Dòng tiền nội không yếu, nhưng đang chịu áp lực bởi khối ngoại bán ròng

Dòng tiền nội không yếu, nhưng đang chịu áp lực bởi khối ngoại bán ròng

Nhiều yếu tố hỗ trợ trong dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai tuần đầu đầu tháng 7/2024, VN-Index có nhịp hồi phục, nhưng chững lại khi chỉ số đối diện ngưỡng 1.300 điểm. Đây chỉ là ngưỡng tâm lý, bị cản trở trong ngắn hạn, còn trong trung hạn có nhiều yếu tố hỗ trợ để bứt phá lên các ngưỡng điểm cao hơn.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận xét, thanh khoản giai đoạn vừa qua cho thấy sự ảm đạm ở những phiên tăng điểm, trong khi sôi động hơn ở những phiên điều chỉnh. Điều này phần nào phản ánh góc nhìn chung của thị trường đối với những yếu tố rủi ro đang chi phối trong ngắn hạn như áp lực tỷ giá, lãi suất tăng…

Thanh khoản giảm cũng cho thấy tâm lý dè dặt và chưa thực sự tin tưởng vào việc VN-Index sẽ bứt phá của nhiều nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh một lượng tiền rất lớn phải cân đối lực bán của các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đã bán ròng hơn 52.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 và tiếp tục có động thái bán ra trong những ngày đầu tháng 7. Mặc dù vậy, lực cầu trong nước đỡ giá rất tốt, không bị hoảng loạn trước hoạt động thoái vốn của khối ngoại.

Từ nay đến cuối năm 2024, kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong tháng 9 tới, qua đó giải toả áp lực tỷ giá, cùng với lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có triển vọng tiếp tục tăng trưởng sẽ là điểm tựa chính cho thị trường.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, lãi suất huy động có xu hướng nhích tăng theo nhu cầu tín dụng trong nước, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, mức tăng chưa thực sự hấp dẫn để dòng tiền sẵn sàng chuyển dịch sang kênh tiền gửi nên thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, VN-Index có thể quay trở lại các ngưỡng điểm cao hơn. Xét trong ngắn hạn, chỉ số nhiều khả năng diễn biến theo hướng có các nhịp tăng giảm đan xen, phản ánh các yếu tố tác động như tiền đồng giảm giá, khối ngoại rút vốn, hoạt động điều tiết cung tiền và thanh khoản hệ thống ngân hàng, các biến động địa chính trị trên thế giới.

Trong khi đó, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC chia sẻ: “Với trạng thái dần ổn định của tỷ giá trong nước, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên dần thu hẹp, chúng tôi đang đặt niềm tin vào sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Nếu trong tuần này, khối ngoại quay trở lại mua ròng thì đó là cơ sở tuyệt vời để VN-Index quay trở lại chinh phục đỉnh ngắn hạn 1.300 điểm”.

Vị chuyên gia DSC nhận định, nếu khối ngoại còn bán ròng, câu chuyện chính sẽ tập trung ở nhóm không bị bán ròng quá lớn hoặc câu chuyện rõ ràng về sự phục hồi trong doanh thu, lợi nhuận như bán lẻ, hóa chất, vật liệu xây dựng, cảng biển, logistic. Khi khối ngoại giảm bán ròng hoặc quay trở lại mua ròng, sự đồng thuận tăng điểm nhiều khả năng sẽ xảy ra. Nhóm cổ phiếu lớn bị bán mạnh, dồn nén trong thời gian qua sẽ quay trở lại và thị trường chung tăng nhanh về điểm số.

Đối với biến động từng nhóm ngành, không ít nhóm cổ phiếu thể hiện diễn biến tích cực trong thời gian qua như thép, cảng biển, vận tải biển, bán lẻ, dệt may.

Ông Đức Anh cho rằng, hầu hết các nhóm ngành trên đều có câu chuyện kỳ vọng, không chỉ ở giai đoạn đầu năm nay mà có thể kéo dài cho đến cuối năm. Chẳng hạn, sản lượng thép hồi phục ở thị trường nội địa cùng với đề nghị điều tra chống bán phá giá thép nhập khẩu là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp thép trong nước. Các tín hiệu về sự gia tăng đơn đặt hàng ở một số thị trường trọng điểm, cũng như sức mua dần cải thiện cho thấy sự khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới của các doanh nghiệp xuất khẩu và bán lẻ. Các sự kiện như xung đột địa chính trị tại khu vực biển Đỏ đang chi phối dòng chảy thương mại toàn cầu trên biển khiến giá cước ở mức cao, mở ra cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp sở hữu đội tàu vận tải. Bên cạnh các nhóm ngành trên, nhóm cổ phiếu xây lắp, vật liệu xây dựng dự kiến có diễn biến giá khả quan hơn khi tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm.

Tin bài liên quan