Theo thông tin mới nhất được các báo phương Tây, Nga tuyên bố sẽ cắt nguồn khi đốt sang châu Âu từ ngày 1/6 nếu Ukraine không thanh toán số tiền nợ khí đốt. Sau thông tin này, giá khí đốt đã tăng 1,7%, trong khi chứng khoán giảm mạnh.
Ngoài ra, việc quân đội Ukraine tiếp tục bắn vào xe trở các nhà báo Nga tiếp tục tạo thêm căng thẳng giữa Mascow và Kiev, cũng làm giới đầu tư có lý do để lo ngại.
Nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư sang kênh trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức để đảm bảo sự an toàn khiến lợi tức các loại trái phiếu chính phủ này giảm mạnh.
Về dữ liệu kinh tế có thông tin trái chiều. Trong khi sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 4 giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 1 năm rưỡi, thì trợ cấp thất nghiệp theo con số sơ bộ xuống mức thấp nhất 7 năm.
Thêm một thông tin không tích cực đối với phố Wall khi Wal-Mart báo cáo kết quả kinh doanh quý I gây thất vọng khi công bố mức tăng trưởng doanh số thấp nhất trong 5 năm trong quý I vừa qua, với lý do đưa ra là do thời tiết khắc nghiệt. Sau thông tin này, cổ phiếu của đại gia bán lẻ này giảm 2,4% và ảnh hưởng mạnh tới cả Dow Jones và S&P500. Cùng với đó, hoạt động bán tháo cổ phiếu nhỏ tiếp tục diễn ra, khiến phố Wall có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp, trong đó, chỉ số Dow Jones và S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng qua.
Kết thúc phiên 15/5, chỉ số Dow Jones giảm 167,16 điểm (-1,01%), xuống 16.446,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,68 điểm (-0,94%), xuống 1.870,85 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 31,33 điểm (-0,76%), xuống 4.069,29 điểm.
Ngoài tình hình Ukraine, dữ liệu mới công bố cho thấy, kinh tế châu Âu trong quý I/2014 chỉ tăng nhẹ so với quý trước. Điều này càng củng cố thêm khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải đưa ra chính sách kích thích kinh tế trong tháng sau. Tuy nhiên, trước mắt, thông tin này đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, khích hoạt hoạt động chốt lời diễn ra trên diện rộng trên khắp chứng khoán châu Âu, nhất là sau khi chứng khoán khu vực này vừa leo lên mức cao nhất 6 năm.
Kết thúc phiên 15/5, chỉ số FTSE tại Anh giảm 37,60 (-0,55%), xuống 6.840,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 98,34 điểm (-1,01%), xuống 9.656,05 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 56,11 điểm (-1,25%), xuống 4.444,93 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng bao phủ sắc đỏ là chủ yếu, chỉ một số ít thị trường tăng điểm. Các thị trường chính như Nhật Bản giảm do đồng yên tăng giá, trong khi dữ liệu kinh tế kém được công bố trước đó tiếp tục ảnh hưởng xấu tới chứng khoán Trung Quốc. Riêng chứng khoán Hồng Kông vẫn có phiên tăng điểm ấn tượng thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên 15/5, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 107,55 điểm (-0,75%), xuống 14.298,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 148,09 điểm (+0,66%), lên 22.730,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 22,94 điểm (-1,12%), xuống 2.024,97 điểm.
Dù nhận nhiều tin hỗ trợ như căng thẳng leo thang Nga và Ukraine, dữ liệu kinh tế châu Âu kém khả quan, nhưng vàng không được nhà đầu tư lựa chọn như một kênh trú ẩn an toàn, mà được giao dịch như một loại hàng hóa nguyên liệu. Do đó, giá kim loại quý này đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm.
Một số lý do khiến giá vàng giảm là do đồng USD tăng giá, hoạt động chốt lời kỹ thuật và thị trường lao động tích cực của Mỹ.
Dữ liệu kinh tế châu Âu kém làm tăng kỳ vọng ECB sẽ đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến đồng USD tăng giá so với đồng euro. Ngoài ra, dữ liệu thất nghiệp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 7 năm cũng đã tác động tiêu cực lên giá vàng, đẩy giá kim loại quý này giảm trở lại.
Kết thúc phiên 15/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 8,9 USD (-0,68%), xuống 1.296,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 12,3 USD (-0,94%), xuống 1.293,6 USD/ounce.
Trong khi đó, trên thị trường năng lượng, sau chuỗi ngày tăng mạnh do cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như dự báo về kho dự trữ hàng tuần của Mỹ giảm mạnh, giá dầu thô đã có sự trái chiều trong phiên giao dịch thứ Năm. Trong khi dầu thô Mỹ điều giảm giảm mạnh trở lại trước áp lực chốt lời, thì cuộc khủng hoảng năng lượng giữa Nga và châu Âu tiếp tục giúp giá dầu Brent tăng giá.
Kết thúc phiên 15/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,87 USD (-0,86%), xuống 101,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,23%), lên 110,44 USD/thùng.