Nhìn lại chuyện nợ nần của Việt Nam

Nhìn lại chuyện nợ nần của Việt Nam

Con số nợ công đến năm 2013 chiếm 56,2% GDP đang khiến dư luận lo ngại về gánh nặng nợ công ở Việt Nam. Sự lo ngại là có cơ sở, dù rằng, xét theo “giới hạn đỏ” (65% GDP), nợ công hiện tại của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn.

Lý do quan trọng là, nhìn vào nợ công, không nên chỉ nhìn ở tỷ lệ chiếm bao nhiêu phần trăm GDP, mà quan trọng là tốc độ tăng nợ công thế nào, khả năng trả nợ ra sao, cơ cấu nợ thế nào, lãi suất bao nhiêu…

Nếu nhìn ở những khía cạnh này, có thể thấy, nợ công của Việt Nam trong những năm qua không ngừng tăng, từ 54,9% GDP năm 2011 lên 55,7% GDP năm 2012 và 56,2% GDP năm 2013. Nợ công tăng, trong khi thu ngân sách những năm gần đây không mấy khả quan đang tạo áp lực trả nợ không nhỏ. Đáng chú ý, ngoài việc trả nợ gốc, lãi và phí bằng USD, hàng năm, số tiền trả nợ nước ngoài bằng VND tăng rất cao, từ  hơn 9.765 tỷ đồng năm 2010 lên trên 12.533 tỷ đồng năm 2011 và gần 18.252 tỷ đồng vào năm 2012.

Nhưng điều quan trọng là, trong khi nợ công nước ngoài, chủ yếu thông qua các khoản vay ODA có lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài, không phải quá đáng ngại, thì khoản nợ vay trong nước thường có lãi suất cao. Áp lực trả nợ cho các khoản vay này mới là điều cần phải bàn tới.

Một chuyên gia kinh tế đã tính toán rằng, một năm, Việt Nam có thể phải trả nợ tới 6 tỷ USD, trong đó chỉ 1 tỷ USD là trả nợ nước ngoài. Nếu tính toán này xác thực, thì việc trả nợ vay trong nước thực sự là một áp lực rất lớn. Áp lực càng lớn hơn khi những năm gần đây, kinh tế khó khăn, thu ngân sách cũng khó. Thậm chí, việc vay tiếp để trả nợ đã được nhắc tới.

Quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch vay và trả nợ năm 2014 đã nêu rõ việc có một khoản vay để đảo nợ lên tới 70.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD).

Cũng cần phải nhắc lại rằng, cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện nay chưa tính nợ vay của các doanh nghiệp nhà nước. Con số này được báo cáo vào cuối năm trước lên tới hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tương đương 80 tỷ USD.

Dù chưa tính khoản nợ này vào nợ công, nhưng một khi các doanh nghiệp nhà nước không có khả năng trả nợ, hoặc các khoản vay không được sử dụng hiệu quả, thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tài chính quốc gia, đến toàn nền kinh tế.

Có thể nhắc lại câu chuyện của Vinashin và cả khoản bảo lãnh để tập đoàn này phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 750 triệu USD ở nước ngoài để thấy những hệ lụy khôn lường khi các khoản vay lớn của các doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng hiệu quả và trả nợ đúng hạn.

Tạm chấp nhận cách tính nợ công trong hiện tại của Việt Nam, thì cũng thấy những áp lực rất lớn đối với nền kinh tế. Và dù vẫn ở trong ngưỡng an toàn, thì điều quan trọng trong vay và trả nợ, cả trong và ngoài nước, là phải sử dụng vốn vay một cách an toàn và hiệu quả. Cùng với đó, đã đến lúc, Việt Nam nên tính toán nợ công theo chuẩn quốc tế để có một cái nhìn chính xác, toàn diện, từ đó có chiến lược vay và trả nợ thích hợp.

Tin bài liên quan