Nhìn lại 2 năm chuẩn bị chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

Nhìn lại 2 năm chuẩn bị chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhân kỷ niệm 2 năm ngày Bộ Tài chính ra Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam (ngày 16/3/2020), KPMG Việt Nam, hợp tác với Báo Đầu tư, tổ chức Diễn đàn “IFRS & Tương lai ngành tài chính - kế toán Việt Nam”.

--------------------------------

Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS) được thiết lập năm 2001 và hiện là chuẩn mực kế toán phổ biến nhất thế giới.

Các lợi ích của IFRS là tăng cường khả năng so sánh và tính minh bạch của hoạt động báo cáo tài chính, từ đó tăng hiệu quả thị trường vốn và thúc đẩy các khoản đầu tư xuyên biên giới. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn áp dụng Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS), được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2001 đến 2005, dựa trên Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS) với một số sửa đổi để phù hợp với hoàn cảnh trong nước.

“VAS thiếu một số nâng cấp và cải tiến do không được cập nhật kể từ khi phát hành. Bước đi cần thiết lúc này là thúc đẩy triển khai IFRS và gắn kết hai chuẩn mực”, KPMG Việt Nam đánh giá.

“Đang có một sự khác biệt rất lớn giữa VAS và IFRS và để có thể đưa IFRS vào áp dụng được một cách thực sự ở Việt Nam, đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn để có thể biên soạn đầy đủ bộ IFRS và các tài liệu hướng dẫn áp dụng IFRS bằng tiếng Việt của phía cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm ban hành chuẩn mực và các quy định về báo cáo tài chính, cũng như từ phía các đơn vị là đối tượng áp dụng IFRS ở các giai đoạn tự nguyện và bắt buộc”, đơn vị tư vấn này nhấn mạnh.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai tiêu chuẩn là IFRS dựa trên nguyên tắc (principles-based), trong khi VAS dựa trên quy luật (rules-based). Nhìn chung, IFRS được đánh giá là linh hoạt hơn và có thể giúp thị trường tài chính Việt Nam hội nhập sâu hơn với thị trường khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại rằng, việc chuyển đổi IFRS sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến quản lý hoạt động hàng ngày của công ty, thậm chí có thể có tác động đến lợi nhuận được báo cáo.

Ảnh tác giả

Chuyển đổi sang IFRS là một dự án lớn với ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều phòng ban của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp nên đánh giá các tác động của cuộc chuyển đổi này và lên kế hoạch chuyển đổi sớm để đảm bảo dự án được thành công, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thường ngày của doanh nghiệp. Đội ngũ KPMG luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình này.

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc tại KPMG Việt Nam, Trưởng Khối Tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp và Tư vấn chuyển đổi IFRS.

Khi lập báo cáo tài chính năm đầu tiên theo IFRS, nhiều doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo tài chính do có sự khác biệt lớn giữa VAS hiện tại và IFRS. Theo kinh nghiệm của KPMG Việt Nam, các doanh nghiệp triển khai áp dụng IFRS lần đầu tiên sẽ phải mất ít nhất 2-3 năm cho công tác đào tạo và chuẩn bị số liệu cho báo cáo tài chính lập theo IFRS lần đầu tiên.

Hiện một số công ty trong nước đã triển khai các báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS, song song với VAS, đặc biệt là các tập đoàn lớn.

Đại diện của Novaland cho biết, để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn thế giới, tập đoàn bất động sản này đã công bố báo cáo dựa trên IFRS, cùng với phiên bản VAS, trong gần 3 năm.

“Là một ngôn ngữ kế toán quốc tế, IFRS hỗ trợ chúng tôi trong các giao dịch tài chính xuyên biên giới với chi phí thấp hơn và minh bạch hơn đáng kể”, đại diện Novaland cho biết.

Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là một trong những công ty phi tài chính đầu tiên thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính. Giám đốc tài chính của Công ty, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết, Phú Nhuận đặt mục tiêu trở thành hãng trang sức tầm cỡ châu Á. “IFRS sẽ là một cột mốc quan trọng trong con đường vươn ra châu Á”, ông Liêm nói.

Nguồn tin từ Coca-Cola Việt Nam tiết lộ, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu thực hiện IFRS, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ châu Âu. Tuy nhiên, bất kỳ công ty niêm yết nào có trụ sở chính tại Hoa Kỳ, như Coca-Cola, cũng phải tuân thủ các nguyên tắc GAAP - một bộ quy tắc được công nhận phổ biến trong kế toán doanh nghiệp và báo cáo tài chính ở Hoa Kỳ.

Theo một cuộc khảo sát do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thực hiện với trên 149 công ty đại chúng, gần 80% cho biết, công ty có quan tâm và sẽ áp dụng IFRS. Tuy nhiên, hiện mới chỉ 2,7% công ty áp dụng và 10,7% dự định chuyển đổi trong ngắn hạn.

Nhân kỷ niệm 2 năm ngày Bộ Tài chính ra Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam (ngày 16/3/2020), KPMG Việt Nam, hợp tác với Báo Đầu tư, tổ chức Diễn đàn “IFRS & Tương lai ngành tài chính - kế toán Việt Nam”.

Diễn đàn nhằm nhìn lại quá trình phát triển của đề án này cùng với sự đón nhận và chia sẻ từ các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng các doanh nghiệp. Đây là dịp để doanh nghiệp cập nhật về những thay đổi mới nhất liên quan đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam cũng như quan điểm và định hướng của các cơ quan quản lý.

Các chủ đề được đề cập trong diễn đàn bao gồm: lợi ích cho doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khi áp dụng IFRS, các tác động của việc chuyển đổi sang IFRS, giải pháp dành cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, cũng như quan điểm và định hướng của cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan giám sát quản lý.

Diễn đàn kéo dài 2 tiếng, diễn ra vào 9h sáng ngày 16/3 và được livestream trên các fanpage Facebook của Báo Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán và Vietnam Investment Review.

Độc giả quan tâm có thể tham dự Diễn đàn tại đây..

Diễn đàn có sự tham gia của:

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Ông Trịnh Đức Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính)

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

Bà Nguyễn Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Ngân hàng Nhà nước)

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa

Bà Nguyễn Thụy Minh Châu, Giám đốc Hiệp hội Kế toán công chứng Anh ACCA tại Việt Nam

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó tổng giám đốc Bộ phận Kiểm toán và Bộ phận Tư vấn chuyển đổi IFRS (KPMG Việt Nam)

Tin bài liên quan