Trước khi bùng ra vụ đại án, SCB là công cụ tài chính phục vụ Trương Mỹ Lan

Trước khi bùng ra vụ đại án, SCB là công cụ tài chính phục vụ Trương Mỹ Lan

Nhìn lại các đại án năm 2023: Để đồng tiền không “xuyên thủng” lương tâm

0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc năm 2023, “ấn tượng” là sự choáng váng bởi 304.000 tỷ đồng mà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt; là đại án Việt Á thổi giá kít xét nghiệm; là phẫn nộ bởi vụ “chuyến bay giải cứu”. Các đại án đều có sự hà hơi tiếp sức của nhiều quan chức. Muốn chặt “tận gốc”, phải chặn lòng tham của con người.

Ba tầng giám sát thanh tra vẫn bị tiền “xuyên thủng”

Cuối năm 2023, cơ quan công an công bố kết luận điều tra vụ việc Trương Mỹ Lan - SCB, sau gần 1 năm khởi tố điều tra.

“Choáng” là cảm xúc của rất nhiều tầng lớp, bởi số tiền chiếm đoạt và gây thiệt hại.

Mặc dù không giữ chức vụ, nhưng vì nắm giữ cổ phần chi phối Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần SCB), nên Trương Mỹ Lan có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của ngân hàng này.

Trong 10 năm đó, Trương Mỹ Lan thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB…, dẫn đến hậu quả từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB và chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB gần 194.000 tỷ đồng.

Tiếng là “thiệt hại cho SCB”, nhưng dòng tiền vào SCB là từ Nhà nước, doanh nghiệp và cả tiền xương máu, tiền tích cóp cả đời làm lụng của người dân, của những cán bộ, công chức về hưu…

Điều đáng nói là, 10 năm Trương Mỹ Lan lộng hành như vậy, bộ phận đầu tiên và có quyền lực nhất của SCB nói riêng, các tổ chức tín dụng nói chung là Ban Kiểm soát không thể không biết. Bởi đây là bộ phận sát sườn nhất, được coi là người "gác cổng" của các ngân hàng, giám sát cả các ông chủ nhà băng để phát hiện và ngăn chặn rủi ro sớm theo nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Nhưng như lời thú nhận đầy “cay đắng” của nguyên Trưởng ban kiểm soát SCB, thực tế hoạt động của ban này đối với các hoạt động nói chung và hoạt động cấp tín dụng của SCB nói riêng luôn bị cản trở, không được các đơn vị liên quan tại ngân hàng phối hợp.

Nên cho dù Ban Kiểm soát SCB có lên kế hoạch, thậm chí có kiểm tra thì cũng chỉ là hình thức.

Chỉ đến khi đứng trước vành móng ngựa, những kẻ “thét ra lửa” một thời mới ăn năn (hoặc tỏ ra ăn năn), nhưng đọng lại trong dư luận không phải những lời “hối cải” kia, mà là sự phẫn uất.

Không chỉ SCB, thực tế, tại rất nhiều ngân hàng, Ban Kiểm soát bị vô hiệu.

Sòng phẳng mà nói, khi còn phải nhận đồng lương do ông chủ nhà băng trả, thì Ban Kiểm soát khó có thể trung lập, khó đủ quyền hành thực thi được theo kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, dù thời gian qua, đơn vị này ban hành hàng loạt văn bản làm hành lang pháp lý cho công tác thanh tra, giám sát.

Đó là tầng giám sát đầu tiên bị xuyên thủng bởi lương khủng và quyền lực.

“Cánh cổng” thứ hai chặn sai phạm chính là giám sát Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM và Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II).

Đây là cơ quan trực tiếp gần nhất tại địa phương, có nhiệm vụ phát hiện sai phạm nhanh nhất để báo cáo kiến nghị cơ quan cấp cao hơn có giải pháp phù hợp.

Rõ ràng, Tổ giám sát do các đơn vị trên lập ra đã phát hiện ngay từ đầu sai phạm của SCB, gửi tới 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt…, nhưng tất cả không được chấp thuận.

Bởi từ Cục trưởng tới Phó cục trưởng Cục II, Phó chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TP.HCM, tới cả Tổ trưởng giám sát đều “nhận quà biếu của SCB vào dịp lễ tết”, kẻ gần 2 tỷ đồng, người “bèo” cũng 400-500 triệu đồng.

“Ăn tiền” nên phải “ngậm miệng”, các “quan” trên đã để cho nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hoạt động cho vay trái pháp luật.

Tầng giám sát thứ ba có quyền lực quyết định số phận SCB chính là đoàn thanh tra liên ngành do Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước thành lập. Nhưng Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan, chưa nói các thành viên trong đoàn đều được biếu tiền theo cấp bậc, nhiệm vụ.

Thế nên, thanh tra ra sai phạm, nhưng không chỉ che giấu, không chỉ “vẽ đường cho hươu chạy”, mà còn cố tình làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Rõ ràng, cả 3 tầng giám sát thanh tra trên đều có nghiệp vụ, khả năng và quyền lực để phát hiện, ngăn chặn sai phạm của Trương Mỹ Lan - SCB.

Nhưng cũng rõ ràng, đồng tiền đã “xuyên thủng” cả 3 tầng giám sát, để rồi gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho Nhà nước, nhân dân, để rồi thành “đại án” nhiều cái nhất: đứng đầu về số tội danh, bị can, người có liên quan trong một vụ án; nhiều nhất về số tiền tham ô, số tiền đưa và nhận hối lộ, số tiền gây thiệt hại, thất thoát; nhiều nhất về số tài sản có liên quan, số vật chứng đã bị phát hiện kê biên, phong tỏa, tạm giữ, số doanh nghiệp sân sau và số bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong và ngoài nước.

Lợi dụng cả dịch bệnh, cả nghĩa cử để “ăn tiền”

Năm 2023 cũng là năm Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm (tháng 7/2023), Tòa án Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm (tháng 12/2023) đại án “Chuyến bay giải cứu”.

Vụ việc có thể tóm tắt ngắn gọn là lợi dụng nghĩa cử của đất nước, khi tổ chức 772 chuyến bay đưa công dân mắc kẹt vì Covid-19 từ nước ngoài về nước.

Nhưng nghĩa cử cao đẹp đó đã bị một số cán bộ nhiều bộ, ngành, địa phương tạo thành nhóm lợi ích, đưa ra nhiều yêu cầu gây khó khăn buộc các doanh nghiệp phải chung chi, bôi trơn thì mới cấp phép cho chuyến bay.

Tổng cộng 21 quan chức, cán bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương đã hơn 500 lần nhận 165 tỷ đồng tiền "bôi trơn" của nhóm hơn 100 doanh nghiệp để giải quyết thủ tục vụ "chuyến bay giải cứu".

Đáng nói nữa là, khi vụ việc vỡ lở, Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) còn dám cả gan “ăn” hàng triệu USD để giúp "chạy án". Tuy nhiên, kế hoạch "chạy án" triệu đô này không thành.

“Gục” trước “viên đạn bọc đường”

Sau phiên tòa trên, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, cả Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội cùng đưa “đại án” Việt Á ra xét xử theo phân cấp, nhiệm vụ riêng.

Nhưng kit test của Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á) có chất lượng tốt hơn sản phẩm của Học viện Quân y. Hai bên bắt tay với quan chức Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) “biến” thành sản phẩm của Học viện Quân y. Mục đích để được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, nâng giá khống.

Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ hơn trăm tỷ đồng cho hàng loạt cán bộ, quan chức, từ giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố, từ sỹ quan quân đội ở Học viện Quân y, từ cựu trợ lý Phó thủ tướng tới cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, cựu Thứ trưởng, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ…

Tất cả các “tầng nấc” đã tạo điều kiện để Việt Á độc quyền tiêu thụ hơn 8,3 triệu kit test tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.

Những điều đọng lại

Chỉ đến khi đứng trước vành móng ngựa, những kẻ “thét ra lửa” một thời mới ăn năn (hoặc tỏ ra ăn năn), như cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan “rất ân hận vì đã không vượt qua được cám dỗ vật chất, xin được sám hối tất cả tội lỗi"; hay như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng "hết sức đau đớn về những tội lỗi gây ra với Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Nhưng đọng lại trong dư luận không phải những lời “hối cải” kia, mà là sự phẫn uất về việc lợi dụng cả dịch bệnh để “ăn chặn”, tức phạm cả những đạo lý làm người tối thiểu; là sự kinh ngạc vì mức độ nhận hối lộ của các cán bộ, quan chức liên quan, kể cả người có chức vụ "nho nhỏ" vẫn có thể ăn "to to".

Đọng lại, là sự tham lam không giới hạn, như Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn sau khi nhận “cảm ơn” 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan, chưa hề sử dụng, cất trong phòng ngủ cả năm trời mới đem đi nhờ họ hàng cất giấu; như cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nhận hối lộ 32 lần với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng, rồi phần lớn đi mua chứng khoán, trái phiếu…

Và đọng lại về sai phạm của cán bộ nhiều tầng lớp, nhiều nơi, như lời đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim khi trao đổi với báo chí: "Nói họ rèn luyện chưa đủ thì không phải. Nói họ tham nhũng, tiêu cực chỉ là bộc phát cũng không phải. Tôi nghĩ, những kẻ tham nhũng, tiêu cực đều tính toán 50 - 50. Một, nếu che đậy được sẽ giàu có. Hai, nếu bị phát hiện sẽ bị xử ở mức nào, có thể dùng tiền "bôi trơn", "nhờ cậy" để bảo vệ họ”.

Và một sự thật âm ỉ sau những cuộc “đại phẫu” và đại án, là nỗi sợ trách nhiệm, sợ ký tá của cán bộ. Đến mức hồi tháng 10/2022, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đã kể lại lời tâm sự và trở thành “nổi tiếng”, nêu lên sự bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức: "Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Điều đó cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là một giải pháp toàn vẹn nhất trong nhiều hàng rào kỹ thuật, vừa khiến cán bộ “chùn tay” không dám làm bừa, vừa thu tài sản bất chính trả lại ngân sách. Làm sạch môi trường công quyền, kinh doanh, lại an lòng dân…

Nhưng cái phát sinh là “con virus” sợ trách nhiệm đến mức “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Sợ không chỉ bởi “đến hạ cánh còn không an toàn”, mà như lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, còn có sự chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thế nên, song song những việc bắt những con “sâu mọt”, còn nhiều việc phải làm.

Tin bài liên quan