Nếu VN-Index chốt phiên sáng chỉ giảm rất nhẹ, 0,01%, thì riêng phiên chiều, chỉ số này mất gần 4%, tức giảm trên 18 điểm, xuống còn 476,7 điểm. Tất cả các nhà đầu tư đều đặt câu hỏi: có thông tin gì khiến thị trường giảm mạnh như vậy?
Theo tìm hiểu của ĐTCK thì câu trả lời là chưa có thông tin gì xấu, ngoại trừ khả năng giá xăng tăng. Thị trường bước vào phiên giao dịch chiều 21/2 xuất hiện tin đồn về việc tăng giá xăng 1.500 đồng hoặc 2.000 đồng truyền đi rất nhanh, kèm với dự báo về một lượng cổ phiếu lớn sẽ được xả ra bán. Bên cạnh đó lại dấy lên tin đồn rằng, sắp có thêm một vụ “bầu Kiên” nữa và chính tin đồn này khiến thị trường bất ngờ giảm mạnh, giảm trên 18 điểm chiều qua.
Ngoại trừ yếu tố gây nhiễu thì việc thị trường điều chỉnh là tất yếu bởi trong những phiên sau Tết, hầu hết nhà đầu tư đều có lời và chỉ kỳ vọng thị trường tăng đến mức kháng cự (500 điểm) để chốt lời. Bản tin tư vấn của các CTCK đầu tuần này khá đồng điệu khi khuyên nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ cổ phiếu có sẵn để “lãi chạy” và sẵn sàng ứng phó “bán” khi thị trường có tình huống xấu xảy ra. Việc mua mới đã không được khuyến nghị. Những tư vấn này tác động không nhỏ đến quyết định của nhà đầu tư. Khi chờ đợi vài phiên mà giá nhiều cổ phiếu không bứt phá thì hành động bán để chốt lời là bình thường, nhất là khi có thêm những tin đồn bung ra trên thị trường.
Thị trường phiên 21/2 điều chỉnh quá mạnh gây hoang mang cho nhiều NĐT
Trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần, Vietcombank đã điều chỉnh lãi suất huy động từ 8%/năm xuống 7,8% cho kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 3 tháng còn 7,9% và 1 năm còn 9,8%/năm. Riêng với bất động sản, những dự án liên kết với Vietcombank thì lãi suất áp dụng là 12%/năm. Đây chính là lý do khiến có sóng cổ phiếu bất động sản ngay sau đó. Hàng loạt cổ phiếu bất động sản giao dịch sôi động và tăng trần như HQC, LCG, PTL, TDH... So với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng dưới 8%/năm, việc đầu tư cổ phiếu để hưởng cổ tức cao hơn đã được nhiều người lựa chọn. Chứng khoán vì thế trở nên hấp dẫn hơn khi lãi suất huy động giảm.
Trong khi đó, những nhóm ngành chủ chốt bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Điển hình là ngành thép. Giá thép trên thị trường thế giới đã tăng mạnh trở lại, kể cả phôi và cán nóng. DN ngành tôn thép như HSG, HLA, DTL… đang được hưởng lợi lớn nhờ giá thép tăng và xuất khẩu được giá, lợi nhuận tăng. DN sản xuất thép cũng được hưởng lợi nhờ giá phôi tăng trong khi hàng thép tồn kho trong nước chỉ còn tương đương 1 tháng tiêu thụ. Khả năng tăng giá thép để chuyển chi phí đầu vào cho người tiêu dùng trong tháng tới là khá rõ ràng.
Đối với DN bất động sản, dù chưa có chuyển biến cụ thể trong kết quả kinh doanh, song do giá cổ phiếu đã giảm quá mạnh, nên nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại tài sản của các công ty cộng với kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ tạo đáy trong năm 2013. Từ đó, giá nhiều cổ phiếu tăng là tất yếu. Trong bản tin ngày 21/2, chuyên gia của CTCK HSC cho rằng, thị trường bất động sản có thể đạt đáy vào năm nay và sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2014.
Khảo sát của ĐTCK với một số công ty bất động sản niêm yết cho thấy, lãi suất cho vay 12%/năm đối với chủ đầu tư là hợp lý, nhưng với khách hàng là những người mua nhà để ở thì lãi suất vay mua nhà trả góp phải giảm về 8%/năm mới có tác dụng rõ rệt. Nhiều người mua đang chờ đợi gói lãi suất ưu đãi 8%/năm mà Chính phủ đã công bố.
Ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 5 nhận định: “Nếu được vay lãi suất 12%/năm thì chủ đầu có thể đưa ra thị trường giá bán thấp hơn trước 1 triệu đồng/m2, đối với dự án ở vị trí đẹp khu dân cư hiện hữu thì vẫn có thể bán tốt”.
Đáng quan tâm nhất là nhóm ngành ngân hàng. Hàng loạt ngân hàng công bố lỗ khủng trong quý IV/2012, chủ yếu do trích lập dự phòng rủi ro, nhưng khi những thông tin này được công bố lại không tác động nhiều đến giá cổ phiếu. ACB và STB là hai ngân hàng công bố lợi nhuận 2012 giảm mạnh, nhưng giá khá ổn định. Nhiều nhận định rằng, giá cổ phiếu ngân hàng đã phản ánh hết cái xấu và kỳ vọng kết quả kinh doanh của một số ngân hàng sẽ ổn hơn, khó có thể xấu bất thường kể từ quý I/2013.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, các yếu tố vĩ mô hậu thuẫn cho TTCK không có gì bất thường, nếu không muốn nói là ngày một tốt lên. Vấn đề thời sự là việc xử lý nợ Vinalines của Chính phủ như thế nào, sẽ tác động ra sao đến tài sản của các ngân hàng, hiện chưa có thông tin chính thức.
Thông tin nhiễu trên TTCK chiều 21/2 vừa qua thêm một lần nữa cho thấy sự mong manh trong tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng TTCK. Tuy nhiên, nếu thị trường giảm mạnh chỉ vì bị nhiễu thông tin thì cũng sẽ dễ trở lại quỹ đạo cũ khi những thông tin gây nhiễu tự “hết tác dụng” hoặc được làm sáng tỏ.