Chủ động quản lý rủi ro
Basel II như là một phương thức tất yếu giúp các ngân hàng chủ động quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời có khả năng ra quyết định kinh doanh trên cơ sở có đầy đủ thông tin về rủi ro và mối liên hệ giữa các rủi ro. Về lâu dài, việc áp dụng các chuẩn mực Basel II sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng cũng như cổ đông ngân hàng.
Trong dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng theo phân công của Chính phủ vừa được công khai lấy ý kiến rộng rãi, có đưa các mục tiêu đẩy mạnh tái cấu ngành ngân hàng như cắt giảm nợ xấu, đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020…
Việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, đồng thời nguồn vốn được quản lý hiệu quả hơn, sẽ mang lại các kết quả kinh doanh khả quan và bền vững hơn. Đặc biệt, sau khi triển khai Basel II, với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển khác.
Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của các ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.
“Việc triển khai Basel II thành công sẽ giúp chúng tôi tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu. Khi OCB triển khai thành công Basel II, khách hàng của chúng tôi được hưởng các quyền lợi về các điều kiện cấp tín dụng phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng.
Thông tin càng đầy đủ, điều kiện cấp tín dụng càng thuận lợi… sẽ nhận được mức lãi suất hấp dẫn. Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh”, lãnh đạo OCB chia sẻ.
Vượt qua nhiều thách thức
“Basel II không chỉ giúp chúng tôi giảm rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra. Càng về đích sớm thì càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, giúp OCB tiệm cần dần với những thông lệ quốc tế tiên tiến và tạo đột phá trong những năm tiếp theo. Bởi tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II khá khắt khe, từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu, cho đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn. Vì vậy, triển khai Basel II là một thách thức rất lớn, không chỉ với OCB, mà với tất cả các ngân hàng tại Việt Nam”, lãnh đạo OCB nói và cho biết, có vô số khó khăn lớn nhỏ xuất hiện từ khi dự án mới thành lập cho đến khi triển khai.
Tính đầy đủ và chất lượng của dữ liệu là một trong những thách thức rất lớn mà các ngân hàng muốn triển khai Basel II phải vượt qua. Việc thu thập thông tin của hơn 40.000 khách hàng có giao dịch tín dụng, BL, LC tại 117 điểm giao dịch của OCB trên cả nước trong thời gian 6 tháng, song song công tác kinh doanh, là giai đoạn hết sức khó khăn.
Thay đổi nhận thức, quan điểm về công tác quản trị rủi ro của cả một hệ thống từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất, kể cả việc chấp nhận từ bỏ các sản phẩm truyền thống nhưng có độ rủi ro cao và thay thế bằng các sản phẩm có mức rủi ro thấp hơn cũng là một trong những thách thức mà OCB phải vượt qua.
Còn vô số khó khăn đến từ nhiều phía như việc phối hợp giữa các đơn vị không phải lúc nào cũng suôn sẻ, việc tập huấn và đảm bảo hơn 5.000 nhân sự của OCB hiểu rõ về các giá trị và thách thức mà Basel mang đến, giải thích với khách hàng về các thay đổi của OCB... Nhưng cuối cùng, bằng quyết tâm, đoàn kết và nỗ lực, Ban dự án Basel và OCB đã cùng nhau đi qua tất cả các khó khăn để đến với thành công.