Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nhiều trường hợp khó phát mại nhà đất vì “trúc trắc” tài sản đảm bảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có rất nhiều trường hợp tài sản đảm bảo là nhà đất nhưng khi thi hành án thì gặp khó khăn vì diện tích đất tăng thêm hoặc chung tường với nhà khác.

Trúc trắc tài sản đảm bảo

Vào tháng 9/2021, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét theo trình tự tái thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa PVCombank và CTCP Phát triển khoa học công nghệ và môi trường.

Trước đó, năm 2011, CTCP Phát triển khoa học công nghệ và môi trường vay vốn ngân hàng 1,45 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh. Để đảm bảo khoản vay trên, ông Nguyễn Đức G. – Chủ tịch HĐQT Công ty đã thế chấp quyền sử dụng đất diện tích 50,2 m2 ở Bình Định.

Do CTCP Phát triển khoa học công nghệ và môi trường không trả nợ nên khoản vay thành nợ xấu. Ngày 22/9/2017, hai bên thống nhất nợ gốc và lãi là hơn 4,6 tỷ đồng. Thời hạn trả nợ là ngày 30/10/2017. Trường hợp CTCP Phát triển khoa học công nghệ và môi trường không thực hiện trả nợ hoặc trả nợ không hết thì ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý nhà đất trên. Việc thỏa thuận được tòa án công nhận.

Đến giai đoạn thi hành án, theo biên bản kê biên, xử lý tài sản và trích đo hiện trạng thửa đất của cơ quan thi hành án ngày 21/5/2019 thể hiện, diện tích đất xây dựng là 74,8 m2, diện tích sàn là 368,4 m2.

Như vậy, diện tích thực tế do ông Nguyễn Đức G. đang quản lý, sử dụng lớn hơn diện tích đất ghi trong sổ đỏ là 24,6 m2.

Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án đã mời hai bên đương sự lên làm việc nhưng không thống nhất được phương án giải quyết. Mặt khác, do hiện trạng tài sản đã kê biên không phù hợp với giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở… gây khó khăn, vướng mắc và chưa thể thi hành được.

Hội đồng xét xử tái thẩm nhận định, nội dung về tài sản thế chấp tại quyết định công nhận sự thỏa thuận ngày 22/9/2017 là không phù hợp với thực tế và không thể thi hành án. Do đó, chấp nhận quyết định kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ quyết định công nhận sự thỏa thuận ngày 22/9/2017 để giải quyết lại theo quy định pháp luật.

Theo quyết định trên, sau nhiều năm tưởng chừng được giải quyết êm xuôi, vụ án trở lại vạch xuất phát.

Xử lý với nhà đất chung tường

Cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu, giữa tháng 10/2021, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo trong vụ tranh chấp giữa Vietinbank và Công ty TNHH Lộc Tài. Trước đó, năm 2010, Công ty Lộc Tài vay ngân hàng 7 tỷ đồng nhưng không trả nợ đúng hạn dẫn đến khiếu kiện ra cơ quan tòa án.

Trong các tài sản đảm bảo có nhà đất là ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng ông La Văn C. ở huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Bản án sơ thẩm năm 2020 ghi nhận, trường hợp Công ty TNHH Lộc Tài không trả được nợ, ngân hàng có quyền phát mại nhà đất của vợ chồng ông C. Tuy nhiên, trúc trắc là nhà đất này lại chung tường với ngôi nhà của gia đình ông La Văn Đ.

Tòa sơ thẩm tuyên, bức tường chung giữa hai gia đình vẫn được hai bên sử dụng chung. Trường hợp sau khi phát mại tài sản, nếu bên nào phá dỡ nhà trước thì phải để lại bức tường chung này cho bên kia tiếp tục sử dụng để tránh ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà giữ lại.

Chủ tài sản là ông La Văn Đ. cho rằng, quyết định của tòa án là không có căn cứ, xâm phạm đến quyền và lợi ích của gia đình ông. Mặt khác, với kết cấu chung móng, chung giằng, chung tường, chung cột của căn nhà thì khi phá dỡ một nửa căn nhà có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, giá trị sử dụng của nửa căn nhà còn lại. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm quyết định giữ nguyên nội dung sơ thẩm.

Tin bài liên quan