Tổng cục Thống kê nhận định, mặc dù mức tăng bình quân này cao hơn đáng kể so với mức 0,86% của 6 tháng đầu năm 2015, song CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước, tính bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,39%. Tuy nhiên, cơ quan này đưa ra cảnh báo, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu có khả năng tăng cao trở lại.
Trên thực tế, đây cũng là các yếu tố khiến CPI tăng trong 2 quý đầu năm và sẽ còn tiếp tục tạo áp lực tăng CPI trong thời gian tới. Cụ thể, một số địa phương đã thực hiện lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo giá thị trường từ cuối năm 2015, đầu năm 2016 và sẽ tiếp tục thực hiện điều chỉnh theo nhiều đợt từ tháng 7 cho tới cuối năm.
“Dự kiến trong tháng 9 tới đây, lộ trình tăng học phí sẽ tiếp tục, gây áp lực tăng CPI trong 6 tháng cuối năm”, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết.
Bên cạnh đó, một yếu tố khó kiểm soát nhiều khả năng sẽ tạo áp lực tăng CPI nửa cuối năm là giá xăng dầu. Theo dõi của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ giữa tháng 3 trở lại đây, giá xăng dầu trên thị trường quốc tế bắt đầu xu thế tăng đều trở lại. Trước diễn biến này, tính đến ngày 15/6/2016, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng 6 đợt, khiến giá loại nguyên liệu này trong quý II tăng 1,1% so với quý I. Xu hướng leo dốc nhiều khả năng vẫn tiếp tục trong thời gian tới, cùng với sự hồi phục của giá dầu thế giới, gây áp lực đáng kể tới CPI.
Vì lý do này, bà Ngọc khuyến cáo Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường để có giải pháp điều hành kịp thời. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu nhằm tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
“Chúng ta đã có bài học từ việc điều hành chính sách giá trong những năm 2010, 2011. Khi đó, trong bối cảnh giá thế giới tăng mạnh, việc điều chỉnh giá dịch vụ trong nước lại được tiến hành ồ ạt ở tất cả 63 tỉnh thành, không theo lộ trình, kế hoạch; khiến lạm phát tăng tới hai con số, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm để có sự điều hành hợp lý từ phía Chính phủ, giúp đạt mục tiêu từ chống lạm phát sang chủ động kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định tăng trưởng kinh tế”, bà Ngọc cho biết.
Một yếu tố tuy không ảnh hưởng trực tiếp nhưng sẽ gián tiếp tạo áp lực tăng CPI là việc tăng phí giao thông đường bộ. Theo bà Ngọc, phí giao thông đường bộ không phải là một loại hàng hóa trong rổ tính CPI, tuy nhiên, nếu phí vận chuyển tăng, nhà xe phải trả phí đường bộ nhiều hơn chắc chắn sẽ khiến giá thành các loại hàng hóa bị nâng lên. Do chi phí gia tăng này không tính trực tiếp trong rổ hàng hóa nên Tổng cục Thống kê có thể phải tính vòng sau gián tiếp, có khả năng tạo ra ảnh hưởng khiến CPI tăng lên.
Về việc lãi suất tăng lên ảnh hưởng tới CPI, Tổng cục Thống kê cho rằng, điều này có thể xảy ra song không đáng lo ngại. Thực tế, từ tháng 5/2016, nhiều ý kiến quan ngại cho rằng, nếu lãi suất được nâng lên sẽ tạo áp lực tăng CPI. Tuy nhiên, phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ đang vận hành tốt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, việc lạm phát tăng không chỉ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, mà còn chịu tác động đáng kể từ các chính sách tài khóa, tỷ giá. Từ đầu năm tới nay, tỷ giá khá ổn định, dự trữ ngoại tệ trong nước dồi dào, tỷ giá thị trường tự do và ngân hàng không chênh lệch quá lớn thể hiện sự ổn định chung của các chính sách này, do đó khả năng tăng lãi suất ảnh hưởng tiêu cực tới CPI là không đáng lo ngại.