Nếu để tiện so sánh, thì diễn biến nền kinh tế Việt Nam hiện nay có lẽ đang giống như hai mặt của trang sách. Một mặt, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,6% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với 5 tháng đầu năm ngoái; xuất siêu ở mức 1,65 tỷ USD, lạm phát đang được kiềm chế ở mức 1,08%..., nền kinh tế Việt Nam, có thể nói, vẫn đang trong chiều hướng khá tích cực.
Song ở mặt kia của trang sách, là việc tín dụng của toàn nền kinh tế mới đạt trên 1% tới thời điểm hiện nay, thấp đáng kể so với mức trên 3% cùng kỳ năm ngoái, do sức cầu còn yếu.
Đó còn là chuyện tình hình doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng suy giảm, vẫn lên tới 27.867 doanh nghiệp trong 5 tháng qua, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chưa kể, điểm mấu chốt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm này, đó là trong khi sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm chạp và chưa rõ nét, thì những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, cộng thêm những việc những hành vi manh động, quá khích đập phá nhà máy ở một số địa phương trong cả nước được cho là sẽ tác động không nhỏ tới tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, cũng như thu - chi ngân sách nhà nước…
Những diễn biến trên Biển Đông cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam, tới mối giao thương Việt Nam - Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ quốc gia này.
Ngày mai (28/5), phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 mới chính thức diễn ra, song trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua, các đại biểu Quốc hội không khỏi quan ngại trước tình hình này. Các ý kiến về việc Chính phủ phải lường trước và đặt ra các kịch bản ứng phó với những tác động do tình hình Biển Đông mang lại đã được đề xuất.
Một điều đáng mừng là, Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi đã chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp nước ngoài chịu thiệt hại sau những hành vi manh động đập phá nhà máy tại một số địa phương, thì cũng đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2015.
Những giải pháp này cần được thực thi nghiêm túc, thống nhất và hiệu quả. Bên cạnh đó, điều cần làm bây giờ là phân tích thực trạng, diễn biến nền kinh tế, cũng như ở Biển Đông, lường trước các tác động và xây dựng các kịch bản để Việt Nam có thể chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực do tình hình phức tạp ở Biển Đông mang lại, đồng thời tạo đà để nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn.