TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam đến nay, chúng ta có thể khẳng định việc xây dựng TTCK là chủ trương rất đúng đắn nhằm tạo lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta. 

Trong đó, cơ quan quản lý được thành lập trước nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý, xây dựng thị trường, bảo đảm cho thị trường hình thành và phát triển trong trật tự, tránh được tình trạng phát triển một cách tự phát và đổ vỡ như một số nước.

Nhu cầu thành lập TTCK

Trong tiến trình thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990, vấn đề vốn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải có thị trường vốn. Bên cạnh đó, nhu cầu thành lập TTCK cũng tăng lên do xuất phát từ quá trình hình thành các doanh nghiệp cổ phần đòi hỏi phải có một thị trường giao dịch cổ phiếu và trái phiếu.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề nghị một số cơ quan triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập TTCK và sau đó Chính phủ quyết định thành lập Ban soạn thảo Pháp lệnh về chứng khoán và TTCK (vào năm 1994), đại diện chủ yếu từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) khi đó làm Trưởng ban, anh Lê Văn Châu, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là Phó ban. Ban soạn thảo đã xây dựng Đề án thành lập TTCK và dự thảo Pháp lệnh về chứng khoán và TTCK trình Chính phủ.

Trên cơ sở Đề án của Ban soạn thảo Pháp lệnh kết hợp với Đề án của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chuẩn bị tổ chức TTCK (vào năm 1995) do anh Lê Văn Châu làm Trưởng ban, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng TTCK ở Việt Nam.

Một thời gian sau, nhận thấy với một tổ chức chưa được quy định rõ ràng như vậy thì tiến độ xây dựng thị trường khó có thể đẩy mạnh được, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/1996/NĐ-CP ngày 28/11/1996 về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK. Việc thành lập cơ quan quản lý TTCK trước khi thị trường ra đời là bước đi phù hợp với chủ trương xây dựng và phát triển TTCK ở Việt Nam, có ý nghĩa quyết định cho sự ra đời của TTCK sau đó hơn 3 năm. 

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam ảnh 1

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỷ niệm 10 năm hoạt động và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất ngày 30/11/2007 

Khẩn trương thực hiện “núi” công việc

Sau khi được thành lập, UBCK nỗ lực xây dựng mô hình TTCK trình Chính phủ, Bộ Chính trị. Tại một cuộc họp, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó đồng ý về mặt chủ trương và lộ trình xây dựng TTCK, nhưng có nói một câu đại ý là “phải chuẩn bị kỹ lưỡng đủ điều kiện hãy mở và đã nổ súng là phải thành công”. Do Tổng Bí thư xuất thân từ nhà quân sự nên có sự ví von như vậy.

Với kết luận của Bộ Chính trị về mô hình TTCK, chúng tôi bắt đầu triển khai công tác xây dựng thị trường. UBCK đã dự thảo Nghị định của Chính phủ về chứng khoán và TTCK trình Chính phủ ban hành vào năm 1998, có tên gọi là Nghị định số 48 về chứng khoán và TTCK. Việc ban hành Nghị định thay cho Luật hay Pháp lệnh là nhằm bảo đảm tính linh hoạt cho khung pháp lý trong giai đoạn thị trường ban đầu.

Ngoài ra, Chính phủ ban hành quyết định thành lập 2 Trung tâm GDCK tại Hà Nội và TP. HCM với nhận thức trong giai đoạn đầu chỉ nên thành lập trung tâm đơn giản, sau đó nâng cấp thành Sở GDCK. Trong thời gian này, Sở GDCK Hàn Quốc hỗ trợ rất tích cực cho UBCK trong việc huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng cơ sở pháp lý.

Bên cạnh công tác tạo hàng, đào tạo nhân lực thì công tác chuẩn bị hệ thống công nghệ được tập trung thực hiện. Để bảo đảm hiệu quả và phù hợp với giai đoạn đầu khi nhận thấy khả năng hàng hóa giao dịch hạn chế, tôi đã báo cáo anh Lê Văn Châu là nên có một hệ thống giao dịch ban đầu để khởi động thị trường, sau đó mới triển khai dự án chính thức. Sau khi được anh Lê Văn Châu đồng ý, chúng tôi đề nghị Sở GDCK Hàn Quốc hỗ trợ, nhưng khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra nên không thực hiện được.

Chúng tôi chuyển sang sử dụng công ty trong nước là FPT. Vào thời điểm đó, cựu Chủ tịch Sở GDCK Thái Lan sang Việt Nam và đề xuất hỗ trợ xây dựng hệ thống giao dịch, còn hệ thống lưu ký, thanh toán thì để FPT xây dựng. Ban lãnh đạo Ủy ban có họp bàn và thấy Thái Lan đã có kinh nghiệm và trải qua thời gian dài áp dụng hệ thống giao dịch nên đồng ý.

Sau đó, toàn thể cán bộ Trung tâm GDCK TP. HCM bắt tay vào việc xây dựng quy trình giao dịch, chạy thử phần mềm, hiệu chỉnh phần mềm với Sở GDCK Thái Lan, phối hợp với FPT xây dựng phần mềm cho hệ thống lưu ký. Anh em khi đó thường xuyên làm việc đến 9 - 10 giờ tối, nhóm ngồi với FPT, nhóm ngồi với các chuyên gia Thái Lan, nhóm thì trải dây trên sàn để lắp đặt máy móc, không khí rất hăng say và rạo rực như 30 Tết.

Tại trụ sở UBCK, anh Nguyễn Đức Quang, anh Trần Xuân Hà chỉ đạo quyết liệt các Vụ chức năng xây dựng các quy chế. Một loạt công tác khác được triển khai song song như công tác đào tạo; phối hợp với ngân hàng, tổ chức bảo hiểm để thành lập CTCK; công tác tạo hàng cho thị trường; triển khai hệ thống công nghệ…

Phát triển TTCK cần sự chung tay của tất cả các thành viên thị trường và nhiều ngành khác 

Sau sàn TP. HCM là sàn Hà Nội

Ngày 28/7/2000, Trung tâm GDCK TP. HCM tổ chức phiên giao dịch đầu tiên, với hai cổ phiếu niêm yết là SAM và REE. Trong giai đoạn đầu, hàng hóa trên thị trường còn ít, hiểu biết của NĐT chưa cao, doanh nghiệp niêm yết quy mô nhỏ, cung cầu trên thị trường mất cân đối nên giá cổ phiếu bị đẩy lên cao. Trong vòng nửa năm, thị trường tăng rất nóng, UBCK đã đưa ra giải pháp hành chính can thiệp nhằm hạn chế tình trạng “bong bóng”, kết quả làm thị trường sụt giảm mạnh. Đây là bài học kinh nghiệm đầu tiên về điều hành thị trường.

Sau khi Trung tâm GDCK TP. HCM đi vào hoạt động được 3 năm, trong buổi Lễ tổng kết của UBCK, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã trực tiếp chỉ đạo UBCK sớm xây dựng Trung tâm GDCK Hà Nội.

Một trong các chủ trương rất đúng đắn của Bộ Tài chính, UBCK khi đó là quyết định giao cho Trung tâm GDCK Hà Nội phối hợp với các tổ chức phần mềm trong nước xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ cho hoạt động giao dịch. Hệ thống phần mềm “Made in Việt Nam” sau khi được đưa vào sử dụng đã tỏ rõ những ưu việt khi thể hiện được những yêu cầu thực tiễn cao trong giao dịch. Mặt khác, việc tự xây dựng phần mềm đã giúp cho năng lực và kinh nghiệm của các cán bộ thuộc Trung tâm GDCK Hà Nội được nâng cao, từ đó chủ động phát triển phần mềm, khả năng kiểm soát, thích nghi với thay đổi hệ thống của thị trường rất tốt.

Ngày 8/3/2005, Trung tâm GDCK Hà Nội chính thức được khai trương. Việc ra đời của Trung tâm GDCK Hà Nội có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với TTCK Việt Nam, bởi vì sự ra đời này gắn với việc Đảng và Chính phủ triển khai chương trình cổ phần hóa DNNN. Trung tâm GDCK Hà Nội đã có đóng góp rất tích cực cho việc thực hiện đấu giá cổ phần hóa một cách công khai, minh bạch, thu hút đông đảo công chúng đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Thông qua các phiên đấu giá cổ phần, Trung tâm GDCK đã góp phần thúc đẩy quá trình cải cách các DNNN, đảm bảo việc bán phần vốn Nhà nước diễn ra công khai, minh bạch và công bằng, từ đó cuốn hút được một lực lượng lớn NĐT tham gia vào TTCK, góp phần thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển.

Vượt qua khủng hoảng

Năm 2006, Luật Chứng khoán được ban hành, công tác cổ phần hóa được thúc đẩy, chính sách hỗ trợ được triển khai, Việt Nam gia nhập WTO..., khiến TTCK có sự bứt phá mạnh, vốn hóa thị trường đạt trên 40% GDP vào năm 2007.

Đến cuối năm 2007, trong bối cảnh có các dấu hiệu của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong nước thì TTCK, thị trường bất động sản phát triển nóng, lạm phát tăng cao, nhiều chuyên gia quốc tế đã chỉ ra 7 - 8 dấu hiệu trong số 10 dấu hiệu khủng hoảng tài chính ở Việt Nam và khuyến nghị áp dụng giải pháp mạnh như Thái Lan vào năm 1997 - 1998.

Cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài vào 1 năm sau mới được rút ra, nếu rút ra dưới 1 năm thì chỉ được phép rút 2/3 số tiền và đánh thuế vào việc hồi vốn này. Tuy nhiên, chúng ta đã biết là khi Thái Lan công bố hai giải pháp nêu trên thì TTCK nước này biến động mạnh, NĐT nước ngoài rút vốn ồ ạt và Bộ trưởng Tài chính Thái Lan phải tuyên bố hủy bỏ hai giải pháp.

Khi đó, chúng tôi được Bộ Tài chính chỉ đạo xây dựng đề án chống khủng hoảng, đồng thời xây dựng một bản báo cáo về đầu tư gián tiếp nước ngoài báo cáo Chính phủ. Chúng tôi cho rằng, nhận định của các chuyên gia nói vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài gây ra hiện tượng đầu cơ, nguy cơ tạo ra đổ vỡ khi rút vốn ở Việt Nam là chưa chính xác vào thời điểm đó.

Cuối cùng, Chính phủ quyết định chưa cần thiết phải áp dụng các giải pháp kiểm soát vốn nước ngoài. Đây là quyết định rất quan trọng vì vào thời điểm đó, các tín hiệu kinh tế trong và ngoài nước rất khó khăn, nếu kiểm soát vốn nước ngoài có thể thúc đẩy sự đảo chiều của dòng vốn và sự sụt giảm của TTCK.

Sang năm 2009, sau khi thành công trong việc kiềm chế lạm phát thì TTCK lại sụt giảm do tác động của khủng hoảng toàn cầu. Nhờ các chính sách kích cầu ngăn chặn suy giảm kinh tế nên thị trường đã có sự hồi phục mạnh sau đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng quay trở lại tích cực.

Trong quá trình chỉ đạo điều hành thị trường, vấn đề cân đối cung cầu, các chính sách tài chính - tiền tệ, cải cách trong cổ phần hóa, đổi mới trong chính sách quản lý đầu tư nước ngoài là rất quan trọng. Đồng thời, bản thân công tác quản trị rủi ro đối với thị trường, quản lý giám sát thị trường cũng là yếu tố hết sức then chốt. Do vậy, UBCK đã xây dựng đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp; xây dựng các quy định về an toàn tài chính chuyển hướng theo hệ thống tiêu chí Basel II để đánh giá, phân loại, giám sát các CTCK.

Yêu cầu phát triển TTCK gắn với cơ cấu lại nền kinh tế

Kể từ năm 2010, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đặt ra những yêu cầu, thách thức mới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra là phải thực hiện đồng thời việc tiếp tục phát triển TTCK gắn với phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường quản lý, giám sát thị trường, bảo đảm thị trường vận hành ổn định, bền vững và hiệu quả.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, chúng tôi đã tiến hành dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi để trình Quốc hội thông qua và xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, xây dựng Đề án tái cấu trúc TTCK trình Bộ Tài chính, Chính phủ và Bộ Chính trị thông qua. Cùng với đó là thực hiện xây dựng Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020.

Nhiều mặt hoạt động của thị trường phải được tái cấu trúc và tiếp cận theo thông lệ quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) và triển khai việc liên kết thị trường khu vực.

Quá trình này đòi hỏi phải tăng cường và nâng cao các yêu cầu về niêm yết, phát hành, quản trị công ty, công bố thông tin; an toàn tài chính đối với tổ chức trung gian, đào tạo; hệ thống giao dịch, nghiệp vụ mới, sản phẩm mới, đặc biệt là TTCK phái sinh nhằm hoàn thiện cấu trúc của TTCK và tạo ra sự phát triển bền vững cũng như độ sâu của TTCK.

Xây dựng TTCK phái sinh

Để đẩy nhanh công tác xây dựng TTCK phái sinh, chúng tôi mời nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đến trao đổi, trình bày tại Ủy ban và quyết định lập nhóm “Task Force”, nòng cốt là Vụ Phát triển thị trường. Nhóm Task Force đã tích cực làm việc, trao đổi với các chuyên gia nước ngoài có nhiều kinh nghiệm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Singapore để xây dựng mô hình, lộ trình phù hợp với Việt Nam. Trên cơ sở đó, UBCK xây dựng đề án về mô hình TTCK phái sinh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên nguyên tắc phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước và đi từ sản phẩm đơn giản đến phức tạp.

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt đề án về xây dựng TTCK phái sinh ở Việt Nam đầu năm 2014, chúng tôi bắt tay ngay vào việc xây dựng Nghị định về TTCK phái sinh. Sau hơn 1 năm tích cực chuẩn bị, ngày 5/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Chúng tôi tin tưởng sẽ vận hành TTCK phái sinh một cách thành công trong thời gian tới, với hai sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu.

Tái cấu trúc khối CTCK

Trước năm 2008, sự phát triển mạnh của thị trường khiến nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập CTCK. Chúng tôi đã phải trình Bộ Tài chính áp dụng các biện pháp mang tính kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng ồ ạt thành lập CTCK, nếu không có sự hạn chế này thì số lượng các CTCK được cấp phép có thể lên đến 350 công ty.

Thực tế cho thấy, trong những năm TTCK sụt giảm như 2008, rất nhiều CTCK thua lỗ do vấn đề quản trị rủi ro yếu kém. Năm 2009, thị trường phục hồi, hoạt động của các CTCK khả quan hơn, nhưng chúng tôi thấy các vấn đề về an toàn tài chính, chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro, đạo đức người hành nghề, mô hình hoạt động... vẫn còn chưa ổn. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã trình Bộ Tài chính ban hành quy định về an toàn tài chính cho các CTCK theo tiêu chuẩn Basel II vào năm 2010, đồng thời xây dựng Đề án cơ cấu lại các CTCK trong năm 2011.

Việc triển khai tái cấu trúc các CTCK gặp nhiều khó khăn do thuần túy theo nguyên tắc thị trường và quy định luật pháp, không sử dụng ngân sách nhà nước. Khi thực hiện cũng rất phức tạp nên chúng tôi vừa làm, vừa tổng kết rút kinh nghiệm, vừa hoàn chỉnh các quy định pháp lý để đạt được mục đích tái cấu trúc, phù hợp quy định pháp luật liên quan, trong khi hoạt động của thị trường, các thành viên, NĐT vẫn suôn sẻ, bảo vệ được lợi ích của NĐT.

Đơn cử, giấy phép hoạt động và giấy phép thành lập là một nên khi rút giấy phép hoạt động sẽ dẫn đến rút giấy phép thành lập thì CTCK sẽ không còn tồn tại pháp nhân để xử lý các nghĩa vụ của CTCK với các bên liên quan, nhất là đối với NĐT khi họ không thực hiện được các giao dịch mua bán hoặc chuyển, rút tiền...

Khác với các nước, khi CTCK gặp vấn đề, cơ quan quản lý có toàn quyền xử lý như chuyển toàn bộ tài sản của NĐT sang một CTCK chỉ định khác nên quyền lợi của các NĐT không bị ảnh hưởng.

Do vậy, chúng tôi vận dụng biện pháp chấm dứt hoạt động kinh doanh được cấp phép để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động. Hoặc trường hợp lần đầu tiên hợp nhất CTCK MB và CTCK VIT thì phương án xử lý về mặt thủ tục, quy trình được phối hợp, rà soát rất kỹ giữa UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và 2 công ty để mọi khâu phải “khớp” với nhau và công ty mới sau hợp nhất vận hành suôn sẻ, giao dịch của các NĐT diễn ra bình thường nên có nhiều việc các anh em phải xử lý vào cuối tuần để đến sáng thứ Hai là hoạt động được ngay.

Trải qua những thăng trầm của thị trường, chúng tôi nhận thấy một trong những vấn đề gây ra rủi ro đối với bản thân các CTCK cũng như thị trường đó là các CTCK chưa chú trọng tới việc quản trị rủi ro. Do vậy, chúng tôi tiến hành xây dựng các quy định và “ốp” các CTCK phải tuân theo, mặc dù có một số công ty phản ứng do họ sợ tốn kém chi phí, rồi phải bố trí nhân sự...

UBCK đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBCK ngày 26/2/2013 về quy chế hướng dẫn các tổ chức này cách thức thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro và Quyết định số 428/QĐ-UBCK ngày 11/7/2013 về việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK. Theo đó, các CTCK phải có tổ chức bộ máy quản trị rủi ro, rồi ban hành chính sách rủi ro, phát triển và thực hiện các quy trình nội bộ liên quan đến hoạt động quản trị rủi ro.

Chúng tôi cũng xây dựng một bộ tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc tế CAMEL nhằm đánh giá, quản lý, giám sát các CTCK. Các chỉ tiêu được chọn để cho điểm, đánh giá bao gồm: (C) Mức độ đủ vốn; (A) Chất lượng tài sản; (M) Chất lượng quản trị; (E) Khả năng lợi nhuận; (L) Chất lượng thanh khoản.

Các quy chế là văn bản hướng dẫn xếp loại định kỳ các CTCK của UBCK bao gồm hệ thống các tiêu chí kỹ thuật nhằm cảnh báo trước rủi ro trong hoạt động của các CTCK. Kết quả giám sát sẽ làm cơ sở cho việc thanh tra, kiểm tra hoạt động các tổ chức này. UBCK tiến hành chấm điểm và phân loại các CTCK theo tần suất hai lần một năm. Việc phân loại thành 5 nhóm (A, B, C, D, E) dựa trên điểm tổng hợp và các điều kiện tối thiểu về điểm yếu tố. Kết quả chấm điểm, đánh giá cho thấy sự phân loại khá rõ ràng, phản ánh tương đối chính xác thực trạng về năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị điều hành của các CTCK và đây là cơ sở để chúng tôi nhận biết, có biện pháp kiểm tra, xử lý đối với các CTCK yếu kém.

Gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch

Có nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa không chịu lên niêm yết khiến cho các NĐT không có chỗ giao dịch và rất bất bình. Điều này tác động ngược lại tới công tác cổ phần hóa. Trong các cuộc họp về công tác tái cấu trúc DNNN, lãnh đạo Chính phủ đã nhắc nhở, chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề cổ phần hóa DNNN.

Để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính đưa yêu cầu gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Quyết định 51/2014/QĐ-TTg hướng dẫn một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã được thành viên thị trường, các NĐT hưởng ứng và đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn đầu tư Nhà nước cũng có những đặc thù, do vậy, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 2660/BTC-UBCK ngày 26/2/2015 nhằm thực hiện chủ trương và quy định của Chính phủ, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu về công khai, minh bạch trong hoạt động thoái vốn.

Những thành tựu đạt được

Trải qua 15 năm vận hành, vốn hóa TTCK tăng 580 lần, số lượt công ty niêm yết đạt trên 660 công ty, chưa kể hơn 200 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, quy mô niêm yết tăng hơn 300 lần. Quy mô huy động vốn, giá trị giao dịch bình quân hiện nay tăng 50 lần so với 10 năm trước.

Tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.

Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK tới nay ước đạt gần 2 triệu tỷ đồng và huy động khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp. Giá trị dư nợ trái phiếu hiện chiếm khoảng 22% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 32% GDP. Tính chung, quy mô TTCK chiếm khoảng 54% GDP. Điều này cho thấy TTCK đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa TTCK và thị trường tiền tệ - tín dụng.

Cấu trúc TTCK ngày càng hoàn thiện với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu trong nước. Ngày 15/1/2008, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 86/QĐ-BTC phê duyệt Đề án xây dựng thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ chuyên biệt tại Sở GDCK Hà Nội. Đây là quyết định rất đúng đắn và thực tế đã cho thấy điều này.

Thị trường trái phiếu Việt Nam thường xuyên đứng trong nhóm 3 nước có tốc độ phát triển cao nhất khu vực châu Á theo đánh giá của ADB; hoạt động phát hành trái phiếu thông qua đấu thầu trên TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ, thay thế cho việc bán lẻ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước; hệ thống giao dịch ngày càng hoàn thiện, hiện đại, kết nối với hệ thống Bloomberg, do vậy quy mô giao dịch trong những năm qua đều tăng trưởng rất cao, đã hình thành đường cong lợi suất chuẩn cho thị trường; tỷ trọng các trái phiếu kỳ hạn dài ngày càng lớn.

Ngoài ra, TTCK có vai trò quan trọng đối với công tác tái cấu trúc các DNNN, đặc biệt là hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn thông qua hệ thống quản lý, giám sát, cơ sở vật chất, hệ thống công bố thông tin của TTCK đã tạo điều kiện cho các đối tượng tham gia đông đảo, tạo sự tiện lợi, hỗ trợ tích cực cho công tác cổ phần hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật, quy luật của thị trường.

Với các công ty niêm yết sau cổ phần hóa trên TTCK, quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị được nâng cao, tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm, tổng vốn đầu tư chủ sở hữu tăng khoảng 18%/năm. Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này tăng chủ yếu nhờ vào việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng huy động vốn trên TTCK.

Cơ chế hoạt động theo mô hình mới cũng năng động hơn nên tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các DNNN cổ phần hóa niêm yết đều hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận, bình quân tổng doanh thu tăng khoảng 3,5%/năm, lợi nhuận tăng khoảng 8,6%/năm.

Nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành, lớn mạnh nhờ TTCK và được các NĐT chiến lược lớn nước ngoài quan tâm như CTCP Sữa Việt Nam, CTCP Cơ điện lạnh, CTCP Dược Hậu Giang, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, CTCP Chứng khoán Sài Gòn...

Vừa qua, chị Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) được nhận giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20 - giải thưởng uy tín dành cho người đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực để xây dựng một châu Á thịnh vượng hơn và chị là người Việt Nam cũng như châu Á duy nhất đạt giải thưởng trong lĩnh vực “Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, nhờ vào yêu cầu về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp nên TTCK đã góp phần hỗ trợ xử lý sở hữu chéo và thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp.

TTCK cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo đúng tinh thần của Đề án tái cấu trúc TTCK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2005 đến nay, thông qua TTCK, các NHTM đại chúng đã huy động được hơn 252.000 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu. TTCK đã giúp các NHTM tăng tổng vốn điều lệ từ 20.600 tỷ đồng lên 272.600 tỷ đồng.

Tính công bằng và minh bạch trên TTCK không ngừng được tăng cường, từng bước hoàn thiện theo thông lệ quốc tế.

Quản trị công ty đối với các công ty niêm yết dần được nâng cao theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các doanh nghiệp niêm yết. Mới đây, Báo cáo về tuân thủ chuẩn mực về quản trị công ty (ROSC) của Ngân hàng Thế giới đánh giá, “việc ban hành Thông tư 121/2012/TT-BTC về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi của các NĐT”.

Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty của ASEAN qua các năm gần đây cho thấy sự tiến bộ liên tục đối với chỉ số quản trị công ty niêm yết của Việt Nam (năm 2012: 28,4 điểm, năm 2013: 33,87 điểm và năm 2014: 35,14 điểm). Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành sửa Thông tư 121 để phù hợp với Luật Doanh nghiệp mới ban hành, tuy nhiên tinh thần chung là giữ các yêu cầu về quản trị công ty đối với công ty niêm yết ở mức cao để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo vệ cổ đông nhỏ.

TTCK sẽ tiếp tục đơm hoa, kết trái

Để duy trì sự ổn định và phát triển tốt hơn của thị trường trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào những giải pháp đó là: triển khai Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, theo đó gắn quá trình cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK nhằm minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi NĐT; sửa đổi các quy định nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp theo cam kết WTO; triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước như giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI, quảng bá hình ảnh TTCK với NĐT quốc tế; nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu Nhà nước; triển khai các sản phẩm mới, thị trường mới, đặc biệt là TTCK phái sinh; hoàn tất công tác tái cấu trúc TTCK theo đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK.

Với nền tảng đã có và những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển TTCK đến nay, dưới sự quan tâm của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, tôi tin tưởng rằng, TTCK nước ta tiếp tục sẽ đơm hoa, kết trái, ngày càng hội nhập sâu và tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong những năm tới.

Tin bài liên quan