Nhiều ưu đãi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
Khi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ, nhà đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất…
Vị trí quy hoạch Khu 2- Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ

Vị trí quy hoạch Khu 2- Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ

Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ đã được trình Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ thông tin tại Diễn đàn kinh tế TP. Cần Thơ năm 2023.

Theo đề xuất tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm có 2 khu với tổng diện tích tự nhiên khoảng 250 ha, gồm: Khu 1 diện tích 50 ha, vị trí tại quận Bình Thuỷ; Khu 2 diện tích khoảng 200 ha, vị trí tại huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ.

Về một số cơ chế, chính sách đặc thù mà các nhà đầu tư được ưu đãi về thuế, tiền thuê đất khi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ, ông Nhơn thông tin, theo quy định tại Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.

Nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Ảnh minh họa

Nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ đã và đang triển khai một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 7/2020/NQ-HĐND thành phố.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết thêm, trong thời gian tới, khi có nhà đầu tư tham gia vào Trung tâm, Sở này sẽ quan tâm, giới thiệu và hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông sản để được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ như:

Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết lên đến 30% giá trị công trình;

Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm (không bao gồm chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ);

Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ đào tạo nghề; Tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường;

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm (không bao gồm chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ); Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Để thật sự trở thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của cả vùng ĐBSCL, ông Nhơn đề xuất TP. Cần Thơ cần ưu tiên thu hút các công nghệ mới, công nghệ chuyên sâu có tính dẫn dắt trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản vào Trung tâm này như: Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong bảo quản nông sản như công nghệ CAS (Cells Alive System-Hệ thống tế bào còn sống) là một trong những phương pháp bảo quản sau thu hoạch hiệu quả;

Chế biến sâu các sản phẩm nông lâm thủy sản như: tận dụng phụ phẩm thủy sản, nghiên cứu sản xuất (Geltatin, Collagel, Chitin, trích xuất làm nước cốt chế biến gia vị, nước chấm); nghiên cứu tận dụng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp;

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới để sấy, chế biến các sản phẩm nông sản từ rau, quả, trái cây: khoai lang, sầu riêng, mít chuối, xoài…; chế biến sâu các sản phẩm dinh dưỡng cao cấp từ gạo như sữa gạo, bánh gạo, thanh gạo dinh dưỡng phối trộn dược liệu…; nghiên cứu trích xuất các dược chất từ các loại cây dược liệu gắn với ngành nghề cho thuê kho (thường, mát, lạnh..) phục vụ bảo quản nông sản. Tổ chức dịch vụ vận chuyển thu mua phân phối nông sản;

Đầu tư hệ thống xử lý kiểm dịch: Các hệ thống xử lý kiểm dịch phục vụ xuất khẩu thường được đầu tư song hành với cơ sở đóng gói và có khu vực để cơ quan quản lý về kiểm dịch thực hiện công tác giám sát, thực hiện kiểm dịch trước khi xử lý các lô hàng nông sản như: công nghệ chiếu xạ; công nghệ Vapor heat treatment (VHT) là một hệ thống kèm phương pháp xử lý nhiệt để xử lý kiểm dịch thực vật, được sử dụng để tiêu diệt các loại sâu bệnh và vi sinh vật có hại trong trái cây và rau quả trước khi xuất khẩu; buồng xông hơi methyl bromide lạnh bao gồm phương pháp khử trùng hàng hóa bằng cách sử dụng hoạt chất methyl bromide và buồng xông hơi được điều chỉnh nhiệt độ theo yêu cầu của nước nhập khẩu...

Đồng thời, đề xuất kêu gọi đầu tư Trung tâm thương mại đầu mối, đấu giá nông sản với mục đích quảng bá, liên kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, bán sản phẩm, tham gia đấu giá thu mua nông sản cấp vùng. Cung cấp thông tin thương mại nông sản, dự báo thị trường và tư vấn hồ sơ pháp lý, quy định thị trường nội địa, xuất khẩu. Hỗ trợ số hóa, truyền thông và kinh doanh thương mại điện tử…

Tin bài liên quan