Khi có thêm “tay chơi” mới, thị trường bất động sản được bổ sung thêm cả về số lượng thành viên lẫn sản phẩm. Ảnh: Dũng Minh.

Khi có thêm “tay chơi” mới, thị trường bất động sản được bổ sung thêm cả về số lượng thành viên lẫn sản phẩm. Ảnh: Dũng Minh.

Nhiều “tay chơi” trở lại với bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn phát triển mới là lúc các “tay chơi” trở lại cũng như đón chào những nhân tố mới.

Mới mà cũ!

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) nhận được sự quan tâm từ thị trường với kế hoạch tái cấu trúc mô hình hoạt động.

Bên cạnh định hướng lại mảng sản xuất - kinh doanh truyền thống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen Lê Phước Vũ đã hé lộ kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng, nội thất Hoa Sen Home và tái nhập “đường đua” bất động sản với dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái của Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái - một thành viên của Tập đoàn.

Dự án này được triển khai từ năm 2016 trên khu đất diện tích 1,5 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 1.200 tỷ đồng, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, Hoa Sen đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án tiềm năng tại Đồng Nai nhằm đón đầu làn sóng phát triển khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động và theo lãnh đạo Hoa Sen, quy mô dự án sẽ lên tới 600-700 ha.

Thực tế, Hoa Sen đã lấn sân sang bất động sản từ lâu nhưng gặp nhiều trắc trở và đến nay vẫn chưa ghi được dấu ấn rõ ràng.

Năm 2009, với định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 4 dự án tại TP.HCM là khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông, khu căn hộ Hoa Sen Phước Long B, khu căn hộ Hoa Sen Riverview đều ở quận 9, khu văn phòng trụ sở Hoa Sen Group ở quận 2 và cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm, Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh mới này để tập trung cho lĩnh vực cốt lõi là thép.

Một “ông lớn” ngành thép khác cũng quay trở lại với bất động sản là Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG).

Theo đó, bên cạnh xúc tiến dự án sản xuất các sản phẩm thép đặc biệt phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2025, Hòa Phát sẽ triển khai siêu dự án Khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 5 thuộc Khu đô thị Phố Nối (Hưng Yên) với quy mô hơn 300 ha do công ty con Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát làm chủ đầu tư.

Tại thời điểm 31/12/2024, Hòa Phát đã đầu tư gần 1.330 tỷ đồng vào dự án này, gồm 707 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng đã được Nhà nước xác nhận và 303 tỷ đồng đang chờ xác nhận; 619 tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng.

Cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc thu hồi quyết định giao đất dự án của UBND tỉnh Hưng Yên để rà soát hồ sơ pháp lý và thực hiện đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng Hòa Phát chưa nhận được công văn chính thức của cơ quan này.

Nhiều nguồn thông tin cho hay, chủ đầu tư đang làm việc với tỉnh Hưng Yên để hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm triển khai trở lại dự án ngay trong năm nay.

Một công ty con khác của Hòa Phát là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Hòa Phát Yên Mỹ cũng mới phát đi thông tin sẽ làm 9.000 căn nhà ở xã hội phục vụ cho người lao động tại Khu công nghiệp Yên Mỹ II và một số khu công nghiệp lân cận tại Hưng Yên. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 11,7 ha với tổng diện tích sàn xây dựng gần 580.000 m2.

Câu chuyện lấn sân sang lĩnh vực bất động sản không phải là mới trên thị trường, bởi thực tế là khi đã đủ lớn mạnh trong lĩnh vực của mình, nhiều doanh nghiệp có xu hưởng chuyển sang bất động sản.

Những thay đổi về thể chế, chính sách sẽ mang đến cơ hội mới cho thị trường bất động sản và các doanh nghiệp đều muốn tận dụng cơ hội này, chứ không riêng doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài nhà ở xã hội, dự án này còn có 250 căn nhà liền kề được xây dựng trên phần đất ở thương mại rộng hơn 2,3 ha, phần đất còn lại được chủ đầu tư bố trí các công trình thương mại dịch vụ, nhà văn hóa, y tế, trường học, bãi đỗ xe...

Cũng tại Hưng Yên, việc ra mắt dự án Majestic City (huyện Mỹ Hào) với quy mô 768 lô đất cùng khối cao tầng với 740 căn hộ chung cư và 280 căn nhà ở xã hội đã đánh dấu sự lấn sân sang bất động sản của Công ty cổ phần Yên Sơn - một doanh nghiệp chuyên về nội thất .

Dự án Khu đô thị Yên Sơn Mỹ Hào (tên đăng ký của dự án Majestic City) được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2012, nhưng do vướng mắc thủ tục pháp lý và nghĩa vụ tài chính nên tới nay mới chính thức được triển khai. Công ty Yên Sơn đã ký kết hợp tác với SGO Homes - một đơn vị phân phối lớn tại miền Bắc, với vai trò nhà phát triển chính của dự án.

Trước đó, trong tháng 2/2025, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư - Xây dựng Bách Giang - DCI (một thành viên của Tây Giang Group là tập đoàn hoạt động đầu tư đa ngành, với lĩnh vực cốt lõi là khai thác khoáng sản) đã khởi công Khu đô thị phía Đông tại xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Dự án có diện tích quy hoạch gần 50 ha, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 18.300 cư dân. Trong đó, diện tích dành cho đất ở hơn 17 ha, đất cho nhà ở xã hội khoảng 15.000 m2...

Cuối tuần trước, Công ty cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng - FPT City (thành viên Tập đoàn FPT, mã FPT) tổ chức lễ khởi công Tòa nhà chung cư FPT Plaza 4 với tổng mức đầu tư 2.790 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2022-2023, FPT đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 tòa nhà chung cư FPT Plaza 1 và 2 với gần 1.300 căn hộ.

Thực tế, việc “ông lớn” công nghệ FPT lấn sân sang bất động sản không phải chuyện mới, nhưng đã mở rộng mảng kinh doanh này trong vài năm trở lại đây.

Trong kế hoạch kinh doanh từng công bố, FPT có đề xuất với tỉnh Khánh Hòa triển khai 3 dự án lớn quy mô khoảng 860 ha, gồm quần thể du lịch nghỉ dưỡng dành cho chuyên gia quốc tế tại Khu Hồ Na - Mũi Đôi diện tích 360 ha; Trung tâm Đào tạo chuyển đổi số và đô thị dịch vụ khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang, Bắc Vân Phong diện tích 350 ha; Khu đô thị công nghệ - giáo dục FPT diện tích 150 ha.

Tương tự với Công ty TNHH Bất động sản REE (REE Land), một thành viên của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã REE) - là 1 trong 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, năm 2025 cũng đặt kỳ vọng lớn với mảng bất động sản.

Trong năm nay, REE Land đặt mục tiêu hoàn thành bán hàng các sản phẩm thấp tầng còn lại tại Khu dân cư The Light Square (Thái Bình) và tìm kiếm khách hàng cho các lô đất thương mại.

Ngoài ra, REE Land sẽ tiếp tục tìm kiếm khách thuê cho tòa văn phòng New City (TP. Thủ Đức, TP.HCM), đồng thời mở rộng quỹ đất nhỏ để phát triển các tòa văn phòng mới.

Ban lãnh đạo REE Land nhận định, thị trường bất động sản sẽ phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn 2023-2024. Các phân khúc tiềm năng bao gồm nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp và văn phòng cho thuê tại các đô thị lớn.

Thêm người, “chợ” thêm vui

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang bước vào một giai đoạn mới đặt ra yêu cầu chuyên nghiệp hóa toàn diện cho mọi thành phần tham gia.

Nhìn vào lịch sử thị trường có thể thấy, mỗi một giai đoạn sẽ có một yếu tố đặc thù nhất định, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích nghi, đáp ứng được yêu cầu mới để phát triển.

Trong bối cảnh đó, những nhân tố mới với tầm nhìn, nguồn lực và hướng đi mới hứa hẹn sẽ đưa thị trường bất động sản vào giai đoạn phát triển mới, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở, nghỉ dưỡng… của người dân cả nước cũng như du khách nước ngoài.

Đặc biệt, các dự án lớn được triển khai tại nhiều địa phương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, giải quyết nhu cầu lao động tại địa phương. Điều này mang lại cơ hội cho cả doanh nghiệp trong và ngoài ngành bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Soho Vietnam, đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án cho rằng, câu chuyện lấn sân sang lĩnh vực bất động sản không phải là mới trên thị trường, bởi thực tế là khi đã đủ lớn mạnh trong lĩnh vực của mình, nhiều doanh nghiệp có xu hưởng chuyển sang bất động sản.

Những thay đổi về thể chế, chính sách sẽ mang đến cơ hội mới cho thị trường bất động sản và các doanh nghiệp đều muốn tận dụng cơ hội này, chứ không riêng doanh nghiệp trong ngành.

“Khi có thêm doanh nghiệp ngoài ngành tham gia, thị trường địa ốc sẽ được bổ sung thêm cả về số lượng thành viên lẫn sản phẩm. Dẫu vậy, theo quy luật, ở nơi nào hấp dẫn thì nơi đó cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt và sự đào thải sẽ diễn ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu không có chiến lược bài bản”, ông Cần nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm rằng, lĩnh vực bất động sản vốn có tính chu kỳ cao, nếu dự án triển khai thành công, kịp ra hàng vào đúng giai đoạn thăng hoa của thị trường… thì có thể giúp chủ đầu tư thắng lớn và ngược lại, nếu gặp đúng giai đoạn thị trường đi xuống, thanh khoản đóng băng… thì rủi ro chôn vốn cũng không hề nhỏ.

Tin bài liên quan