Sớm nhận thấy lợi thế đầu tư tại Quảng Bình, từ 10 năm trước, Tổng công ty cổ phần May 10 đã về Quảng Bình đầu tư Xí nghiệp May Hà Quảng, chuyên may sơ mi, với tổng vốn 35 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới. Đồng thời, tiếp tục đầu tư giai đoạn II vào năm 2013 với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, nâng tổng công suất nhà máy từ 4,8 triệu lên hơn 8 triệu sản phẩm sơ mi/năm.
Cần nói thêm, với việc mở rộng quy mô sản xuất, dây chuyền 2 được đưa vào hoạt động, Xí nghiệp May Hà Quảng là một trong những dự án dệt may lớn tại Quảng Bình, tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Trước lễ khánh thành giai đoạn II và kỷ niệm 10 năm Xí nghiệp May Hà Quảng ít hôm, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 cho rằng, trong khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản vì thua lỗ, thì May 10 nói chung và Xí nghiệp May Hà Quảng nói riêng không chỉ đứng vững, mà còn tiếp tục phát triển một cách vững chắc, với doanh thu năm 2013 của Xí nghiệp đạt 80 tỷ đồng.
Sự kiện khánh thành giai đoạn II và đánh dấu 10 năm hoạt động của Xí nghiệp May Hà Quảng đã thể hiện đường lối đầu tư đúng đắn, khi chọn Quảng Bình là địa phương đặt nhà máy. “Cuối tháng 4/2014, May 10 sẽ đầu tư dây chuyền treo hiện đại để tăng năng lực sản xuất cho Xí nghiệp May Hà Quảng, với mục tiêu đưa Xí nghiệp thành một trung tâm sản xuất áo sơ mi của Tổng công ty May 10 tại Quảng Bình”, bà Huyền nói và cho biết, trong tương lai gần, căn cứ vào lượng đơn hàng, việc đầu tư mở rộng năng lực sản xuất của May 10 sẽ tiếp tục được triển khai tại Quảng Bình.
Cũng nằm trong kế hoạch triển khai các dự án đầu tư lớn, tháng 2/2014, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã khảo sát địa điểm đầu tư và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, mở đường cho kế hoạch đầu tư Dự án Khu liên hợp Sợi - Dệt, nhuộm - May tại tỉnh này.
Ông Phạm Duy Hạnh, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, thực hiện nghị quyết của Hội đồng Thành viên Vinatex về chủ trương đầu tư phát triển, Quảng Bình là địa phương hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để triển khai các dự án từ khâu thượng nguồn, bao gồm các dự án trồng bông, sản xuất sợi, các nhà máy dệt, nhuộm cho tới may mặc.
Nguồn lao động tại chỗ khá dồi dào, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, linh hoạt, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư dài hạn của địa phương… là những lý do khiến Vinatex lựa chọn Quảng Bình là điểm đến của các dự án đầu tư lớn.
“Nếu mọi việc tiến triển tốt, Vinatex sẽ thu xếp nguồn lực về vốn, nhân lực để triển khai Dự án Khu liên hợp Sợi - Dệt, nhuộm - May tại Quảng Bình vào cuối năm 2014”, đại diện Vinatex nhấn mạnh.
Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp dệt may đổ vốn về Quảng Bình đầu tư. Tại cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng đang có nhu cầu tham gia đầu tư vào tỉnh Quảng Bình tại Hà Nội ngày 19/3, trong danh mục 40 dự án trọng điểm mà tỉnh kêu gọi đầu tư, có 2 dự án gồm: Nhà máy Chế biến sợi, nhuộm, dệt, may xuất khẩu và Dự án Xây dựng các nhà máy may xuất khẩu.
Như vậy, trong kế hoạch phát triển công nghiệp tại Quảng Bình, địa phương này cũng dành sự quan tâm không nhỏ tới ngành dệt may, với kỳ vọng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, nếu chỉ ưu đãi của chính quyền địa phương dành cho doanh nghiệp như ưu đãi về thuê đất, hay điều kiện thuận lợi về nhân lực không thôi sẽ là chưa đủ. Việc ngành dệt may chuyển địa điểm đầu tư từ hai đầu đất nước về “khúc giữa” Quảng Bình là bởi, họ đã đánh giá đầy đủ về các điều kiện đầu tư, cũng như hoạt động sản xuất sau khi nhà máy đưa vào hoạt động.
Và một trong những lý do khiến các nhà đầu tư chọn Quảng Bình là bởi, sự tồn tại của ngành dệt may gần như phụ thuộc vào xuất - nhập khẩu. Với cửa khẩu trên biển là Hòn La, cửa khẩu đường bộ (thông sang Lào và Thái Lan) là Cha Lo, Cảng hàng không Đồng Hới, trục quốc lộ 1A… đã đủ thể hiện sự hấp dẫn của mảnh đất này.