98% hộ gia đình Việt có ít nhất 1 sản phẩm của Masan.

98% hộ gia đình Việt có ít nhất 1 sản phẩm của Masan.

Nhiều tổ chức nâng định giá MSN vì sức hấp dẫn của nền tảng tiêu dùng hàng đầu ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt các định chế tài chính lớn trên thế giới vừa nâng mức định giá cổ phiếu Masan trong viễn cảnh The CrownX trở thành nền tảng tiêu dùng hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, sau thương vụ rót vốn của ông lớn Alibaba và thỏa thuận hợp tác với Lazada.

Sức hấp dẫn của nền tảng tiêu dùng hàng đầu ASEAN

Tập đoàn Masan vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính sơ bộ cho năm 2021. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 88.629 tỉ đồng, tăng trưởng 14,8% so với mức 77.218 tỉ đồng năm 2020 nhờ doanh thu hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.

Đi cùng kết quả kinh doanh khả quan, thị giá cổ phiếu MSN từng bước đi lên khá chắc chắn, tăng 83% trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng 35% của VN-Index. Diễn biến cổ phiếu phần nào thể hiện kết quả kinh doanh trong năm qua, nhưng thị giá dường như chưa phản ánh hết kỳ vọng trong tương lai, khi nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới liên tục đưa ra những khuyến nghị mới.

Chẳng hạn, hồi đầu tháng 1 vừa qua, Bank of America (BofA) khuyến nghị mua với giá mục tiêu 198.600 đồng/cổ phiếu. Tương tự, HSBC cũng khuyến nghị mức giá mục tiêu lên đến 200.000 đồng.

Nhìn chung, mức định giá này cao hơn 37% so với vùng giá đầu tháng 1, cũng như đã cao hơn đáng kể so với con số định giá khoảng 170.000 đồng đưa ra hồi giữa năm ngoái, kể khi lộ trình của The CrownX (TCX), nền tảng bán lẻ tiêu dùng tích hợp của Masan trở nên rõ ràng hơn.

TCX là lý do chủ yếu giải thích cổ phiếu MSN tăng giá đều đặn dù thị trường chứng khoán không thực sự thuận lợi trong nửa cuối năm 2021. Dòng vốn huy động từ các tập đoàn, định chế lớn trên thế giới thể hiện sự kỳ vọng của giới đầu tư vào TCX, chẳng hạn như thương vụ rót 400 triệu đô la Mỹ tiền mặt mua cổ phần của nhóm nhà đầu tư Alibaba, sau đó là nhóm SK Group (Hàn Quốc) rót 340 triệu đô.

Với định giá gần nhất là gần 7 tỉ đô, TCX được xem là sự kết hợp thành công giữa lĩnh vực F&B (Masan Consumer Holdings - MCH) và nền tảng bán lẻ WinCommerce (WCM). Có đến 98% hộ gia đình Việt Nam đều có một sản phẩm của MCH (như mì, gia vị, nước tương,..) trong khi WCM chiếm gần 21% thị phần bán lẻ hiện đại.

Tiềm năng của TCX tại thị trường Việt Nam là khá rõ ràng, nhưng sự hấp dẫn còn đến từ kỳ vọng biến TCX trở thành nền tảng tiêu dùng hàng đầu ASEAN, sau thương vụ rót vốn của ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc.

Riêng thỏa thuận hợp tác với Lazada, nền tảng thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á của Alibaba được kỳ vọng sẽ giúp Masan tiếp cận thị trường nhu yếu phẩm online vốn vẫn còn khá non trẻ, cũng như giúp WCM chuyển đổi từ nhà bán lẻ nhu yếu phẩm chủ yếu offline thành nền tảng online toàn diện.

Theo BofA, dự kiến WCM sẽ tăng tỷ lệ thâm nhập thương mại hiện đại (từ 13% lên 25%) cũng như bán hàng trực tuyến (thị phần hàng bán lẻ trực tuyến tăng từ 1-2% lên 7-8% vào 2025), được thúc đẩy bởi hợp tác chiến lược với Lazada và các kênh khác của riêng mình.

Trong suốt năm qua, lợi thế cạnh tranh của TCX ngày càng rõ ràng hơn nhờ sự cải thiện hiệu quả kinh doanh của chuỗi bán lẻ WinWart/WinWart+ và nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập. Theo báo cáo của HSBC, Masan vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn khi triển khai số hóa và tiếp cận được dân số trẻ và có hiểu biết về công nghệ của Việt Nam, cũng như sức mạnh cộng hưởng từ các mảng kinh doanh của Masan.

Cơ hội từ nền tảng online toàn diện

Bán lẻ là lĩnh vực có nhiều cơ hội ở một thị trường đang phát triển với thu nhập bình quân đang tăng nhanh như Việt Nam. Ở mảng bán lẻ, MSN đang làm khá tốt khâu quản lý, khi những con số tích cực thể hiện ngày càng rõ hơn.

Theo kết quả ước tính sơ bộ kinh doanh, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của TCX năm 2021 đạt 7.800 tỉ đồng, tăng 73,1% so với cùng kỳ. Trong đó mảng WCM (bán lẻ siêu thị/cửa hàng tiện lợi) đạt lợi nhuận 1.100 tỉ đồng từ mức lỗ 1.234 tỉ đồng trong năm 2020. Con số này được đánh giá là rất tích cực trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, số lượng điểm bán từ đầu năm 2021 ít hơn 618 địa điểm so với đầu năm 2020.

Đại diện Masan cho biết với tiến độ hiện nay, WCM sẽ hoàn thành kế hoạch mở rộng cửa hàng vào năm 2022 và ước tính tăng trưởng doanh thu cho năm 2022. Chỉ tính riêng trong quý IV vừa qua, khi thị trường chính thức mở cửa sau thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, đã có 284 cửa hàng được mở mới, chiếm hơn 73% tổng số mở mới trong cả năm.

Với mục tiêu hướng đến 10.000 cửa hàng WinMart+ tự sở hữu và 20.000 cửa hàng WinMart+ nhượng quyền, HSBC đánh giá đây là cơ hội để Masan củng cố vị thế là doanh nghiệp tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong bối cảnh thị trường vẫn còn đang ở tình trạng phân mảnh.

“Tương tự với các thị trường bán lẻ tại các nước phát triển, dù mua sắm online ngày càng được ưa chuộng, các cửa hàng bán lẻ hiện đại offline sẽ tiếp tục bùng nổ do mang đến các tiện ích vượt trội và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tiêu dùng của người dân”, báo cáo của HSBC nhận định.

Trên khía cạnh khác, khả năng chuyển đổi sang bán hàng trực tuyến cũng là cơ hội rất lớn đối với TCX. Theo HSBC, doanh số bán hàng từ kênh online và nhận hàng tại cửa hàng sẽ giúp tăng 10% doanh thu.

Còn theo BofA, việc đẩy mạnh tích hợp offline-to-online, trong đó có hợp tác với Lazada được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến của Masan. Lợi nhuận còn được kỳ vọng gia tăng khi Masan mở rộng quy mô các nhãn hiệu riêng và các cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu mua hàng online, nhận tại cửa hàng.

Kỳ vọng về TCX còn đến từ khả năng cộng hưởng ở nhiều dịch vụ khác nhau, từ mua sắm hàng tiêu dùng, dược phẩm (Phano), dịch vụ F&B (Phúc Long), dịch vụ tài chính (từ Techcombank) và dịch vụ viễn thông (nhà mạng Reddi).

Mô hình “mini-mall” này đi theo chiến lược “Point of Life” mà Masan giới thiệu trước đó, gần như tích hợp đầy đủ thành nền tảng đa kênh, cung cấp đa dạng nhiều loại dịch vụ cho người tiêu dùng.

HSBC thậm chí còn gọi sự chuyển đổi của Masan lần này là từ “hành trình đại gia bán lẻ trở thành siêu ứng dụng”. Sự tích hợp này sẽ giúp cải thiện doanh số bán hàng trên mỗi mét vuông, từ đó thúc đẩy lợi nhuận tương lai.

Chẳng hạn, ở mảng viễn thông, tiềm năng tăng trưởng là còn rất lớn. Reddi có thể sẽ mở rộng sang lĩnh vực thanh toán và hướng đến đối tượng người dùng chưa có tài khoản ngân hàng trong bối cảnh mobile money vừa được cấp phép hoạt động.

Theo HSBC, nếu Reddi đạt 1% thị phần mobile tại Việt Nam vào năm 2025, mức đóng góp doanh thu của Reddi cho Masan Group sẽ chiếm 1%. Ngoài khả năng tăng trưởng người dùng của Reddi, các thỏa thuận hợp tác mới trong mảng kỹ thuật số (như thanh toán, giải trí) cũng sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng với TCX.

Sau một thời gian kiến tạo, cấu trúc của TCX đã rõ ràng hơn và áp lực tài chính lên công ty mẹ cũng đang giảm dần, khi MSN đang cải thiện việc phân bổ nguồn vốn sau khi thoái vốn liên tục khỏi các ngành không chủ chốt như việc chuyển giao mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho De Heus.

Hiện tại, nền tảng bán lẻ The CronwnX mang lại gần một nửa mức tăng trưởng EBITDA cho Masan. Trong giai đoạn 2021-2025, Bank of America ước tính tốc độ tăng trưởng kép bình quân hàng năm (CAGR) của EBITDA sẽ đạt tới 83%.

Tin bài liên quan