Nhiều ý kiến tranh luận về biện pháp cưỡng chế tạm ngưng cấp điện, nước

Nhiều ý kiến tranh luận về biện pháp cưỡng chế tạm ngưng cấp điện, nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế tạm ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Sáng 22/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, trên thực tế biện pháp này gắn với thanh tra xây dựng trước đây, kể cả thanh tra xây dựng xã, phường. Nhưng theo Nghị định 139 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đã bỏ biện pháp này.

“Tôi có hỏi anh em thanh tra xây dựng thì biện pháp này được áp dụng không mấy hiệu quả vì chủ xây dựng họ không sợ do áp dụng có thời hạn. Nhiều trường hợp chính quyền thấy chây ỳ, có gọi công an vào kiểm tra, xử phạt, thu xô, chậu, cuốc, xẻng mang về phường… Gọi họ lên có trường hợp lên, có trường hợp không. Có người bị xử phạt rồi lại cho mang đồ về nhưng đâu lại vào đó... Đề nghị Quốc hội xem xét thấu đáo quy định này”, ông Cương nói.

Còn đại biểu Nguyễn Sơn thì nhấn mạnh, cần căn cứ vào hành vi cụ thể để quyết định có áp dụng biện pháp này hay không. Điển hình, nếu áp dụng trong lĩnh vực môi trường, ví dụ như cắt điện, nước ở đồng tôm có thể gây hậu quả lớn ra môi trường. Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng biện pháp này trong lĩnh vực xây dựng.

Còn đại biểu Bùi Thu Trang lại băn khoăn về biện pháp “tháo dỡ công trình, xây dựng không đúng giấy phép”. Bởi lẽ, điều 148 Luật Xây dựng quy định trường hợp công trình xây dựng không có giấy phép thì “bị phá dỡ”.

“Mặc dù chỉ khác nhau về 1 từ nhưng hậu quả khác nhau, mức độ thiệt hại công trình khác nhau. Có nhiều vụ việc cho thấy cơ quan công quyền lạm quyền; tổ chức, cá nhân thì chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ hành chính. Để tránh sự lạm quyền và đảm bảo sự thống nhất trong hành lang pháp lý đề nghị xem xét, sửa đổi quy định trên”, đại biểu nêu ý kiến.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do còn ý kiến trái chiều nên dự thảo luật xây dựng đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là không bổ sung biện pháp cưỡng chế này. Phương 2 là bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc:

a) Chỉ được thực hiện tại địa điểm vi phạm;

b) Để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường có áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Việc ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Hiện nay, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực. Có ý kiến đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực khác như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập nên giữ nguyên quy định theo dự thảo.

Tin bài liên quan