Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Là thành viên cơ quan thẩm tra đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật hàng năm, ông nghĩ sao về việc Chính phủ tiếp tục đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai?
Tôi cũng mới biết thông tin này, nếu thế thì rất đáng tiếc, bởi qua tiếp xúc cử tri, qua giám sát tối cao chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai (ông Hiển là thành viên đoàn giám sát - PV), thì thấy rõ, rất nhiều vấn đề bức thiết của cuộc sống đòi hỏi phải sửa Luật Đất đai.
Theo ông, những điểm nào của Luật Đất đai cần phải sửa ngay?
Đánh giá sơ bộ cho thấy, một số quy định của Luật Đất đai đang xung đột với không ít quy định của các luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công... GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng từng chỉ ra 11 điểm xung đột của Luật Đất đai hiện hành với các luật khác, nếu không sửa ngay, thì sẽ gây hậu quả không nhỏ.
Theo GS-TSKH. Đặng Hùng Võ và một số chuyên gia, Luật Đất đai không có cơ chế đấu thầu dự án có sử dụng đất, mà chỉ có đấu giá đất. Do đó, theo ông, đối với những dự án đầu tư công có sử dụng đất thì phải thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trong khi đó, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu lại quy định cả đấu thầu, cả đầu tư công lẫn đầu tư tư nhân. Khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án có sử dụng đất thì mỗi địa phương thực hiện một khác.
Với các dự án BT, Luật Đất đai không có yêu cầu về định giá, mà chỉ quy định Nhà nước giao đất cho thực hiện dự án, dẫn đến những lo ngại rất lớn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, gần đây, các doanh nghiệp công nghệ cao rất muốn đầu tư vào nông nghiệp và đó là xu hướng rất tốt. Nhưng theo Luật Đất đai, các doanh nghiệp phải qua nhiều bước rất vòng vèo, sau khi đàm phán nhận chuyển nhượng của các hộ gia đình thì mới quay lại làm việc với Nhà nước để thuê đất. Đó là điểm nghẽn mà nếu Luật không sửa thì rất khó tháo gỡ và qua tiếp xúc cử tri, nhiều nơi phản ánh vấn đề này.
Đáng chú ý là quy định về công khai, minh bạch thông tin, Luật Đất đai quy định công khai, minh bạch nhiều thứ, nhưng không quy định công khai thông tin về Nhà nước giao đất cho thuê đất hay giá đất. Điều này dẫn đến khoảng trống lớn, là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng khi người dân không được biết, không giám sát được, một số doanh nghiệp có thể đi “sân sau” thâu tóm đất đai.
Khi nêu lý do đề nghị lùi thời gian sửa Luật Đất đai, Chính phủ cho biết, nội dung của dự thảo sửa đổi còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai... Nhưng theo một số chuyên gia, tài chính đất đai chính là vấn đề cần được sửa gấp vì đang bộc lộ quá nhiều bất cập?
Tôi cũng thấy vấn đề tài chính, nhất là giá đất cần được quan tâm đặc biệt. Ai cũng biết giá trị các giao dịch đất đai giữa thực tế và giấy tờ pháp lý hiện không khớp, thực tế cao hơn giấy tờ rất nhiều. Điều này dẫn đến không chỉ Nhà nước thất thu thuế, mà cá nhân tham gia những giao dịch này cũng có thể đối mặt với rủi ro rất lớn về pháp lý.
Về giá đất, qua giám sát về đất đai, thì thấy rằng, Chính phủ quản lý bằng khung giá đất của Chính phủ, đến các tỉnh thì mỗi tỉnh lại có một bảng giá, nhưng bảng giá này lại không ăn nhập với giá thị trường. Đây là câu chuyện mà cử tri phàn nàn rất nhiều.
Theo quan điểm của tôi, khung giá đất nên sát với thị trường, còn tỷ lệ thu ngân sách thế nào thì tính toán cho sát. Khung giá không sát sẽ dẫn đến rất nhiều tiêu cực liên quan đến đất đai và đặc biệt là thất thu ngân sách lớn.
Tại Hàn Quốc, người ta làm bản đồ vùng giá trị đất, chứ không điều hành theo khung giá và bảng giá. Vấn đề này cần phải được xử lý căn cơ khi tiến hành sửa Luật Đất đai.
Đề nghị lùi thời điểm sửa Luật Đất đai, nhưng Chính phủ dự định trước mắt, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng ngay Nghị quyết của Quốc hội để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai. Nghị quyết này sẽ được cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội theo quy trình một kỳ họp. Theo ông, giải pháp này liệu có khả thi?
Tôi nghĩ là khó. Thông thường, Nghị quyết chỉ xử lý những vấn đề có tính tình huống. Hơn nữa, nếu thông qua trong một kỳ họp của Quốc hội thì càng khó, vì những vấn đề cần tháo gỡ là cấp bách, nhưng rất phức tạp. Chỉ nói một vấn đề nóng như giá đất, nếu sửa trong một kỳ, thì làm sao yên tâm được.