Nhìn lại bài học DVD để tránh thua lỗ

Nhìn lại bài học DVD để tránh thua lỗ

(ĐTCK) Từ cổ phiếu có nhiều yếu tố cơ bản để đầu tư, DVD nhanh chóng trở thành giấy vụn chỉ trong thời gian ngắn. Từ vụ này, NĐT sẽ rút ra cho mình bài học quý giá trong đầu tư chứng khoán.

Trước khi CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) bị UBCK đình chỉ phát hành chứng khoán vào tháng 11/2010, Tổng giám đốc của DVD là Lê Văn Dũng bị bắt tháng 11/2010, có ai ngờ cổ phiếu DVD lại nhanh chóng trở thành giấy vụn, khi cổ phiếu này có nhiều yếu tố cơ bản đáng để đầu tư. Cụ thể:

- Độ tin cậy cao của báo cáo tài chính (BCTC): BCTC năm 2007, 2008, 2009 của DVD đều được kiểm toán; trong đó năm 2007, 2009 được kiểm toán bởi Ernst&Young; năm 2008 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn A&C. Các công ty kiểm toán đã đồng ý với các khía cạnh trọng yếu trong BCTC, mà không có ý kiến loại trừ.

- Tình hình tài chính công ty tốt: Trong 3 năm 2007, 2008, 2009, khả năng thanh toán hiện hành >1, khả năng thanh toán nhanh >1, tỷ lệ nợ phải trả/nguồn vốn từ 38 - 41%, hệ số ROE từ 19 - 25%, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 20 - 50%, không bị mất cân đối vốn, lợi nhuận sau thuế tăng qua các năm.

- Về thương hiệu và uy tín công ty: DVD được thành lập và hoạt động hơn 5 năm kể từ năm 2004, niêm yết trên HOSE và đưa cổ phiếu vào giao dịch ngày 22/12/2009. Năm 2009, Tổng giám đốc Lê Văn Dũng đứng thứ 60 trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán, nắm giữ số cổ phiếu trị giá trên 240 tỷ đồng. Công ty được nhiều tổ chức tín dụng tài trợ vốn như ABBank, Indovina, HSBC.

- Lĩnh vực hoạt động tiềm năng: DVD kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm, ngành này có tốc độ phát triển trung bình hàng năm từ 16 - 18%.

Tuy nhiên, sau sự đổ vỡ của DVD, NĐT có thể rút ra một số bài học sau:

- Mặc dù BCTC được kiểm toán, nhưng không phải luôn đáng tin cậy. Do đó, NĐT cần thận trọng trong việc đọc và đánh giá BCTC.

- Khi công ty hoạt động kinh doanh gian lận, thì các số liệu trong BCTC không phản ánh đúng tình hình tài chính của công ty, việc phân tích các chỉ số tài chính sẽ không có nhiều ý nghĩa. Vì thế, NĐT cần phân tích kỹ danh sách khách hàng, danh sách khoản phải thu, phải trả..., để có thể tìm ra các điểm nghi ngờ, qua đó cẩn trọng khi quyết định đầu tư.

- Phân tích BCTC để nắm rõ bức tranh tổng thể của doanh nghiệp là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. NĐT cần phải cập nhật thông tin, theo dõi biến động thị trường để kịp thời ứng phó với những thay đổi liên quan đến tình hình của công ty. Thông tin không tốt liên quan đến công ty thường xuyên xuất hiện, nhân sự cấp cao của công ty bị thay đổi... là những dấu hiệu về sự bất ổn trong công ty.

- Công ty niêm yết trên HOSE, nhưng không công bố BCTC kiểm toán năm 2010, không công bố BCTC hàng quý năm 2011, công ty đã vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin.

Một công ty liên tiếp vi phạm quy định pháp luật chứng khoán như vậy báo hiệu công ty đang gặp rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Hệ quả phá sản không chỉ là lời cảnh tỉnh cho những ông chủ công ty đã, đang và có ý định kinh doanh gian lận, mà còn nhắc nhở NĐT muốn kinh doanh thành công một cách bền vững thì phải bắt đầu từ năng lực thực sự. Thành công từ việc kinh doanh chụp giật, dựa vào uy tín để lừa đảo không sớm thì muộn cũng sẽ bị phát hiện và xử lý.

- UBCK, Sở GDCK gọi chung là cơ quản lý để các DN vi phạm công bố thông tin mà lại không có những cảnh báo kịp thời đến NĐT, không có những biện pháp mạnh tay để xử lý là thiếu trách nhiệm. Nếu TTCK xảy ra nhiều vụ tương tự như DVD thì niềm tin của NĐT sẽ ngày càng sụt giảm. Mặc dù vậy, NĐT cũng phải tự chịu trách nhiệm cho các khoản đầu tư của mình, không nên nương nhờ tuyệt đối vào cơ quan quản lý.