Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Tuần qua, thị trường có những phiên hồi mạnh nhờ sự hỗ trợ của một vài cổ phiếu lớn, chính sự méo mó này khiến không nhiều công ty chứng khoán có thể dự báo chính xác xu thế của thị trường. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại báo cáo nhận định thị trường tuần qua của một số công ty chứng khoán.

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 6/10, trước nhận định áp lực chốt lời sẽ gia tăng, nhà đầu tư đã nhập cuộc với thái độ khá thận trọng. Các lệnh mua, bán chủ yếu mang tính chất thăm dò nên VN-Index mở cửa chỉ tăng nhẹ với thanh khoản đứng ở mức trung bình thấp. Thị trường tiếp đó diễn biến lình xình khi sự thận trọng vẫn được cả 2 bên duy trì, diễn biến không còn sôi động như các phiên của tuần trước. Nhưng VN-Index vẫn nhích dần về ngưỡng 615 điểm khi nhiều nhóm cổ phiếu như bất động sản, xây lắp, vật liệu xây dựng, chứng khoán duy trì được đà tăng tốt, nhóm vận tải biển đón sóng sớm với sắc tím đậm.

Đối với HNX, sàn này cũng có được sắc xanh nhẹ khi mở cửa. Chỉ số HNX-Index có đôi lúc giằng co trước ngưỡng 91 điểm, nhưng sắc xanh vẫn dần được nới rộng nhờ vào sự ổn định của một số mã dầu khí và chứng khoán có thị giá cao, cộng thêm sự hỗ trợ của nhóm vận tải biển và bất động sản.

Dần về cuối phiên sáng, dù lực mua khá mạnh dạn, nhưng mức cản 615 vẫn là quá khó để VN-Index có thể vượt qua khi bị cản bởi một số cổ phiếu lớn như VCB, HPG, EIB, nên đành chỉ cố gắng áp sát. Trong khi HNX-Index sau thời gian đầu ngập ngừng, gặp khó ở mức 91 điểm đã nhanh chóng tăng vọt, vượt qua mốc này.

Trong buổi giao dịch chiều, thêm nhiều nỗ lực nữa để đưa VN-Index vượt qua được ngưỡng cản khó 615 điểm. Với lực cầu mạnh, VN-Index còn đón nhận thêm sự trở lại của nhóm dầu khí và thủy sản. Nhưng cũng như phiên sáng và các phiên trước, mọi cố gắng đều thất bại khi áp lực bán ở một số mã lớn như VNM, VCB, CTG, EIB khiến VN-Index khó khăn trong việc chinh phục mốc 615 điểm, bất chấp sắc xanh gấp hơn 3 lần sắc đỏ. Thậm chí, áp lực bán lớn vào những phút cuối phiên khiến nhiều người đã nghĩ tới kịch bán xả hàng ồ ạt trong đợt ATC lại được lặp lại và nhấn chìm VN-Index. Tuy nhiên, lo ngại này nhanh chóng tan biến khi lực mua đỡ giá đã tỏ ra vượt trội và giúp VN-Index bật ngược trở lại, nhưng đóng cửa vẫn thấp hơn đôi chút so với mức đóng cửa của phiên sáng.

Trong khi đó, diễn biến trên HNX cũng khá tương đồng so với HOSE. Mặc dù dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào các nhóm cổ phiếu đã nêu, nhưng áp lực bán mạnh cũng khiến HNX-Index trùng xuống và không giữ được mốc 91 điểm khi chốt phiên.

Giao dịch trên toàn thị trường phiên này nhìn chung vẫn khá sôi động, nhưng thanh khoản đã giảm mạnh so với phiên trước, đạt gần 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục duy trì bán ròng trong phiên, nhưng giá trị rất nhỏ.

Về phần các Dự, thị trường tuần qua đã có diễn biến phục hồi khá tốt về điểm số đi kèm thanh khoản được duy trì, nhưng với áp lực bán vẫn còn khá mạnh nên phần lớn các Dự tiếp tục có đánh giá thận trọng cho thị trường chung trong tuần giao dịch mới này.

FPTS cho rằng: “Phiên giao dịch cuối tuần giảm điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn khá thận trọng đặc biệt là nhóm đã có sẵn cổ phiếu hoặc đã mua trong những phiên giảm đầu tuần. Đáy tạm tại 595 điểm đã được hình thành tuy nhiên yếu tố tích lũy được đánh giá là chưa bền vững để chỉ số có thể tăng mạnh mẽ. Như vậy, trong sóng hồi phục này, mức độ rủi ro vẫn ở mức khá cao cho nhà đầu tư, đặc biệt là khi diễn biến chỉ số chịu quá nhiều sự chi phối của nhóm bluechips”.

Còn BVSC đánh giá: “Thị trường trong các phiên đầu tuần tới có thể sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co. Ngoài ra, sự phân hóa sẽ ngày càng diễn ra rõ nét khi kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp đang dần được hé lộ. Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ danh mục trung hạn ở mức trung bình, tăng cường các hoạt động trading đi kèm với tái cơ cấu danh mục đầu tư nhằm tối đa hóa lợi nhuận”.

Nhưng cũng có cái nhìn tích cực đến từ MBS: “Dự báo trong những phiên đầu tuần tới nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giao dịch giằng co khi tương quan cung cầu hiện nay là khá cân bằng, tuy nhiên với tín hiệu thanh khoản đang ngày càng được cải thiện và tăng khá trở lại thì chúng tôi đang nhìn nhận thị trường có nhiều tín hiệu tích cực”.

Bên cạnh đó cũng có những nhận định riêng về các chỉ số như của VCSC và MSBS. Điểm chung của cả 2 nhận định này là đều cho rằng thị trường có thể sẽ giảm điểm sở phiên đầu tuần.

“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần và kiểm định lại các vùng giá 605 – 610 của chỉ số VN-Index và 89.5 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn tăng mạnh trong vùng quá mua cho thấy áp lực bán tại các vùng giá cao có thể gia tăng trong những phiên tới và các nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi trong các nhịp tăng mạnh của thị trường”, VCSC nhận định.

Tương tự, MSBS cũng cho rằng: “Thị trường điều chỉnh trong ngày giao dịch cuối tuần sau hai phiên tăng điểm khá trước đó. Thanh khoản có dấu hiệu gia tăng là yếu tố tích cực đối với đà tăng của hai chỉ số. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa có được sự đồng thuận, đặc biệt là từ các mã cổ phiếu vốn hóa lớn để có thể bứt phá mạnh. Áp lực chốt lời trong phiên giao dịch đầu tuần sau là tương đối cao và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại mốc hỗ trợ 610 điểm.Thị trường có thể diễn biến điều chỉnh trong hai phiên đầu tuần và sẽ quay trở lại đà tăng vào cuối tuần”.

Sang phiên giao dịch 7/10, trong khi bên mua vẫn giữ nhịp mua vào, thì bên bán bất ngờ tung ra lực bán giá thấp khá mạnh, khiến giới đầu tư có phen hoảng hốt. Mở cửa, sắc đỏ chiếm đa số trên VN-Index.

Tương tự, HNX-Index cũng chịu lực bán thử thách ngay đầu phiên nên cũng khởi đầu trong sắc đỏ. Sau ít thời gian giật mình, bên nắm giữ tiền mặt đã trẫn tĩnh lại và nhận thấy lực bán này dường như chỉ là chiêu đè thị trường xuống để gom vào, nên nhanh chóng ra tay gom mạnh những lệnh dư bán giá thấp, khiến bên bán ngay lập tức rụt tay trở lại.

Cả 2 chỉ số sau đó đảo chiều chuyển sắc xanh, thanh khoản cũng được tăng lên nhanh chóng. Mặc dù vậy, các chỉ số vẫn không thể bứt phá mà chỉ lình xình quanh tham chiếu khi chịu sức ép từ các mã lớn như nhóm ngân hàng, BVH, DPM, MSN trên HOSE, hay nhóm dầu khí trên HNX.

Tuy nhiên, vào cuối phiên, nhờ sự hỗ trợ đặc lực của GAS, VN-Index đã đảo chiều tăng điểm, thậm chí còn vượt qua ngưỡng cản 615 điểm.

Tương tự, HNX-Index cũng đảo chiều tăng khá mạnh và vượt qua mốc 91 điểm, cho dù phần lớn thời gian của phiên dao động dưới tham chiếu.

Trong buổi giao dịch chiều, sắc xanh vẫn được duy trì nhờ dòng tiền chảy mạnh. Tuy vậy, VN-Index bị rung lắc và liên tục đảo chiều do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index tưởng như sẽ có được phiên tăng điểm tiếp theo và vượt qua được cái bóng 615 điểm trong phiên này khi lực mua mạnh nửa cuối phiên.

Tuy nhiên, “âm mưu” kéo đổ VN-Index trong đợt ATC vẫn chưa chấm dứt sau phiên thất bại chiều 6/10. Trong đợt ATC chiều 7/10, lực bán vừa đủ mạnh và tập chung ở các mã vốn hóa lớn, có tác động mạnh tới chỉ số được tung vào khiến VN-Index bị gục ngã và lùi về sát mốc 614 điểm, dù vẫn được số đông hỗ trợ.

Trong khi đó, HNX-Index dù cũng có những phút rung lắc như VN-Index, nhưng về cuối phiên, nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu Sông Đà, nên chỉ số này không những đứng vững, mà còn nới rộng đà tăng so với phiên sáng. Thanh khoản toàn thị trường phiên này đã tăng nhẹ trở lại, đạt gần 4.200 tỷ đồng.

Về phần các Dự, SHS và BSC đã đưa ra nhận định khá chuẩn xác trong phiên này. Cả 2 Dự này cùng có chung ý kiến chỉ số sẽ không giảm sâu và khuyến nghị nhà đầu tư tranh thủ nhịp giảm này để tích lũy cổ phiếu.

“Với những yếu tố tích cực từ nền kinh tế, cộng thêm xu hướng về việc dòng vốn rẻ sẽ tiếp tục được duy trì từ nay tới cuối năm là nền tảng cơ bản giúp hỗ trợ thị trường không bị giảm sâu khỏi vùng giá hiện tại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ có các phiên điều chỉnh chốt lời xen kẽ, đặc biệt tại các mốc cản của 2 chỉ số sẽ là lý do rất tốt làm tăng lượng cung giá cao tại nhiều mã cổ phiếu tăng nóng. Chúng tôi cho rằng đó sẽ là những cơ hội rất tốt cho nhà đầu tư có thể tiến hành mua vào các mã đã chọn”, SHS đánh giá.

Còn BSC cho rằng: “Quá trình giảm điểm nhẹ có thể diễn ra sau một vài phiên tăng điểm vừa qua. Mặc dù vậy, chúng tôi không đánh giá cao khả năng VN-Index phá vỡ được hai ngưỡng kháng cự quan trọng 600 và 610 một cách dễ dàng. Hơn nữa, với sự chủ động từ phía người mua, nhịp giảm nếu xảy ra cũng sẽ không duy trì được lâu. Chúng tôi tiếp tục cho rằng nhịp giảm sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, chứng khoán và dầu khí”.

Ngược lại, MSBS cho rằng VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng 615 để tiến đến ngưỡng cao hơn. Nhận định này của MSBS đã đúng khi kết thúc phiên sáng, nhưng mọi diễn biến đã hoàn toàn ngược lại trong phiên chiều.

“Mặc dù thị trường có một phiên giao dịch kém sôi nổi hơn so với những phiên trước đó, nhưng sự thay đổi dòng tiền luân phiên quanh các nhóm cổ phiếu khác nhau chính là động lực để thị trường tiếp tục tăng điểm vào phiên giao dịch ngày 7/10. Nhiều khả năng, ngày 7/10 thị trường sẽ chinh phục mức 615 điểm rồi đi lên, tiến đến ngưỡng kháng cự tiếp theo là 620-625. Dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh vào các nhóm cổ phiếu khác nhau”, MSBS nhận định.

Đối với các Dự khác là FPTS, BVSC, KIS, IVS, VCSC, MBKE, VDSC, MBS, SSI, ngoài khuyến nghị cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu, thì các nhận định cũng khá chung chung như “sẽ có diễn biến phân hóa”, hay “tăng giảm đan xen vẫn diễn ra”….

Đến phiên giao dịch 8/10, dường như các nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát và chờ đợi những thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được công bố trước khi xuống tiền. Sự thận trọng này đã phần nào khiến giao dịch trên sàn trong vài phiên gần đây kém sôi động.

VN-Index mở cửa với sắc xanh nhạt, thanh khoản ở mức trung bình. Chỉ số liên tục rung lắc trước áp lực bán luôn hiện hữu, yếu tố giúp VN-Index còn giữ được màu xanh là nhờ lực đỡ từ 2 mã trụ GAS và VNM, nhưng cả 2 mã này đều chưa xác định xu hướng tăng rõ ràng.

Nhóm cổ phiếu vận tải biển, thủy sản, khoáng sản tiếp tục có được mức tăng khá tốt với một số mã đạt mức trần, trong khi nhóm chứng khoán và bất động sản đã bị chốt lời.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng mở cửa trong sắc xanh nhẹ vẫn với sự hỗ trợ đắc lực từ cổ phiếu Sông Đà. Đà tăng của chỉ số tiếp tục được củng cố với sự tham gia của một số mã chứng khoán và dầu khí thị giá cao.

Sau thời gian cầm cự, VN-Index đã quay đầu giảm điểm trước áp lực bán mạnh và trên diện rộng. Các mã lớn vốn dĩ còn đang lình xình tìm xu hướng, lại gặp áp lực bán mạnh nên đồng loạt giảm điểm, kéo VN-Index càng về cuối phiên càng chìm trong sắc đỏ.

Tương tự, sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu Sông Đà rõ ràng là không đủ để giúp HNX-Index duy trì được sắc xanh, khi mà những mã trụ trong nhóm chứng khoán, dầu khí không còn giữ được đà tăng. HNX-Index kết phiên cũng trong sắc đỏ.

Trong buổi giao dịch chiều, sau ít phút ngập ngừng, dòng tiền đã dần chảy mạnh và hướng tập trung vào các "hàng nóng", trong đó có nhóm cổ phiếu dầu khí. Thông tin giúp nhóm này hút mạnh dòng tiền là việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng rất khả quan.

VN-Index theo đó hồi dần, nhưng lực đỡ chính giúp chỉ số này đảo chiều tăng khá tốt trong phiên chiều lại là VNM khi "đại gia" này tăng mạnh.

Dù về cuối phiên, VNM không giữ được mức giá cao nhất trong ngày, khiến đà tăng của VN-Index có phần bị hãm bớt, nhưng cùng với lực đỡ khá tốt từ GAS, VN-Index cũng đã vượt ngưỡng 615 điểm thành công.

Trong khi đó, do thiếu vắng những trụ đỡ như trên HOSE, sàn HNX đành ngậm ngùi đóng cửa trong sắc đỏ. Các nhóm cổ phiếu trên sàn này cũng tăng trở lại, nhưng không mạnh và đồng đều, nên không thể giúp HNX-Index thoát khỏi phiên giảm điểm, qua đó số phiên tăng điểm liên tiếp bị chặn lại ở con số 7.

Cũng phải nói thêm rằng, nhóm cổ phiếu dầu khí trên HNX trong phiên chiều đã không nhận được sự quan tâm nhiều như trên HOSE, nên không thể hỗ trợ nhiều cho chỉ số. Với lực cầu tốt, thanh khoản toàn thị trường phiên này có nhỉnh hơn chút ít so với phiên trước, đạt gần 4.300 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên, nhưng đã giảm khá mạnh so với phiên trước.

Về phần các Dự, 2 chỉ số lại kết thúc trong tình trạng trái chiều nhưng bất ngờ đảo vị trí cho nhau khi VN-Index tăng điểm trở lại còn HNX-Index quay đầu giảm điểm, điều này đã đúng với đánh giá của KIS và MSBS, trong đó nhận định của MSBS còn khá khớp với từng diễn biến của phiên.

“MSBS cho rằng, đầu phiên giao dịch ngày mai 8/10, thị trường sẽ giảm điểm, VN-Index có thể xuống chạm ngưỡng 610 điểm kích thích cầu vào thị  trường. Lực cầu sẽ tăng dần vào phiên chiều, kéo chỉ số tăng trở lại, đóng  cửa trên mức 615 điểm”.

Ngược lại, diễn biến này đã chứng minh sự đối lập đối với nhận định của FPTS và IVS khi cả 2 Dự này cùng cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh.

“Thị trường giao dịch giằng co, chỉ số biến động với biên độ hẹp và chịu tác động lớn bởi cổ phiếu trụ GAS, cho thấy tâm lý thận trọng và áp lực chốt lời ngắn hạn đang gia tăng. Cùng với động thái bán ròng của khối ngoại, FPTS đánh giá trong phiên tới, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ và có sự phân hóa hướng tới những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ về kết quả kinh doanh quý III”.

Trong khi đó, nhận định của VCSC cũng không hoàn toàn đúng và không hoàn toàn sai: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể điều chỉnh và kiểm định lại các mức 610 của chỉ số VN-Index và 90.5 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch ngày mai (8/10). Các chỉ báo xung lượng ngắn hạn giảm nhẹ từ vùng quá mua cho thấy áp lực bán có thể gia tăng trong những phiên tới và đây là các nhịp điều chỉnh cần thiết để thị trường có đà tăng bền vững trong thời gian tới”.

Đối với các Dự còn lại như BSC, SHS, MBS, SSI, BVSC, VCSC, MBKE, VDSC thì chỉ đưa ra những nhận định chung về sự điều chỉnh hoặc phục hồi của thị trường, hay khuyến nghị đầu tư.

Tới phiên giao dịch 9/10, sự trở lại của nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền khá tốt trong thời gian qua là nhóm dầu khí đã giúp nhà đầu tư hưng phấn hơn khi bước vào phiên sáng 9/10.

Thông tin PVN đạt kết quả kinh doanh khả quan như làn gió mới thổi vào khiến hầu hết các mã cổ phiếu trong nhóm này đều có mức tăng tốt. VN-Index mở cửa tăng khá mạnh 1,25%, vượt xa mốc 620 điểm với thanh khoản ở mức khá.

Đà tăng này dần được nới rộng khi nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn, trong đó tích cực nhất vẫn là GAS, mã này có thời điểm đã tăng kịch trần. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chịu áp lực bán ra khá mạnh, tuy nhiên, nhờ dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh nên đà giảm không sâu. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục được nhà đầu tư săn đón với khối lượng khớp lệnh cao.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng mở cửa trong sắc xanh khá khi mà cả 2 nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt là chứng khoán và dầu khí cùng tăng rất khá. Tương tự như trên HOSE, sắc xanh của chỉ số được mở rộng hơn với đà tăng dần của nhóm dầu khí.

Mặc dù áp lực bán vẫn luôn duy trì ở mức cao, nhưng lực cầu giá thấp cũng tỏ ra không thua kém đã hấp thụ dòng tiền mạnh giúp thanh khoản tăng đáng kể. Nhờ vào lực đỡ từ GAS và các cổ phiếu họ dầu khí, VN-Index duy trì đà tăng ổn định và kết phiên áp sát ngưỡng 625 điểm, còn HNX-Index cũng nhẹ nhàng hướng đến mốc 92 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, lực mua tốt giúp VN-Index một lần nữa leo cao và hướng tới mốc 630 điểm. Khi chỉ số đã tăng lên một mức nhất định, lực bán mạnh đã được tung vào thị trường khiến đà tăng của nhiều nhóm cổ phiếu bị hãm lại, thậm chí là giảm điểm, trong đó có nhóm dầu khí.

Một lần nữa kịch bản cũ lại lặp lại trong đợt ATC khi lệnh bán mạnh được tung vào, gây sức ép lên VN-Index. May mắn cho VN-Index vì vẫn nhận được sự hỗ trợ đắc lực của GAS khi mã này lại leo mức trần – mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay với hơn 1,05 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công, nên đóng cửa giữ được trên mốc 620 điểm, dù đà tăng bị hãm bớt.

Tương tự, sắc xanh của HNX-Index cũng không còn đậm so với phiên sáng, nhưng đóng cửa vẫn trên mốc 91 điểm. Thanh khoản toàn thị trường phiên này vẫn được duy trì ở mức cao cho dù có thấp hơn đôi chút so với phiên trước, đạt trên 4.200 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị hơn 93,34 tỷ đồng, trong khi trở lại trạng thái mua ròng trên sàn HNX với tổng giá trị 12,44 tỷ đồng.

Về phía các Dự, việc VN-Index có nhịp hồi khá mạnh cho thấy “cái duyên” của MSBS đối với các phiên tăng điểm. Phiên này, MSBS tiếp tục đưa ra nhận định khá sát: Dòng tiền vào khá mạnh trong phiên giao dịch 8/10, đặc biệt là vào phiên chiều ở một số mã cổ  phiếu Bluechip như GAS, VNM, HPG, đã tạo tâm lý tốt cho thị trường. Dự báo trong phiên giao dịch ngày mai 9/10, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm, chỉ số VN-Index  sẽ tiến đến vùng kháng cự mới 620-625 điểm”.

Tương tự, VCSC cũng có nhận định khá chi tiết: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ còn xuất hiện nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh nhẹ quanh mức 614 của chỉ số VN-Index (tức là đường trung bình SMA20) và vùng đỉnh cũ phiên 17/09/2014 của chỉ số HNX-Index, và đà hồi phục có thể quay trở lại về cuối phiên giao dịch. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy dòng tiền có khuynh hướng vào nhóm cổ phiếu Largecaps, đây là nhóm cổ phiếu chưa có mức tăng mạnh trong thời gian qua và dòng tiền vẫn có sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy xu hướng ngắn hạn sẽ có chuyển biến rõ ràng hơn trong những phiên tới”.

Ở phía ngược lại, nhận định của FPTS và SHS đã trật khi vẫn cho rằng thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh.

“Trong bản tin trước, chúng tôi đã đánh giá trong vùng giá tích lũy đi ngang hiện tại, việc VN-Index test không thành công các ngưỡng kháng cự cứng sẽ là cớ rất tốt cho xu hướng điều chỉnh chốt lời trên diện rộng. Trên thực tế xu hướng đó đã diễn ra trong phiên 8/10. Xuất phát điểm từ đà điều chỉnh tiếp tục diễn ra mạnh tại nhóm các cổ phiếu Bluechips sau đó lan tỏa ra toàn thị trường. Thông tin tích cực đến từ kết quả kinh doanh của PVN và lực kéo mạnh từ VNM và GAS đã giúp VN-Index vượt ngưỡng cản kỹ thuật 615 theo phương thức tương đối gượng ép. Theo đó, chúng tôi đánh giá xu hướng điều chỉnh nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong phiên ngày 9/10 và dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa mạnh”, SHS nhận định.

Tương tự là FPTS: “Với diễn biến hiện tại, FPTS đánh giá thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ và phân hóa hướng tới những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ về kết quả kinh doanh quý III”.

Còn lại các Dự khác như BSC, IVS, KIS, BVSC, MBS, MBKE, VDSC, SSI vẫn với nhận định trung lập về thị trường và hầu hết đều có cái nhìn tích cực về thị trường ở hiện tại.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 10/10, trước hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” của thị trường do GAS, nên bước vào phiên giao dịch sáng, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn rất nhiều. Lực mua chỉ dè dặt đưa vào thị trường, trong khi bên bán cũng giữ nhịp bán như thường lệ, không quá vội vàng hạ giá thấp giá bán, khiến giao dịch thị trường kém sôi động.

VN-Index mở cửa trong sắc đỏ nhẹ đi kèm thanh khoản ở mức trung bình. Cầu mua sau đó vẫn không có chuyển biến tích cực khi lệnh mua chủ yếu dưới tham chiếu.

Sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử khi gấp 2 lần số mã tăng, tuy nhiên, VN-Index không giảm sâu mà chỉ lình xình sát dưới mốc tham chiếu do vẫn còn được GAS “hãm phanh”.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, được đánh giá sẽ có đà tăng mạnh đã không như kỳ vọng khi đa số vẫn giảm giá, số còn lại tăng giá chỉ lình xình trên tham chiếu và chỉ 1 số ít mã có sắc tím. Nhóm dầu khí cũng quay đầu giảm trở lại chỉ sau 1 phiên bừng sáng nhờ hiệu ứng kết quả kinh doanh của PVN. Trong khi nhóm bất động sản vẫn dẫn đầu về thanh khoản.

Với sự hỗ trợ của GAS, VN-Index có mấy lần thử thách ngưỡng 627 điểm trước khi hướng tới mốc 630 điểm. Tuy nhiên, cả 4 lần thử sức, VN-Index đều chịu thất bại ở mốc 627 điểm. Và khi GAS chỉ còn duy trì mức tăng tối thiểu, chỉ số chỉ may mắn giữ được mốc 625 điểm do hết thời gian giao dịch của phiên sáng.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index lại có sắc xanh le lói ngay khi mở cửa, nhưng cũng nhanh chóng đảo chiều xuống dưới 91 điểm ngay sau đó khi lực bán mạnh xuất hiện ngay từ đầu. Sau đó, HNX-Index có thêm một vài nhịp hồi, trước khi “hiệu ứng PVN” mất tác dụng khiến nhiều mã dầu khí quay đầu giảm điểm, kéo theo nhiều mã dẫn dắt khác đi xuống, nhấn HNX-Index trong sắc đỏ cho đến khi hết phiên sáng.

Trong buổi giao dịch chiều, áp lực bán vẫn rất mạnh diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, nhưng VN-Index đã không còn được nâng đỡ như trong phiên sáng. Điển hình là GAS khi trụ này đã bị bẻ gãy ngay từ khi bắt đầu phiên chiều, quay ngoắt đầu giảm 3.000 đồng. Cộng thêm phần lớn các mã bluechips giảm điểm, VN-Index ngay lập tức rơi thẳng đứng xuống sát mốc 618 điểm.

Lúc này, lực mua mới được tung vào nhưng tỏ ra quá lép vế so với áp lực bán khá mạnh và trên diện rộng, vì thế mà chỉ số đã giảm sâu hơn sau đợt khớp lệnh ATC. Đóng cửa, VN-Index mất 1,06% đồng thời lùi xuống dưới ngưỡng 618 điểm.

Tình hình trên HNX cũng ảm đạm không kém HOSE khi lực cầu trên sàn này tỏ ra quá yếu ớt, trong khi áp lực bán mạnh trải rộng không chỉ ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như dầu khí hay chứng khoán, khiến chỉ số HNX-Index chìm sâu hơn trong sắc đỏ từ đầu cho đến khi đóng cửa, tuy nhiên vẫn giữ được mốc 90 điểm.

Thanh khoản thị trường phiên này cũng đã giảm khá mạnh so với phiên trước, chỉ đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Khối ngoại phiên này tiếp tục bán ròng về lượng, nhưng về giá trị đã mua ròng trở lại với giá trị hơn 56 tỷ đồng.

Về phía các Dự, VCSC tiếp tục đưa ra nhận định khá tốt về phiên giao dịch này. Ngoài việc dự báo đúng về các chỉ số, VCSC còn lưu ý nhà đầu tư về tỷ lệ đòn bẩy: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể điều chỉnh giảm và kiểm định các mức hỗ trợ 614 của chỉ số VN-Index và 90.5 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch ngày mai. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy tâm lý nhà đầu tư đã có dấu hiệu thận trọng hơn về xu hướng hiện tại khi tỷ lệ đòn bẩy đang có mức rủi ro và các chỉ báo xung lượng đang có dấu hiệu cảnh báo điều chỉnh ngắn hạn cho nên chúng tôi cho rằng thị trường cần điều chỉnh trong 1 - 2 phiên giao dịch để tỷ lệ đòn bẩy về mức cân bằng”.

Còn nhận định của MBS cũng chưa hoàn toàn đúng khi cho rằng chỉ số chỉ điều chỉnh nhẹ, trong khi thực tế thì VN-Index giảm tới 1,06%.

“Ngắn hạn, chỉ số đang có sự tách biệt đáng kể so với xu hướng chung, thị trường khả năng sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm nhẹ và đi ngang với diễn biến chung sẽ chậm và giá cổ phiếu sẽ lình xình”, MBS đánh giá.

Trong khi đó, việc chỉ số giảm khá sâu ở phiên này đã khiến MSBS không thể ghi điểm, nhưng Dự này cũng đã có nhận định chuẩn xác trong phiên giao dịch sáng 10/10.

“Phiên giao dịch ngày mai 10/10, chúng tôi cho rằng các mã cổ phiếu Bluechip sẽ tiếp tục kéo thị  trường tiến sát ngưỡng 630 điểm trong phiên sáng. Thị trường xanh về điểm số nhưng phần lớn các mã chứng khoán vẫn giảm điểm. Bước sang phiên giao dịch buổi chiều, thị trường có thể trùng xuống sát mức 625, test lại ngưỡng kháng cự 625 điểm. Kết thúc phiên, VN-Index đóng  cửa trong sắc xanh, thanh khoản tiếp tục được duy trì”, MSBS nhận định.

Trong khi đó, phần lớn các Dự còn lại đều chọn cách nhận định an toàn nhất là chọn phương án trung lập. Tuy nhiên, trong số này thì nhận định của FPTS là có điểm đáng chú ý: “Về vĩ mô, những thông tin về việc tiếp tục hạ lãi suất là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán để kích thích dòng tiền gia tăng trong thời gian tới. Với sự biến động không đồng pha và phân hóa rõ hơn giữa các nhóm cổ phiếu, thị trường hiện tại chỉ số không quá quan trọng, mà trên hết đòi hỏi sự bản lĩnh và tinh nhạy của nhà đầu tư, quá trình chọn lọc cổ phiếu và thu hút dòng tiền thông minh vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và giữ nhịp cho thị trường trong thời gian tới. Việc nắm giữ cổ phiếu cơ bản có thông tin tốt về kết quả kinh doanh quý III vẫn được khuyến nghị”.

Tổng kết tuần giao dịch 69 đến 10/10, trị trường đã không còn duy trì sự sôi động như ở tuần trước, tuy nhiên thanh khoản nhìn chung vẫn ở mức khá. Cùng với đó các chỉ số vẫn chưa có sự gia tăng tốt về điểm số khi áp lực bán tiếp tục được duy trì ở mức cao trong tuần giao dịch này.

Với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, VN-Index đã tăng tổng cộng 6,17 điểm (+1,02%) lên 617,72 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, nhưng chỉ số này chỉ tăng 0,13 điểm (+0,15%) lên 90,45 điểm.

Đối với các Dự, VCSC và MSBS là 2 Dự trúng nhiều nhất, nhưng cũng chỉ đạt 2 phiên. Còn lại SHS, BSC, KIS và MBS đều có 1 phiên trúng.

Ngược lại, trật nhiều nhất tuần vẫn là MSBS với 3 phiên. FPTS đứng sau khi có 2 phiên trật. Còn lại SHS, IVS và VCSC cùng bị trật 1 phiên.

Trong khi đó, “còi vàng” được cạnh tranh bởi 4 Dự là BVSC, MBKE, VDSC và SSI khi cùng nhận định trung lập trong cả 5 phiên giao dịch.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/6/10

HOSE(+2,87/0,47/614,42)

HNX(+0,61/0,67%/90,93)

MBKE, BVSC, FPTS, SHS, MBS, SSI, BSC, VDSC, IVS

MSBS, VCSC

T3/7/10

HOSE(-0,34/0,06%/614,08)

HNX(+0,32/0,35%/91,25)

SHS, BSC

FPTS, BVSC, KIS, IVS, VCSC, MBKE, VDSC, MBS, SSI

MSBS

T4/8/10

HOSE(+3,18/0,52%/617,26)

HNX(-0,04/0,04%/91,21)

KIS, MSBS

BSC, SHS, MBS, SSI, BVSC, VCSC, MBKE, VDSC

FPTS, IVS

T5/9/10

HOSE(+7,08/1,15%/624,34)

HNX(+0,14/0,16%/91,35)

MSBS, VCSC

BSC, IVS, KIS, BVSC,

MBS, MBKE, VDSC, SSI

FPTS, SHS

T6/10/10

HOSE(-6,62/1,06%/617,72)

HNX(-0,9/0,99%/90,45)

VCSC, MBS

FPTS, IVS, KIS, BVSC, BSC, VDSC, MBKE, SSI, SHS

MSBS

Tin bài liên quan