Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường đã có sự chuyển biến tích cực hơn hẳn so với tuần trước, với diễn biến đi ngang tích lũy ở đầu tuần và tăng tốt cả về thanh khoản và điểm số vào cuối tuần. Cùng nhìn lại những đánh giá nhận định của các Dự trong tuần giao dịch này.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 19/1, một vài mã ngân hàng lớn được kéo cao đầu phiên như CTG, BID... tạo cảm giác thị trường sẽ được dẫn dắt. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra trong vòng khoảng 10 phút sau phiên mở cửa ATO.

VN-Index được kéo lên mức 579 điểm và thất bại trước ngưỡng kháng cự cũ, rơi dần đều về cuối phiên. HNX-Index cũng vẽ ra một chart tương tự, đã có lúc chỉ số này vượt ngưỡng 86 điểm nhưng để rồi nhanh chóng chuyển về màu đỏ. Dòng tiền chảy chậm nhưng không quá sụt giảm.

Bên cạnh đó, mặc dù số mã giảm giá chiếm ưu thế so với số mã tăng giá, tuy nhiên không mã nào rơi quá sâu ở tất cả các nhóm như ngân hàng, chứng khoán, nhóm mã nóng....

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 0,47 điểm lên 575,28 điểm, còn HNX-Index tăng 0,19 điểm đạt 85,54 điểm.

Mã BID gây chú ý với giao dịch rất sôi động, khớp 2,45 triệu đơn vị, cao hơn tổng khớp lệnh trong phiên cuối tuần, tăng 200 đồng lên 16.400 đồng/CP. Các mã ngân hàng khác như STB, MBB, CTG cũng tăng điểm, còn VCB giảm điểm.

Tương tự, mã AGR cũng có giao dịch mạnh hơn đôi ba lần so với bình thường đạt trên 635.000 đơn vị và còn dư bán trần 488.000 đơn vị. Các mã có thị giá nhỏ và trung bình như AGR, APS, SHS, KLS, BVS... hầu như không giảm giá, trong khi hai mã dẫn đầu nhóm này là HCM và SSI đều giảm nhẹ, thanh khoản khá thấp.

FLC có thanh khoản cao nhất phiên nhưng cũng chỉ đạt hơn 3,4 triệu đơn vị và cũng như một số mã bluechip khác khi giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ 100 đồng.

Trong buổi giao dịch chiều, lực bán vẫn được duy trì, còn lực mua tỏ ra dè dặt khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều. Càng về cuối phiên, đà giảm càng mạnh và kịch bản xấu được nghĩ tới bước vào đợt khớp lệnh ATC, nhưng lực mua đỡ giá được tung vào, giúp cả 2 chỉ số chính hãm bớt đà giảm. Đóng cửa, VN-Index giảm 0,57% xuống 571,51 điểm, HNX-Index giảm nhẹ hơn khi chỉ mất 0,11% xuống 85,26 điểm.

Nhóm ngân hàng đã trở lại với sắc xanh xuất hiện ở BID, CTG, STB, EIB trên HOSE, hay ACB, NVB trên HNX, nhưng không đủ sức dẫn dắt thị trường như trong tuần trước, nhất là mã vốn hóa lớn nhất trong nhóm này là VCB giảm mạnh 900 đồng (-2,48%).

Nhóm cổ phiếu dầu khí phản ứng khá tích cực với giá dầu thô thế giới. PVD tăng 0,81% lên 62.500 đồng/CP, nhưng GAS vẫn chịu áp lực chốt lời mạnh và giảm gần 1,3% xuống 76.500 đồng/CP.

Nhóm chứng khoán và bất động sản có sự phân hóa khá rõ nét. AGR vẫn tăng mạnh lên mức trần 6.700 đồng/CP và khớp 0,8 triệu đơn vị. Các cổ phiếu thị trường như FLC, HQC, ITA, KBC, DLG, VHG cũng không thể hiện được sự hấp dẫn của mình như kỳ vọng khi đa số đều giảm điểm với thanh khoản không lớn. FLC khớp hơn 7,26 triệu đơn vị, ITA khớp 4,36 triệu đơn vị,  VHG khớp 4,39 triệu đơn vị…

Tương tự trên HNX, các mã có tính đầu cơ cũng đồng loạt giảm giá khi bên nắm giữ tiền mặt tỏ ra thận trọng. KLF giảm 1,71%, SCR giảm 2,17%, PVX, SHB đứng giá. Trong đó, KLF được khớp cao nhất với 7,8 triệu đơn vị, SCR khớp 3,69 triệu đơn vị, còn lại là trên 3 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí trên HNX không thể tăng giá theo đà tăng của giá dầu thế giới. Trong đó, PVS với lực cung ngoại lớn, có thời điểm xuống mức giá sàn 25.500 đồng, trước khi đóng cửa giảm nhẹ 1,06%. Biên độ dao động trong phiên của PVS khá lớn, hơn 13%.

Sự thận trong khiến thanh khoản chung giảm hơn 20% so với phiên cuối tuần trước, chỉ hơn 2.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh trên HNX gần 120 tỷ đồng, trong khi vẫn mua ròng nhẹ 43,3 tỷ đồng trên HOSE.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 1

Về phần các Dự, trong tuần giao dịch này, thị trường đã điều chỉnh tích lũy nhẹ trong 3 phiên đầu tuần và tăng tích cực trong 2 phiên cuối tuần. Với diễn biến này thì nhận định của MSBS và VCSC là chưa chính xác.

“Phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/1 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường khi nhóm cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu ngân hàng và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt tăng điểm kéo chỉ số vượt thẳng mốc 560 điểm. Sự lạc quan này sẽ tiếp tục được thể hiện trong phiên giao dịch đầu tuần. Thứ Hai sẽ là phiên tăng điểm, VN-Index sẽ tiến lên mốc 575-580 điểm. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng nhiều khả năng sẽ có một nhịp điều chỉnh khoảng 2-2,5 phiên để thị trường lấy lại cân bằng. Quá trình điều chỉnh có thể bắt đầu vào cuối phiên ngày thứ Ba”, MSBS đánh giá.

Còn VCSC cho rằng: “Hai chỉ số có thể sẽ điều chỉnh về các mức 570 của chỉ số VN-Index và 84.0 của chỉ số HNX-Index. Theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật, tín hiệu phân kỳ giảm giá xuất hiện ở các chỉ báo xung lượng ngắn hạn và chỉ báo tâm lý của chỉ số HNX-Index cho thấy chỉ số này có thể điều chỉnh nhẹ trong tuần giao dịch tới trước khi bứt phá mức kháng cự 86.0”.

Ngược lại, SSI và IVS đã đưa ra những đánh giá khá chính xác về diễn biến của tuần, trong đó đáng chú ý nhất là đánh giá của IVS.

“Với các tín hiệu mà thị trường đã tạo ra, cả hai chỉ số đã tiếp cận trở lại đường MA50 và sẽ phải test lại tại đây một số phiên. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ suy giảm tiếp trong 1-3 phiên đầu tuần tới và xấu nhất sẽ giảm về vùng 560-565 điểm. Dù giảm điểm nhưng nó vẫn được cho là đang ở trạng thái tích lũy và thị trường sẽ tăng trở lại vào cuối tuần, và không gì khác khi nhóm Ngân hàng lại tiếp tục cuộc đua cũng như dẫn dắt. Khi đó nhiều khả năng dòng tiền sẽ mạnh hơn và lan tỏa nhanh hơn sang các nhóm cổ phiếu thị trường chứ không chỉ tập trung như những tuần trước”, IVS nhận định.

Còn SSI cho rằng: Cây nến tuần cũng có dạng Doji lưỡng lự của cung cầu ở vùng kháng cự 580-583 điểm của Fibonacci Retracement 50%. Khả năng chỉ số vẫn có thể hiệu chỉnh nhẹ vào những phiên đầu tuần tích tuỹ và hấp thụ lượng cổ phiếu mua giá thấp bán chốt lời ngắn hạn. Vùng kháng cự vẫn ở mức 580-583 điểm và vùng hỗ trợ ở quanh mức 563- 565 điểm của Fibo 38,2%”.

Trong khi phần đông các Dự khác như VDSC, MBKE, BVSC, BSC, SHS, KIS, MBS chọn đưa ra những nhận định mang tính trung lập như “Các chỉ số sẽ đi ngang tích lũy”, “Áp lực bán tiếp tục gia tăng”, hay “Sự phân hóa tiếp tục tiếp diễn”....

Sang phiên giao dịch 20/1, tâm lý thận trọng tiếp tục được duy trì khi bước vào phiên giao dịch sáng 20/1, khiến thị trường diễn ra chậm và thanh khoản sụt giảm mạnh. VN-Index sau đợt khớp mở cửa giảm 0,13% xuống 570,78 điểm. Tương tự, trên HNX, chỉ số của sàn này cũng nhanh chóng chuyển sắc đỏ và đi ngang dưới ngưỡng 85,2 điểm.

Không có nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để có thể tạo sóng, mà phần lớn đều có sự phân hóa, nhưng mức biến động không lớn. Diễn biến thị trường cũng không có nhiều điểm tích cực bởi sự thận trọng của cả bên bán và bên mua. Do đó, cả 2 chỉ số chính trên 2 sàn chỉ giằng co trong biên độ hẹp.

Dần về cuối phiên, độ rộng của thị trường được nới dần theo chiều hướng tích cực. VN-Index kết phiên sáng tăng 0,53% lên 574,52 điểm. Nhưng HNX-Index lại khép phiên trong sắc đỏ, giảm 0,14% xuống 85,14 điểm.

Trong nhóm ngân hàng ghi nhận sự trở lại khá ấn tượng của VCB khi đóng cửa tăng gần 1,7%, trong khi MBB tăng nhẹ 1 bước giá và các mã còn lại đứng ở tham chiếu. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng dần hồi phục khi GAS đóng cửa trong sắc xanh, PVD đứng ở tham chiếu, các mã nhỏ hơn cũng ở tham chiếu, hoặc trên dưới 1 bước giá.

Cũng như phiên sáng qua, nhóm cổ phiếu thị trường vẫn lình xình quanh tham chiếu, thanh khoản không cao. FLC khớp cao nhất nhưng chỉ hơn 3,3 triệu đơn vị. OGC và VHG khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn lại đều khá trầm lắng.

Trên HNX, sự phân hóa cũng diễn ra ở các nhóm cổ phiếu, không có nhóm nào đủ sức để dẫn dắt thị trường, mà chỉ xuất hiện những đợt sóng tại các mã riêng lẻ do hiệu ứng kết quả kinh doanh.

Thanh khoản trên sàn này cũng xuống mức thấp khi chỉ có 3 mã là KLF, PVS, PVX được khớp trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, KLF dẫn đầu thanh khoản với 5,67 triệu đơn vị. Các mã có tính dẫn dắt này cũng chỉ dao động trong biên độ hẹp, với KLF và PVS đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá, trong khi PVX đứng ở tham chiếu.

Trong buổi giao dịch chiều, tưởng chừng đã hồi phục cuối phiên sáng sẽ giúp thị trường tích cực hơn, song diễn biến thị trường lại không như kỳ vọng khi dòng tiền chỉ đứng ngoài quan sát.

Lực mua cuối phiên sáng chỉ giúp thị trường nảy nhẹ khi bước vào phiên giao dịch chiều, trước khi áp lực bán gia tăng, đẩy VN-Index giảm hơn 4 điểm, xuống mức thấp nhất ngày 570,14 điểm. Tuy nhiên, mốc 570 điểm vẫn đang là điểm hỗ trợ tốt, giúp VN-Index bật trở lại và đóng cửa trong sắc xanh, với mức tăng 0,12% đạt 572,22 điểm.

Diễn biến trên HNX cũng khá tương đồng với sàn HOSE. Chỉ số HNX-Index cũng chỉ cầm cự được khoảng 1 tiếng trước khi bị đẩy xuống mức thấp nhất ngày 84,58 điểm, sau đó cũng bật trở lại, tuy nhiên, chỉ số này không về lại được mức điểm của phiên sáng, đóng cửa giảm 0,32% xuống 84,99 điểm.

Hai mã VCB và MBB vẫn duy trì được mức giá của phiên sáng, thì các mã ngân hàng khác như CTG, EIB, BID, STB lại không còn giữ được mức tham chiếu khi quay đầu giảm 2-3 bước giá.

Nhóm cổ phiếu thị trường như FLC, VHG, DLG, ITA, OGC vẫn dẫn dắt thanh khoản trên sàn HOSE, nhưng khối khối lượng khớp chưa cải thiện.

Với nhóm dầu khí, GAS vẫn duy trì được mức tăng 1,31%, thì PVD lại giảm 1,6%. Các mã nhỏ hơn cũng chủ yếu đóng cửa dưới tham chiếu.

Trong khi đó, trong nhóm cổ phiếu lớn, ngoài VCB và GAS, đà tăng của VN-Index còn được hỗ trợ của VNM, BVH, DPM, HPG.

TSC và AGR sau phiên tăng trần hôm trước cũng nhanh chóng hạ nhiệt. AGR giảm nhẹ 1,59%, còn TSC đứng ở tham chiếu, thanh khoản đều không tốt.

Trên HNX, dù có lúc vượt qua tham chiếu, nhưng các mã dẫn dắt trên sàn này vẫn đóng cửa với sắc đỏ. Trong đó, KLF giảm 0,87% xuống 11.400 đồng với 9,48 triệu đơn vị được khớp. PVS giảm 1,07%, xuống 27.700 đồng với gần 2 triệu đơn vị được khớp. FIT, VCG, PVX, PVC… cũng đều giảm giá.

Thanh khoản phiên 201/ tiếp tục sụt giảm so với phiên trước, chỉ hơn 2.000 tỷ đồng. Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng gần tỷ đồng trên HNX, trong bán ròng nhẹ hơn 3 tỷ đồng trên HOSE.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 2 

Về phần các Dự, thị trường phiên này tiếp tục xu hướng điều chỉnh tích lũy, nhưng kết phiên VN-Index tăng nhẹ nhờ được các mã lớn hỗ trợ ở cuối phiên, còn HNX-Index giữ nguyên mức giảm. Với diễn biến trái ngược này, có thể hiểu được quyết định đưa ra nhận định mang tính trung lập của BVSC, SHS, SSI, KIS, MBS, MBKE, VDSC, VCSC.

Trong khi đó, IVS tiếp tục đưa ra nhận định có tính chính xác cao: “Thị trường vẫn khá mong manh và những cuộc tăng giá chưa thực sự tạo ấn tượng để có thể hút dòng tiền. Không những vây nó còn tạo đà cho bên bán gia tăng trở lại về cuối phiên giao dịch. Chỉ số VNI đã giảm nhẹ và bắt đầu tiến dần đến khu vực có tính hỗ trợ. Đây là khu vực nhạy cảm và nếu như diễn biến thị trường chậm lại, thanh khoản tiếp tục có xu hướng co hẹp thì khả năng suy giảm sâu hơn khó xảy ra. Khi bên bán chững lại và chỉ một lượng nhỏ bán ra với giá thấp sẽ được cầu mua sớm hấp thụ. Và đó chính là tín hiệu cho thấy thị trường sẽ sớm tăng trở lại. Và điều này sẽ diễn ra trong phiên giao dịch ngày 20/1 nếu như thuận lợi, hoặc được sự trợ giúp từ lực mua của khối ngoại thì thị trường có cơ hội tăng trở lại vào cuối phiên”.

Tương tự là BSC: “Sau khi đi ngang trong tuần qua tại vùng kháng cự 575 – 580, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh rõ hơn trong phiên 19/1 khi VN-Index giảm xuống sát mức 570 điểm. Khối lượng thu hẹp đột ngột một cách đáng kể được nhìn nhận như một dấu hiệu không tích cực cho lắm, điều này phản ánh sự thu hẹp của dòng tiền và có thể gây tâm lý bất an cho nhà đầu tư, khiến bên cầm cổ phiếu có thể đẩy mạnh chốt lời ngắn hạn nhiều hơn trong các phiên tiếp theo. Do đó, trong 1 – 2 phiên tới, thị trường có nhiều khả năng tiếp tục đà điều chỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi hiện đang nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ không giảm quá mức hỗ trợ quan trọng 565 điểm để hoàn thiện mẫu hình kỹ thuật, sau đó hồi phục và đi lên”.

Ở phía ngược lại, MSBS tiếp tục có đánh giá chưa chính xác về phiên giao dịch này.

“Thị trường có phiên điều chỉnh đầu tuần với phần lớn các mã chứng khoán giảm điểm. VN-Index đang có xu hướng tiến về mốc 565-566 điểm trong 1-1,5 phiên tới. Tuy nhiên nhịp điều chỉnh này là cần thiết cho diễn biến thị trường hiện tại. Ngày 20/1, nhiều khả năng vẫn là một phiên giảm điểm, VN-Index có thể giảm về sát mốc MA50 vào đầu phiên sáng sau đó hồi lại nhưng kết thúc vẫn là một phiên giảm điểm”, IVS nhận định.

Tới phiên giao dịch 21/1, đà tăng được duy trì trên cả hai sàn, nên 2 chỉ số chính cùng khởi đầu trong sắc xanh. Trạng thái giằng co cân bằng giữa bên bán và bên mua khiến thanh khoản chỉ ở mức thấp.

Các mã VIC, BVH tăng 100 đồng, VNM tăng 1.000 đồng, PVT tăng 300 đồng, FPT tăng 600 đồng giúp VN-Index duy trì đà tăng. Tương tự, trên HNX là các mã VND, PVX, ACB, SHB… cùng tăng nhẹ, qua đó giữ sắc xanh cho HNX-Index.

Theo thông báo từ HOSE, 2 mã ngân hàng là EIB và CTG sẽ ra khỏi rổ VN30, thay vào đó là 2 cổ phiếu KBC và HVG. Trong phiên giao dịch sáng này, cả EIB và CTG đều đang đứng tham chiếu, trong khi KBC và HVG cùng tăng 100 đồng. Thời điểm chính thức áp dụng Thông tư 36 đang tới gần, có lẽ vì thế mà nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giao dịch khá cầm chừng sau khi có diễn biến tăng khá thời gian trước đó.

Đà tăng của thị trường chỉ giữ được trong hơn 1 tiếng giao dịch buổi sáng. Các chỉ số trên sàn bất ngờ đảo chiều, với số mã giảm điểm tăng áp đảo so với mã tăng.

Về cuối phiên kịch bản cũ được lặp lại. Áp lực bán chốt lời xuất hiện khá mạnh tại các thời điểm thị trường có dấu hiêu hồi phục, nhưng lực cầu giá thấp luôn thường trực hỗ trợ thị trường tại những nhịp chùng xuống trong phiên. Điều này khiến thị trường liên tục giằng co quanh mốc tham chiếu, các chỉ số không giảm quá sâu, nhưng cũng không thể bứt mạnh qua tham chiếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,15% lên 573,06 điểm, HNX-Index tăng 0,03% lên 85,02 điểm. Ngoài VIC và VNM, 2 trụ GAS và MSN tăng nhẹ trở lại góp phần giúp VN-Index hồi nhẹ. Thanh khoản thị trường chung khá thấp, còn mã thanh khoản cao nhất là FLC cũng chỉ đạt hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong buổi giao dịch chiều, thông tin giá xăng sẽ tiếp tục giảm đã bắt đầu râm ran từ phiên sáng và được công bố chính thức vào đầu giờ chiều. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường lại hoàn toàn trái ngược lại.

Việc giá dầu tiếp tục giảm tiếp tục gây sức ép lên nhóm cổ phiếu dầu khí khiến nhóm này chìm trong sắc đỏ, PVD giảm 500 đồng, còn GAS cũng quay về tham chiếu.

Áp lực bán càng về cuối phiên càng tăng mạnh, sức ép lên các chỉ số theo đó càng gia tăng. Đóng cửa, VN-Index giảm 0,54% xuống 569,12 điểm, còn HNX-Index giảm 0,42% xuống 84,63 điểm.

Các mã trụ như VNM đã quay về tham chiếu, MSN thậm chí còn giảm 0,6%. MSN được thỏa thuận mạnh gần 4,5 triệu cổ phiếu, trị giá gần 447 tỷ đồng, đóng góp đáng kể cho thanh khoản của sàn HOSE.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên 2 sàn, ngoài STB giữ được mức tăng 200 đồng; còn lại đều giảm điểm, như VCB, EIB, CTG, MBB, SHB, ACB…

Tuy nhiên, mã gây chú ý nhất trong phiên chiều này chính là DLG. Việc HĐQT DLG đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 5 triệu trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 2 năm cho CTCP Quản lý quỹ Thăng Long và dự kiến kết quả kinh doanh khả quan khiến mã này lại được giao dịch rất mạnh, đạt tới 11,3 triệu đơn vị và tăng lên 12.000 đồng/CP. Trước đó, DLG khớp được 9,52 triệu đơn vị trong phiên 16/1.

Trên HNX, chỉ SHS và KLF cùng khớp trên 5 triệu cổ phiếu, còn lại đều giao dịch khá trầm lắng.

Thanh khoản chưa được cải thiện, chỉ nhỉnh hơn 2.100 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hết sức nhỏ giọt, chỉ 4,36 tỷ đồng trên sàn, nhưng vẫn tăng 13% so với phiên trước.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 3

Về phần các Dự, diễn biến của phiên này đã không như kỳ vọng của IVS khi dòng tiền tỏ ra quá thận trọng nên giao dịch chậm chạp, đồng thời nhóm Ngân hàng cũng tỏ ra yếu ớt nên không thể tạo hiệu ứng lan tỏa.

“Có lẽ nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn được chờ đợi mang tới sự đột phá sau những phiên có tính chất tích lũy vừa qua. Tuy nhiên, nếu chỉ có riêng lực mua từ khối nội sẽ khó có thể mang đến kỳ vọng này mà vẫn phải cần đến sức mua từ khối ngoại. Nếu như nhóm cổ phiếu này có tín hiệu tích cực thì không chỉ có vậy, dòng tiền sẽ lan tỏa trên nhiều nhóm cổ phiếu khác mà Ngân hàng chỉ mang tính tiên phong. Chúng tôi kỳ vọng vào điều này trong phiên giao dịch ngày 21/1”, IVS nhận định.

Với MSBS, đây là phiên thứ 3 liên tiếp trong tuần có nhận định chưa chính xác.

“Với diễn biến của phiên giao dịch 20/1, áp lực bán chốt lời đã suy giảm, thị trường tiết cung, nhiều cổ phiếu đã bắt đầu có tín hiệu tăng trở lại. Do đó, ngày 21/1 sẽ là một phiên tăng điểm. Thị trường có thể giằng co đầu phiên, nhưng lực mua vào mạnh dần sẽ đẩy chỉ số kết thúc phiên tăng điểm”, MSBS đánh giá.

Ngược lại, MBS và SSI đã có nhận định khá sát khi bảo lưu quan điểm các chỉ số rất khó giảm sâu, mà tiếp tục điều chỉnh tích lũy.

Tăng điểm mà khối lượng thụt giảm thì vẫn cần thêm sự tích luỹ thêm nếu không bên bán sẽ lại tăng nhanh trở lại. Mốc thấp nhất trong ngày ở 570 điểm có thể tiếp tục được thử thách vào phiên giao dịch kế tiếp, tuy vậy khả năng giảm mạnh có xác suất thấp ở thời điểm hiện tại do vùng 563-565 điểm của Fibonacci Retracement 38,2% ở khá sát mốc 570 điểm đóng vai trò hỗ trợ khá mạnh cho chỉ số. Nhiều khả năng chỉ số Vn-Index tiếp tục vận động giằng co tích luỹ quanh vùng 568-575 điểm vào phiên kế tiếp”, SSI nhận định.

MBS cũng cho rằng: “Về mặt kỹ thuật, mặc dù VN–Index đã tăng nhẹ trở lại nhưng về cơ bản cả hai chỉ số vẫn nằm trong trạng thái điều chỉnh giảm ngắn hạn để hướng về các vùng hỗ trợ thấp hơn là 565 điểm với VN–Index và 83,5 điểm với HNX–Index, thanh khoản thị trường vẫn giảm nhẹ so với phiên trước cũng là yếu tố cho thấy trạng thái điều chỉnh chưa thực sự kết thúc”.

Đối với các Dự khác như BVSC, MBKE, VDSC, VCSC, SHS, BSC, KIS, trong bối cảnh thị trường đi ngang tích lũy như vậy, các nhận định đưa ra vẫn khá chung chung, ví dụ như “sẽ tiếp tục đi ngang phân hóa”, “rung lắc sẽ còn tái diễn”, hoặc “vẫn đang tích lũy tích cực trong xu hướng đi lên”,....

Tới phiên giao dịch 22/1, sau phiên giảm điểm trước đó, cả 2 chỉ số bất ngờ có được sắc xanh nhẹ khi bắt đầu phiên sáng này. Nhưng lực cầu dường như vẫn chờ đợt bên bán mất kiên nhẫn và chỉ tham gia khi thị trường xuống những cùng giá thấp, khiến dòng tiền vào thị trường thấp, thanh khoản chưa được cải thiện.

Tâm lý thận trọng tiếp tục đè nặng, cùng dòng tiền vào thị trường nhỏ giọt khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều và giằng co quanh mốc tham chiếu. Nhóm bluechip hầu hết đang giảm điểm hoặc đứng giá tham chiếu là nguyên nhân thiếu tích cực khiến VN-Index quay đầu giảm điểm. Nhờ PVD, GAS và MSN cùng tăng 500 đồng/CP nên chỉ số không giảm sâu.

Tương tự, trên sàn HNX, sau khi nhận tín hiệu giảm từ sàn HOSE cũng đã nhanh chóng đảo chiều. Nhóm HNX30 cũng hầu hết đều đứng giá tham chiếu hoặc giảm điểm, HNX-Index không giảm sâu do có sự hỗ trợ của một số mã dầu khí như PGS, PVS, PVC và PVB.

Lực cầu vẫn chưa cải thiện, dòng tiền vào thị trường chỉ nhúc nhắc nên thanh khoản tiếp tục suy giảm, hai chỉ số chính kết phiên sáng trong tình trạng trái dấu. VN-Index tăng nhẹ 0,16% lên 570,03 điểm, còn HNX-Index giảm 0,44% xuống 84,25 điểm.

VN-Index diễn biến xanh vỏ đỏ lòng bởi các trụ đỡ như PVD, VNM và GAS cùng tăng khá ổn nên kéo chỉ số nhích nhẹ qua tham chiếu, trong khi số mã giảm chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, EIB và CTG cùng tăng nhẹ 100 đồng, còn MBB, STB và BID cùng lấy lại mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu thị trường như FLC, VHG, OGC… giao dịch khá thất vọng. DLG sau phiên bay cao trước đó, đã trở lại mặt đất ngay từ đầu khi giảm 200 đồng và chỉ khớp được hơn 1 triệu đơn vị.

Trên HNX, nhóm HNX30 giao dịch chậm và hầu hết giảm điểm hoặc đứng tham chiếu. Mã KLF có thanh khoản tốt nhất với 6,19 triệu đơn vị được khớp, và đã thu hẹp mức giảm từ sát mức sàn xuống chỉ còn giảm 200 đồng.

Trong buổi giao dịch chiều, thị trường dần hồi phục và tăng mạnh trở lại khi nhóm cổ phiếu vua tỉnh giấc. Nhưng khá thất vọng là thanh khoản thị trường vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện. Ngoại trừ điểm tích cực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, hầu như dòng tiền chưa thấy nhiều chuyển biến ở các cổ phiếu khác. Đóng cửa, VN-Index tăng 0,95% lên 574,54 điểm, còn HNX-Index tăng tốt hơn với 1,22% lên 85,66 điểm.

CTG và BID tăng chạm trần, thanh khoản lần lượt đạt 4,92 triệu và 2,69 triệu đơn vị, mà vẫn còn dư mua trần. Các cổ phiếu khác VCB, STB, MBB, EIB đều tô đậm sắc xanh, trong đó MBB khớp hơn 6 triệu đơn vị, VCB hơn 1,9 triệu đơn vị.

Mã FLC khớp lệnh dẫn đầu trên HOSE với hơn 8 triệu đơn vị, nhưng vẫn giảm nhẹ 100 đồng xuống 10.600 đồng/CP.

Tương tự, trên sàn HNX, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, chứng khoán cũng đồng loạt bật tăng như ACB tăng 400 đồng, BVS tăng 300 đồng, SHB, NVB và VND cùng tăng 200 đồng…

Các mã đầu ngành như PVS, PVC và PVB cũng khới sắc hơn, trong đó, PVS tăng 500 đồng, PVB tăng 400 đồng, còn PVC tăng 300 đồng.

Mã KLF vẫn có thanh khoản cao nhất với 9,96 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở mức giá tham chiếu 11.200 đồng/CP.

Phiên này, thanh khoản chung tiếp thục rớt thảm, chỉ nhỉnh hơn 1.900 tỷ đồng. Khối ngoại tuy bán ròng nhẹ trên HNX, nhưng mua ròng khá mạnh trên HOSE, tổng giá trị mua ròng trên 2 sàn hơn 76 tỷ đồng.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 4

Về phía các Dự, với sự trở lại kịp thời của nhóm cổ phiếu ngân hàng để, thị trường đã bật tăng mạnh trong phiên chiều dù không tích cực về mặt thanh khoản. Vì vậy, nhận định về việc chỉ số tiếp tục điều chỉnh của MSBS và MBS đã không chính xác.

“Theo dõi một số cổ phiếu vốn hóa lớn trên HOSE như VCB, MSN, PVD… hôm nay (21/1) đều có diễn biến thiếu tích cực, nên ngày mai (22/1) nhiều khả năng sẽ là một phiên giảm điểm. VN-Index tiếp tục giằng co theo xu hướng giảm dần về mốc 565”, MSBS nhận định.

Tương tự là MBS: “Về mặt kỹ thuật, các chỉ số vẫn tiếp tục trạng thái điều chỉnh kỹ thuật để hướng đến các vùng hỗ trợ thấp hơn, với VN-Index là vùng 565 điểm và với HNX-Index là vùng 83 điểm. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường đang trong nhịp điều chỉnh hợp lý trước khi hồi phục tích cực trở lại.”

Ở chiều ngược lại, IVS tiếp tục có thêm 1 phiên nhận định tốt. “Trên đồ thị, chỉ số có vẻ như đang tạo ra mô hình vai- đầu - vai và nếu như điều đó đúng thì khả năng tăng trở lại khi VNI tiếp cận dần đến 565 điểm. Và có lẽ mấu chốt cho nhịp tăng điểm vẫn sẽ là nhóm Ngân hàng hơn là nhóm cổ phiếu đầu cơ. Khi tín hiệu này xác nhận thì chúng tôi vẫn cho rằng dòng tiền sẽ lan tỏa nhanh hơn và thị trường sẽ có phiên tăng đồng bộ”.

BSC cũng cho rằng: “Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ không giảm quá vùng hỗ trợ 565 điểm để hoàn thiện mẫu hình vai - đầu - vai (ngược), sau đó đi lên. Khối lượng cũng cần được cải thiện hơn trong các phiên tới để xác nhận sự bứt phá khỏi vùng neckline (kháng cự 580 điểm”.

Tương tự là MBKE với niềm tin vào ngưỡng hỗ trợ mạnh 565 điểm. “Các phiên gần đây chủ yếu vẫn chỉ là những biến động hẹp với thanh khoản thấp, ít có ý nghĩa nhìn nhận về mặt kỹ thuật. Chúng tôi vẫn duy trì đánh giá thị trường đang di chuyển theo xu hướng tăng trong ngắn hạn, khả năng điều chỉnh kéo dài sẽ khó xảy ra vì “chốt chặn” khu vực 565 của VN-Index tương đối vững chắc”.

Trong khi những BVSC, VDSC, VCSC, SHS, KIS, SSI vẫn trung thành với quan điểm trung lập của mình.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 23/1, tiếp tục đà tâm lý tích cực, VN-Index đã có được mức tăng khá tốt ngay khi bắt đầu. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch không quá mạnh nên thanh khoản chỉ ở mức trung bình. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là bệ đỡ chính khi đồng loạt tăng điểm.

Dưới sự dẫn dắt của nhóm này, đà tăng dần lan tỏa sang nhiều mã cổ phiếu khác trong nhóm VN30, kéo VN-Index dần nới rộng đà tăng. Với lực mua tăng dần, VN-Index có 2 lần test mốc 580 điểm nhưng đều thất bại do không thực sự quyết liệt. Dù vậy, so với phiên sáng qua, rõ ràng cầu mua trong phiên sáng nay tốt hơn rất nhiều, kéo thanh khoản tăng mạnh tới hơn 66%.

Tương tự, sàn HNX cũng có được sắc xanh khá mạnh ngay từ khi mở cửa trong trạng thái cẩn trọng quan sát của nhà đầu tư. Trước sự chững lại của VN-Index, đà tăng của chỉ số HNX-Index cũng bị hãm lại. Giao dịch bắt đầu giằng co khi bên bán treo mức giá xanh, trong khi bên mua chỉ đưa ra mức giá đỏ. Diễn biến này được duy trì đến hết phiên sáng, nhưng nhờ cầu mua tốt ở nhóm ngân hàng nên HNX-Index vững bước tiến.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,87% lên 579,56 điểm, trong khi HNX-Index tăng 1,08% lên 86,59 điểm.

Với nhóm ngân hàng, chỉ STB là về mốc tham chiếu, các mã ngân hàng còn lại đều giữ vững đà tăng. EIB ngoài thỏa thuận khủng 26,34 triệu đơn vị, mã này còn khớp trên 2,3 triệu đơn vị, tăng 500 đồng. MBB khớp 4,3 triệu đơn vị, BID là 3,6 triệu đơn vị và CTG là 1,29 triệu đơn vị. ACB tăng mạnh 800 đồng và khớp tới hơn 1,1 triệu đơn vị, SHB khớp 3,33 triệu đơn vị và tăng nhẹ 100 đồng.

Nhóm thị trường với FLC, DLG, DIC, DXG, KBC, HAI, QCG, VHG đã giao dịch tốt hơn phiên trước rất nhiều. Các mà này đều tăng khá mạnh khoản từ 1,4 triệu đến 4 triệu đơn vị. Cầu mua tốt cũng khiến các mã dầu khí hồi dần về cuối. GAS tăng trở lại 1.000 đồng, PVD, PVT, DPM tăng nhẹ 2 đến 3 bước giá.

Tuy nhiên, bất ngờ trong phiên sáng cuối tuần đến từ “cánh chim lạ” TTF. Thông tin TTF cơ bản đã tái cơ cấu thành công khoản nợ vay 900 tỷ đồng giúp mã này có lúc tăng chạm trần và có thanh khoản tăng đột biến, đạt 4,39 triệu đơn vị cao nhất sàn HOSE, vượt qua một loạt những gương mặt như MBB, FLC, BID.

Mã có thanh khoản cao nhất toàn thị trường là KLF với hơn 5,46 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng vẫn giậm chân tại tham chiếu.

Trong phiên giao dịch chiều, lực mua mạnh được tung vào ngay từ đầu phiên, kéo VN-Index tăng vượt qua mốc 580 điểm. Tuy nhiên, lực mua không thực sự quyết liệt nên VN-Index có 2 lần test không thành công ngưỡng này.

Trên HNX, sau khoảng 1 tiếng thăm dò đầu phiên chiều, lực mua gia tăng kéo HNX-Index vượt qua mốc 87 điểm. Nhưng cũng giống như HOSE, chỉ số không trụ được ở mức giá cao được lâu và dần lùi lại. Trạng thái giằng co được kéo cho đến hết phiên chiều nên hNX-Index chỉ có thể áp sát mốc 87 điểm.

Tâm lý giao dịch hứng khởi ở phiên sáng tiếp tục được nhà đầu tư duy trì trong phiên chiều, thanh khoản theo đó tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Độ rộng thị trường theo đó cũng tích cực hơn. Đóng cửa, VN-Index tăng 1,36% lên 582,38 điểm, HNX-Index tăng 1,4% lên 86,86 điểm.

Nhà đầu tư tiếp tục rót tiền mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Riêng phiên chiều nay, mã EIB tiếp tục được thỏa thuận rất mạnh gần 34 triệu đơn vị, nâng mức thỏa thuận cả phiên lên tới hơn 60 triệu đơn vị, giá trị hơn 781 tỷ đồng. Tính thêm hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh, EIB giao dịch tổng cộng trên 63 triệu đơn vị trong phiên hôm nay, tăng 600 đồng lên 13.400 đồng/CP. CTG khớp được gần 2 triệu đơn vị. MBB có 7,6 triệu đơn vị khớp lệnh. BID khớp 5,68 triệu đơn vị. VCB và STB đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

Các mã thị trường như FLC, ITA, ASM, DLG, DXG, HAI, HAR, HQC, KBC, QCG, VHG giữ vững đà tăng, thanh khoản mạnh. FLC khớp 6,9 triệu đơn vị. VHG khớp 5,47 triệu đơn vị. DLG khớp 4,9 triệu đơn vị. HAI và HAR cùng hơn 4 triệu đơn vị ASM và DXG khớp trên 3 triệu đơn vị. Riêng TTF dù không còn giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng 700 đồng lên 12.500 đồng/CP và khớp được 5,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, 2 mã ACB và SHB vẫn giữ được mức tăng ở phiên sáng. SHB khớp 7,6 triệu đơn vị, còn ACB không có nhiều thay đổi với 1,44 triệu đơn vị được khớp. Các mã PVS, PVG và PGS đã bật tăng trở lại, KLF cũng đã kịp thời tăng 200 đồng lên 11.400 đồng/CP và khớp được 11,6 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn. nhóm chứng khoán, Sông Đà, khoáng sản... cũng có đăng tốt, qua đó góp phần vào đà tăng chung của HNX-Index.

Dòng tiền hứng khởi giúp thanh khoản chung trên thị trường tăng đột biến, đạt trên 3.500 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ trên 2 sàn, giá trị 15,28 tỷ đồng.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 5

Về phía các Dự, thị trường đã thực sự có 1 phiên tăng tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản ở phiên cuối tuần này.

Theo đó, MSBS rốt cuộc cũng đã có 1 phiên “danh dự” với nhận định chính xác. “VN-Index sẽ hướng tới mốc kháng cự mạnh 595-600 điểm trong thời gian tới. Nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục mua vào cổ phiếu ở các vùng giá mục tiêu ở các nhóm cổ phiếu cơ bản, hạn chế dòng đầu cơ. Ngày 23/1,thị trường sẽ tăng điểm tiến sát lên vùng 580 điểm nhờ sự dẫn dắt của GAS và dòng cổ phiếu ngân hàng”.   

Còn IVS vẫn thể hiện “phong độ” cực cao với phiên nhận định trúng thứ tư trong tuần. “Giai đoạn này khá giống với nhịp hồi phục Tháng 6/2014 sau sự kiện Biển Đông. Thanh khoản sụt giảm dần và sau đó lại tiêp tục bứt phá. Nếu như có thêm một phiên tăng điểm nữa, VN-Index dường như đã tạo ra mẫu hình Vai – Đầu – Vai ngược khá hoàn chỉnh. Và khi bứt phá qua mốc 580 điểm, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng đến ngưỡng 603-605 điểm tiếp theo. Tuy nhiên, với quan ngại liên quan tới việc hạn chế margin từ Thông tư 36 thì để chinh phục ngưỡng điểm này cần khá nhiều thời gian. Với cú bứt phá mạnh của nhóm Ngân hàng sẽ tạo ra động lực lớn cho thị trường phiên 23/1. Chúng tôi tin rằng nhóm Bank sẽ tiếp tục tạo lửa cho thị trường cho dù lực bán sẽ hạn chế đà tăng của nhóm này. Nhưng ở một số cổ phiếu khác, dòng tiền sẽ quay lại và hỗ trợ cho thị trường chinh phục mốc 580 điểm”.

SSI cũng có nhận định về 1 phiên tăng tiếp theo của thị trường: Tăng điểm nhưng khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp 77,92 triệu đơn vị, tăng nhẹ 3% so với phiên trước. Mức tăng mạnh về điểm số chỉ tập trung vào một nhóm cổ phiếu và sự phân hoá giữa các cổ phiếu vẫn ở mức cao. Khả năng chỉ số tiếp tục tăng điểm vào phiên giao dịch kế tiếp, tuy vậy khối lượng giao dịch phải gia tăng đáng kể để hỗ trợ cho sự hồi phục hiện tại. Chúng tôi vẫn giữ mức hỗ trợ ở 568 điểm và kháng cự ở vùng 580-583 điểm trong một vài phiên giao dịch tới”.

Ngược lại, KIS đã đánh giá chưa thật chính xác khi cho rằng các chỉ số chỉ xập xình mà không tỏ rõ xu thế.

“Chúng tôi đánh giá phiên tăng điểm ngày 22/1 vẫn chưa phát đi nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh thanh khoản vẫn trên đà suy yếu do tâm lý thận trọng từ nhà đầu tư nội. Ngoài ra, kết quả lợi nhuận quý IV vẫn cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu nên hiện tượng phân hóa được dự báo còn diễn ra mạnh. Theo đó, các chỉ số được dự báo sẽ còn xập xình và khó xác lập xu thế rõ nét trong ngắn hạn”, KIS nhận định.

Với BVSC, MBKE, VCSC, BSC, SHS, VDSC, MBS thì thêm 1 phiên nhận định trung lập ở phiên cuối tuần này cũng là điều dễ đoán.

Tổng kết tuần giao dịch từ 19/1 đến 23/1, thị trường đã có sự chuyển biến tích cực hơn hẳn so với tuần trước, với diễn biến đi ngang tích lũy ở đầu tuần và tăng tốt cả về thanh khoản và điểm số vào cuối tuần. Tâm lý hứng khởi cho thấy nhà đầu tư không còn quá bận tâm đến Thông tư 36.

Về các chỉ số, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, VN-Index tăng tổng cộng 7,57 điểm (+1,31%) lên 582,38 điểm. Với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, HNX-Index tăng 1,51 điểm (+1,76%) lên 86,86 điểm.

Đối với các Dự, với một tuần có diễn biến hồi phục khá ổn, IVS thực sự nổi bật và là Dự trúng nhiều nhất với 4 phiên trúng. SSI đứng sau với 3 phiên trúng. Tiếp theo, BSC có 2 phiên trúng. Còn lại MSBS và MBKE cùng trúng 1 phiên.

Ngược lại, MSBS đã đánh rơi “phong độ” trong tuần này khi có tới 4 phiên trật. Còn lại VCSC, IVS, MBS và KIS đều bị trật 1 phiên.

Đối với danh hiệu “còi vàng”, việc FTPS không đưa ra nhận định nào trong tuần này khiến sự cạnh tranh chỉ đến từ SHS, BVSC và VDSC với cùng cả 5 phiên nhận định trung lập. Trong khi MBKE, KIS, và VSC bám sát với cùng 4 phiên trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/19/1

HOSE(-3,3/0,57%/571,51)

HNX(-0,1/0,11%/85,26)

SSI, IVS

VDSC, MBKE, BVSC, BSC, SHS, KIS, MBS

MSBS, VCSC

T3/20/1

HOSE(+0,71/0,12%/572,22)

HNX(-0,27/0,32/84,99)

IVS, BSC

BVSC, SHS, SSI, KIS, MBS, MBKE, VDSC, VCSC

MSBS

T4/21/1

HOSE(-3,1/0,54%/569,12)

HNX(-0,36/0,42%/84,63)

MBS, SSI

BVSC, MBKE, VDSC, VCSC, SHS, BSC, KIS

IVS, MSBS

T5/22/1

HOSE(+5,42/0,95%/574,54)

HNX(+1,04/1,22%/85,66)

IVS, MBKE, BSC

BVSC, VDSC, VCSC, SHS, KIS, SSI

MSBS, MBS

T6/23/1

HOSE(+7,84/1,35%/582,38)

HNX(+1,2/1,39%/86,86)

IVS, MSBS, SSI

BVSC, MBKE, VCSC, BSC, SHS, VDSC, MBS

KIS

Tin bài liên quan