Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và khoa học của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số năm 2021 (Ảnh: VnExpress)
Đây là nhận định của ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và khoa học của Quốc hội tại phiên thảo luận chiều Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần thứ III - năm 2021.
Ông Huy cho biết, công nghệ số tác động đến đời sống kinh tế xã hội theo nhiều cách khác nhau như giao tiếp, tự động hóa, tạo lập - vận hành mô hình kinh doanh mới... Và đặc biệt nó tác động sâu rộng đến hệ thống pháp luật, làm thay đổi yếu tố không gian, thời gian và chủ thể phát luật.
Khi phương thức sống của con người thay đổi, buộc pháp luật phải thay đổi theo. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần chủ động hoàn thiện thể chế để nắm bắt mọi cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
"Cơ hội chuyển đổi số mở rộng cho tất cả các quốc gia. Rất nhiều quốc gia tuy hạn chế tiềm lực, nhưng có bước đi phù hợp, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế", ông Huy nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và khoa học cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội quan trọng để Việt Nam vươn lên, xây dựng quốc gia thịnh vượng. Theo đó, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới.
Hiện nay, nhiệm vụ thể chế hóa đang được thực hiện tích cực nhưng còn nhiều thách thức, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Thứ nhất là đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thể chế theo kịp với tốc độ phát triển công nghệ số. Trong thời gian gần đây, những tiến bộ của khoa học công nghệ đã vượt qua dự tính của các nhà lập pháp và đặt ra nhiều thách thức cho trong việc hoàn thiện thể chế.
Thử thách thứ hai là do sự thay đổi giữa các bên trong quá trình tham gia thị trường. Trong các mô hình kinh doanh mới, ranh giới giữa các nhà cung cấp dịch vụ, sản xuất, người tiêu dùng không còn rõ ràng. Điều này tạo ra mối quan hệ phức tạp để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ số còn tạo ra một số dòng tài sản mới. Do chủ yếu giao dịch trên môi trường số nên việc đảm bảo an ninh, an toàn mạng, bảo mật dữ liệu... gặp khó khăn.
Những yếu tố này đòi hỏi việc hoàn thiện thể chế cần có cách tiếp cận sáng tạo hơn, khác biệt để vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa đảm bảo môi trường số an toàn như thay đổi tư duy; có bước chuyển phù hợp sang kiểm soát có điều kiện; có cách tiếp cận toàn diện hơn..., ông nói.