Nhiều tên tuổi công nghệ Mỹ di cư sang châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Ngày càng nhiều nhà đầu tư công nghệ có tiếng của Mỹ dịch chuyển đến châu Âu để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu Mỹ Sequoia đã mở rộng hoạt động sang London vào năm ngoái. Ảnh: AFP

Quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu Mỹ Sequoia đã mở rộng hoạt động sang London vào năm ngoái. Ảnh: AFP

Vốn Mỹ đổ vào châu Âu tăng 18 lần

Xu hướng này có chiều hướng gia tăng sau khi một số công ty công nghệ châu Âu được định giá ở mức cao chót vót trong đại dịch Covid-19. Tiêu biểu, nền tảng tổ chức hội nghị trực tuyến Hopin đã được định giá tới 7,75 tỷ USD chỉ trong vòng hai năm sau khi thành lập, còn Công ty dịch vụ thanh toán "mua trước trả sau" Klarna được định giá tới 46 tỷ USD, tương đương giá trị của một số hãng xe ô tô lớn trên thế giới.

Các quỹ đầu tư công nghệ của Mỹ đang tuyển nhân viên sang châu Âu làm việc, đồng thời tận dụng luôn những lao động ở "lục địa già" khi họ đến đầu tư vào Spotify hay sắp tới là ASML, một công ty sản xuất bán dẫn Hà Lan có vốn hóa thị trường nhảy cóc lên mức 331 tỷ USD giữa "cơn khát" chip toàn cầu kéo dài.

Nhà đầu tư kỳ cựu Alex Ferrara, đối tác cấp cao tại Bessemer Venture Partners - Quỹ đầu tư mạo hiểm hậu thuẫn các nền tảng trực tuyến như LinkedIn và Pinterest - đã xác nhận với đài CNBC rằng ông đã chuyển từ New York đến London làm việc vào tháng 9 vừa qua.

"Mười năm trước, hầu hết các nhà sáng lập doanh nghiệp châu Âu nhận thấy cần phải sớm chuyển đến Mỹ để thành công", ông Ferrara nói. "Nhưng điều này đã thay đổi và ngày nay họ đang xây dựng những công ty tuyệt vời ở khắp mọi nơi trên thế giới và duy trì hoạt động ngay tại châu lục này".

"Tôi nghĩ đó là điều bình thường mới và chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều các "decacorns" (siêu kỳ lân được định giá từ 10 tỷ USD trở lên) xuất hiện trên khắp châu Âu", ông Ferrara nhận định.

Tháng trước, Quỹ đầu tư mạo hiểm Lightspeed Ventures ở Thung lũng Silicon, đơn vị đã đầu tư vào Snap và Epic Games, đã tuyển hai nhà đầu tư kỳ cựu là Paul Murphy và Ross Mason để triển khai việc mở rộng hoạt động của quỹ này sang châu Âu.

Ông Paul Murphy là một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào nền tảng tổ chức hội nghị trực tuyến Hopin tại London, trong khi ông Ross Mason là nhà đồng sáng lập Công ty phần mềm MuleSoft (Mỹ) đã được Salesforce mua lại vào tháng 3/2018 với giá 6,5 tỷ USD.

Tại London, Lightspeed Ventures cũng đã chiêu mộ Adrian Radu, người từng là đối tác của Ngân hàng đầu tư Qatalyst Partners, theo LinkedIn. Bộ ba Adrian Radu - Paul Murphy - Ross Mason sẽ cùng với ông Rytis Vitkauskas, một đối tác khác của Lightspeed Ventures tại London để triển khai mở rộng tìm kiếm đầu tư.

Trong một diễn biến khác, General Catalyst, quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ rót vốn vào hai nền tảng trực tuyến Airbnb và Stripe, đã tuyển ông Chris Bischoff ở London làm Giám đốc điều hành hồi tháng 5, theo LinkedIn.

Số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm tại châu Âu mà có sự tham gia của nhà đầu tư Mỹ đã tăng từ 359 vào năm 2011 lên 1.434 giao dịch vào năm 2021, theo dữ liệu từ Pitchbook được công bố giữa tuần này.

Năm 2011, các giao dịch đầu tư mạo hiểm ở châu Âu mà có sự tham gia của nhà đầu tư Mỹ có tổng trị giá khoảng 2,7 tỷ EUR (tương đương 3,1 tỷ USD) và con số này đã tăng gấp 18 lần lên 50,8 tỷ EUR vào năm 2021.

Châu Âu vẫn thiếu vắng "ông lớn" công nghệ

Mặc dù châu Âu vẫn thiếu những "gã khổng lồ" như Apple hay Amazon, nhưng đây là thị trường xuất hiện ngày càng nhiều công ty công nghệ trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD. Một số chuyên gia cho rằng việc châu Âu có thể tạo ra những công ty công nghệ có quy mô tương tự như những "gã khổng lồ" ở Mỹ và châu Á chỉ là vấn đề thời gian.

Nhà đầu tư cá nhân Hussein Kanji tại London cho biết đã có nhận định chung rằng châu Âu từ một khu vực suy kiệt về công nghệ, đã nổi lên như một sân chơi toàn cầu thực sự của các công ty đa ngành, đơn cử như Spotify, Klarna, Revolut, và Darktrace.

"Điều tuyệt vời cho hệ sinh thái là có đến 3/4 công ty thành công tại thị trường châu Âu đều đã huy động vốn từ các quỹ đầu tư của Mỹ", ông Hussein Kanji lưu ý.

"Điều này sẽ khiến bạn nghĩ rằng lĩnh vực công nghệ châu Âu sẽ bị thống trị bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ, giống như cách ngân hàng đầu tư toàn cầu đã làm và Khu tài chính London (City of London) sẽ bị chi phối phần lớn bởi các công ty Mỹ", ông Hussein Kanji nói.

Sequoia, quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng thế giới, đã thông báo mở rộng hoạt động tại London vào năm ngoái, đồng thời đối tác kỳ cựu của quỹ này, ông Matt Miller, cũng đã chuyển từ San Francisco để đầu quân tại London.

Sequoia từng hỗ trợ Apple và Google trong những ngày đầu hoạt động. Quỹ này hiện có văn phòng tại quận Marylebone, London với 4 đối tác và một giám đốc.

Sequoia mới hỗ trợ đầu tư được hơn 10 công ty ở châu Âu kể từ khi mở văn phòng tại London, nhưng tổng đầu tư của quỹ này tại "lục địa già" là rất cao bởi họ đã đầu tư vào khu vực này từ hơn một thập niên trước. Sequoia chính là đối tác hậu thuẫn nhà sản xuất chip AI Graphcore tại thành phố Bristol (Anh) và Công ty công nghệ tài chính Klarna tại thành phố Stockholm (Thụy Điển).

Tương tự, Quỹ đầu cơ New York Coatue Management cũng đã xác nhận trong tháng này rằng họ đang lên kế hoạch thành lập văn phòng ở châu Âu. Chủ tịch Coatue Ventures, ông Dan Rose cho biết văn phòng châu Âu của họ sẽ được mở trong tương lai gần nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể của văn phòng.

"Chúng tôi tin rằng châu Âu đang nổi lên như một trung tâm đổi mới sáng tạo quan trọng ở cả khu vực công và tư nhân, bằng chứng là sự gia tăng hoạt động đầu tư mạo hiểm trên khắp lục địa này", ông Dan Rose nêu.

Tuy vậy, không phải mọi nhà đầu tư công nghệ Mỹ đều đổ xô thuê tìm hướng đi tại châu Âu. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư Andreessen Horowitz vẫn chưa có bất kỳ nhà đầu tư nào ở châu Âu. "Họ đã thực hiện 5 thương vụ ở Vương quốc Anh và châu Âu trong 12 tháng qua với số vốn kha khá, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng [mở rộng hoạt động ở châu Âu]", nguồn tin của CNBC cho biết.

Sự do dự của Andreessen Horowitz có thể là do vẫn còn rất nhiều cơ hội ở Mỹ hoặc có thể là do mọi thứ không phải lúc nào cũng đúng kế hoạch mở rộng đầu tư sang châu Âu.

Trước đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm Google (GV) đã khởi động mảng đầu tư chuyên dụng ở châu Âu vào năm 2015 cùng với 5 đối tác tại London. Thế nhưng, mọi thứ đã không theo kế hoạch và Quỹ đầu tư mạo hiểm Google đã loại bỏ sau khi Công ty mẹ ở California đã từ chối rất nhiều ý tưởng đầu tư mà các đối tác ở London đưa ra.

Sau đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm Google vẫn tiếp tục đầu tư vào châu Âu nhưng giờ đây họ sử dụng nguồn quỹ toàn cầu thay vì quỹ chuyên dụng ở châu Âu, đồng thời thu hẹp lượng đối tác ở London từ 5 xuống còn 2.

Tin bài liên quan