Trong 11 năm qua, ngân hàng này đã cho vay trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, doanh số cho vay 267.000 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra cho thấy, vẫn còn tồn tại một số yếu kém, thiếu sót. Về huy động vốn, quá trình thực hiện huy động vốn, nhiều tổ chức tín dụng không thực hiện đúng quy định duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội như BIDV, Agribank, Vietinbank... Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát các ngân hàng thực hiện quy định này.
Về cho vay, việc cho vay hộ nghèo, một số chi nhánh của Ngân hàng chưa thực hiện chặt chẽ, chưa đối chiếu với danh sách hộ nghèo được phê duyệt hàng năm, chưa đồng bộ với các quy định khác về an sinh xã hội.
Các chương trình cho vay việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ… cũng có tồn tại khuyết điểm. Việc kiểm tra sau cho vay còn thiếu dẫn đến không đạt được mục đích giải quyết việc làm, số việc làm tăng thêm ít hơn so với số tiền cho vay, chưa có cơ chế giám sát người đi lao động về thời gian đi, thời gian về, thu nhập; chưa kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn cao, tiềm ẩn khả năng mất vốn lớn.
Cơ quan thanh tra kiến nghị các cơ quan liên quan nhiều vấn đề như hoàn thiện chính sách, văn bản hướng dẫn, bố trí nguồn vốn, xử lý việc các ngân hàng vi phạm quy định duy trì số dư tiền gửi 2%... Đồng thời yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi nợ trước hạn với các hồ sơ không đúng đối tượng, sai mục đích, kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với những cá nhân vi phạm.