Vài năm gần đây, cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm ngày càng căng thẳng hơn khi số lượng DN bảo hiểm tăng nhanh, trong khi quy mô thị trường thay đổi chậm. Bởi vậy, để có được doanh thu, nhiều DN bảo hiểm đã phải chấp nhận rủi ro khi cố giữ chân khách hàng bằng cách cho nợ phí. Tuy nhiên, điều này đã nảy sinh tình trạng đối mặt với tranh chấp nếu sự kiện bảo hiểm phát sinh.
Ông Phạm Tuấn Anh, Chánh Tòa Kinh tế - TAND TP. Hà Nội cho biết, cơ quan này đã thụ lý nhiều vụ án trong lĩnh vực bảo hiểm mà tranh chấp phát sinh từ việc DN bảo hiểm cho khách hàng nợ phí. Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, DN bảo hiểm cho rằng, khách hàng chưa đóng phí nên hợp đồng bảo hiểm đương nhiên bị chấm dứt, trong khi khách hàng khăng khăng đòi bồi thường, bởi hợp đồng đã ký, đã có giấy chứng nhận bảo hiểm.
Ông Tuấn Anh dẫn trường hợp một đơn vị mua bảo hiểm cho kho hàng của công ty mình. DN bảo hiểm đã cấp đơn bảo hiểm, nhưng chưa thu được phí. Sau khi kho hàng bị cháy, chủ kho hàng mới đến đóng phí và nhân viên bảo hiểm vẫn thu phí bình thường.
Đến khi xác định bồi thường thì phát sinh tranh chấp, DN bảo hiểm không chấp nhận bồi thường và nại ra rằng, tại thời điểm phát sinh sự kiện bảo hiểm, khách hàng chưa đóng phí nên chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Trong khi đó, chủ kho hàng thì đòi DN bảo hiểm bồi thường vì đơn bảo hiểm đã có, phí bảo hiểm đã đóng. Không thể thương lượng, hòa giải, hai bên đã đưa nhau ra Tòa.
“Tất nhiên, Tòa án còn phải xem xét các tình tiết, chứng cứ các bên đưa ra, các thỏa thuận cụ thể ghi trong hợp đoàng… để xác định có phải bồi thường hay không và nếu có thì là bao nhiêu. Nhưng về nguyên tắc, DN phải thu phí bảo hiểm ngay khi có đơn bảo hiểm và như thế sẽ giảm thiểu các tranh chấp”, ông Phạm Tuấn Anh nói.
Một trường hợp tranh chấp khác cũng phát sinh từ việc cho nợ phí bảo hiểm, đó là trường hợp của CTCP Tàu thủy Dung Quất (DQS) mua bảo hiểm cho một tàu chở dầu.
Hợp đồng đã thỏa thuận đóng phí làm 3 lần: khi ký hợp đồng, hạ thủy, bàn giao. Đợt đóng phí đầu tiên, DQS mới chỉ đóng 2 tỷ đồng và nợ lại 400 triệu đồng. Sau khi hợp đồng hết hạn, do tàu chưa đóng xong, hai bên lại tiếp tục gia hạn hợp đồng.
Năm 2009, con tàu bị bão làm hư hại và DQS đòi Công ty Bảo hiểm Bảo Minh bồi thường. Phía Bảo Minh cho rằng, vì DQS không đóng đủ phí nên hợp đồng đơn phương bị chấm dứt và không chấp nhận bồi thường. Cho đến nay, Tòa án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để xét xử nên chưa rõ liệu Bảo Minh có phải bồi thường hay không, song việc nợ phí để lại nhiều rắc rối cho cả hai bên.
Dù biết việc cho nợ phí bảo hiểm đưa đến nhiều rủi ro, nhưng để giữ khách và tăng doanh thu, DN không thể tuyệt đối không cho khách hàng nợ phí bảo hiểm. Lãnh đạo một công ty bảo hiểm chia sẻ, dù các DN bảo hiểm đều biết phải yêu cầu khách hàng nộp phí ngay khi có đơn bảo hiểm, nhưng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu cứng nhắc áp dụng thì có nguy cơ đối mặt với tình trạng mất khách hàng. Hơn nữa, với đơn bảo hiểm lớn, mức phí hàng tỷ đồng, nếu cứ khăng khăng buộc khách hàng phải nộp phí ngay thì rất khó.
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm khác cho rằng, nếu trường hợp khách hàng không thể đóng phí ngay khi có hợp đồng, thì nên chia kỳ đóng phí và có thỏa thuận cụ thể kỳ hạn đóng phí để hạn chế tranh chấp. Trong trường hợp này, khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh mà còn một số kỳ đóng phí thì công ty bảo hiểm vẫn phải có trách nhiệm bồi thường.