Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP triển khai thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho thấy, trong quá trình rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh đã phát sinh vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Luật đầu tư và các luật chuyên ngành về thẩm quyền quy định điều kiện đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định. Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2015 có hiệu lực ngày 1/7/2016 đều quy định “trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một loạt vấn đề đặt ra là theo quy định nêu trên, trường hợp luật chuyên ngành giao thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quang ngang bộ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh thì việc ban hành này có trái với quy định của Luật Đầu tư không? Trong trường hợp này có được áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau) hay không?
Đây là vấn đề cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành để giải quyết được tình trạng mâu thuẫn này.
Bên cạnh đó, kết quả rà soát cũng cho thấy phát sinh một số vướng mắc trong việc áp dụng Luật Đầu tư và các luật liên quan. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư đã cải cách mạnh thủ tục đầu tư theo hướng thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành.
Cùng với đó, đầu mục hồ sơ đăng ký đầu tư được giảm thiểu đáng kể theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu như: giải trình kinh tế - kỹ thuật, giải trình đáp ứng điều kiện… để tạo thuận lợi và giảm thời gian, thủ tục cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn yêu cầu thực hiện một số thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này dẫn đến xung đột giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước thời điểm quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không phù hợp với thực tế triển khai dự án đầu tư, vì tại thời điểm này, nhà đầu tư mới đề xuất địa điểm và chưa có dự án đầu tư được phê duyệt nên không có đủ căn cứ để lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Một ví dụ thực tế khác là theo Điều 33 Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm giải trình kinh tế - kỹ thuật; đề án tiền khả thi; và theo Điều 34 Nghị định này, việc lấy ý kiến của các bộ, sở, ngành có liên quan là một trong các thủ tục phải thực hiện để thẩm tra điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Có thể thấy, sự thiếu thống nhất giữa các văn bản bản pháp luật đang là rào cản lớn khiến nhiều DN gặp khó khăn, gây rủi ro trong quá trình đăng ký cấp phép đầu tư, tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản luật pháp cũng như việc tuân thủ, triển khai thực hiện của các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước.