Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm con Ngựa với nhiều thăng trầm. Vì vậy, trong những ngày đầu năm mới, dù còn nhiếu ý kiến trái chiều, nhưng đa phần các thành viên thị trường đều có chung kỳ vọng thị trường sẽ tích cực hơn vào năm con Dê. Cùng tinnhanhchungkhoan.vn nhìn lại những đánh giá, nhận định của các Gia Cát Dự trong tuần đầu tiên của năm mới này.

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 5/12, dù có 2 tuần cuối của năm 2014 giao dịch tích cực, nhưng nhà đầu tư vẫn có cái nhìn thận trọng và dè dặt khi bước vào phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 5/12, đặc biệt là trên sàn HOSE, chỉ số VN-Index theo đó giảm nhẹ khi mở cửa, thanh khoản thấp.

Trong thời gian đầu phiên, những cổ phiếu tạo sóng trong 2 phiên cuối cùng của năm dù vẫn duy trì được đà tăng, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn, trong khi thanh khoản chỉ nhỏ giọt, không còn lệnh mua ồ ạt như 2 phiên cuối cùng của năm vừa qua.

Sau ít phút thăm dò, dòng tiền đầu cơ đã tiếp tục chảy vào thị trường, giúp 2 sàn có phiên giao dịch đầu tiên của năm mới khá thành công. Những con sóng cũng được hình thành ở cả 2 sàn.

Mã OGC được kéo tăng trần, nhưng cuối phiên đóng cửa dưới mức giá cao nhất 1 bước giá với gần 5,86 triệu đơn vị được khớp. VHG cũng tăng khá mạnh và khớp 3,4 triệu đơn vị, còn FLC về mốc tham chiếu với 9,2 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, sắc tím cũng đã xuất hiện ở nhiều mã như HAI, KSH, KSA, LGL....

Với sự tích cực của dòng tiền đầu cơ, VN-Index kết phiên sáng tăng 0,64% qua mốc 549 điểm, cho dù nhiều mã lớn như GAS, PVD, VCB, VIC... vẫn còn chìm trong sắc đỏ.

Đối với HNX, sàn này lại khởi đầu trong sắc xanh khi nhiều điểm nóng như PVX, FIT, HNM....xuất hiện khá sớm. PVX đi ngược lại xu hướng của những “người anh em” của mình với sắc tím sớm có được và khớp được 6,4 triệu đơn vị, cao nhất HNX trong phiên sáng. Tương tự là FIT khi đây là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tạm ứng 2014 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:15 và mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 100:60, giá 10.000 đồng của FIT. Còn HNM tăng trần vững chắc sau những tin đồn về M&A.

Mã KLF cũng đã quay đầu tăng điểm nhẹ và khớp 3,88 triệu đơn vị.

Mặc dù nhóm dầu khí vẫn giao dịch trong sắc đỏ, nhưng với sự ổn định của dòng tiền đầu cơ, HNX-Index kết phiên sáng tăng 0,43% vượt mốc 83 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu dầu khí, nên dù dòng tiền vẫn chảy mạnh vào các mã có tính đầu cơ cao, nhưng cuối cùng, đà tăng của cả 2 sàn trong phiên sáng khống thể duy trì trong phiên giao dịch chiều.

Hai mã dầu khí lớn là GAS giảm 2,13% xuống 69.000 đồng/CP và PVD giảm 5,43% xuống mức thấp nhất ngày 61.000 đồng/CP.

Lực bán từ nhóm cổ phiếu dầu khí đã tạo tâm lý lo lắng cho những nhà đầu tư đang có ý định gom hàng đón sóng trong đợt này. Đà tăng của các mã OGC, VHG ... bị hãm mạnh, OGC khớp 8,16 triệu đơn vị, VHG khớp 4,62 triệu đơn vị. FLC lại có được mức tăng 1 bước giá với 18,8 triệu đơn vị được khớp.

Mặc dù VN-Index quay đầu giảm điểm, sóng vẫn nổi lên ở một số mã như HAI, KSH, KSA, LGL, NKG, SMA, DLG…

Trong khi đó, dù những con sóng lớn vẫn nổi lên đối với PVX, FIT, HNM, ITQ trên sàn HNX, nhưng với áp lực bán từ các mã dầu khí lớn như PVS, PVC và một vài mã lớn khác như ACB, KLF… khiến HNX-Index chịu chung số phận với VN-Index. Mã KLF cũng đảo chiều giảm 200 đồng, đóng cửa ở mức 10.900 đồng, cũng là mức thấp nhất ngày với 6,52 triệu đơn vị được khớp.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,22% xuống 544,45 điểm, còn HNX-Index cũng giảm 0,29% xuống 82,74 điểm, thanh khoản sụt giảm mạnh chỉ đạt gần 2.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 2 triệu đơn vị trên 2 sàn, giá trị hơn 21 tỷ đồng.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 1

Về phần các Dự, trước tuần đầu tiên của năm mới, nên nhiều Dự trong đó có FPTS, MBS, KIS, SSI, MBKE, BVSC, VDSC đều đưa ra đánh giá khá chung chung về thị trường với xu hướng tích cực như “sự phục hồi của thị trường trong năm mới đang tươi sáng hơn”, hay “sự hồi phục của thị trường đang được củng cố”… Điều này cũng là dễ hiểu khi hầu hết mọi người đều có tâm lý hướng về điều tốt đẹp trong thời điểm đầu năm mới để tránh “dông” cho cả năm.

Trong khi đó, SHS và BSC đã có đánh giá khá đúng về khả năm chỉ số sẽ “gặp khó” ở ngưỡng 550 điểm, hay cảnh báo khả năng điều chỉnh nhẹ sau những phiên tăng trước đó.

“Việc khối ngoại mua ròng đều đặn trong 2 tuần gần đây có lẽ đã giúp nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn, trong khi đó lực cung ngắn hạn đã yếu dần sau những chuỗi ngày giao dịch giằng co với thanh khoản thấp. Do đó, nếu khối ngoại tiếp tục diễn biến mua ròng như hiện tại, triển vọng thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên trong ngắn hạn, chúng tôi lưu ý một số rủi ro như: Về mặt kỹ thuật, VN-Index gặp kháng cự đáng kể tại vùng giá 550 điểm; Giá dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường; Hạn áp dụng Thông tư 36 vào đầu tháng 02/2015”, BSC đánh giá.

SHS thì nhận định: “Vùng 518 – 520 điểm của VN-Index như vậy đã được xác nhận là vùng đáy sau nhiều phiên giao dịch cạn kiệt do yếu tố tiết cung của người cầm cổ đem lại. Chúng tôi cho rằng thị trường cũng sẽ khó có khả năng giảm quá sâu khỏi vùng nền tảng tích lũy trong các phiên giao dịch gần đây do các yếu tố kinh tế vĩ mô hỗ trợ và sóng tăng điểm kết quả kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp niêm yết đang đến. Sau những phiên tăng điểm mạnh mẽ, có khả năng sẽ xảy ra điều chỉnh nhẹ do sự chốt lời của dòng tiền ngắn hạn, tuy nhiên chúng tôi đánh giá đó sẽ là cơ hội tốt để tiếp tục tích lũy các cổ phiếu tốt trong danh mục sẵn có”.

Xét trong cả tuần giao dịch, VCSC và IVS cũng có nhận định đáng chú ý.

“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số sẽ có kéo dài đà tăng trong tuần giao dịch tới với khối lượng giao dịch ở mức cao với mức kháng cự gần nhất là mức 580 của chỉ số VN-Index và 84.0 của chỉ số HNX-Index. Hệ thống chỉ báo xu hướng nâng mức xu hướng ngắn hạn từ giảm lên tăng và xuất hiện điểm mua ngắn hạn trên hai chỉ số. Đồng thời, tâm lý nhà đầu tư đã chuyển trạng thái từ bi quan sang lạc quan với xu hướng hiện tại, đây là tín hiệu rất tích cực để hỗ trợ xu hướng tăng ngắn hạn. Ngoài ra, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn cũng xác nhận tín hiệu phân kỳ tăng giá. Do đó, các nhà đầu tư có thể dừng bán và mở vị thế mua mới hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại các nhịp rung lắc trong phiên”, VCSC nhận định.

Còn IVS có đánh giá: “Hai phiên cuối cùng của năm 2014 bỗng tích cực trở lại mà NĐT cũng chưa hiểu rõ nguyên nhân. Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ với tư duy của NĐT rằng đó mới là cổ phiếu hồi phục nhanh nên cầu mua xuất hiện khá mạnh. Thị trường tăng khá tốt nhưng KLGD dường như lại không quá lớn, nó cho thấy bên bán khá kiên quyết giữ hàng chờ bán giá cao. Vì thế, khi VN-Index tiếp cận đến vùng 550-560 điểm, áp lực bán sẽ xuất hiện. một phần do yếu tố kỹ thuật, một phần do chốt lời và một phần do bán lấy may mắn đầu năm. Vì thế tại vùng này, thị trường có thể sẽ chững lại do lực bán gia tăng. Nếu như cầu mua tiếp tục đẩy mạnh và đẩy thanh khoản mạnh lên thì khả năng bứt phá tiếp sẽ rất cao. Nhưng nếu như cầu mua không thực sự ổn định và yếu đi thì có thể 550 điểm sẽ chịu áp lực điều chỉnh. Thực sự với 2 phiên tăng mạnh cuối cùng của năm 2014 chưa rõ nguyên nhân thì rất khó cho rằng thị trường đã vào nhíp tăng mới. Tất cả vẫn cần tuần đầu tiên để kiểm chứng mà KLGD chính là một trong những điều kiện đó”.

Tuy nhiên, nhận định của MSBS lại không hoàn toàn chính xác: “Thị trường có phiên giao dịch cuối năm đầy hứng khởi khi chứng kiến sự tăng điểm của phần  lớn các mã chứng khoán, nhiều mã tăng trần đẩy VN-Index đóng cửa trên Fibonacci 78,6%. Sang tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục. Thứ 2 thị trường tăng điểm và có thể điều chỉnh kỹ thuật vào phiên thứ 3, thứ 4 sau đó tăng  điểm trở lại vào 2 phiên giao dịch cuối tuần”.  

Sang phiên giao dịch 6/1, dù được đánh giá tích cực, nhưng với việc giá dầu mở cửa phiên sáng 6/1 xuống dưới 50 USD/thùng, tâm lý lo sợ vẫn bao trùm nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu dầu khí một lần nữa lại là tác nhân chính kéo thị trường giảm mạnh ngay khi mở cửa. VN-Index giảm khá mạnh 0,99% và xuống dưới mốc 540 điểm.

Tuy nhiên, khi thị trường giảm sâu, nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ đồng loạt tăng mạnh, kéo thị trường quay đầu tăng điểm trở lại. Tăng mạnh nhất phải kể đến VCB khi tăng 1.200 đồng (+3,76%), lên 33.100 đồng.

Ngoài nhóm ngân hàng, góp sức vào đà tăng của VN-Index còn có DPM khi tăng 700 đồng (+2,24%) lên 31.900 đồng, các mã trụ MSN, VNM cùng tăng tối thiểu 1 bước giá, VIC đứng tham chiếu.

Đồng thời, giá dầu thế giới cũng đã tăng trở lại trên 50 USD/thùng, nên nhóm dầu khí cũng đã hãm bớt đà giảm. GAS chỉ còn giảm tối thiểu 500 đồng, trong khi PVD giảm 1.500 đồng (-2,46%).

Mặt khác, các mã có tính đầu cơ được gom mạnh trong 2 phiên cuối năm ngoái và  phiên sáng hôm trước như OGC, FLC, VHG, HAI, DLG… tiếp tục chịu áp lực bán mạnh, nên đa phần giảm điểm. Kết phiên sáng, VN-Index tăng 0,31% lên 546,13 điểm.

Đối với HNX, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến tương tự khi giảm ngay khi mở cửa, xuyên thủng ngưỡng 82 điểm trước khi được kéo ngược trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng và một vài bluechip, dù số mã giảm giá nhiều hơn hơn gấp 2 lần số mã tăng giá. Các mã ACB, SHB cũng có sắc xanh, thậm chí NVB còn tăng trần, lên 7.900 đồng. Tuy nhiên, sắc tím của NVB rất nhạt nhòa.

Tuy nhiên, lực bán tăng mạnh, cũng như sức mạnh từ nhóm dầu khí khiến HNX-Index đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ 0,05% xuống 82,69 điểm.

Các mã dầu khí như PVC, PVS, PVE, PGS, PVL…đồng loạt giảm điểm. Trong khi HNM và FIT cùng mất sắc tím, thì PVX và ITQ cũng đều bị bán mạnh và chìm trong sắc đỏ sau phiên tạo sóng trước đó, thậm chí ITQ có lúc đã bị kéo xuống mức sàn. Mã KLF nhờ cầu mua khá mạnh nên chỉ giảm nhẹ.

Trong buổi giao dịch chiều, mọi nghi ngờ về đà tăng ảo của thị trường trong phiên sáng nhanh chóng được thay bằng sự tự tin. Thị trường đã có phiên đảo chiều ngoạn mục, khởi nguồn chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm giúp VN-Index đứng vững trong phiên sáng dù chịu sức ép lớn từ thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí. Dù vậy, nhưng thực sự bứt phá chỉ có VCB khi tăng 2.100 đồng (+6,58%) với 1,68 triệu đơn vị được khớp.

Các mã lớn như VIC, DPM, MSN duy trì đà tăng tốt, trong khi nhiều bluechip khác cũng đảo chiều tăng giá như GMD, FPT, HAG, HPG…

Trong nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, VHG được kéo thẳng lên mức giá trần 12.700 đồng với 6,28 triệu đơn vị được khớp, dù có lúc mã này giảm 400 đồng. Tương tự, KBC, ITA, FLC, HQC, PVT, OGC cũng lần lượt được kéo xanh, trong đó, FLC có thanh khoản tốt nhất với 9,16 triệu đơn vị. Các mã bất động sản khác như DLG, HAR, HBC, PPI… cũng có mức tăng tốt.

Nhóm khoáng sản vẫn duy trì nhịp sóng của mình khi KSH, BGM neo ở mức trần, KSA sát mức trần.

Trên HNX, ngoài 3 mã ngân hàng vẫn duy trì sắc xanh, PVC và KLF cũng đảo chiều thành công, trong đó KLF khớp mạnh nhất HNX với 11,77 triệu đơn vị. HNM đã trở lại với sắc tím quen thuộc. Trong khi đó, cũng giống như trên HOSE, các mã dầu khí lớn trên HNX như PVC, PVS vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,96% lên sát mốc 550 điểm, còn HNX-Index tăng tới 1,30% lên gần mốc 84 điểm. Khối ngoại duy trì mua ròng nhẹ trên cả 2 sàn.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 2

Về phần các Dự, BSC đã có đánh giá khá chính xác về ảnh hưởng của giá dầu thế giới đến nhóm cổ phiếu dầu khí, mà điển hình là 2 mã GAS và PVD.

“Rủi ro hiện tại, nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD, PVS..) trong khoảng 2 tuần vừa qua đang hình thành mặt bằng tích lũy nhưng vẫn chưa thực sự vững chắc. Nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm và phá mốc 50 USD/thùng sẽ là rủi ro đáng kể đối với nhóm dầu khí nói riêng và thị trường nói chung. Trong báo cáo trước, chúng tôi đã lưu ý nhà đầu tư về ngưỡng kháng cự 550 điểm và diễn biến khó lường của giá dầu, đồng thời khuyến nghị có thể cân nhắc bán ra để cơ cấu danh mục khi thị trường tiếp cận ngưỡng kháng cự 550 điểm (VN-Index) và 84 điểm (HNX-Index)”, BSC nhận định.

Còn SHS thì cho rằng: “Sau 2 phiên tăng đồng loạt và mạnh mẽ, tâm lý chốt lời trong phiên giao dịch đầu năm cũng là hết sức bình thường. Xét về tín hiệu kỹ thuật, VN-Index đang gặp lực cản khá lớn từ vùng Gap giảm điểm 545 – 548 và dường như tỏ ra đuối sức tại ngay đường xu hướng SMA20. Do vậy khả năng chỉ số này sẽ dao động quanh vùng này trong 1 vài phiên tới trước khi bứt phá thể hiện rõ xu hướng”.

Trong khi MSB và IVS cùng có những nhận định khá là chuẩn và tương đồng nhau về diễn biến của VN-Index trong phiên này.

“Chỉ số tiếp tục bị “bóp méo” bởi 2 cổ phiếu GAS, PVD… khi 2 cổ phiếu này đều giảm điểm mạnh trong ngày 5/1. Với diễn biến đồng thuận của các nhóm cổ phiếu, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vào một đợt hồi phục bền vững. Ngày 6/1, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh vào đầu phiên do tâm lý chốt lời ngắn hạn, VN-Index có thể giảm về sát mốc 537 điểm nhưng sẽ nhanh chóng hồi phục lại, kết thúc phiên thị trường tăng điểm”, MSBS nhận định.

Tương tự là IVS: “Cầu mua thực sự vẫn chờ đợi ở vùng giá thấp hơn nếu như có một nhịp điều chỉnh mạnh diễn ra hẳn nhiên sẽ đẩy khối lượng giao dịch tăng đột biến. Tuy nhiên việc cả hai chỉ số sụt giảm về cuối phiên cho thấy áp lực sẽ duy trì tiếp tục vào đầu phiên ngày 6/1. Áp lực này sẽ đẩy chỉ số giảm điểm nhưng cầu mua giá thấp sẽ hỗ trợ thị trường. Và nếu như sự hứng khởi đến sớm hơn thì thị trường sẽ tăng trở lại vào cuối phiên ngày 6/1”.

Ngược lại, MBS có lẽ đã hơi quá bi quan nên chưa có được nhận định đúng về phiên giao dịch này.

“Về mặt kỹ thuật, việc các chỉ số chứng khoán suy giảm cả về điểm số và thanh khoản trong phiên kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự ngắn hạn 545 điểm với VN-Index và 83 điểm với HNX-Index là tín hiệu không tích cực, khiến khả năng vượt cản bị nghi ngờ và mở ra khả năng các chỉ số điều chỉnh kiểm nghiệm lại đáy cũ, thực tế này sẽ càng khiến tâm lý nhà đầu tư trở lên thận trọng”.

Đối với các Dự khác như FPTS, BVSC, MBKE, KIS, VDSC, VCSC, SSI thì nhận định trung lập tiếp tục là phương án được lựa chọn ở thời điểm hiện tại.

Tới phiên giao dịch 7/1, VN-Index khởi đầu giảm điểm với diễn biến thận trọng sau khi có thông tin NHNN sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá với biên độ 1% từ 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, trong khi VCB, MBB và STB tăng điểm, thì EIB, BID và CTG chỉ đứng tham chiếu.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng này cũng dần được gỡ bỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là động lực, lan tỏa đà tăng cho nhiều nhóm cổ phiếu khác, giúp thị trường nhanh chóng đảo chiều. VN-Index hướng đến chinh phục mốc kháng cự gần 555 điểm.

Nhưng ngay khi thông tin tăng tỷ giá chính thức được công bố, nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là VCB đã nhanh chóng bị chốt lời. Áp lực bán cũng lan sang nhiều mã lớn khác, khiến đà tăng của VN-Index bị hãm lại đáng kể. Kết thúc phiên sáng, VN-Index chỉ còn tăng 0,2% lên 550,74 điểm. Dù đi xuống về điểm số, nhưng những phút cuối phiên thanh khoản tăng đáng kể, điều này cho thấy vẫn dòng tiền bắt đáy vẫn đang sẵn sàng tham gia vào thị trường.

Đối với HNX, cũng giống như HOSE, chỉ số HNX-Index sau những phút đầu duy trì sắc đỏ cũng nhanh chóng tăng trở lại. Hỗ trợ cho đà tăng này chính là nhờ một số mã dầu khí lớn có sự phục hồi như PVS tăng 100 đồng, PVC tăng 300 đồng…. Hai mã ngân hàng là ACB và SHB đều có mức tăng nhẹ, góp phần hỗ trợ chỉ số. Trong khi đó, các mã chứng khoán và bất động sản khá trầm lắng. Kết phiên sáng, HNX-Index tăng 0,48% lên 84,21 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, trong thời gian đầu phiên, diễn biến không có nhiều thay đổi so với thời điểm cuối phiên sáng. Giao dịch dè dặt, dòng tiền đứng ngoài, nhưng lực đỡ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp chỉ số duy trì được sắc xanh. Chỉ duy nhất VCB là giảm 400 đồng, còn lại các mã ngân hang khác như STB, CTG, EIB, BID. MBB (trên HOSE); ACB, SHB và NBV (trên HNX) đều tăng điểm.

Nhóm dầu khí tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi việc giá dầu thế giới lại giảm mạnh xuống các mức thấp hơn. Trong phiên này, nhóm cổ phiếu dầu khí có sự phân hóa mạnh, trong đó GAS, PXS (HOSE), PVS, PVC (HNX)… tăng điểm, trong khi PET, PVT giảm, PVD về tham chiếu. Đặc biệt, sự không ổn định của GAS đã khiến VN-Index liên tục trồi sụt.

Ở chiều ngược lại, thông tin giá dầu giảm giúp nhóm vận tải biển khởi sắc hơn, trong đó VNA và VST đã tăng trần.

Trong nhóm cổ phiếu bất động sản, FLC và OGC có sự đột biến về giao dịch trong phiên chiều. Khối lượng giao dịch tăng mạnh so với phiên sáng, trong đó FLC khớp gần 12,6 triệu cổ phiếu, OGC khớp 10,5 triệu cổ phiếu.

Đóng cửa phiên 7/1, VN-Index tăng 0,43% lên 552,05 điểm, còn HNX-Index tăng 0,45% lên 84,18 điểm. Thanh khoản trên 2 sàn đều giảm so với phiên trước, đạt gần 2.500 tỷ đồng. Khối ngoại dù tiếp tục mua ròng trên HNX, nhưng đã quay ra bán ròng mạnh trên HOSE.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 3

Về phần các Dự, sau phiên tăng khá tốt vể cả điểm số và thanh khoản ở phiên 6/1, khá bất ngờ là nhiều Dự gồm FPTS, SHS, MBS, SSI, BVSC, MBKE, VDSC, KIS, BSC lại thận trọng đưa ra nhận định cho phiên 7/1, nên các nhận định này chủ yếu mang tính trung lập như “Các cổ phiếu nhiều khả năng sẽ phân hóa rõ nét hơn”, hay “Vẫn chưa hội tụ đủ các yếu tố giúp xác lập sóng tăng bền vững”, hoặc là “Xu hướng tăng lớn đã được thiết lập”,… hoặc khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng thậm chí tránh xa với nhóm cổ phiếu dầu khí của MBS và SSH.

Trong khi đó, MSBS, VCSC và IVS tiếp tục có những nhận định đúng về đà tăng điểm của thị trường.

“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể duy trì đà tăng và chỉ số VN-Index có thể vượt mức 550 trong phiên giao dịch tới. Đồng thời, áp lực chốt lời cũng có thể gia tăng khi các chỉ báo xung lượng ngắn hạn trong 5 phiên đã tăng mạnh vào vùng quá mua, nhưng điều này cũng đồng nghĩa là lực cầu tỏ ra khá mạnh mẽ với xu hướng hiện tại và hai chỉ số có thể chỉ xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên hoặc điều chỉnh nhẹ”, VCSC đánh giá.

Tương tự là IVS: “Quan sát chung có thể thấy rằng, mức độ tăng giá trở lại là vừa phải và đan xen và đó là yếu tố có thể giúp thị trường vẫn tiếp tục duy trì thêm đà tăng trong thời gian ngắn tới đây. Ngoài ra việc một số cổ phiếu đầu cơ nhanh chóng tăng mạnh như VHG, VNE, VIP, KLF... nhiều khả năng sẽ kích hoạt các cổ phiếu khác cùng tăng điểm. Và với những điều kiện như thế, thị trường có thêm một phiên tăng điểm nữa là điều hoàn toàn có thể”.

MSBS cũng cho rằng: “Trước mắt, VN-Index đang đối diện với ngưỡng kháng cự 560-563 điểm, thị trường sẽ rung lắc và sau đó tiến lên mốc kháng cự mạnh 570-575 điểm. Với diễn biến này, ngày 7/1, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm. Cụ thể quá trình rung lắc có thể diễn ra đầu phiên khi VN-Index tiến lên mốc 550 điểm, nhưng chỉ số nhanh chóng lấy lại đà tăng nhờ vào lực cầu của các cổ phiếu cơ bản”.

Tới phiên giao dịch 8/1, với đà hồi phục của nhóm cổ phiếu dầu khí từ phiên trước, VN-Index mở cửa trong sắc xanh và dần tiếp cận ngưỡng 555 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng khiến thanh khoản thị trường vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện.

Đà tăng của thị trường tiếp tục được củng cố nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí.

Sau phiên chốt lời hôm qua, lực cầu đã quay trở lại giúp VCB tăng mạnh với mức tăng 1.200 đồng lên 34.900 đồng/CP. Các mã ngân hàng khác như STB, MBB, BID (trên HOSE), hay ACB, SHB (trên HNX) cùng tăng điểm.

Với nhóm dầu khí, GAS duy trì mức tăng 1.000 đồng, PVD tăng 500 đồng. Trên HNX, các cổ phiếu dầu khí chủ chốt là PVS, PGS, PVB cùng có mức tăng 500 đồng, PVC tăng 200 đồng.

Về thanh khoản, cả 2 sàn đều bị sụt giảm đáng kể. FLC có thanh khoản tốt nhất HOSE với hơn 7,7 triệu đơn vị được khớp và giảm 200 đồng. VHG khớp 2,24 triệu đơn vị và đứng tại tham chiếu. Trên sàn HNX, KLF là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất cũng chỉ đạt hơn 2,7 triệu đơn vị. Tiếp đó, các cổ phiếu gồm SHS, SHB, PVX, SCR và FIT cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Đáng chú nhất phiên sáng nay chính là diễn biến của OGC. Với thông tin bị phong tỏa tài khoản để phục vụ công tác điều tra, mã này rơi thẳng về mức sàn ngay từ đầu phiên. Việc liên tiếp gặp sự cố khiến nhà đầu tư gần như tránh xa, nên OGC còn dư bán sàn chất đống gần 15 triệu đơn vị và chỉ khớp được 1,68 triệu đơn vị.

Kết phiên sáng, VN-Index tăng 0,67% đạt 555,73 điểm, còn HNX-Index tăng 0,23% lên 84,38 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, giống như phiên sáng, thị trường tiếp tục tăng trong nghi ngờ. Nhà đầu tư giường như không giữ được sự kiên nhẫn khiến áp lực chốt lời gia tăng mạnh. Các cổ phiếu đua nhau giảm điểm khiến VN-Index lùi về gần mốc tham chiếu, trong khi HNX-Index giảm nhẹ.

Các mã vốn hóa lớn như VNM, VIC và GAS vẫn duy trì đà tăng điểm, nên là lực đỡ chính giúp VN-Index duy trì được sắc xanh nhạt khi kết thúc phiên. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa. VCB, STB, MBB tăng, thì BID trở lại mốc tham chiếu, còn EIB giảm nhẹ, CTG sau phiên phúc thẩm vụ án Huyền Như hôm qua tiếp tục giảm xuống mức giá thấp nhất trong phiên là 14.100 đồng/CP.

OGC vẫn duy trì mức giá sàn với với chỉ 1,75 triệu đơn vị khớp lệnh và còn dư bán sàn hơn 10,7 triệu đơn vị. FLC cũng xuống mức giá thấp nhất trong phiên 10.800 đồng/CP, thanh khoản giảm khá mạnh so với phiên trước đạt 12,1 triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác như VHG, DLG, KBC, KSA, HQC… đều giao dịch trong sắc đỏ, thanh khoản khá tốt.

Trên sàn HNX, các cổ phiếu họ dầu khí cũng không còn giữ được phong độ như phiên sáng khi áp lực bán gia tăng. PVS chỉ còn tăng 300 đồng, PVB nhích nhẹ 100 đồng, PVC và PGS đều trở lại mốc tham chiếu. Bên cạnh đó, các cổ phiếu bluechip khác như VCG, VND, SCR, KLF… cùng giảm điểm và là tác nhân chính khiến HNX-Index không còn trụ vững ở mốc tham chiếu. Trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là KLF với 7,18 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,26% đạt 553,47 điểm, còn HNX-Index giảm 0,1% về 84,1 điểm. Tâm lý thận trọng tiếp tục khiến dòng tiền vào thị trường hạn chế, thanh khoản chung lại sụt giảm so với phiên trước, chưa đầy 2.000 tỷ đồng. Khối ngoại có phiên mua thứ 4 liên tiếp trên HNX, nhưng tiếp tục bán mạnh trên HOSE.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 4 

Về phía các Dự, tiếp tục là phiên nhận định trung lập là chủ đạo với hầu hết các Dự, bao gồm FPTS, SHS, IVS, SSI, MBKE, BVSC, VDSC, KIS, BSC, VCSC. Điều này cũng là hợp lý khi thị trường đang chịu tác động của nhiều yếu tố như giá dầu thế giới, Thông tư 36, hay tỷ giá. Ngoài ra, trong 1 phiên giao dịch mà 2 chỉ số có kết quả trái chiều nhau như phiên 8/1 thị sự nhận định thận trọng cũng là điều cần thiết.

Trong khi đó, MSBS và MBS đã có những nhận định riêng và khá hợp lý. MBS đưa ra cảnh báo về áp lực bán chốt lời, còn MSBS vẫn là nhận định về đà tăng của VN-Index, dù vậy mức tăng chưa được như kỳ vọng của MSBS.

“Về mặt kỹ thuật, các chỉ số tiếp tục tăng nhẹ với thanh khoản được duy trì là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn bắt đầu xuất hiện hoạt động chốt lời ở những nhóm cổ phiếu đã có sự hồi phục tốt trong những phiên vừa qua. Không loại trừ khả năng hoạt động này sẽ tiếp tục diễn ra trong phiên tới và tạo áp lực ngắn hạn lên thị trường”, MBS đánh giá.

Còn MSBS thì nhận định: “Thị trường vẫn đang phát đi tín hiệu cho một quá trình hồi phục bền vững, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm VN-Index sẽ tiến lên mốc 560 - 562 điểm và có rung lắc quanh mốc này. Các hoạt động trading T+ có thể canh bán ở những phiên tăng điểm khi VN-Index tiến sát mốc 560 điểm. Việc mua gom cổ phiếu và nắm giữ trung hạn vẫn được khuyến khích ở những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 4 khả quan và có thông tin hỗ trợ. Về diễn biến ngày 8/1, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm, kết thúc phiên chỉ số đóng cửa trên 555 điểm, thanh khoản tiếp tục được cải thiện”

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 9/1, từ chiều muộn hôm trước, một số nhà đầu tư đã truyền tai nhau về việc Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp quan trọng "xử lý lại" Thông tư 36. Và đến sáng 9/1, khi thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng thì khối ngoại đã ra tay mua mạnh cổ phiếu ngân hang, đẩy thị trường "dựng đứng".

VCB kết phiên sáng chỉ tăng 2.300 đồng, dù phần lớn thời gian giữ sắc tím. Trong khi đó, cầu nội mạnh mẽ cũng giúp MBB và BID tăng mạnh, thanh khoản đột biến. MBB khớp tới hơn 4,85 triệu đơn vị, còn BID khớp 2,1 triệu đơn vị.

Sự thận trọng của lực cầu dần được thay thế khi lần lượt các mã ngân hàng đều tăng ấn tượng và điểm số tăng vọt hơn 10 điểm ngay sau phiên khớp lệnh mở cửa. Khi dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ngân hàng chững lại thì dòng cổ phiếu dầu khí lại mang đến sự bất ngờ thứ hai khi đồng loạt được kéo mạnh. GAS tăng trần ngay từ đầu phiên và giữ vững sắc tím đến hết phiên sáng. PVD tăng 2.500 đồng, PVT tăng 300 đồng và khớp 1,2 triệu đơn vị.

Mã OGC tiếp tục đón nhận thêm tin xấu khi bị nhiều CTCK cắt margin, nên tiếp tục nằm sàn từ đầu phiên với lệnh dư mua giá sàn khủng 15,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, người "anh em" của OGC là OCH cũng có thông báo mới về việc bị phong tỏa tài khoản. Tương lai khá xấu với 2 mã này còn ở phía trước.

Trên HNX, nhóm HNX30 cũng có mức tăng rất tốt dù có chịu đôi chút áp lực bán ở chuối phiên, và vẫn hỗ trợ đắc lực cho HNX-Index. Các mã dầu khí đa phần tăng điểm. PVS và PVC tăng lần lượt 900 đồng và 800 đồng, thanh khoản đạt 2,1 triệu đơn vị và 1,2 triệu đơn vị. PVB tăng 1.500 đồng lên 43.100 đồng/CP. PLC sau khi tăng mạnh đầu phiên,bất ngờ giảm 100 đồng vào cuối phiên.

SHB vẫn là mã có thanh khoản cao nhất sàn HNX với 5,8 triệu đơn vị khớp lệnh và giữ mức nguyên mức tăng 300 đồng. ACB và NBV cùng có được sắc nhẹ. KLF cũng tăng 1 bước giá lên 11.000 đồng/CP và khớp 4,85 triệu đơn vị.

Nhìn tổng thể thì lực mua vẫn chú trọng chủ yếu vào nhóm VN30 và HNX30, nhiều mã vốn hóa trung bình và nhỏ vẫn duy trì trạng thái giao dịch cầm chừng, thậm chí không có giao dịch. Nhóm mã nóng như FLC, DXG, DLG, KLF... hầu hết chỉ giữ được mức tăng rất nhẹ so với giá tham chiếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng tới 14,48 điểm (+2,62%) lên 567,95 điểm, HNX-Index cũng tăng 1,01 điểm (+1,2%) lên 85,11 điểm. Thị trường lấy lại sự hưng phấn khi số mã tăng điểm chiếm đa số, duy chỉ có một chút lăn tăn khi lượng giao dịch 2 sàn phiên sáng nay không thực sự đột biến.

Trong phiên giao dịch chiều, điểm đáng chú ý là sức nóng từ hai nhóm dầu khí và ngân hàng đã lan tỏa rộng hơn, giúp thị trường có được mức tăng khá vững chắc. Nếu như VCB không còn duy trì trì được nhiệt độ khi mất giá trần, dù khối ngoại vẫn mua thêm thì BID, cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chính thức nổi sóng, giúp cho mã này bớt “chìm” từ khi chào sàn tới nay. Trong khi đó, SHB trên HNX tiếp tục duy trì phong độ với thanh khoản mạnh nhất sàn với 9,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong nhóm dầu khí, GAS vẫn giữ vai trò đầu tàu khi được neo cứng ở mức giá trần với thông tin sẽ mua lại 10 triệu cổ phiếu với giá tối đa 100.000/CP. Các cổ phiếu cùng ngành cũng được kéo cao hơn phiên sáng. Tuy nhiên chốt phiên, không nhiều mã có được mức giá cao nhất trong ngày do lực cầu phiên đóng cửa ATC không thực sự tốt như trong thời gian khớp lệnh liên tục.

Nhóm mã nóng FLC, DLG, KLF, HAI, FIT… có được lực mua tích cực hơn, nhưng cũng trong tình trạng mức giá chốt phiên đều thấp hơn mức giá cao nhất trong ngày.

Bên cạnh đó một diễn biến đáng chú ý từ nhóm mã chứng khoán khi đồng loạt tăng tốt hơn nhiều so với phiên sáng. AGR, HCM, VND, SSI, SHS, KLS… đều có lực cầu tăng đáng kể, tuy nhiên mức giá vượt so với tham chiếu đều không nhiều.

Đóng cửa, VN-Index tăng 16,26 điểm (+2,94%) lên 569,73 điểm, HNX-Index cũng tăng 1,54 điểm (+1,83%) lên 85,65 điểm. Cầu mua mạnh mẽ khiến thanh khoản chung vọt tăng trở lại, đạt trên 2.600 tỷ đồng. Khối ngoại có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp trên HNX với giá trị hơn 14 tỷ đồng, và chỉ còn bàn ròng nhẹ 1,35 tỷ đồng trên HOSE (về số lượng đã là mua ròng 828.579 đơn vị).

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 5

Về phía các Dự, với phiên tăng “dựng đứng” của thị trường như phiên 9/1 thì có thể khẳng định rằng mọi đánh giá, nhận định trước đó đều trật. Và đây là điều đương nhiên đối với IVS, MSBS, BSC khi các Dự này đưa ra nhận định về việc thị trườn giằng co hay giảm điểm.

“Chốt phiên 8/1, cả hai chỉ số đều hình thành một cây nến đảo chiều và biên độ dao động của nó cho thấy sự giằng co lớn giữa bên bán và bên mua. Cho dù khối lượng giao dịch có xu hướng giảm nhưng khi cầu mua chưa có dấu hiệu đẩy mạnh lên, và đặc biệt là dòng tiền lớn chưa xuất hiện thì thị trường có thể sẽ giảm trong phiên tới”, IVS đánh giá.

Tương tự là MSBS: “Các lực đỡ của thị trường ngày 8/1 đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu về cuối phiên, thanh khoản có sự suy giảm, đồng thời 2 sàn có diễn biến trái ngược nhau. Nhiều khả năng phiên giao dịch cuối tuần sẽ là một phiên điều chỉnh giảm điểm”.

Còn BSC thì cho rằng: “Tâm lý thị trường 8/1 khá giằng co, thể hiện qua cây nến doji trên đồ thị cả hai chỉ số Index, cùng với đó là khối lượng khớp lệnh sụt giảm khoảng 20 - 30%. Có thể thấy áp lực chốt lời của bên bán không quá mạnh, trong khi bên mua cũng không vội vàng và đa số chỉ chấp nhận mua mức giá quanh tham chiếu. Tình trạng giằng co này có khả năng kéo dài thêm một số phiên nữa trước khi xuất hiện thông tin mới giúp xu thế thị trường trở nên rõ ràng hơn”.

Ngược lại, nhận định của MBS dù chưa hoàn hảo nhưng có thể xem xét: “Về cơ bản, diễn biến điều chỉnh của thị trường trong phiên này diễn ra lành mạnh, còn về mặt kỹ thuật VN-Index vẫn trong trạng thái tăng điểm để hướng tới vùng kháng cự cao hơn ở vùng 560 - 565 điểm, HNX-Index giảm nhẹ trong phiên này, trong trường hợp tiếp tục điều chỉnh chỉ số này có thể kiểm nghiệm lại vùng 83 điểm, tuy nhiên xu hướng ngắn hạn của HNX-Index vẫn ở trạng thái tăng để kiểm nghiệm vùng kháng cự cao hơn ở 86 - 86,5 điểm”.

Trong khi đó, với những nhận định mang nặng tính trung lập như xu hướng ngắn hạn kế tiếp chưa thực sự rõ ràng, haynắm giữ cổ phiếu trong xu hướng tăng”, hoặc bối cảnh thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ”…. thì những MBKE, VCSC, VDSC, FPTS, SHS, SSI, KIS, BVSC đã được “an toàn” trong phiên cuối tuần này.

Tổng kết tuần giao dịch từ 5/1 đến 9/1, mặc dù có phiên tăng bùng nổ cuối tuần, nhưng nhìn chung, thị trường tuần qua chủ yếu là giao dịch giằng co tích lũy. Vì vậy, dù có thể có được phục hồi tốt về điểm số, nhưng thanh khoản ít được cải thiện do vẫn còn nhiều thận trọng. Tuy nhiên, đây cũng là tuần ghi nhận tâm lý nhà đầu tư đã trở nên ổn định hơn rất nhiều so với phiên trước đó. Và đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, yếu tố này là rất quan trọng.

Về các chỉ số, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN-Index tăng tổng cộng 24,1 điểm (+4,17%) lên tới 569,73 điểm. Còn với chỉ 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, HNX-Index tăng 2,66 điểm (+3,19%) lên 85,65 điểm.

Đối với các Dự, với một tuần tăng điểm tốt, MSBS nổi bật là Dự trúng nhiều nhất khi có tới 4 phiên trúng. IVS đứng sau với 3 phiên trúng. Còn lại VCSC, SHS, BSC và MBS đều cùng có 2 phiên trúng.

Ngược lại, Dự bị trật tuần qua có MBS, IVS, MSBS, BSC, nhưng tất cả cũng chỉ có cùng 1 phiên trật.

Đối với danh hiệu “còi vàng”, tuần đầu tiên này có tới 6 Dự cạnh tranh mạnh mẽ là FPTS, BVSC, MBKE, KIS, SSI, VDSC khi cùng có cả 5 phiên nhận định trung lập. Kế đến là VCSC, SHS khi cùng có 3 phiên trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/5/1

HOSE(-1,18/0,22%/544,45)

HNX(-0,24/0,29%/82,74)

VCSC, SHS, MSBS, BSC, IVS

FPTS, BVSC, MBKE, MBS, KIS, SSI, VDSC

T3/6/1

HOSE(+5,21/0,96%/549,66)

HNX(+1,07/1,3/83,81)

SHS, MSBS, BSC, IVS

FPTS, BVSC, MBKE, KIS, VDSC, VCSC, SSI

MBS

T4/7/1

HOSE(+2,39/0,43%/552,05)

HNX(+0,37/0,45%/84,18)

MSBS, IVS,

VCSC

FPTS, SHS, MBS, SSI, BVSC, MBKE, VDSC, KIS, BSC

T5/8/1

HOSE(+1,42/0,26%/553,47)

HNX(-0,08/0,1%/84,1)

MBS, MSBS

FPTS, SHS, IVS, SSI, MBKE, BVSC, VDSC, KIS, BSC, VCSC

T6/9/1

HOSE(+16,26/2,94%/569,73)

HNX(+1,54/1,83%/85,65)

MBS

FPTS, SHS, SSI, KIS, BVSC, MBKE, VCSC, VDSC

IVS, MSBS, BSC

Tin bài liên quan