tuần cận Tết Nguyên đán đã có sự tích cực dù không nhiều. Các nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán luân phiên nhau hỗ trợ thị trường. Vấn đề thanh khoản dù thiếu tích cực, nhưng cũng là điều dễ hiểu khi tâm lý nghỉ ngơi trước kỳ nghỉ lễ là điều bình thường.
Về các chỉ số, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, VN-Index giảm 1,94 điểm (-0,29%) về 574,13 điểm. Còn với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, HNX-Index mất 1,69 điểm (-1,96%) xuống 83,87 điểm.
Đối với các Dự, MSBS dù không xuất sắc nhưng cũng có 4 phiên trúng. Tiếp theo là SHS và IVS với cùng 2 phiên trúng. Còn lại MBS trúng 1 phiên.
Ngược lại, VCSC bị trật nhiều nhất tuần qua khi có 3 phiên trật. BSC và IVS đứng sau khi cùng trật 2 phiên. Còn lại MSBS, BVSC và KIS cùng trật 1 phiên.
Đối với danh hiệu “còi vàng”, chỉ có 2 Dự cạnh tranh nhau là MBKE và SSI khi cùng có cả 5 phiên nhận định trung lập. Trong khi BVSC, KIS, MBS và VDSC bám “ráo riết” với 4 phiên trung lập.
TRÚNG |
TRUNG LẬP |
TRẬT |
|
T2/2/2 HOSE(-5,7/0,99%/570,37) HNX(-1,14/1,33%/84,42) |
SHS, MSBS, MBS, IVS |
MBKE, BVSC, VDSC, BSC, VCSC, SSI, KIS |
|
T3/3/2 HOSE(-12,9/2,26%/557,47) HNX(-1,86/2,21/82,56) |
MSBS |
SHS, SSI, KIS, BVSC, MBS, MBKE, VDSC |
IVS, BSC, VCSC |
T4/4/2 HOSE(+3,98/0,71%/561,65) HNX(+0,63/0,77%/83,2) |
BSC, MBS, SSI, SHS, BVSC, MBKE |
MSBS, VDSC, IVS, KIS, VCSC |
|
T5/5/2 HOSE(+5,72/1,02%/567,17) HNX(-0,02/0,03%/83,17) |
SHS, MSBS |
MBKE, VDSC, VCSC, KIS, IVS, SSI, MBS |
BVSC, BSC |
T6/6/2 HOSE(+6,96/1,23%/574,13) HNX(+0,7/0,84%/83,87) |
IVS, MSBS |
BVSC, MBKE, VDSC, SHS, MBS, KIS, BSC, SSI |
VCSC |