Ông Nguyễn Bích Lâm

Ông Nguyễn Bích Lâm

Nhiều thách thức để tăng trưởng 6 tháng cuối năm

(ĐTCK) Bức tranh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm được đánh giá khá tích cực, với nhiều chỉ số tăng trưởng đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sẽ có nhiều thách thức đối với tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm nay, đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ cũng như giải pháp linh hoạt từ các bộ, ngành để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015.

Theo ông, đâu là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế được đánh giá là rất tích cực của 6 tháng đầu năm?

GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 6,28% trong bối cảnh lạm phát tăng thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Điều này trái với những quan niệm từ trước tới nay là phải có lạm phát thì kinh tế mới tăng trưởng. Đây là điểm rất sáng và khác biệt của nền kinh tế nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng cao này phần lớn dựa trên cơ sở tăng trưởng tích cực của nền sản xuất, thể hiện qua công nghiệp khai khoáng, chế biến chế tạo và thương mại dịch vụ phát triển, không phụ thuộc vào vốn đầu tư, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP so với 6 tháng đầu năm giai đoạn vừa rồi ở mức rất thấp. Điều này cho thấy, nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh và phản ánh hiệu quả đầu tư toàn xã hội. 

Chính sách tiền tệ và tài khóa có phải là động lực để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng tốt, theo ông?

Có thể nói, chính sách tiền tệ và tài khóa cũng là điểm sáng của nền kinh tế năm nay. Tổng phương tiện thanh toán và tín dụng 6 tháng đều tăng tích cực, trong khi lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức thấp, cho thấy sự phối hợp chính sách trong điều hành kinh tế, nhất là về chính sách tiền tệ là động lực rất tốt cho tăng trưởng.

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù khối lượng sản phẩm tăng trưởng cao, nhưng thanh khoản vẫn tốt, chứng tỏ chính sách tiền tệ đảm bảo tăng trưởng lưu thông hàng hóa, không phải in thêm tiền để bù lượng hàng sản xuất ra. Bên cạnh đó, tổng tiền gửi khách hàng vào các tổ chức tín dụng không cao, do người dân có nhiều kênh đầu tư khác để có lợi nhuận. Điều này thể hiện sự phục hồi và tốt lên của nền kinh tế với nhiều cơ hội để đầu tư kinh doanh, thay vì gửi ngân hàng. 

Lạm phát năm nay được đánh giá là thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Phải chăng, CPI thấp do tổng cầu suy giảm và là tín hiệu khởi đầu giai đoạn giảm phát của nền kinh tế?

Các phân tích dựa trên số liệu thống kê cho thấy, xét về góc độ sử dụng GDP, chỉ số tiêu dùng cuối cùng tăng 8,7%, tích lũy tăng.

Ở tổng mức bán lẻ, 6 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2014, tăng 8,3% nếu xét thuần về lượng, còn tính cả yếu tố giá nữa thì là 9%. Các chỉ số riêng rẽ độc lập cho thấy một bức tranh rất tin cậy và sáng sủa về nền kinh tế 6 tháng đầu năm.

Cùng với đó, kết quả điều tra vừa công bố mới đây của Ngân hàng ANZ cho thấy, chưa bao giờ chỉ số niềm tin người tiêu dùng lại cao ở mức như hiện nay, tăng 2,9 điểm phần trăm, đạt mức cao kỷ lục 143 điểm. Điều này phản ánh bức tranh kinh tế, đặc biệt về tổng cầu và tiêu dùng rất tốt.

Kết quả này của ANZ hoàn toàn trùng hợp với số liệu thống kê phân tích về bán lẻ và tiêu dùng cuối cùng của chúng tôi. Như vậy, có thể khẳng định, không phải lạm phát thấp do tổng cầu thấp và càng không phải thể hiện chu kỳ suy giảm của nền kinh tế. 

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất nông nghiệp chậm lại, trong khi nhập siêu quay trở lại. Liệu đây có phải là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong nửa năm còn lại, thưa ông?

Chúng tôi dự báo, năm nay sẽ là một năm đầy khó khăn đối với lĩnh vực nông nghiệp và thủy hải sản. Bên cạnh đó, nhập siêu quay trở lại và chiếm tới 4,8% kim ngạch xuất khẩu, nghĩa là đã gần tiệm cận tới mức 5% mà Quốc hội cho phép.

Trong cuộc họp của 4 bộ về điều hành kinh tế 6 tháng, tình trạng này được các bộ trưởng đánh giá là dấu hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế, nếu không có giải pháp điều hành hợp lý để khắc phục. Đây cũng là những khó khăn lớn mà nền kinh tế phải đối mặt trong nửa cuối năm 2015. 

Trên nền tảng kinh tế vĩ mô đan xen giữa yếu tố tích cực và khó khăn như vậy, ông  dự báo thế nào về tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng còn lại?

Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm nay. Lĩnh vực nông nghiệp, nếu không có giải pháp tốt, sẽ còn nhiều khó khăn về đầu ra, chưa kể đến ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp khai khoáng dự báo sẽ khó có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, do kế hoạch khai thác trong nước cả năm là 14,74 triệu tấn, trong khi 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác đã đạt 8,38 triệu tấn. Nếu thực hiện đúng kế hoạch thì 6 tháng cuối năm, sản lượng khai thác sẽ giảm, tăng trưởng khu vực công nghiệp khai khoáng sẽ rất thấp.

Để duy trì đà tăng trưởng cao của nền kinh tế, các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ kinh doanh phải duy trì đà phát triển cao như 6 tháng đầu năm thì mới bù đắp được 2 yếu tố suy giảm trên.

Chúng tôi có đưa ra 3 kịch bản kinh tế dựa trên phân tích các yếu tố khó khăn này, trong đó 2 kịch bản hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm, đòi hỏi có sự điều hành tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự linh hoạt chủ động trong chính sách của các bộ, ngành.

Tin bài liên quan